ÁDER JÁNOS SẼ KHÔNG SANG DỰ DIỄU HÀNH Ở NGA

Thứ hai - 27/04/2015 10:09

(NCTG) Tổng thống Hungary không nhận lời mời của điện Kremlin và sẽ không đến dự lễ diễu hành kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 ở Moscow, thay vào đó, Đại sứ Hungary tại Liên bang Nga sẽ đại diện cho nước Hung, theo tin của Hãng Thông tấn Hungary MTI.

Tổng thống Áder János

Tổng thống Áder János

Theo các nguồn tin báo chí, chắc hẳn quyết định này của Tổng thống Hungary đã được bàn bạc và thống nhất với nội các của ông Orbán Viktor, một trong số ít các chính khách được coi như hết sức thân thiện với Liên bang Nga và Tổng thống Putin. 

Với chủ trương “mở ra Phương Đông” trong ngoại giao và kinh tế, và nỗ lực liên kết với Nga trong một số vấn đề - trong đó có “thương vụ thế kỷ” mở rộng Nhà máy điện nguyên tử Paks bằng nguồn tín dụng và công nghệ của đối tác Nga - đã khiến các đồng minh Phương Tây của Budapest phải tức giận. 

Đặc biệt, thái độ mềm mỏng của Hungary trong vấn đề Ukraine nhiều khi đã mang dáng vẻ đi ngược lại quan điểm chung của Châu Âu. Vì vậy, sự vắng mặt của ông Áder János trong lễ diễu hành sắp tới có thể coi như một hành động mang tính đoàn kết với các đồng minh Châu Âu. 

Trang mạng index.hu cho hay: trong những tuần qua tờ báo này đã nhiều lần đặt câu hỏi cho Văn phòng Tổng thống Cộng hòa rằng ông Áder János có sang Nga hay không, nhưng họ luôn nhận được câu trả lời chung chung “chúng tôi thông báo rằng vẫn chưa có quyết định trong vụ này”. 

Như đã biết, nhiều vị tổng thống và thủ tướng các quốc gia trên thế giới đã khước từ lời mời tham dự lễ diễu hành mừng Ngày Chiến thắng tổ chức thường niên tại Moscow, vì vai trò then chốt của điện Kremlin trong việc “sáp nhập” bán đảo Crimea của Ukraine, cũng như trong cuộc chiến ở miền Đông nước này. 

Tổng thống các nước Mỹ, Pháp, Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan, Israel, Lithuania, Latvia và Estonia, thủ tướng các quốc gia Anh, Đức, Nhật, v.v... đã tuyên bố vắng mặt trong dịp này. Tính đến nay, mới chỉ có tổng cộng 25 nguyên thủ quốc gia xác nhận sẽ đến Moscow vào ngày 9-5 tới. 

Trong số đó, có thể nhận ra những nước được coi là có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Nga, hoặc bi quan với EU, hoặc có một số lợi ích nhất định trong mối quan hệ với Nga - như Cộng hòa Czech, Serbia, Hy Lạp, Slovakia, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Bắc Hàn. 

Trần Lê


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn