“CÔNG TRÁI ĐỊNH CƯ” CỦA HUNGARY BỊ CHỈ TRÍCH

Thứ bảy - 31/01/2015 12:12

Từ một năm rưỡi nay, như cách gọi của dư luận, chính quyền Hungary đã cho khởi động chương trình “bán giấy tờ” cư trú cho người ngoại quốc - đa phần là người Hoa - thông qua cái gọi là “công trái định cư” và đây là đề tài được công luận nước này rất quan tâm.


Dân biểu Rogán Antal, người đề xuất và điều hành Chương trình “công trái định cư” - Ảnh: szarvas (index.hu)


Tuy nhiên, mới đây, truyền thông nước này đã phanh phui ra rằng, nhà nước Hung hầu như không có lợi gì trong “thương vụ” này, thậm chí có thể thua thiệt, mà một khoản tiền đáng kể thì lại vào túi một số công ty có nguồn gốc không rõ ràng, có nhiều khả năng là những “tập đoàn lợi ích”.

Sáng kiến “công trái định cư”

Vào cuối năm 2012, công luận Hungary dậy sóng sau một bài viết đăng trên nhật báo lớn nhất của nước này, tờ “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), theo đó, đảng cầm quyền FIDESZ muốn trao quyền công dân cho các thương gia người Hoa với giá 250 ngàn Euro trở lên. Mục đích của “thương vụ” này được tờ báo giả định rằng, qua đó, chính quyền Hungary muốn thu hút nguồn vốn từ việc “bán quốc tịch” để thay thế khoản tín dụng mà nước Hung đã chờ đợi bấy lâu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Để trả lời những cáo buộc trầm trọng ấy, lập tức, nhóm dân biểu đề xướng “sáng kiến” trên - đứng đầu là ông Rogán Antal, trưởng nhóm dân biểu FIDESZ trong Quốc hội Hungary - đã phải phân bua rằng, nội dung dự luật mà họ đưa ra không đề cập tới chuyện quốc tịch. Đơn thuần, họ chỉ muốn giới thương gia thực sự có ý định đầu tư lâu dài tại Hungary phải được xét thủ tục xin giấy phép cư trú một cách ưu tiên, đặc biệt là những người chịu mua “công trái định cư” do họ đề xướng.

Loại “công trái định cư” mà người mua nó được hưởng ưu đãi về cư trú là một dạng trái phiếu chính phủ có thời hạn 5 năm, trị giá 250 ngàn Euro (từ đầu năm 2015 đã tăng lên 300 ngàn Euro). Người sở hữu nó được coi là chứng tỏ được khả năng tài chính và sự gắn bó với nước Hung, cũng như, có thể đặt giả thiết rằng trong thời gian cư trú tại Hung sẽ tạo dựng được những cơ hội làm việc cho dân bản địa. Nhóm dân biểu đề xuất cho rằng, có thể làm giảm khoản nợ công với nguồn doanh thu này.

Chương trình “công trái định cư” được đưa ra nhằm chủ yếu vào các thương gia người Hoa và nhóm đề xướng cũng không giấu giếm điều này. Trưởng nhóm, ông Rogán Antal đồng thời là Chủ tịch Phân ban Hữu nghị với Trung Quốc của Quốc hội Hungary - cho hay rằng trong các cuộc gặp mặt, giao lưu với người Hoa, ông thường nhận được lời phàn nàn rằng thủ tục xin chiếu khán và nhập cảnh, cư trú tại Hung quá khó khăn và mất thời gian, do bộ máy hành chính quan liêu.

Đồng thời, nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng lưu ý ông rằng, nhiều quốc gia như Thụy Sĩ, một số nước thành viên Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã có chính sách đảm bảo sự cư trú một cách ưu tiên cho các thương gia, trong trường hợp họ tỏ ý đầu tư nghiêm túc. Do đó, dân biểu Rogán Antal cùng hai nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền FIDESZ đã đưa ra đề xuất sửa đổi Đạo luật về nhập cảnh và cư trú đối với các công dân quốc gia thứ ba nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giới thương gia nước ngoài.

Trong thực tế, “thương vụ” nói trên tỏ ra có sức thuyết phục. Cho đến cuối năm 2014, Hungary đã bán được 2.213 “công trái định cư”, đa phần cho người Hoa, nhưng theo thống kê người Nga, Việt Nam và Ả Rập cũng mua. Chủ nhân của loại công trái này lập tức được nhận thẻ cư trú, và sau nửa thăm thì được thẻ định cư không chỉ cho phép họ thường trú tại Hungary mà còn tạo điều kiện để họ có thể đi lại và cư trú tự do tại các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu trong vòng 90 ngày.

Là một quốc gia mà thủ tục cấp phép nhập cảnh và cư trú đối với người nước ngoài hết sức khó khăn và phiền nhiễu, với “sáng kiến” trên, những người có khả năng tài chính nhưng khó đặt chân vào lãnh thổ EU đã nhận được cơ hội tốt để kinh doanh ở Châu Âu, và điều này đặc biệt đáp ứng được nhu cầu của giới đầu tư Trung Quốc và Nga. Chỉ duy nhất có một điều kiện, là họ không gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia, và không mắc những chứng bệnh gây nguy hiểm cho cộng đồng như cúm gà, v.v...

“Lợi bất cập hại”

Ngay từ đầu, truyền thông và công luận Hungary đã đặt nhiều dấu hỏi vào Chương trình “công trái định cư” nói trên, nhất là khi được biết nó được đưa ra không thông qua một nghiên cứu khả thi nào. Bên cạnh đó, thương gia từ các quốc gia thứ ba như vậy quá dễ để vào được Châu Âu: họ chỉ cần mua trái phiếu chính phủ, mà không cần phải chứng tỏ có những kế hoạch đầu tư đòi hỏi có số vốn lưu động, đảm bảo trách nhiệm và sự gắn kết dài hạn với đất nước, như nhiều quốc gia khác đòi hỏi.

Để trả lời, chính quyền Hungary chỉ nói ngắn gọn là họ đã khởi thảo Chương trình “công trái định cư” dựa trên “những ví dụ quốc tế và những kinh nghiệm”, và trong hoàn cảnh khủng hoảng hiện tại, Hungary cũng phải coi trọng những khoản tiền đến từ các nhà đầu tư nhỏ, nên không buộc các thương gia phải chỉ ra được những dự định “dài hơi” hơn. Tuy nhiên, có một điều mà nhóm chủ trương không công bố ngay từ đầu, và tới giờ báo chí Hungary mới tập trung mổ xẻ, ấy là, nước Hung không có lợi gì trong chương trình này!

Bởi lẽ, người ngoại quốc muốn nhập cư EU bằng “công trái định cư”, thì họ không thể mua trực tiếp từ nhà nước Hungary, mà phải thông qua một trong 7 hãng môi giới - mỗi một vùng trên bản đồ thế giới được chia cho một hãng để tránh tình trạng cạnh tranh. Thêm vào đó, hãng môi giới chỉ phải mua “công trái định cư” của nhà nước Hung với giá 220 ngàn Euro thay vì 250 ngàn, và sau 5 năm, nhà nước Hung phải trả cho người mua thông qua hãng môi giới 250 ngàn, nghĩa là đã có 29 ngàn Euro nằm lại ở túi của hãng môi giới.

Bản thân điều này, theo phân tích của báo chí, đã là rất kỳ lạ nếu một nước muốn đạt được mức doanh thu tối ưu trông một “thương vụ”. Chưa kể, các hãng môi giới còn đòi thêm từ thân chủ những khoản phí khác, dao động từ 45 ngàn tới 70 ngàn Euro. Nghĩa là, với mỗi thân chủ, hãng môi giới đã bỏ túi tối thiểu 74 ngàn Euro mà hầu như không phải làm gì, trong khi nhà nước Hung thì phải vay một khoản tín dụng với lãi suất tính ra là 2,5% trong thời hạn 5 năm, tức là cao hơn lãi suất hiện tại 2% mà nước này có thể vay ở bất cứ đâu.

Ngoài ra, suy tính về việc những thương gia tham gia Chương trình “công trái định cư” sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động Hung cũng là vô cơ sở, bởi lẽ có một ước tính cho thấy chỉ chưa đầy 5% nghĩ rằng sẽ ở lại Hungary để kinh doanh. Trong khi đó, gánh nặng về mặt hành chính - giấy tờ, thu thập dữ liệu, kiểm tra an ninh quốc gia... - vẫn do bộ máy nhà nước của Hung thực hiện, các hãng môi giới không cần phải làm bất cứ việc gì ngoài việc giới thiệu chương trình và “mồi chài” các thân chủ.
 
Mạng tin lớn của Hungary index.hu đã đặt câu hỏi cho đảng cầm quyền FIDESZ, rằng tại sao lại để các hãng môi giới kiếm được quá nhiều tiền, trong khi nước Hung thì không có lợi gì. Câu trả lời của FIDESZ là “kinh nghiệm quốc tế cho thấy tất cả các nước đều giao việc này cho các hãng môi giới”, và “thù lao các hãng này do thị trường quyết định chứ nhà nước Hung không thể gây tác động gì”. Không bằng lòng với câu trả lời đó, báo chí Hung đã đi sâu tìm hiểu về “nội tình” và xuất xứ của các doanh nghiệp này.

“Nghi án” về các nhóm lợi ích

Trong số bảy hãng môi giới, chỉ có một hãng là đặt trụ sở ở Hungary, các công ty còn lại đều là cảnh ngoại (offshore) và đều mang tính chất “hãng ma”, tức là không thể biết được chủ nhân thực sự của chúng, cũng như, không ai biết họ kinh doanh hoặc sử dụng doanh thu như thế nào. Riêng công ty ở Hung thì có chủ đầu tư là người Bulgaria, chỉ có một nhân công và doanh thu năm 2013 là hoàn toàn không có. Sự lựa chọn những hãng này đều nằm trong tay ông Rogán Antal, trưởng nhóm đề xướng “công trái định cư”.

Là một yếu nhân của đảng cầm quyền FIDESZ, đứng đầu nhóm nghị sĩ của đảng này trong Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Rogán Antal có toàn quyền trong Chương trình “công trái định cư”. Các hãng môi giới đã được lựa chọn không thông qua đấu thầu công khai, mà chỉ dựa vào ý kiến của ông Rogan rồi được Ủy ban Kinh tế do ông đứng đầu phê chuẩn trên danh nghĩa. Khi được hỏi về các chủ hãng, ông Rogán chỉ cho hay đó là những người ông quen biết, “nghiêm túc”, “có tiểu sử rạng rỡ”, “cứ yên tâm”, v.v...

Theo điều tra của báo chí Hungary, đa phần những nhân vật có liên quan trong các hãng môi giới đều có mối quan hệ hoặc là với ông Rogán Antal, hoặc với chính phủ Hung trong những thương vụ làm ăn với phía Trung Quốc. Có lẽ đó là lý do khiến các hãng môi giới đã dễ dàng nhận được một công việc béo bở từ chính quyền Hung, cho dù không ai kiểm tra sự hoạt động của họ. Cho dù đảng cầm quyền FIDESZ nói rằng cho đến nay EU vẫn chưa có ý kiến gì về “sáng kiến” của Hungary, nhưng có thể thấy, cách làm như tại Hung chưa hề có ở Liên hiệp Châu Âu!

Rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ đã được báo chí Hungary đặt ra cho chính quyền trong vụ này, mà chưa có lời hồi đáp. Mọi chất vấn đều xoay quanh nghi án về một “nhóm lợi ích”, khi một chương trình do chính phủ đề xướng lại không mang lại bất cứ lợi lộc gì cho đất nước - thậm chí có thể còn khiến Hungary bị thiệt thòi về mặt tài chính - trong khi nó dễ dàng khiến một số doanh nghiệp có xuất xứ mù mờ làm giàu nhanh chóng. Như nhận xét của một tờ báo Hung, nước Hung đã “bỏ tiền cho những bữa tối hết sức đắt đỏ một cách khó hiểu, và vô nghĩa”!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn