TÒA TỐI CAO LÙI BƯỚC, BUỘC CẢNH SÁT HUNG “LỘ DIỆN”

Thứ ba - 27/01/2015 22:46

(NCTG) Với một quyết định mới đây của Tòa án Tối cao Hungary, một nghị quyết mang tính bắt buộc trước đó của Tòa đã bị hủy bỏ, theo đó muốn đăng hình cảnh sát mà không che mặt thì phải được sự chấp thuận của đương sự.


Không còn cảnh “kỵ sĩ không đầu” - Ảnh: index.hu


Động thái này cho phép cảnh sát Hungary được “mở mày mở mặt”, và nước Hung thì tránh được sự so sánh với quốc gia độc đoán Azerbaijan, có lẽ là nước duy nhất ở Châu Âu buộc phải che mặt nhân viên công lực trên báo chí.

Cảnh sát không “lộ diện”, “vấn nạn” của nước Hung

Vấn đề đưa hình ảnh cảnh sát ra sao trên truyền thông Hungary bắt đầu được đưa ra từ năm 2006, khi những cuộc biểu tình chống chính phủ lên cao trên phạm vi cả nước và cảnh sát Hung đã có nhiều trường hợp bạo hành người dân một cách vô cớ, gây phẫn nộ trong công luận. Việc công bố những hình ảnh ở dạng có thể nhận diện những cảnh sát phạm luật đó trở nên cấp thiết đối với dư luận Hungary.

Những năm trước đây, theo Luật Dân sự Hungary, không cần sự chấp thuận của đương sự khi đăng tải ảnh của họ, nếu người đó được coi là “người của công chúng” - chẳng hạn, một chính trị gia, nhân sĩ, v.v... Khi đó, sự công bố hình ảnh của họ sẽ được nhìn nhận như quyền đương nhiên của báo chí, mà không vi phạm những quyền cá nhân của đương sự.

Tuy nhiên, bấy nay, thực tiễn xét xử tại các phiên tòa Hungary cho thấy, giới tư pháp Hung quan niệm rằng, cảnh sát cho dù là người thực thi quyền lực công, nhưng lại không phải “người của công chúng”. Rất nhiều trường hợp, báo chí đăng ảnh cảnh sát không che mặt hoặc ở dạng có thể xác định được nhân thân, và khi bị đương sự kiện cáo đã phải bồi thường những khoản tiền lớn.

Thậm chí, báo chí Hungary đã dùng cụm từ “kiện cáo để sinh kế” để ám chỉ những cảnh sát khởi kiện vì lý do kiếm tiền, và trong thực tế họ đã thắng kiện... liên miên trước giới truyền thông. Vì vậy, để tránh những rắc rối khi dính đến lao lý, đa phần các tòa soạn báo đều chủ trương làm mờ hoặc che mặt các thành viên cơ quan Cảnh sát khi đưa hình ảnh họ lên báo.

Cuối năm 2012, để các tòa án có được “định hướng” khi xét xử, Tòa án Tối cao Hungary đưa ra quyết định mang tính bắt buộc cho rằng nhân viên công lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại nơi công cộng không được coi là “người của công chúng”, nên khi công bố ảnh hoặc lời nói của họ phải được sự đồng ý của họ. Ngoại trừ trường hợp, căn cứ vào tấm ảnh và lời nói thì không thể xác định được họ là ai.

Nghị quyết ấy của Tòa án Tối cao còn được “luật hóa” theo hướng thắt chặt trong Đạo luật Dân sự mới của Hungary, có hiệu lực từ ngày 15-3-2014. Một điều khoản trong luật này quy định bản thân việc chụp ảnh hoặc ghi âm cũng phải được cho phép (chưa nói tới chuyện công bố), và điều này cũng ứng với việc quay phim chụp hình các nhân viên công lực trong khi họ thực thi nhiệm vụ.

Trong thực tế, điều này hầu như không bao giờ xảy ra, nên cảnh sát Hungary trên truyền hình và báo chí bao giờ cũng xuất hiện với gương mặt bị che, và đây là điều bị giới bảo vệ dân quyền cho rằng “không đâu có trên thế giới”. Báo Hung viết cay đắng: ngay tại những xứ bị coi là “lạc hậu” về mặt nhân quyền như Romania hay Nga... cảnh sát cũng được xuất hiện một cách “toàn vẹn” trên các cơ quan truyền thông!

Quyền cá nhân vs. minh bạch hóa hoạt động của cơ quan công lực

Có thể thấy ngay ở đây một mâu thuẫn rõ ràng, như các đại diện giới truyền thông và các tổ chức bảo vệ nhân quyền của Hungary nhấn mạnh. Cảnh sát và thành viên các cơ quan công lực khác thực hiện quyền lực công từ tiền thuế của người dân, cho nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở nơi công cộng, họ không còn mang tính chất “thường dân” và cá nhân nữa.

Thế nên, có thể theo quan niệm của cơ quan lập pháp, cảnh sát có không phải là “người của công chúng” đi nữa thì lẽ ra, khi nhân danh nhà nước thực thi công vụ, có quyền thi hành những biện pháp cưỡng chế (tức là có khả năng hạn chế quyền cá nhân cơ bản của người khác), thì không thể coi anh ta như một thường dân để có thể thụ hưởng những quyền cá nhân - trong đó có quyền được bảo vệ gương mặt và giọng nói.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền mang tên Hiệp hội vì các quyền Tự do (TASZ) cho rằng trên cương vị một người thực thi quyền lực công, gương mặt và giọng nói của cảnh sát phải được coi là những dữ liệu công ích và do đó, phải được công khai hóa. Như thế mới có thể giám sát sự hoạt động của nhà nước, giảm thiểu những hành vi làm càn, bạo hành, nhũng nhiễu dân, góp phần làm trong sạch bộ máy công lực.

Khi cảnh sát không phải đối mặt với sự công khai, khi họ có thể viện dẫn những quyền cá nhân của họ để lẩn tránh một quyền được coi có tầm quan trọng hơn nhiều của người dân và xã hội - quyền giám sát hoạt động và sự công khai của bộ máy hành pháp, bộ máy nhà nước. Do vậy, một blogger nổi tiếng của Hungary cho rằng, hiếm thấy có gì ngu xuẩn hơn việc Hung ra Đạo luật Dân sự hướng tới sự thắt chặt đó.

Không ngần ngại, khi được biết luật mới được thông qua, nhà “dân báo” nói trên còn lập luận rằng, luật mới đã giết chết ngạch ảnh báo chí, ảnh phóng sự vì trong thực tế, không thể tác nghiệp nếu trước khi bấm máy phải hỏi ý kiến nhân viên công lực, chìa cho họ xem tấm ảnh thế nào và nếu họ cảm thấy vừa ý, hài lòng và cho phép thì mới được đăng.


Tấm ảnh buộc phải gỡ của báo mạng index.hu - Ảnh: Barakonyi Szabolcs


Sau nhiều lần góp ý nhưng vô hiệu, đại diện các tổ chức dân sự và báo chí đã ủng hộ báo mạng index.hu đệ một đề xuất lên Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) nước này, đề nghị Tòa xem lại vấn đề này. Cũng như nhiều tờ báo khác, index.hu cũng đã bị kiện cáo rồi bị tòa xử thua, buộc phải tháo ảnh “lộ diện” cảnh sát, và phải bồi thường về tài chính cho các “nạn nhân”.

Cuối tháng 9-2014, Tòa Bảo hiến Hungary sau khi xem xét lại Đạo luật Dân sự, đã tuyên bố rằng việc báo chí đăng ảnh cảnh sát với đầy đủ diện mạo là không phạm luật. Như vậy, quyền tự do báo chí và lợi ích cộng đồng đã được đặt cao hơn các quyền cá nhân, và như truyền thông Hungary mừng rỡ đưa tin, tình trạng “kỹ sĩ không đầu” phải được chấm dứt!

*

Một điều thú vị: đề xuất của tờ index.hu do luật gia chuyên về đề tài truyền thông, bà Bodrogi Bea soạn thảo, cũng đã được đệ lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg và đang chờ sự phán xử của Tòa. Công luận Hungary rất chờ đợi phản ứng của Tòa án Tối cao nước này, xem cơ quan này sẽ làm gì với bản nghị quyết ra năm 2012, buộc tòa các cấp phải xử thắng cho cảnh sát, cho dù Tòa Bảo hiến đã “phán” ngược lại.

Rốt cục, Tòa án Tối cao đã phải dừng bước khi quyết định hủy bỏ nghị quyết của chính mình trước đây, mở đường cho việc báo chí có quyền đăng ảnh cảnh sát với toàn bộ diện mạo như trong thực tế mà không phải che, đậy, làm mờ... “Một chiến thắng quan trọng”, theo như đánh giá của luật gia Majtényi László chuyên về Luật Hiến pháp, đồng thời là một bước tiến của xã hội dân sự tại Hungary!

Nguyễn Hoàng Linh, theo index.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn