ỦY BAN CHÂU ÂU “LẮC ĐẦU” VỚI “CÔNG TRÌNH THẾ KỶ” PAKS 2

Thứ năm - 12/03/2015 12:43

(NCTG) Theo thông tin của tờ “Thời báo Kinh tế” (Financial Times) và được củng cố bởi một số nguồn tin khác, Liên hiệp Châu Âu đã cho ngừng dự án Paks 2 - hợp đồng mở rộng nhà máy điện nguyên tử tại TP. Paks (Hungary) trị giá 12 tỉ Euro, được thỏa thuận là sẽ do doanh nghiệp Nga thực hiện bằng nguồn tín dụng của chính phủ Nga.


Đại dự án Paks 2 là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quan hệ Hung - Nga - Ảnh: Balogh László (Reuters)


Khả năng là quyết định này của Ủy ban Châu Âu sẽ khiến căng thẳng giữa Moscow và Brussels càng gia tăng, và đặt Thủ tướng Hungary Orbán Viktor vào thế bất lợi, khi vị chính khách này vẫn tiếp tục tìm kiếm đồng minh với Nga bất chấp quan điểm chung của EU về đụng độ quân sự ở Ukraine, theo nhận xét của tờ báo.

Như NCTG đã đưa tin, cũng chính “Thời báo Kinh tế” cách đây ít hôm đã đưa nhận định, có thể Brussels sẽ phủ quyết hoặc đưa ra những khoản tiền phạt lớn khiến Paks 2 không được thực hiện. Đặc biệt, theo báo, Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu (Euratom) và Ủy ban Cạnh tranh Châu Âu có thể là hai cơ quan không cho phép dự án Paks 2 được tiến hành.

Cho dù Quốc vụ khanh phụ trách thông tin của chính phủ, ông Giró-Szász András kiên quyết phủ nhận nguồn tin của “Thời báo Kinh tế” và còn cho hay chính quyền Hungary đã liên hệ để yêu cầu tờ báo Anh phải đính chính, nhưng một chính khách thượng đỉnh khác của phe cầm quyền, ông Navracsics Tibor đã thừa nhận tin nói trên với báo mạng index.hu.

Trên cương vị Ủy viên phụ trách các vấn đề văn hóa, giáo dục, thanh niên và thể thao của Nghị viện Châu Âu, cùng 28 vị ủy viên khác, ông Navracsics Tibor đã có mặt trong một phiên họp của Brussels vào tuần trước, khi Ủy ban Châu Âu đưa ra quyết định bất lợi với liên minh Hungary - Nga, theo khẳng định của tờ “Thời báo Kinh tế”.

Thỏa thuận giữa Budapest và Moscow làm “sâu sắc thêm” mối quan hệ thương mại giữa Nga và vùng Trung Âu, và nhiều quan chức EU lo ngại rằng chính sách năng lượng của Moscow chia rẽ Châu Âu, phá vỡ sự đồng thuận trong khu vực trong vấn đề trừng phạt Nga do tình hình chiến sự tại vùng Đông - Ukraine, theo nhận xét của hai tác giả Andrew Byrne và Christian Oliver.

Hợp đồng mà chính quyền Hungary ký với tập đoàn Rosatom của Nga buộc nước Hung trong thực tế phải sử dụng nhiên liệu của Nga - thường là uranium - khi vận hành các lò phản ứng hạt nhân mới của nhà máy điện nguyên tử Paks, và sự “độc quyền” của doanh nghiệp Nga đã là điều bị Euratom đưa vào tầm ngắm khi xem xét có chấp thuận hay không Paks 2.

Những cuộc tranh luận đã diễn ra trong nhiều tuần lễ nay về các vấn đề kỹ thuật, tài chính và cung cấp nhiên liệu, và Euratom phải thông qua mọi hợp đồng cung cấp nhiên liệu thì Paks 2 mới có thể có hiệu lực. Tuy nhiên, theo “Thời báo Kinh tế”, Euratom đã “lắc đầu”, và Ủy ban Châu Âu cũng ủng hộ quyết định của tổ chức này, cho dù Hungary có đệ đơn khiếu nại.

Trước động thái này, Hungary có thể đề nghị Nga ký lại hợp đồng cung cấp nhiên liệu - chẳng hạn cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia quá trình này, tất nhiên phải được sự đồng ý của phía Nga - hoặc giả, Budapest cũng có thể... kiện lại Ủy ban Châu Âu. Trước mắt, báo Hung nhắc đến cái tên Westinghouse, một công ty Mỹ có thể cung cấp nhiên liệu cho Paks 2.

Có điều, công nghệ Nga mà Rosatom áp dụng tại Paks 2 đòi hỏi nhiên liệu “kiểu Nga” và đó là điều Westinghouse dù rất cố gắng trong mấy năm qua nhưng vẫn chưa đạt được để bảo đảm sự an toàn khi vận hành. Đó là lý do khiến Westinghouse đã từng là nhà cung cấp cho một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine, nhưng rồi nhiên liệu của hãng này đã bị cấm năm 2012.

Theo nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), nhiên liệu là lĩnh vực đáng kể của công trình Paks 2: cùng việc xử lý chất thải, chi phí cho nhiên liệu chiếm 20-25% tổng giá trị dự án! Bên cạnh đó, sự độc quyền về nhiên liệu cũng khiến những yếu tố rủi ro trong dự án gia tăng, đặc biệt là trong cảnh thiếu minh bạch khi toàn bộ hồ sơ Paks 2 bị “mật hóa” trong ba chục năm.

Ngoài ra, độc quyền nhiên liệu cũng là yếu tố mà cách đây ít tuần, trong một phát biểu với truyền thông, cựu Quốc vụ khanh phụ trách bảo vệ môi trường Hungary Illés Zoltán đã lên tiếng phê phán gay gắt. Theo vị chính khách, nếu đã mua công nghệ Nga thì cũng phải mua nhiên liệu Nga và “điều này sẽ khiến Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong những thập niên sắp tới”.

Trần Lê tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn