Minh họa: Internet
Trước khi quen biết và giao du với cô bạn là một shopaholic - một người nghiện mua sắm thứ thiệt, tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ về việc mua sắm một cách nghiêm chỉnh. Nhưng đi với bạn nhiều, tôi cũng vỡ lẽ ra được đôi điều về văn hóa mua bán.
Hồi ở Việt Nam, tôi thích đi mua sắm một mình để đỡ mất thời gian, cần gì thì cứ thế cắm cúi mà mua cho xong việc. Mua sắm đa phần là việc cần làm chứ chẳng phải là niềm vui thích gì, đấy là chưa kể đến nỗi nơm nớp lo sợ ra chợ bị ăn mắng, vào cửa hàng bị ăn nguýt (thế mới có chuyện đi mua sắm cũng phải căn giờ sao cho đừng phải làm người mở hàng!).
Cô bạn tôi quan niệm việc mua sắm hoàn toàn khác. Đối với cô, mua sắm là một thú vui lành mạnh, vì nó “
thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu” (như lời cô nói đùa mỗi lần tôi phàn nàn cô mua sắm quá tay). Có lẽ cũng vì quan niệm như thế nên cô có những nguyên tắc rất rõ ràng khi đi mua sắm.
Một lần, tôi cùng cô bước vào một cửa tiệm thời trang quen thuộc (mà hầu như tuần nào cô cũng ghé). Như thường lệ, chúng tôi xem váy vóc, áo quần, trang sức và cô bạn tôi lựa được mấy món cô ưng ý. Dù không khuyến khích bạn mua sắm quá tay, nhưng hôm đó tôi đã nhiệt liệt ca ngợi chiếc đầm mà cô chọn, vì nó quả thực rất đẹp, hợp mốt và hợp với dáng người cô.
Bình thường, chỉ cần tôi gật gù chứ không chau mày, nhăn trán là cô bạn đã quyết mua hàng rất lẹ, nhưng hôm đó, tôi kinh ngạc thấy cô quả quyết bỏ lại tất cả đám váy áo đã mất công lựa chọn, mặc vào cởi ra soi ngắm trước gương. Lúc bước ra khỏi cửa tiệm, không đợi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên bằng một tràng câu hỏi đã thủ sẵn trong đầu, cô nghiêm nghị bảo: “
Từ giờ, mình sẽ không bao giờ mua đồ ở cửa tiệm đó nữa.
Nếu lỡ hôm nào mình quên, bạn nhớ nhắc mình nhé! Cô nhân viên bán hàng mới ở đó rất kênh kiệu, không niềm nở chào đón khách, cũng không giúp đỡ khách và tỏ thái độ coi thường. Đây là lần thứ hai mình chứng kiến cô ta cư xử như thế và mình không đời nào giúp cô ta kiếm thêm tiền với cái kiểu thái độ như vậy, dù đúng như bạn nói, chiếc đầm đó rất đẹp và mình rất thích nó”.
À, hóa ra là thế! Cô bạn tôi không muốn mua chiếc váy và những món đồ cô đã lựa được hôm ấy không phải vì không thích chúng mà vì không thích thái độ lạnh lùng của cô bán hàng. Dù thích chiếc váy vô cùng, cô cũng nhất quyết không mua vì không muốn cô nhân viên bán hàng kia kiếm được bất kỳ một xu lợi nhuận nào từ những đồng tiền cô bỏ ra.
Tôi đã không đoán ra được lý do chỉ vì tôi ít khi chú ý đến những việc mà tôi cho là tiểu tiết nhưng với cô lại là điều căn cốt. Trong khi tôi quan niệm mua bán cho được việc thì tôi chỉ chăm chăm nghĩ về món hàng định mua mà dễ dàng bỏ qua mọi tiểu tiết khác thì cô bạn tôi lại quan niệm mua sắm là thú vui, thế nên, việc cô được tận hưởng niềm vui ấy là quan trọng nhất.
Vì thế, với cô, hàng hóa không phải là điều cốt lõi trong một cuộc mua bán mà thái độ của người bán hàng mới là điều quan trọng nhất. Sự tương tác, giao lưu với người bán hàng sẽ đem đến cho người mua cảm hứng mua sắm, thậm chí là những thông cảm, áy náy rất con người trong trường hợp ra về tay không.
Đó là lý do vì sao tôi thấy cô bạn tôi rất thích trao đổi, nói chuyện với những người bán hàng về niềm đam mê thời trang, về kinh nghiệm mua sắm và đủ thứ khác trên đời. Có một đôi lần, cô bước ra khỏi cửa hàng không mua món đồ nào và tỏ ra ái ngại vì người bán hàng đã quá nhiệt tình. Cô bảo tôi lần sau nhất định sẽ quay lại mua cái gì đó, chỉ vì cô thích người bán hàng.
Ở Mỹ, khi bước vào một cửa tiệm, thông thường, các nhân viên sẽ cười rất tươi chào bạn và sẽ có một người chăm sóc bạn đến nơi đến chốn. Họ đến, tự giới thiệu tên, giới thiệu những món đồ đặc sắc và giá cả đặc biệt (nếu có) rồi đề nghị nếu cần giúp đỡ gì thì cứ gọi họ. Họ sẽ để mắt đến bạn thường xuyên, để cầm giúp những món đồ bạn đã chọn, để tư vấn kịp thời nếu thấy bạn tỏ ra lúng túng…
Các nhân viên khác khi tình cờ đi ngang qua bạn, lúc nào cũng hỏi thăm xem mọi việc có ổn không? Khi bạn trả tiền, câu hỏi đầu môi của người thu ngân luôn là: hôm nay có ai giúp đỡ bạn không? Đó là cơ hội để người mua bày tỏ sự cảm ơn hoặc không hài lòng với các nhân viên bán hàng, để cửa tiệm căn cứ đánh giá lao động của nhân viên.
Đó cũng là một điều kiện khiến người mua sẽ nhớ đến tên người bán hàng đã giúp đỡ mình và dễ dàng nhận ra họ khi quay lại. Trên hết, đó là một cách để tạo ra những kết giao thân thiện đầy tính người - cái gốc cội cho mọi cuộc bán mua được bền chặt, lâu dài.
Ở Mỹ, đi chợ cũng là đi chơi. Không chỉ những phiên chợ nông dân cuối tuần mà ngay cả những chợ hoa quả, nông sản hàng ngày đều mang một không khí thư giãn, vui vẻ. Ở đó, người bán hàng dù tất bật sắp xếp hàng hóa vẫn không quên niềm nở chào hỏi, mời tôi nếm thử vài loại hoa quả mới nhập hoặc nựng nịu bọn trẻ con rồi dúi vào tay chúng mấy chiếc bánh nhỏ khi thấy chúng tỏ ra thiếu hợp tác với mẹ giữa chốn đông người.
Đồi bí đỏ ở chợ Monterey vào tháng 10 hàng năm
Vào tháng 10, chợ Monterey gần nhà tôi được trang trí đẹp đẽ với rất nhiều bù nhìn rơm, các bó hoa khô rồi còn dành hẳn một góc để tạo thành một quả đồi bí đỏ chủ yếu cho bọn trẻ con đến leo trèo, nghịch ngợm và giúp bố mẹ chọn bí đỏ cho lễ Halloween. Không khí hội hè bắt đầu từ chợ… Nó khiến tôi chạnh nhớ đến những phiên chợ ở nhà quê và ngậm ngùi nghĩ đến những cái chợ xô bồ, sặc sụa mùi tiền nơi phố thị.
Ngẫm lại, tôi mới thấy cái văn hóa chợ búa đô thị của Việt Nam đã “vật hoá” con người đến mức người ta chỉ chăm chắm vào những món hàng mà sẵn sàng bỏ qua những chuyện rất con người: ví dụ như chuyện cái tên và vài câu thăm hỏi.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một nghịch lí rất tức cười khi đi mua sắm ở Việt Nam. Cứ hễ lúc nào tôi chủ tâm ăn bận thật đơn giản để đi mua sắm cho dễ (để tiện cởi ra mặc vào) thì y như rằng, tôi thường xuyên bị các cô bán hàng ra ngấm vào nguýt rất khinh khi, chắc vì họ thấy tôi ăn mặc tuềnh toàng thì nghĩ rằng tôi chắc chỉ ghé vào khu mua sắm để hưởng xái tí điều hòa cho mát chứ tiền đâu mà đòi mua.
Lần khác, tôi có hẹn với bạn ở quán café ngay trong khu shopping, nhân đến sớm, tôi dạo bước lòng vòng giết thời gian và kinh ngạc thấy các cô bán hàng ai nấy mặt tươi như hoa đón chào, dù mấy hôm trước tôi vừa bị họ cho ăn nguýt. Rồi tôi chợt nghĩ ra, vì hôm đó tôi ăn mặc sành điệu khác hẳn cái con bé quần soóc dép tông xuề xoà họ thấy hôm nọ.
Tiếc cho các cô, hôm đó tôi không hề có ý định mua bán gì, thế là nụ cười chào hàng của các cô đâm ra ế ẩm. Giá mà các cô đã dành những nụ cười ấy cho cái con bé mặc quần soóc, đi dép tông hôm nọ, giá mà các cô trong khi tâm tâm niệm niệm học thuộc lòng câu “khách hàng là Thượng đế” thì cũng không quên mất rằng, Thượng đế rất thích vi hành trong bộ dạng bình dân.