Tác giả tại khu biểu tình ở Hồng Kông
“Họ không thể giết được hết chúng ta” (*)
Sau hai đêm lặng lẽ Đà Lạt, hai đêm sôi sục Sài Gòn, tôi mua vé trở lại Hà Nội, tiện thể ghé hai đêm…
lãng mạn Hồng Kông – một cuộc rong chơi được chuẩn bị từ… kiếp trước. Như gió hoang dại, như nắng mải chơi, không gì sướng bằng được lên đường bay nhảy chảy trôi theo dòng đời, chẳng bị giới hạn bởi bất kỳ cái đích nào…
Từ khi “đeo gông”, tôi tình nguyện đánh mất hẳn khả năng độc lập và tự lập. Cầm vé đi Hồng Kông, tôi bắt đầu… run, điện tứ tung tìm người quen, tìm chỗ qua đêm. Qua giới thiệu của chủ nhà trọ một cô bạn ưa đi phượt tôi chưa hề gặp mặt trên mạng Facebook, tôi yên trí sẽ được một ai đó đón ở Mongkok (**).
Nhảy xuống xe buýt bến cuối chỉ còn mỗi mình, tôi thấy một phụ nữ bé nhỏ tong tả đi tới. Vừa nói điện thoại, thị vừa nháy mắt chào tôi, rồi ngoảy mông đi.Tôi lùi lũi theo sau. Hết lên thang xuống gác vòng vèo phố đến ba chục phút, tôi không thể cất lời chào. Xong cuộc điện đàm thị lại bấm ngay sang cuộc hội thoại khác. Cứ oang oang cho cả Hồng Kông nghe.
Nào là, “
vợ chồng mày phải cố gắng mà yêu nhau chứ, tiền còn kiếm được chứ tình thì hiếm…”, nào là, “
cậu cứ xem thị trường bên nhà cần gì chị sẽ cung cấp, vốn tự làm tự lo chứ chị không giúp được đâu…”, cuối cùng thị cũng dừng lại toe toét cười bỗ bã “
con bạn em nó cứ đòi bỏ chồng, thằng em trai thì vừa thất nghiệp, mệt lắm, mà chị điên thế, đã bảo đi taxi sao lại không đi, làm em chờ gần hai tiếng rồi đấy”.
Tôi cảm động luống cuống: “
Chào em, chị là… Rất vui được làm quen với em, cám ơn em đã đón chị. Một bà già Hồng Kông gặp ở sân bay cứ khuyên chị đi xe lửa cho khỏi bị tắc đường, nhưng chị xuống nhầm bến, người ta chỉ cho chị đi xe buýt miễn phí, vòng vèo mấy điểm trả khách, lại còn tắc đường nữa… sắp đến khách sạn chưa?”.
“
Chị yên trí, em đã tìm được một khách sạn phù hợp với yêu cầu của chị, ở ngay trung tâm”. Tuyệt! Dù sao giờ đây ở Hồng Kông tôi cũng chỉ có mỗi thị là có chút hơi hướm thân quen. Thị liến thoắng tiếng Tàu với bà chủ khách sạn. Bà chủ bỗng nói tiếng Việt lơ lớ, “
thằng người Việt lần trước vẫn chưa trả tiền phòng cho tôi”. Tôi ôm lấy thị xiết chặt. Thị vội ra về nấu bữa cơm chiều. Cuộc hẹn cà phê sau đó chẳng bao giờ thành…
Phòng ốc nhỏ như bao diêm
“Khách sạn” của tôi là một căn hộ ngăn thành nhiều ô. Phòng ốc nhỏ như…
bao diêm, phải nói thêm, và dài như cái bật lửa. Không cửa sổ không nhà
vệ sinh, nó nằm trên tầng chín của một tòa nhà chắc là chọc trời, vì mỗi
lần vào thang máy, tôi phải đứng sau hàng người dài cả chục mét. Tôi
muốn phòng có nhà vệ sinh, bà chủ nhìn tôi thương hại, “
có phòng đó nhưng ba giường cơ, mình cô ở phí lắm, mãi tầng mười tám”.
Tôi tặc lưỡi, chìa ra mấy tờ tiền Việt. Bà già nhìn tôi như nhìn con dở người, gắt lên, “
ai tiêu tiền Việt ở đây mà cô trả tiền Việt”. Liếc qua hộ chiếu của tôi, bà la oai oái, “
ở Úc sướng quá qua đây làm chi?”. Tôi thật thà trả lời, “
cháu đi xem biểu tình bà ạ”. Bà nguýt tôi một cái dài như phải cố nín một câu văng tục, “
mẹ kiếp, chẳng biết có nên chứa con điên này không đây?!”.
Tôi khóa cửa, lăn ra giường, lọt thỏm trong cái hộp nhỏ xíu. Một niềm khoái cảm ùa đến nâng tôi bay lên. Tôi thấy mình mọc cánh. Tôi thích cái nhà trọ này. Theo bà chủ chỉ dẫn, từ đây chỉ ba bước ra đến nhà ga Mongkok, ba bước nữa là lọt thỏm vào khu lều trại biểu tình, xuyên tàu ngầm ba phút là tới Admiralty, trung tâm của trung tâm Hồng Kông, điểm nóng của phong trào cây dù vàng. Tuyệt! Giờ tôi cần “xử lý” một vướng mắc nho nhỏ trước khi được tự do hoàn toàn.
“
Anh có tin không, em đang ở Hồng Kông”. Tôi hét lên trên điện thoại.
Có lẽ, vì đã chứng kiến tôi khóc lóc đòi đi Hồng Kông, chồng tôi không ngạc nhiên, chỉ nghiêm giọng: “
Đừng có nói với anh là em đi một mình đấy nhé”.
Hồng Kông, nơi giới trẻ muốn làm chủ vận mệnh của mình
“
Không, em đi với bạn chứ, anh đừng lo. Đời nào em dám đi một mình”. OMG! Cả tỉ lần dối chồng nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình thiếu thành thật một cách trơn tru ngọt ngào đến thế! Rồi chả hiểu sao tôi bỗng “lên cơn” trêu chọc: “
Nhưng tại sao em lại không thể đi một mình nhỉ?”. Tiếng chồng tôi la lên: “
Này, em đừng đùa nhé, đừng có dọa anh nhé. Em hiểu không? Em leo cầu Sydney một mình vào đêm mưa bão thì chỉ là con hâm thôi, nhưng đi Hồng Kông một mình lúc đang bạo loạn thế này thì là con điên đấy”.
Tôi phì cười. Hai từ tiếng Việt “hâm” và “điên” khác nhau thế nào, tôi dạy anh thuở tóc còn xanh, giờ anh được dịp mang ra thực hành. Tôi cười hi hi nịnh nọt “
tiếng Việt của anh tiến bộ quá”, trong lòng chỉ muốn hét toáng lên “
được làm những điều điên rồ thoát khỏi đời sống đơn điệu thường ngày, chẳng khoái ư?”.
Ngộ thật, tự dưng được những ba người “tôn vinh” lên làm con điên. Nhưng mà, con điên tôi ơi, mi định làm gì với hai đêm ở đây chứ? Thực lòng, tôi không biết.
*
Không muốn bỏ phí thêm một phút nào với những ý nghĩ vẩn vơ điên rồ nữa, tôi vùng dậy, lao xuống phố, nơi “thiên thần hộ mệnh” của tôi đang đợi.
Em đi tới đúng lúc tôi đang chăm chú chụp hình nộm Tập Cận Bình lấp ló
trong hàng rào giữa đống ô dù rách. Tôi nhờ em bấm cho kiểu ảnh. Em
không lộng lẫy xinh đẹp nhưng có nụ cười khiến người ta xao xuyến. Cứ
nói xong một câu lại cười rất tươi tắn. “
Em là nhân viên ngân hàng, tên là Wing, tiếng Anh là đôi cánh đấy”. Em tự giới thiệu. Tôi nghĩ bụng, chắc chắn rồi, thiên thần thì đương nhiên là phải có cánh.
“Thiên thần hộ mệnh”
, cô Wing (phải), nhân viên ngân hàng 30 tuổi
“
Tối nay, lần đầu tiên, em sẽ đi ngủ lều ủng hộ các bạn sinh viên, em sợ không còn cơ hội nữa”, Wing nói.
“
Cho tôi đi ngủ với!” - tôi la lên khoái chí.
“
Thật chị muốn ngủ không?”, Wing cười độ lượng. Em nghĩ tôi đùa.
“
Thật chứ! Nhưng tôi không có túi ngủ, cũng chẳng có lều. Cho tôi ngủ chung lều với em nhé!” - giọng tôi tha thiết cầu khẩn.
“
Chúng ta sẽ thuê lều. Em có cái áo ấm này, chị có thể mặc nó cho khỏi lạnh” - giờ thì Wing tin tôi muốn thật, cô nói tiếp: “
Chúng ta sẽ không ngủ ở Mongkok. Chúng ta ngủ bên kia, bên Admiralty. Bên đó đỡ xô bồ hơn. Bạn em đang chờ ở đó”.
Khỏi phải nói Wing đã chăm sóc tôi chu đáo như thế nào. Em đưa tôi đi ăn, đưa tôi đi mua cái sạc pin điện thoại mua mấy thứ linh tinh cần thiết, và kiên nhẫn chỉ dẫn giải thích tất cả các câu hỏi ngố rừng nhất của tôi. Nghe tôi nhắc: “
Em này, em nhớ canh chừng tôi nhé. Tôi không biết xem bản đồ. Tôi rất hay bị lạc và bị mất đồ đạc”, em chỉ cười ròn rã.
Sau khi lượn một vòng quanh khu lều trại ở Mongkok, chụp ảnh chán chê, chúng tôi đi tàu điện ngầm sang khu biểu tình chính, Admiralty. Giăng giăng khắp nơi là những hình nộm của các nhân vật quan trọng. Lương Chí Anh được các em sinh viên tinh nghịch vẽ thêm cho hai chiếc răng nanh hung ác. Tập Cận Bình thì được cầm một chiếc ô vàng. ở một hình nộm khác, ông ta lại được đội tóc giả và mặc váy nom giống Nữ hoàng Anh (cái này tôi chịu nghĩ mãi không ra ý nghĩa của nó). Riêng hình nộm Nữ hoàng Anh là không hề bị “xuyên tạc”, bà cười cái cười ngoại giao trên gương mặt lạnh lùng vô cảm.
Cùng Nữ hoàng Anh tại Hồng Kông
Ba nhân vật này tạo nên “cái kiềng ba chân” đun nồi lẩu khổng lồ tên là “Democracy Revolution” đang làm cả thế giới nóng sôi sùng sục… Khắp nơi, tất cả những chỗ nào có thể, trên tường nhà, vách lều, trên mặt đường nhựa, trên cây cối, trong toa lét, trên cầu đường, trong không khí, trên tay chân và trên mặt người… là thông điệp của người dân gửi nhà cầm quyền.
Chúng tôi muốn các người (cái kiềng ba chân) giữ lời hứa khi trao trả Hồng Kông về Trung Quốc: thực hành một quốc gia hai chế độ. Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu để chọn người lãnh đạo. Chúng tôi muốn có một nền dân chủ đích thực. Chúng tôi không đòi hỏi những gì không thể.
Cứ thấy một hình nộm hay hay, một áp phích ý nghĩa, hay một khẩu hiệu ấn tượng… Wing lại bảo, chị đứng vào đi để em chụp ảnh cho. Đứng trước tấm biển “Bức tường ô nhục”, treo trên bức tường rào bằng sắt ngăn cách tòa nhà chính phủ và đường phố, Wing giải thích: “
Chị biết tại sao người Hồng Kông gọi đây là bức tường ô nhục không? Trước kia, chỗ này vốn thông thoáng, nhân dân có thể đến đây, vào bên trong.
Nhưng khi sinh viên tập trung biểu tình ôn hòa ở đây để nói với chính phủ nguyện vọng của mình, cảnh sát đã dùng bạo lực ngăn cản, bắt bớ, rồi dựng lên bức tường rào này.
Sự kiện này là một điểm nhấn, một bước ngoặt quan trọng của cuộc cách mạng dân chủ. Không còn là cuộc biểu tình chỉ của sinh viên nữa, nó lan rộng ra thành cuộc biểu tình của toàn thể dân Hồng Kông.
“Bức tường ô nhục” Hồng Kông
Đó là lý do vì sao, ngay cạnh bức tường này, chúng tôi trưng bày những đồ đạc mang tính biểu tượng cho gia đình và gọi nó là “Home land”. Nếu đất bên trong rào thuộc về chính quyền, thì đất bên ngoài hàng rào thuộc về nhân dân. Họ không còn là chính quyền của chúng tôi nữa. Họ không đứng về phía chúng tôi mà đứng về phía chính quyền đại lục”.
Lần đầu tiên tôi được nghe giảng giải về mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân một cách chính xác mà lại rất đời thường như vậy.
*
Frankie, bạn của Wing, mang đôi dép bó sát vào các ngón chân giống như một chiếc găng chân, anh có dáng đi như lướt trên mặt đất. Anh là nhân viên ngân hàng nhưng nom rắn rỏi như một vận động viên thể thao. Sau cái bắt tay làm quen, anh cười nói đùa: “
Cuộc biểu tình của chúng tôi kéo dài 54 ngày rồi, sao giờ chị mới tới”. Tôi cười trừ. Frankie dẫn chúng tôi đi khỏi khu biểu tình, về phía công viên, rồi chỉ cho tôi căn nhà chơ vơ ở đó. Trên tường là hình biểu tượng của cây dù và chân máy quay phim lồng vào nhau.
“
Chỗ này giờ được gọi là “dark corner”, là góc tối, nơi bảy tên cảnh sát đã đánh đập dã man một người biểu tình – Frankie kể. -
Chúng tôi biểu tình ôn hòa nhưng họ đã đánh đập chúng tôi dã man. Tôi phải đóng thuế để nuôi họ đánh đập chúng tôi ư?”. Tại đây, tôi gặp một nhóm thanh niên chuẩn bị cho một cuộc đạp xe, xuất phát từ góc tối này, vòng quanh khu biểu tình, vừa để gây quỹ ủng hộ sinh viên biểu tình, vừa để nhắc nhở mọi người không được quên sự kiện ô nhục của ngành cảnh sát.
Biểu tượng của sự đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989
Đứng trước chiếc xe tăng làm bằng bìa to y như thật, biểu tượng của sự đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1989, Frankie khẳng định ý chí dấn thân, không sợ cái chết của sinh viên Hồng Kông. Anh bảo: “
Tôi có cô con gái bảy tuổi. Tôi đi biểu tình tuần vài lần, để ủng hộ cuộc cách mạng dân chủ, không phải để cho tôi mà để cho thế hệ của con gái tôi. Tôi không muốn con tôi lớn lên trên một đất nước không dân chủ. Vợ tôi rất ủng hộ điều đó. Tối mai, có thể tôi sẽ đưa vợ con tôi ra đây ngủ nữa”.
Nhắc đến sự kiện Thiên An Môn, Anthony, 26 tuổi, thầy giáo, ngủ biểu tình vài tối một tuần cho rằng: “
Nếu họ muốn giết chúng tôi họ đã làm ngay đêm thứ hai của cuộc biểu tình rồi. Chúng tôi không sợ chết. Chúng tôi hoàn toàn tình nguyện, chẳng ai lãnh đạo ai, mọi người tự giác khép mình vào kỷ luật. Gia đình ủng hộ tôi đi đấu tranh, vì họ biết, tôi đi đấu tranh còn cả cho họ nữa.
Tuy nhiên cũng có một số người khác, họ bảo đấu tranh đòi dân chủ thì tốt đấy, nhưng bản thân họ không làm gì cả. Rất có thể, người ta sẽ dọn sạch khu này trong tuần này, và chúng tôi không đạt được mục đích làm chính quyền thay đổi quyết định của họ, nhưng không vì thế mà chúng tôi dừng lại. Nếu chúng tôi không lên tiếng lúc này, ngày mai, chúng tôi sẽ không có cơ hội nào để lên tiếng nữa”.
Franki dẫn chúng tôi đến chỗ mượn lều. Wing dịch cho tôi nghe bản nội quy sử dụng lều qua đêm bằng tiếng Trung. Chúng tôi được chia cho chỗ cắm lều ngay gần “đại bản doanh” của họ, dãy lều dành cho đàn bà con gái. Có đến cả chục đại bản doanh như thế rải rác khắp nơi, mang chức năng chứa đồ ăn uống và quản lý một khu vực lều trại. Tôi cứ ngỡ phải dựng lều, nhưng từ đâu đó, hàng loạt những chiếc lều bé xíu được bê ra, đặt sát cạnh nhau. Rồi mỗi người được nhận một tấm thảm mỏng làm đệm ngủ.
Lều trại của các “biểu tình viên” tham gia “cuộc cách mạng dù”
Tôi đang định chui vào lều cạnh chiếc lều thiên thần hộ mệnh của tôi thì Frankie nói:
“Chị sang lều kia đi, để tôi ngủ giữa hai người”. Tôi OK, nhưng trong lòng thắc mắc, sao lại phải thế nhỉ. Có khác nhau lắm đâu giữa việc ngủ cạnh lều chúng tôi với việc chui vào giữa. Tuy nhiên tôi lẳng lặng chuyển lều. Có lẽ đó là điều quan trọng mà chỉ Frankie thấu hiểu. Ai biết đêm nay sẽ xảy ra chuyện gì? Wing thì thầm,
“đi ngủ nhưng lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng đấy chị nhé”.
Sẵn sàng để làm gì, có ngu lắm thì tôi cũng phải tự hiểu. Ví dụ như, cảnh sát đến giải tỏa hoặc kẻ gian đột nhập lều quấy nhiễu trộm cắp chẳng hạn. Và tất nhiên, tôi phải sẵn sàng… chiến đấu.
*
Vì lều của chúng tôi gần với cửa nhà ga trung tâm nên Frankie dắt tôi lên tận tầng hai của nhà ga, chỉ cho tôi chỗ đi vệ sinh ban đêm. Tuy nhiên, cũng phải đi cả một đoạn dài ngoằn nghèo không thể nhớ được. Thấy tôi hoang mang, Frankie bảo, “
thôi được, để tôi chỉ cho chị nhà vệ sinh của khu biểu tình. Nó xa một chút nhưng dễ đi hơn. Mà chị rất nên tham quan nhà vệ sinh này, chị sẽ thấy nhiều cái hay ho ở đấy”.
Nhà vệ sinh thì có gì hay chứ, nhưng khi nghe Frankie nhắc đến lần thứ hai, “
chị vào bên trong đi”, thì dù chẳng có nhu cầu, tôi cũng cứ buộc phải xông vào.
Trong nhà vệ sinh nữ của khu biểu tình
Đứng trước tấm gương dài là một cô gái da trắng xanh, tóc dài, soóc ngắn đang lau chùi và sắp xếp lại từng tuýp thuốc đánh răng, từng lọ nước gội đầu, nước tắm, sữa rửa mặt, v.v… nom vô cùng khéo léo duyên dáng. Bàn tay cô thoăn thoắt như thể một người lau chùi chuyên nghiệp, gương mặt cô nghiêm trang thành kính như đang lau đồ thờ.
Tôi cứ ngắm cô mãi, tự hỏi chả biết ở nhà, ở cái tuổi vẫn còn làm nũng mẹ, cô có chăm làm những việc này không? Thật khó mà tưởng tượng được, đôi vai mảnh mai yếu liễu đào tơ của cô đang phải gánh vác trách nhiệm nặng nề: hứng chịu dùi cui bạo lực khói cay và cả những lời sỉ nhục chửi bới, để đòi cải cách dân chủ cho tương lai của Hồng Kông!
Bên trong nhà vệ sinh sạch sẽ thơm tho, trên tường nhà vệ sinh la liệt những khẩu hiệu, những hình vẽ về phong trào chiếc dù vàng. Tôi thấy một bao tải ni-lông những băng vệ sinh cho các em gái do các bà các mẹ mang đến. Khi kể lại với Wing những gì tôi nhìn thấy, Wing cười: “
Xin chị nhớ rằng, đây không phải là cuộc biểu tình của chỉ sinh viên Hồng Kông, mà là của toàn dân Hồng Kông. Không phải để chống lại chỉ chính quyền Hồng Kông, mà còn chống lại chính quyền Trung Quốc nữa. Nếu không có nhân dân Hồng Kông ủng hộ, sinh viên không thể tồn tại gần hai tháng trời ăn ngủ ngoài đường thế này”.
*
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ lại hình ảnh một em gái tóc tím, đeo chuỗi vòng đá tím, nét mặt bình thản, ngồi trước cửa lều đan. Len trên tay cô cũng màu tím. Em đã đi ngủ lều ngay từ đêm thứ hai của cuộc biểu tình đến giờ. Em tâm sự: “
Em là cô giáo dạy tiểu học. đi làm về, cơm nước xong lại đến đây ngủ. Em mang sách đi để đọc khi thức dậy giữa đêm, nhưng không đọc nổi một dòng. Giờ thì em đan len vậy.
Cô gái với hàng chữ democracy (dân chủ) trên tay đang trả lời phỏng vấn
Gia đình em không phải ai cũng hiểu việc em làm, họ sẽ nói ra nói vào, nên tốt nhất em không cho họ biết. Đồng nghiệp đa số ủng hộ nhưng không nói gì. Môt số rất ít có cái nhìn giễu cợt. Chúng em đang đối đầu với một bức tường đá câm lặng. Họ không cần trả lời, không cần đối thoại. Chúng em thì muốn họ giữ lời hứa, một quốc gia hai chế độ. Chúng em muốn phổ thông đầu phiếu, muốn dân chủ thực sự.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh lại muốn kiểm soát tất cả. Họ ra luật và bảo không thể thay đổi. Cũng có lúc thật sự tuyệt vọng, đã năm mươi mấy đêm rồi, chưa có chuyển biến gì. Họ muốn tạo cớ chia rẽ chúng em. Họ muốn chúng em mỏi mệt chán nản mà bỏ cuộc. Và họ đã thành công phần nào. Một số bạn bè em đã bỏ về. Em hi vọng cuộc biểu tình không kéo dài đến tận sang năm. Hy vọng nó kết thúc trước Noel. Cần phải kết thúc chứ không thể cứ thế này mãi. Chẳng ai muốn ngủ ngoài đường trong giá rét của mùa đông sắp đến”.
*
Đêm đã khuya, khi sân khấu chính chỉ còn đôi ba người đang cuộn lại những sợi dây điện, ở một góc khác, tôi vẫn gặp một đám đông say ngồi trên bậc thềm nhà ga, nghe đàn hát. Vẫn những bài hát ca ngợi tình bạn, tình yêu, và hòa bình. Vẫn cậu bé gầy gò tôi thấy lúc mới đến đây ban chiều. Chỉ mình cậu đàn và hát cả năm tiếng đồng hồ ư? Người gầy ngẳng thế kia sức đâu hát mãi thế. Nhưng dường như chẳng có gì có thể ngăn cậu hát. Chắc cậu sẽ hát đến khi nào không còn ai nghe hát nữa chăng?
Quá nửa đêm, không ngủ được. Tôi nằm gối đầu lên ba lô, thao thức nghe giai điệu bài hát
“I dream a dream” của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Bài hát chẳng liên quan gì tới Hồng Kông mà sao khiến nước mắt tôi chảy dài. Phải rồi, khi xem vở nhạc kịch ấy, tôi đã không thể cầm được nước mắt ở đoạn kết, khi mà cuộc cách mạng thất bại, và tất cả các chàng trai trẻ đều phải chết. Và rồi, gương mặt của cậu bé ôm đàn hát hiện lên. Gương mặt gầy guộc của
lãnh tụ vừa qua tuổi vị thành niên Joshua hiện lên. Gương mặt của những người trẻ tuổi bị xe tăng nghiền nát ở Thiên An Môn hiện lên.
Tranh trưng bày nơi biểu tình của một họa sĩ Phương Tây, có chữ TỰ DO bằng tiếng Việt
Tất cả mờ chồng vào nhau, những gương mặt trẻ trung giống hệt nhau ở hoài bão cải tạo xã hội. Họ, những người trẻ tuổi, đang phải tiêu phí thứ tài sản vô giá là nhiệt tình tuổi trẻ, sức sáng tạo tuổi trẻ, sự trong trẻo thánh thiện của tuổi trẻ vào cuộc đối đầu một mất một còn với những thế lực dã tâm độc chiếm thế giới cho riêng mình. Họ sẵn sàng dấn thân, dù phải đối đầu với tù đầy thậm chí là cái chết, với niềm tin: “
Họ không thể giết được hết chúng ta”.
Mặc cho nước mắt chảy dài. Làm sao có thể không khóc, làm sao có thể không yêu, những con người trẻ trung tràn trề nhựa sống thay vì học tập và yêu đương lại nhao ra đường, chấp nhận hy sinh. Joshua đã tuyệt thực. Hai cô bạn gái cũng tuyệt thực. Một bước đấu tranh mới. Và còn nhiều em nữa bước tiếp. Các em đang tuyệt vọng gửi thông điệp đến thế giới. Hãy thức tỉnh, hãy lên tiếng, vì các em, vì dân chủ, vì hòa bình trên toàn thế giới. Các em tuổi ăn tuổi ngủ, sao người lớn lại khiến các em phải không được ngủ không được ăn?
Ngày bé, để tỏ thái độ chống lại một quyết định bất công của cha mẹ, tôi cũng bỏ bữa, tuyệt thực. Trò này khá hiệu quả. Lập tức tôi sẽ được dỗ dành và được nhượng bộ. Tuyệt thực, phải chăng là thứ vũ khí cuối cùng của kẻ yếu đuối đánh vào lòng trắc ẩn của kẻ mạnh? Thái độ mang sinh mệnh của mình ra đặt cược trong ván bài ngửa của Joshua, thủ lãnh phong trào, rõ ràng là một cố gắng cuối cùng để làm thức tỉnh đồng loại. Cậu nói: “
Tôi nhịn ăn vì muốn những người đang ngồi trước mâm cao cỗ đầy phải suy nghĩ. Những việc chúng tôi đang làm là nghiêm túc và chúng tôi không đòi hỏi những gì không thể”.
Những đòi hỏi dân chủ của giới trẻ Hồng Kông trên con đường ở khu biểu tình
Làm sao tôi có thể không khóc, làm sao tôi có thể không yêu… Joshua và các bạn của em, thế hệ dù vàng của Hồng Kông, của thế giới. Joshua ơi, tôi cầu nguyện cho em được sống. Hôm nay, tôi đã thấy hình ảnh em ngồi trong xe lăn. Ngày mai, có thể em không còn ngồi được nữa. Tôi thầm mong “cái kiềng ba chân” lạnh lùng cứng rắn kia mềm lòng, buộc phải ngồi lại với nhau, để em không phải chết. Tôi không muốn ai phải khóc vì cái chết của em.
Không, em sẽ không chết. Sẽ không ai phải khóc.
Đừng khóc! Hồng Kông ơi…
Phóng sự ảnh về “cuộc cách mạng dù” tại Hồng Kông:
Ghi chú:
(*) “They can't kill us all”, khẩu hiệu được giới trẻ Hồng Kông dùng trong cuộc đấu tranh của mình.
(**) Vượng Giác, một khu vực ở quận Du Tiêm Vượng, phía Tây của bán đảo Kowloon, Hồng Kông.