KHẨU CHIẾN CÔNG KHAI ĐỨC - HUNGARY VỀ UKRAINE VÀ NHÂN QUYỀN

Thứ bảy - 07/02/2015 19:22

“Những yếu tố đặc trưng cho dân chủ Phương Tây ngày nay đã thiếu vắng ở Hungary, và có thể tìm thấy sự tương đồng ở nước Nga, nơi Tổng thống Putin tạo dựng một hệ thống cho phép tước quyền của phe đối lập, bịt miệng báo chí và lừa đảo trong các cuộc bầu cử”.


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hungary Orbán Viktor - Ảnh: Huszti István (index.hu)


Ngày thứ Hai tuần qua, chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy tám tiếng, bà Angela Merkel đã thực hiện chương trình công du Hungary được báo chí Hung đánh giá là “dày đặc với nhiều nội dung”.

Đặc biệt, chuyến thăm của bà - và vài tuần nữa là chuyến công du của Tổng thống Nga Vladmir Putin - tại Hungary được thế giới đặc biệt để ý, là vì những năm gần đây chính phủ cánh hữu nước này đã tìm cách “leo dây” giữa hai khối quyền lực Nga và Phương Tây để đạt được lợi ích như họ mong muốn.

Đồng thời, sự hiện diện của Thủ tướng Đức tại Budapest còn làm dấy nên những bất đồng giữa Hungary và EU trong các hồ sơ nhân quyền, khi liên mình cầm quyền nước này - dựa vào ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội - trong nhiều năm nay đã thường xuyên đưa ra những quyết định bị coi là phi dân chủ, hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí, trù dập các tổ chức dân sư độc lập, v.v...

Những bất đồng quan điểm ấy đã được thể hiện rõ rệt trong cuộc họp báo chung giữa hai vị thủ tướng vào chiều hôm thứ Hai.

Thái độ với cuộc chiến Ukraine của Hungary bị chỉ trích

Hiếm khi các vị lãnh đạo lại bày tỏ những bất đồng một cách công khai đến thế trong cuộc họp báo chung sau khi đôi bên đã tiến hành đàm phán mà kết quả tới giờ vẫn chưa được công bố cụ thể.

Ngay sau khi chào hỏi và cám ơn theo đúng thông lệ ngoại giao, Thủ tướng Angela Merkel nhận định rằng Hungary và Đức có mối quan hệ hữu nghị, nhưng bà đưa ra ngay một thông điệp cho thấy phía Đức không bằng lòng với sự thất thường trong đường lối của chính quyền Hung. Bởi lẽ, theo bà, nền kinh tế Đức khi đầu tư ở bất cứ đâu cũng rất cần sự tin tưởng, và khi đó đầu tư của Đức mới có thể “chung thủy” được với một thị trường.

Niềm tin đó, dường như đã không có đối với phía Đức trong các vấn đề mà đôi bên đã trao đổi, nhất là trong vấn đề quan trọng nhất: xung đột quân sự Ukraine - Nga. Đây được coi là vấn đề xác định một cách cơ bản đường lối chính sách của Liên hiệp Châu Âu đối với nước Nga.

Như đã biết, một năm qua, Hungary luôn thể hiện sự “nước đôi” và dè dặt, nhiều khi đi ngược lại quan điểm chung của EU trong vấn đề Ukraine qua một số biểu hiện khá rõ rệt. Đảng cực hữu JOBBIK của Hung bày tỏ sự ủng hộ Nga và gửi các “quan sát viên” sang tham dự cái gọi là “trưng cầu dân ý” ở bán đảo Crimea.

Chính quyền Hung nhiều lần phát biểu không đồng tình với chính sách cấm vận và trừng phạt Nga của Phương Tây, Hungary sau thời gian đầu bán khí đốt cho Ukraine thì đột ngột ngừng bán sau chuyến công du Budapest của người đứng đầu tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, viện cớ phải giữ khí đốt cho nhu cầu trong nước, v.v...

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Hung Orbán Viktor cho rằng tình trạng của Ukraine là “quan trọng đặc biệt” với Hungary vì không chỉ là một nước láng giềng, mà còn vì tại Ukraine có một cộng đồng Hung kiều đông đảo, và khí đốt được chuyển từ Nga qua Hung cũng theo con đường này. Do đó, Hung đứng về phía hòa bình và chỉ có thể chấp nhận giải pháp theo hướng hòa bình.

Cạnh đó, Thủ tướng Hung còn nói thêm, không chỉ Hungary mà các quốc gia Châu Âu khác cũng rất phụ thuộc vào khí đốt Nga, do đó theo ông tất cả đều có lợi ích là phải kiến tạo được một mối quan hệ tốt và không thất thường, và Hungary cũng nằm trong số đó.

Để đáp trả, bà Angela Merkel nói rằng người Đức cũng muốn đình chiến tại Ukraine và nước này có một trạng thái ổn định, nhưng bảo toàn được sự toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, bà cho hay Đức nhập 30% khí đốt từ Nga, nghĩa là còn phụ thuộc năng lượng vào Moscow hơn Hungary, và đối với các nước Châu Âu khác thì năng lượng Nga vẫn mang tính sống còn.



Tuy nhiên, khi đề cập tới những trừng phạt mà Phương Tây nhằm vào Nga do hành vi xâm lược Ukraine, Thủ tướng Đức lưu ý người đồng nhiệm Hungary rằng không thể chấp nhận việc Budapest có quan điểm riêng. Điều cần làm là giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách nối hệ thống dẫn ga ở Châu Âu và mở ra hướng Azerbajian.

Sau phần phát biểu của bà Merkel, điều bất ngờ là ông Orbán lại “cướp lời” và giải thích rất dài dòng “để các ký giải ngoại quốc cũng hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình” (như lời ông). Trong năm nay, hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Hungary và Nga hết hạn, đây là một trong những vấn đề lớn nhất của Hungary năm 2015 và như thế, tình trạng kinh tế Hungary cần được đánh giá nghiêm túc với mối liên quan tới Nga.

Như thế, dù không nói ra lời, nhưng báo chí Hungary cho rằng ông Orbán vẫn tiếp tục theo đuổi con đường riêng trong hồ sơ Ukraine!

Hồ sơ nhân quyền tại Hungary tiếp tục bị mổ xẻ

Cho dù ông Orbán không nói ra trong cuộc họp báo, nhưng người đồng nhiệm của ông - Thủ tướng Đức - đã không ngần ngại khi cho công luận và truyền thông biết rằng, hai người đã trao đổi về những vấn đề dân chủ mà Hungary trong nhiều năm nay vẫn bị quốc tế coi là có nhiều vi phạm.

Tôi có nhắc tới rằng, Chính phủ Hungary đang ở vị thế đa số, và trong một thể chế dân chủ vai trò của phe đối lập, của xã hội dân sự và giới truyền thông là hết sức quan trọng” - bà Angela Merkel phát biểu và cho hay, bà sẽ chọn thời điểm thích hợp để gặp gỡ các đại diện của xã hội dân sự tại Hungary.

Có thể thấy ông Orbán Viktor lộ rõ vẻ bất ngờ khi nghe tuyên bố này.

Mặc dù đã chứa chất nhiều bất ngờ, nhưng phần gây ngạc nhiên và có thể gọi là khó xử nhất của cuộc họp báo lại diễn ra ở những phút cuối, khi một ký giả Đức đặt câu hỏi cho ông Orbán rằng, cái gọi là “nền dân chủ phi tự do” mà Thủ tướng Hung đưa ra vào năm ngoái có phù hợp với hệ giá trị của liên minh các đảng cánh hữu theo xu hướng Dân chủ Thiên Chúa giáo ở Châu Âu - mà đảng cầm quyền FIDESZ ở Hungary cũng là một thành viên - hay không.

Như đã biết, “dân chủ phi tự do” là một chủ thuyết mà ông Orbán đưa ra từ mùa hè năm ngoái, và tại mọi diễn đàn trong và ngoài nước ông đều lên tiếng ủng hộ mô hình một nhà nước như vậy. Ông thường dẫn ra những ví dụ về “các hệ thống phi phương Tây, phi tự do, phi dân chủ tự do, và có thể thậm chí cả phi dân chủ” nhưng thành công, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Đức, Thủ tướng Angela Merkel nhắc lại, bà đã trao đổi với người đồng nhiệm Hung về những đặc thù của nền dân chủ, nhưng như bà nói, “còn phải cần làm sâu sắc hơn cuộc nói chuyện đó”. Đối với bà, những cội rễ của nền dân chủ luôn phải tự do, và tự do cũng là một trong ba cội rễ của đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo mà bà giữ cương vị chủ tịch.

Kết thúc phát biểu, bà Merkel khẳng định: “Nói thật là cá nhân tôi không biết phải làm sao khi nói tới một nền dân chủ mà lại có từ “phi tự do”!”.

Ngay sau đấy, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor lại diễn thuyết tràng giang đại hải về quan điểm của ông, theo đó “không phải mọi nền dân chủ cứ phải mang tính tự do”, và ai đòi hỏi dân chủ phải tự do tức là người ấy “đòi đặc quyền đặc lợi cho một hệ tư tưởng mà chúng tôi không thể chấp nhận cho họ”.

Báo chí Hungary bình luận, có thể nhận thấy sự kinh ngạc trên gương mặt bà Merkel và có lẽ cả bà, cả người đồng nhiệm Orbán Viktor đều không cảm thấy tiếc rẻ khi cuộc họp báo chấm dứt ở điểm đó.

Thất bại của Thủ tướng Hungary

Ông Orbán Viktor đã tính sai khi nghĩ rằng thủ tướng Đức trong chuyến công du Budapest sẽ đưa ra quan điểm chấp thuận những chính sách phi dân chủ mà nội các Hungary đã đưa ra trong những năm qua - đó là cách nhìn nhận của phe đối lập và truyền thông Hung.

Ông Kuncze Gábor, một nhân sĩ nổi tiếng, từng giữ cương vị Chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ Tự do (SZDESZ) cho rằng trong một nền dân chủ tự do, bản thân từ “tự do” là chỉ việc thực thi các quyền tự do, chứ không ám chỉ chủ nghĩa tự do. Do đó, một nền dân chủ hoặc là dân chủ, hoặc là phi dân chủ, chứ không có thứ “dân chủ phi tự do”.

Theo ông Kuncze, Thủ tướng Hungary muốn biến một quan niệm cá nhân thành quan niệm chung của nước Hung, và dựa trên đa số trong Quốc hội, đã thiết lập một nền dân chủ của đa số đó theo nghĩa, đa số đó muốn làm gì tùy thích, không ai ngăn cản nổi.


Thủ tướng Đức không hưởng ứng nhiều quan điểm của Chính phủ Hungary - Ảnh: index.hu

Vị chính khách này nhấn mạnh: những yếu tố đặc trưng cho dân chủ Phương Tây ngày nay đã thiếu vắng ở Hungary, và có thể tìm thấy sự tương đồng ở nước Nga, nơi Tổng thống Putin tạo dựng một hệ thống cho phép tước quyền của phe đối lập, bịt miệng báo chí và lừa đảo trong các cuộc bầu cử.

Trong khung cảnh chính trị rối bời như hiện tại ở Hungary, mặc dù phe đối lập rất tản mát và yếu ớt, vẫn có nhiều tổ chức dân sự và cá nhân hướng tới hệ giá trị Châu Âu. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức, một cuộc tuần hành được dự định (và đã được cấp phép) ngay trước tòa nhà Quốc hội Hungary để kêu gọi sự trở về với Châu Âu cũng đã bị cấm vào phút cuối.

Dù sao đi nữa, chuyến công du Hungary của bà Angela Merkel có mục đích biểu thị sự thống nhất của Châu Âu như ông Kuncze nhận xét, và ông cho rằng, nó cũng có kết quả, chẳng hạn rốt cục nước Hung cũng tuyên bố được rằng quốc gia này ủng hộ trừng phạt Nga, và “có lẽ Hungary không phải là cá biệt” ở Châu Âu trong vấn đề đoàn kết và đồng lòng.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn