Mạng Hvg.hu cho biết thêm: trong Quân đội và Cơ quan Phòng chống Thảm họa cũng tìm thấy những chứng chỉ giả, và ngay Tòa án Budapest cũng có dính líu tới bê bối này.
Tổng cộng, 117 bị cáo đã bị ra tòa - theo cáo trạng của Viện Công tố, những người này đã bán chứng chỉ ngoại ngữ một cách có tổ chức. Những cảnh sát bị sa thải không những mất việc, mà còn phải trả lại khoản tiền mà họ được nhận một cách bất hợp pháp ở nơi làm việc do có bằng ngoại ngữ.
Vụ việc bị phát giác và ầm ĩ trên báo chí Hungary từ đầu tháng 9 năm ngoái, khi truyền thông nước này cho hay, một tổ chức tội phạm đã hoạt động trong mười năm liền, chuyên mua chuộc, hối lộ những người có liên quan để có bằng ngoại ngữ giả, và rao bán chúng cho những ai có nhu cầu.
Cụ thể, với nhiều hình thức khác nhau như tự đi gạn hỏi, hoặc quảng cáo trên báo chí, tờ rơi, thành viên của băng đảng này đã tìm kiếm những ai cần chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Đức hoặc Anh, nhưng không đủ khả năng để thi, hoặc vì những lý do khác mà sẵn sàng trả tiền để “mua” bằng.
Tùy mức độ cao thấp (trung hoặc cao cấp) của chứng chỉ và khả năng chi trả của đối tượng muốn mua bằng, băng đảng trên đã đặt giá từ 100 ngàn Ft đến 900 ngàn Ft cho những chứng chỉ mà họ rao bán. Sau mười năm hoạt động, cảnh sát đã phát hiện và bắt đầu thanh toán băng đảng này vào tháng 3-2013.
Tại nhiều thành phố như Budapest, Vác, Veszprém, băng đảng nói trên đã “mua chuộc” và hối lộ các nhân viên làm việc ở các trung tâm thi ngoại ngữ, để có được những bài thi (viết) trước kỳ thi. Như thế, các đáp án đã được làm trước, và chuyển cho “thí sinh” qua điện thư (email), hoặc trực tiếp vào buổi sáng trước kỳ thi.
Còn trong kỳ thi vấn đáp, thì người hỏi thi chỉ đặt cho “thí sinh” những câu hỏi mà đôi bên đã thỏa thuận từ trước. Trung bình, hàng tháng có ba mươi “thí sinh” có được chứng chỉ ngoại ngữ bằng cách đó.
Trong vụ án được khởi tố vào mùa thu năm ngoái, có 110 cảnh sát, 27 nhân viên thuế quan, thuế vụ, 28 nhân viên công lực phục vụ trong các trại giam, nhà tù, 48 lính cứu hỏa, và bên cạnh đó, nhiều luật sư, giảng viên đại học, các vận động viên đỉnh cao, v.v... cũng nằm trong số các nghi can.
Về vụ án này, mạng Hvg.hu cho rằng những kẻ làm bằng giả sở dĩ bị phát giác vì “họ đã hoạt động quá lộ liễu: không chỉ quảng cáo “dịch vụ đặc biệt” này trên mạng Internet, mà còn dùng tờ rơi” để gạ gẫm những ai muốn có bằng ngoại ngữ một cách “nhanh chóng, rẻ và chắc chắn”.
Cảnh sát có được thông tin về băng đảng này khi phát hiện tờ rơi quảng cáo được phát ở khu vực ga Phía Đông (Keleti).