Minh họa: Internet
(Tặng anh Ch.)
Không có gì tuyệt hơn khi được bắt đầu những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết mới trên đồi cỏ lộng gió bên bến du thuyền Berkeley vào một ngày hè. Tôi thích đặt bút viết những dòng chữ mới trên trang giấy trắng tinh trong cái khoái cảm dịu dàng được mang đến bởi những ngọn cỏ úa vàng dưới cơn nắng chói cọ vào chân, những cơn gió ẩm ướt sung sức tạt ngang má mát lạnh.
Mùa hè Berkeley luôn quyến hoặc tôi bởi sự trộn lẫn độc đáo của cái nắng bỏng da và những cơn gió lạnh se thổi vào từ bờ Vịnh. Đó là lý do mà vào những mùa hè có ý định khởi thảo một cuốn sách mới, tôi luôn chọn đến ở Berkeley chừng ba tháng, chỉ để ra ngồi đồng ở cái công viên ngay bên cạnh bến du thuyền này và viết.
Dù đã có lý do hẳn hoi song mỗi lần quay lại Berkeley, tôi vẫn không khỏi băn khoăn và cố gắng tìm thêm lời biện giải nào khác cho việc trở đi trở lại đúng một địa danh của mọi sự khởi đầu viết lách quan trọng. Thực tình, đó là điều gần như không thể lý giải nổi với tôi - một gã đã quen sống lang bạt kỳ hồ suốt nửa đời người, luôn luôn tìm kiếm niềm vui và cảm hứng trong những hành trình ngẫu hứng chưa bao giờ kết thúc. Ngay cả thành phố Florence xinh đẹp quê hương tôi cũng không thể níu giữ đôi chân cuồng đi và trái tim khát mới của tôi.
Lần đầu tiên tôi đi xa là chuyến hành trình đến Mỹ từ hai mươi lăm năm trước với ý định tìm lại người cha chưa một lần biết mặt của tôi (hay nói đúng hơn là người tình thất lạc của mẹ tôi). Hơn bốn mươi năm trước, mẹ tôi - một cô tiểu thư con nhà quyền quý đi du lịch bằng tàu biển cùng cha mẹ đến thành phố San Francisco rồi nằng nặc đòi ở lại đây vì muốn được hòa vào đám đông hippie trẻ tuổi say sưa trong âm nhạc và những vũ điệu tự do ở quận Haight-Ashbury. Rồi bà hiến dâng tình yêu si mê đầu đời cho một gã hippie người Texas - xứ sở của những chàng cao bồi.
Khi biết mẹ tôi mang trong mình giọt máu cao bồi, gã đàn ông của bà đã dứt áo ra đi, không đợi mẹ tôi kịp tận hưởng ý nghĩ sung sướng về việc được làm mẹ và chút khoái cảm còn vương vất sau một đêm làm tình mệt nhoài với người yêu. Thế mà bà không hề hận cha tôi. Mỗi lần nhắc đến ông, bà luôn bảo rằng bà hiểu sự ra đi của ông và chấp nhận rằng, người đàn ông của bà tôn thờ tự do, hiến dâng đời mình cho tự do. Năm đó, mẹ tôi mười tám tuổi. Bà sinh tôi ra ở ngay giữa trung tâm của những người hippie và đặt tên tôi là Francisco.
Hai năm sau, ông bà nội tôi cương quyết kéo mẹ tôi về Ý để tiện chăm sóc tôi và để mẹ tôi quay trở lại trường học. Bà ở vậy nuôi tôi và vẫn luôn kể về người đàn ông tự do của bà cho tôi nghe vào những ngày mùa hè rực nắng - những ngày dễ gợi nhắc đến Summer of Love xa xưa trong tuổi trẻ của bà. Tôi nhớ dáng mẹ tôi ngồi bên hàng hiên, trong chiếc váy hoa thắt eo, mắt sáng bừng long lanh theo từng lời hát bà lẩm nhẩm suốt ngày, đến độ tôi đã thuộc lòng từ tuổi bé thơ:
For those who come to San Francisco
Summertime will be a love-in there
In the streets of San Francisco
Gentle people with flowers in their hair (*)
Năm mười tám tuổi, khi tôi ngỏ ý sang Mỹ tìm cha, mẹ tôi thảng thốt nhìn đứa con trai gầy gò nhưng có đôi mắt sáng và cái xương hàm vuông vắn hệt người đàn ông cao bồi của bà, rồi cười buồn nói với tôi: đã đến lúc rồi, con cứ đi đi. Cứ như thể bà đã biết trước rằng, đến một ngày, tôi sẽ rời xa bà và bắt đầu cuộc đời lang bạt. Bà đoán không sai, từ cái ôm tạm biệt với mẹ tôi năm mười tám tuổi, tôi đã bắt đầu những chuyến lang thang vô định của đời tôi. Và tôi bắt đầu viết.
*
Tôi thường chọn ngồi bên sườn đồi, hướng nhìn ra phía Vịnh San Francisco, xa xa là cây cầu Cổng Vàng ẩn hiện trong mây. Thay vì ngồi trong những quán café thơm tho, tiện nghi, tôi chọn ngồi viết ở công viên, trong nắng gió, trong tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim ríu rít và tiếng trẻ con nô đùa. Ở đó, tôi thấy tôi tự do và không bị ai làm phiền (dù là những sự làm phiền hết mực tử tế, ví như cậu bồi bàn hỏi tôi có cần thêm cà phê không?).
Thay vì viết bằng máy tính, tôi chọn lối viết lách cũ kỹ thô sơ bằng bút mực và giấy trắng. Sau nhiều năm lang thang, tôi nghiệm ra rằng, càng giản tiện, càng tự do. Với một cuốn sổ dày và vài ba cây bút, tôi có thể ngồi lì ở công viên từ sáng sớm đến chiều muộn mà không phải lo máy tính hết điện, không sợ lũ chim xấu chơi bay qua ị cho một bãi ngay giữa bàn phím.
Rõ ràng, với bút và giấy, tôi tự do hơn những người gõ bàn phím nhan nhản quanh tôi. Và cũng với bút và giấy, tôi được hưởng thụ đặc quyền quay trở lại với những ý nghĩ từng bị gạch xoá trong quá khứ. Không ít lần, tôi quay ngược lại những dòng chữ bị dập xoá thê thảm trong một cơn bí bức ngôn từ và cảm hứng nào đó để rồi bắt lại được mạch viết, nuôi dưỡng được một cành nhánh mới cho câu chuyện dang dở. Đấy là chưa kể đến cảm giác tuyệt diệu khi thấy những cảm xúc của mình được vật chất hoá tức thì qua cái miết chặt của những ngón tay vào cây bút.
Thường thì một khi đã bắt đầu, tôi ít khi ngưng viết cho đến khi tay mỏi nhừ vì tì miết quá mạnh. Viết suốt nửa đời người mà tôi vẫn không nhớ được một kinh nghiệm sơ đẳng rằng càng lên gân, tôi càng viết chậm và càng trở nên cuống quýt sợ hãi những ý nghĩ sẽ rời bỏ tôi trước khi tôi bắt kịp chúng. Thực tế là khi bắt đầu một cơn hứng khởi, tôi hầu như quên tiệt mọi bài học và kinh nghiệm. Tôi lại nguyên sơ như giấy, lại ngốc nghếch mắm môi mắm lợi dồn hết sức lực vào bàn tay phải để giải thoát nguồn cảm hứng đang cuồn cuộn trong lòng, quên béng rằng cứ lên gân như thế độ dăm phút là những ngón tay tôi trở nên tê cứng.
Trong một lần dừng viết bởi một cơn tê tay như thế, tôi ngước mắt nhìn lên và thấy nàng. Tôi chạm phải ánh mắt nàng và ngay lập tức, nàng nở một nụ cười đáp trả. Nàng có khuôn mặt trẻ thơ và nụ cười bừng sáng, giống hệt như nụ cười của cô bé con đi bên cạnh nàng. Hình như cô bé con tò mò chỉ trỏ người đàn ông ngồi viết một mình bên cái bàn bé xíu kỳ quặc khi họ bước ngang qua tôi và nàng đang cố lôi kéo cô con gái ngây ngô đi sang hướng khác. Nụ cười hàm ý thông cảm của nàng đáng yêu đến nỗi tôi cứ ngây ra nhìn cho đến khi hai mẹ con họ đi xa dần.
Những ngày sau đó, tôi bắt đầu để ý hơn đến xung quanh trong những lần dừng bút vì tê mỏi. Và hầu như ngày nào, tôi cũng thấy hai mẹ con nàng vào đầu giờ chiều. Chắc là họ vẫn thường đến đây nhưng tôi chưa bao giờ để ý. Nàng hay mặc những chiếc quần lụa thẫm màu có vẽ hoặc thêu hoa văn lạ mắt cùng những chiếc áo thun bó, để lộ cái eo thon nhỏ và vòng hông nở gợi cảm. Cô con gái chừng ba, bốn tuổi hay thắt bím tóc hai bên, trông lí lắc đáng yêu khi đi bên mẹ. Mẹ con nàng thường đi dạo dưới chân đồi và thi thoảng, cô con gái nghịch ngợm bất thình lình trèo ngược lên đồi để nàng mướt mải đuổi theo, cười váng động trong nắng chiều.
Ngồi ở sườn đồi mỗi ngày, tôi đã nhiều bận ngắm hai mẹ con họ say sưa đến buông rơi cả bút. Nhân một hôm nản lòng vì gạch xóa quá nhiều, tôi quyết định vứt bút giấy qua một bên, đứng dậy bắt chuyện với mẹ con nàng. Đang ngồi ăn vặt với con gái, nàng ngước nhìn tôi vẫn với nụ cười rạng rỡ như đã sẵn sàng cho cuộc làm quen này từ lâu lắm:
Chào anh! Anh không viết nữa à?
Tôi lắc đầu, than thở rằng
hôm nay là ngày quái quỷ gì mà tôi chỉ ngồi gạch xóa chứ không viết nổi chữ nào. Nàng cười an ủi:
gạch xóa cũng là việc cần làm mà. Không biết cách vào chuyện tự nhiên hay đôi mắt lúc nào cũng lấp loá nắng và đôi môi cong luôn chực sẵn nụ cười của nàng khiến tôi bị thu hút. Tôi say sưa tán chuyện trên trời dưới biển với nàng mất một lúc mới nhớ ra chưa hỏi tên.
- Xin lỗi, chị tên gì nhỉ?
- Liên. Còn anh?
- Lyann?
- Không, Liên, trong tiếng Việt nghĩa là hoa sen. Chắc là hơi khó cho anh nhỉ, anh cứ gọi tôi là Lyann cũng được. Cái tên cũng đâu quan trọng gì, phải không?
- Ừ, chị nói cũng phải, nhưng tôi sẽ nhớ tên chị nghĩa là hoa sen. Rất đẹp và rất hợp với chị!
Nàng lại cười, mái tóc đen nhánh xõa ngang lưng tuôn trong gió như một mảnh lụa mềm.
Sau buổi hôm đó, ngày nào tôi cũng tự cho phép mình dành riêng vài ba chục phút chuyện gẫu với Liên. Nàng lớn lên ở Sài Gòn, trong một gia đình nghèo đông con, cha mẹ gây gổ đánh lộn suốt ngày chỉ vì chuyện tiền bạc. Một lần giúp người quen đứng bán hàng lưu niệm trên đường Đồng Khởi vào dịp nghỉ hè, nàng tình cờ gặp một chàng trai người Mỹ vừa tốt nghiệp đại học sang Việt Nam du lịch. Anh chàng người Mỹ mê say cô gái Việt Nam nhỏ bé có nước da nâu giòn đến độ quyết cưới cô làm vợ chỉ sau vài tháng quen biết.
Nàng nhận lời cầu hôn chóng vánh của gã trai tóc vàng mắt xanh trong men say tình đầu choáng váng và nỗi khát khao được trốn chạy khỏi ngôi nhà xiêu vẹo bởi dấu ấn những cơn bạo hành của cha mẹ. Năm đó, Liên mười tám tuổi.
Anh ấy là người đàn ông đầu tiên và duy nhất của tôi. Một người đàn ông hoàn hảo. Liên kể về chồng với một vẻ biết ơn nhẫn nại. Chồng nàng làm nghề kiến trúc sư và rất có tài, theo như lời Liên kể.
Sau khi đưa cô vợ da vàng mũi tẹt tuổi mới lớn lơ ngơ sang Mỹ, chồng Liên giúp nàng học cao đẳng ngành Kinh tế mà nàng đã chọn bừa trong lúc chưa xác định được mình muốn gì. Tốt nghiệp rồi, Liên mới nhận ra là nàng không thích ngành này. Trong lúc phân vân về nghề nghiệp, nàng có bầu và lãnh nhận thiên chức làm mẹ tự nhiên, tạm quên đi việc phải tìm một công việc gì đó cho chính mình.
Gần chục năm ở Mỹ, thế giới của Liên hầu như chỉ gói gọn trong hai chữ gia đình. Nàng ở nhà chăm sóc con cái và làm một cô vợ ngoan, tận hưởng những yêu chiều của anh chồng giỏi giang nhưng bận rộn.
Nếu không gặp anh ấy, chắc giờ này tôi đang đứng bán hàng ở một tiệm tạp hóa nào đó ở Việt Nam, như mẹ tôi và các chị tôi. Liên ngậm ngùi nói, mắt nhìn bâng quơ về phía những gợn sóng lấp lóa dưới nắng ngoài vịnh. Rồi đột nhiên, nàng hất mớ tóc qua bên vai, ngoảnh sang nhìn tôi, cười:
Anh ấy là ông Bụt của đời tôi. Một ông Bụt yêu say đắm cô gái nghèo mà ông ấy đã giúp.
Tôi chăm chắm nhìn đôi môi cong vừa mấp máy nói vừa nhếch lên cười của nàng, toan thốt lên:
Dĩ nhiên là ông Bụt ấy phải yêu em rồi! Một người đẹp như em, không ai muốn bỏ qua, kể cả Bụt! Rồi tôi bị cái nhìn chiếu tướng của Liên làm cho bối rối, bèn nuốt vội ý nghĩ bằng một cái đằng hắng vu vơ.
- Vì sao anh chạy trốn? - một lần, Liên hỏi tôi khi nghe tôi kể chuyện tôi đã sang Mỹ như thế nào.
- Tôi đâu có chạy trốn? - tôi phản ứng. Tôi đã ra đi, bắt đầu từ một sự kiếm tìm đấy chứ!
- Nhưng anh đã không tìm thấy ông ấy, đúng không? Hoặc là anh chưa từng thực sự tìm kiếm? - Liên vẫn vặn vẹo.
Nàng thông minh đến mức nhiều lúc khiến tôi không kịp xử trí. Tôi ừ hữ trong cơn kinh ngạc ngấm ngầm về câu hỏi bén ngọt của nàng, rồi cố tình lái câu chuyện sang hướng khác:
Thực ra, bây giờ, tôi đi là để viết…
- Viết cũng là một cách trốn chạy đấy thôi, anh không nghĩ thế sao?
Lần này, tôi chọn cách im lặng. Tôi không muốn chấp nhận sự thật rằng tôi đang trốn chạy, dù trong thâm tâm, tôi biết nàng đã đúng. Tôi đi tìm cha ư? Không, tôi chỉ đang cố gắng trốn chạy khỏi những ý nghĩ về người cha mà mẹ tôi vẽ nên cho tôi. Tôi đi tìm kiếm cảm hứng ư? Không, tôi chỉ đang trốn chạy những điều cũ kỹ đang lan dần trong từng huyết mạch của tôi, trốn chạy những buông xuôi mỏi mệt của tâm hồn đang già nua đi không cách nào cứu vãn nổi mà thôi. Tôi đang đi tìm kiếm tự do ư? Không, tôi chỉ đang trốn chạy những ràng buộc đời thường bằng những chuyến đi vô định.
Những ý nghĩ sắc nhọn của nàng đâm tôi trọng thương. Làm sao một người đàn bà trẻ lại có thể hiểu tôi đến thế, chỉ qua những câu chuyện bâng quơ ở công viên sau vài tháng trời quen biết?
*
Ba tháng hè ở Berkeley đã trôi qua trong niềm kinh ngạc và hưng phấn tột độ của tôi, bởi tôi nhận ra tôi đã bồn chồn buông bút chờ Liên vào đầu giờ chiều hàng ngày. Những câu chuyện phiếm với nàng đẩy tôi đến những đỉnh cao hứng khởi và tôi đã viết say sưa dưới nắng chiều, sau mỗi mấy chục phút nghỉ giải lao nói chuyện với nàng. Dĩ nhiên, Liên không hề hay biết, nàng đã khiến cuốn sách của tôi có những trang viết trác tuyệt nhường nào, cũng như nàng không bao giờ biết tôi đã mơ thấy nàng hằng đêm ra sao.
Một hôm, vào những ngày cuối cùng còn lại ở Berkeley của tôi, nàng rụt rè đề nghị tôi được đọc vài trang bản thảo của cuốn tiểu thuyết tôi đang viết dở. Tôi cười, bảo rằng đó là việc chưa từng có trong tiền lệ, trong lòng nảy ra một nỗi ngờ vực: chẳng nhẽ, nàng thông minh đến độ đoán được rằng, trong cuốn tiểu thuyết mới của tôi có bóng dáng nàng chăng? Có thể lắm!
Như đoán ra ý tôi, nàng phân bua:
từ lâu, tôi chỉ muốn đọc một cái gì mới ráo mực và còn trong vòng bí mật. Tình cờ được đánh bạn với một nhà văn, tôi đã nghĩ biết đâu tôi có cơ hội thoả nguyện ước mong! Mà này, chúng ta là bạn, phải không? Tôi mỉm cười:
ừ, là bạn. Và tôi sẽ phá lệ cho chị đọc vài trang ngay tại đây, ngay bây giờ.
Nàng reo lên thích thú như một đứa trẻ, rồi trong khi tôi nói chuyện với cô con gái nhỏ của nàng, nàng chăm chú đọc. Thi thoảng liếc sang, tôi thấy sắc mặt nàng đổi thay lạ lùng. Cái vẻ hạnh phúc mãn nguyện tràn trề tôi vẫn thấy bỗng dưng biến mất, thay vào đó là một nỗi gì đau đáu, phảng phất chút buồn bã, tiếc nuối…
Hình như, tôi đã cho nàng đọc đúng những trang viết về sự đi. Khi Liên ngẩng mặt lên khỏi mấy trang giấy, tôi thoáng thấy một giọt nước mắt trên khóe mi nàng. Liên im lặng nhìn ra phía cây cầu Cổng Vàng rồi nói với tôi mà như thể đang nói với gió:
Rất đẹp! Rất thúc giục… Rồi nàng làm điệu bộ hất tóc qua vai quen thuộc trước khi quay sang tôi, nở nụ cười sáng rỡ quen thuộc, hỏi:
Ngày kia anh sẽ đi phải không, Francisco? Tôi gật, đầu vẫn u u nghĩ về giọt nước mắt của nàng.
Ngày hôm sau, tôi đến công viên ngồi nhưng không viết gì, dù giấy bút vẫn bày ra trước mặt. Tôi quá sốt ruột chờ đợi Liên nên không thể cầm nổi bút. Rồi nàng đến, đúng một rưỡi chiều như lệ thường, không sớm hơn, không trễ hơn một phút. Hôm đó, nàng mặc một chiếc váy lụa xanh thẫm màu lá cây dài chấm gót và một cái áo thun dài tay màu trắng. Màu váy áo của nàng làm tôi nghĩ đến những đóa sen trắng xanh tôi vẫn hay mơ thấy.
Nàng ùa đến chào tôi, rồi nói trong hơi thở gấp, vẻ hồi hộp:
Anh đây rồi, tôi chỉ tranh thủ chạy ra chào tạm biệt vì hôm nay tôi phải về sớm đưa con đi tiêm phòng. Không đợi tôi trả lời, nàng giúi vào tay tôi một cái hộp nhỏ, thắt nơ hồng:
Quà cho anh. Hãy đọc nhé! Đây là những gì tôi tự viết cho mình sau những đêm mộng mị triền miên. Cũng là những thứ bí mật chưa ai từng được đọc.
Tôi mấp máy nói cảm ơn và không cưỡng được ôm chầm lấy nàng. Khi cảm thấy thân thể mảnh mai của nàng trong vòng tay cũng là lúc một thứ cảm xúc mãnh liệt cuộn lên trong lồng ngực tôi và ý nghĩ phải quay lại Berkeley kéo đến trong đầu, tôi nói với Liên:
Tôi sẽ quay lại. Mùa hè chưa hết, vẫn chưa hết, phải không? Nàng thầm thì qua vai:
Phải rồi, còn mùa hè Ấn Độ nữa…
Tôi sẽ về Ý thăm mẹ tôi chừng một tháng, rồi tôi sẽ quay lại, tận hưởng nốt mùa hè rớt ở Berkeley. Chị sẽ vẫn đi công viên giờ này chứ? Tôi sẽ gặp lại chị phải không? Tôi nói nhanh, tránh nhìn vào mắt Liên vì sợ sẽ bị cái nhìn như chiếu tướng của nàng làm bối rối đến độ phải nuốt ngược những điều muốn nói vào trong. Làm ra vẻ không để ý lắm đến trạng thái xúc động khác thường của tôi, Liên nắm tay tôi, mím môi cười tạm biệt:
Chúc anh may mắn với cuốn sách mới.
Đi được mấy bước, nàng ngoái lại nhìn tôi rồi nói:
Tôi nghĩ, tôi cũng muốn làm một người viết như anh. Nụ cười rạng rỡ của nàng tan trong nắng chiều.
*
Tôi không ngờ rằng, đó là lần cuối cùng tôi gặp Liên. Nàng đã không đếm xỉa gì đến cái hẹn quay trở lại của tôi. Mà lẽ ra, tôi phải đoán ra điều đó chứ, lẽ ra tôi phải biết khi đọc những dòng nàng đã viết và chia sẻ với tôi trong cái hộp nhỏ nàng tặng tôi chiều hôm đó:
“
Có những ban mai, tôi thức dậy bằng ánh sáng của hoài nghi - thứ ánh sáng rùng rợn giết chết mọi tế bào yêu sống. Tôi thấy mình nằm đó, trong cái miệng đen ngòm của con quái vật mang tên Tuyệt Vọng. Nó đã ngoạm lấy tôi như thế nào và từ bao giờ, tôi không hay. Có lẽ nó đã chọn nuốt chửng tôi ngay trong giấc ngủ - khi tôi yếu đuối nhất và cô đơn nhất, giữa những giấc mơ phập phồng âu lo, giữa những hoài cảm hoang mang của biết bao lần dấn thân từ ngày mới lớn, giữa mê man những cơn đau tưởng đã ngủ yên trong tiềm thức bỗng thức dậy nhức nhối thịt da. Nó đã ngoạm lấy tôi giữa bóng tối lặng im - khi tôi nhắm mắt trút bỏ mọi xiêm y, trang sức để trần truồng trong từng ý nghĩ.
Có những ngày, những ý nghĩ đẹp đẽ về tình yêu và hạnh phúc bỏ mặc tôi hoàn toàn cho cái miệng tối âm u của Tuyệt Vọng. Tôi thấy tôi nằm đó, không chút sức lực kháng cự, bởi manh giáp tự vệ tôi cũng đã cởi bỏ mất rồi. Tôi đau đớn nhận ra hạnh phúc sợ hãi trốn trong chiếc áo giáp tôi vẫn mặc hàng ngày, và nó rời bỏ tôi khi tôi trút bỏ manh giáp ấy trước khi chìm sâu vào cơn ngủ. Hóa ra, hạnh phúc thuộc về tấm áo giáp tôi hằng mang chứ không thuộc về tôi. Hóa ra, tôi vẫn là tôi - trơ trọi buồn sầu nguyên thuỷ.
Có những ngày, tôi thức dậy, ngờ vực cả mặt trời”.
Nàng đã viết như thế và cho tôi đọc, thế mà tôi không hiểu ra. Ngu ngốc làm sao! Lẽ ra, tôi không nên tặc lưỡi bỏ qua những giấc mơ khiến tôi ngộp thở nhiều đêm ở Florence - những giấc mơ dày đặc những đóa sen trắng xanh và tóc, và mắt, và môi nàng. Lẽ ra, tôi không nên gạt bỏ ý nghĩ đã từng thiêu đốt tôi mỗi sáng sớm thức dậy ở Florence, rằng phải quay lại Berkeley ngay lập tức. Lẽ ra, tôi phải biết, nàng sẽ làm như thế ngay từ buổi chiều chào tạm biệt ấy, khi nàng nói rằng nàng cũng muốn làm một người viết như tôi.
Bao nhiêu dấu hiệu, bao nhiêu ám chỉ, thế mà tôi ngớ ngẩn không nhận ra. Cái thằng tôi ngu ngốc chỉ nhận ra nàng không còn ở đó nữa khi đã quay lại công viên bến du thuyền Berkeley sau ba tuần trời ruột gan như lửa đốt ở quê nhà. Suốt một tuần đến công viên ngồi đằng đẵng đợi mà không thấy bóng nàng đâu, tôi vẫn tự nhủ rằng chắc nàng đi nghỉ, vả lại, tôi đã hẹn nàng quay lại sau một tháng, chứ không phải ba tuần.
Tôi đành tự khuây khoả mình bằng việc đọc những gì nàng viết. Nhưng càng đọc, tôi càng thấy lo sợ. Cho đến buổi sáng đầu tiên sau một tháng trời xa cách, khi ăn một cú đấm thôi sơn vào mặt, tôi mới hoảng hốt nhận ra điều tôi lo sợ đã biến thành sự thật. Nàng đã bỏ đi.
Sáng hôm đó, đang ngồi trầm ngâm nhìn ra Vịnh, tôi giật mình nghe tiếng hỏi giật giọng:
Anh là Francisco phải không? Vừa mới ngước nhìn lên và trả lời:
à, vâng theo quán tính, chưa kịp định thần thì tôi đã thấy mình bị túm cổ áo quăng sang một bên. Rồi tôi lãnh trọn một cú đấm như trời giáng vào mặt.
Vợ tôi đâu? Liên đâu? Gã đàn ông tóc vàng, mắt xanh cao lớn, điển trai gầm gừ hỏi tôi. Nghe đến tên nàng, tôi bật dậy, quên cả cơn đau buốt bên mang tai vì cú đấm, hỏi dồn:
Cô ấy đâu? Anh là chồng của cô ấy phải không? Cô ấy bỏ đi ư? Đang hùng hổ, nghe thấy tôi hỏi dồn với một vẻ ngơ ngác tuyệt đối, gã đàn ông bỗng oà lên nức nở:
Anh là ai? Sao cô ấy lại bảo tôi đến gặp anh để biết lý do cô ấy ra đi?
Tôi sững người. Trời ơi, hóa ra, nàng phó thác gánh nặng này cho tôi bằng món quà chia tay. Nàng bắt tôi đọc những gì nàng viết để giải thích với chồng nàng về những ẩn dụ, những ám chỉ đầy ẩn ức trong những giấc mơ của nàng. Tôi giận dữ nghĩ đến nàng, nghĩ đến cái ý tưởng quay lại Berkeley chỉ vì nàng của tôi. Sao mà tôi ngu ngốc thế?
Mất một lúc, tôi mới bình tĩnh lại để ngồi xuống bên cạnh anh chồng tội nghiệp của nàng, cố gắng giải thích thật rành rẽ những gì nàng đã viết. Có vẻ như anh ta không hiểu gì, vẫn luôn miệng hỏi:
Tôi đã làm gì sai? Tôi rất yêu cô ấy. Tôi chỉ muốn bao bọc, che chở cô ấy, muốn cô ấy được hạnh phúc. Sao cô ấy lại rời bỏ tôi, rời bỏ mái ấm gia đình?
Xem chừng mọi lý giải đều vô nghĩa trước nỗi đau, tôi thở dài nói với anh ta:
Đối với cô ấy, hạnh phúc cũng chỉ là một thứ ràng buộc. Có bao giờ anh nghĩ rằng, cô ấy cảm thấy ngột ngạt trong chính cái hạnh phúc nhỏ nhoi của mình không? Liên từng bảo tôi rằng, anh là ông Bụt của cô ấy. Có lẽ, giờ là lúc cô ấy muốn bước ra khỏi thế giới cổ tích, để tự đương đầu, tự khám phá. Hãy cho cô ấy thời gian, rồi cô ấy sẽ quay về…
Rồi cô ấy sẽ quay về… - tôi ái ngại nói với chồng Liên, ngập ngừng bỏ lửng vế câu tiếp theo. Tôi nuốt vội cái ý nghĩ rằng Liên sẽ quay về khi nàng đã leo lên cái đỉnh cô đơn chất ngất của tự do vì những âm thanh phản kháng vọng lại từ chính trái tim tôi. Hơn bốn chục năm hầu như cô độc trên cõi đời này, tôi vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ quay về, thế thì tại sao tôi dám trao cái hi vọng hão huyền đó cho chồng nàng.
Giờ thì tôi hiểu, vì sao Liên đã biết rằng cả đời tôi là một cuộc trốn chạy. Thì ra, vì nàng cũng đã ấp ủ giấc mơ chạy trốn như tôi. Thì ra, nàng cũng là cái giống cuồng tự do như tôi.
*
Giờ này, không biết Liên đang ở chân trời góc bể nào. Chắc nàng không hay biết rằng, sự ra đi của nàng đã neo tôi lại Berkeley. Tôi quyết định ở lại, ngày ngày vẫn ra ngồi ở bến du thuyền để viết. Và chờ nàng. Giờ thì tôi bắt đầu tin, số mệnh đã khiến tôi chọn Berkeley làm nơi quay trở lại. Vì nàng đã ở đó chờ tôi từ trước khi quen biết tôi, để tiếp sức cho giấc mơ tự do huyễn hoặc của đời tôi, khi tôi đã bắt đầu mỏi gối chồn chân lê bước khắp thế gian.
Nàng đang ở đâu đó, bước thay tôi những bước chân độc hành tự do tuyệt đối.
Ghi chú:
(*) Bài hát “San Francisco (Be sure to wear flowers in your hair)” của John Phillips, nổi tiếng với phần trình diễn của Scott McKenzie năm 1967.