Phóng sự báo chí & điều tra - LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH MẮC LỖI NGHIỆP VỤ

Thứ hai - 01/12/2014 23:32

(NCTG) “Các bạn là nhà báo, các bạn muốn đi tìm sự thật. Đó là điều đáng được ủng hộ. Nhưng đừng chỉ sử dụng những “thông tin” có lợi cho các bạn. Khán giả cần là thông tin công bằng, không bị lái theo chủ ý của các bạn”.


Một chương trình mắc phải nhiều lỗi nghiệp vụ - Ảnh chụp màn hình

Trong cuộc tranh luận thời gian qua về loạt phóng sự do chương trình Chuyển Động 24H (CĐ24H) của VTV về “nghi vấn tuổi tác” của Công Phượng, một số bạn không hiểu CĐ24H đã sai ở đâu mà dư luận phản ứng. Có bạn cho rằng cách làm của CĐ24H là không sai xét trên nhiều phương diện, mà “cái sai là do họ chọn không đúng đối tượng mà thôi”.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, báo chí được trao cho vai trò rất quan trọng trong việc giám sát sự minh bạch của xã hội. Để làm tốt điều đó, báo chí cần đưa tin bài công bằng, khách quan. Do vậy, khi xem kỹ lại phóng sự phát trên CĐ24H với sự công tâm và con mắt nghiệp vụ, chúng ta sẽ nhặt ra rất nhiều chi tiết lỗi hoặc do các phóng viên (vô tình/cố ý) làm chưa tới.

Bài viết này tập trung vào việc “nhặt sạn” dưới góc độ nghiệp vụ báo chí: phỏng vấn, quay, dựng hình, chọn âm thanh và trình bày nội dung thông tin trong phóng sự, đặc biệt là trong phóng sự điều tra để tránh rơi vào “bẫy” nghiệp vụ. Hy vọng rằng chúng ta sẽ hiểu và rút kinh nghiệm để từ đó có nhiều phóng sự với chất liệu hay và thu được sự tâm phục, khẩu phục, tránh những phản ứng từ xã hội.

Lỗi thiên kiến v.s Sự công tâm, nghiêm túc

Ngay những giây đầu tiên, CĐ24H ngày 17-11-2014 mở đầu bằng hình ảnh về Công Phượng kèm theo nhạc nền hình sự. Những người làm CĐ24H đã muốn ám chỉ đây là một vụ hình sự và nghiêm trọng. Một người có nhiều năm kinh nghiệm làm báo và quan sát báo chí chia sẻ rằng truyền hình có ưu thế hơn báo giấy ở yếu tố mặt hình ảnh, âm thanh nền và giọng đọc nên “khán giả dễ nhận biết và bị tác động về cảm xúc khi xem truyền hình”.

Những giây tiếp theo, BTV Trần Việt dẫn vào phóng sự của Bạch Hoàn, Ngọc Minh và Quý Huy: “Đến Mỹ Sơn – Những nhân chứng đầu tiên”.

Đến xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương để tìm câu trả lời về tuổi của Công Phượng. Chúng tôi đã gặp gia đình cầu thủ này. Tuy nhiên, chúng tôi không thu thập được nhiều thông tin tại đây”, trích lời dẫn đọc nền (voiceover).

Trên hình ảnh là sáu người ngồi lịch sự bên bàn nước tiếp các phóng viên. Ở đây, phóng viên cần trích câu hỏi và câu trả lời có liên quan đến tuổi của Công Phượng. Các bạn hãy để cho gia đình có tiếng nói, thông tin con họ sinh năm 1995 hoặc 1993 như các bạn đang muốn tìm hiểu.

Tuy nhiên, các bạn chưa cho thấy các bạn đã hỏi đúng câu hỏi chưa? Hỏi câu hỏi mà các bạn muốn biết và họ muốn trả lời. Trái lại, các bạn trích dẫn một câu nói không có nghĩa: “Xong bắt đầu là về, về rồi bắt đầu là”.

Phải chăng là nghiệp vụ các bạn quá tồi không hiểu đây là một câu không ăn nhập vào đâu hay các bạn có dụng ý gì? Nhưng tôi lại nhận ra các bạn thừa hiểu kỹ thuật trong phỏng vấn “nhét chữ vào miệng người được phỏng vấn” để có thông tin hoặc muốn họ nói ra cái mình muốn, vì phần sau của phóng sự khi hỏi người dân các bạn có dùng. Với câu trích vô nghĩa trên các bạn đã cho thấy sự không công bằng (unfair), có thiên kiến (biased) khi muốn ám chỉ rằng gia đình quanh co hoặc gia đình không muốn trả lời?

Sự thiên kiến tiếp tục được thấy rõ trong phần sau của phóng sự. “Đem những băn khoăn ấy đến gặp người dân trong xã Mỹ Sơn thì chúng tôi lại có những câu chuyện bất ngờ”. Khán giả nghe được tiếng nền là giọng nói của phóng viên: “Qua ủy ban chưa ạ? Qua ủy ban đi thẳng”. Thực tế, các bạn đang trám hình để nói là các bạn đi hỏi dân thôi chứ có phải họ cho các bạn thông tin về Công Phượng đâu.

Lỗi ghi hình/quay lén và sự đáng tin cậy của nguồn tin

Những hình ảnh tiếp theo được sử dụng là một người phụ nữ có con sinh năm 1995. Các bạn không mời được họ ngồi để phỏng vấn mà trông hình người phụ nữ đó vẫn di chuyển làm việc (phơi cất quần áo). Phóng viên ngồi bên cạnh hỏi chuyện. Khung hình rung, cho thấy có vẻ đang quay trộm/ không chính thức chứ người phụ nữ không biết đang bị ghi hình.

Phượng học cùng với Phương nhà mình à cô?”.

Không, thằng đó học trước”.

Thực tế, học trước hay sau hay học cùng không chứng minh được việc hơn kém tuổi. Các bạn hẳn phải biết và tỉnh táo với “bằng chứng” này.

Rồi các bạn tiếp tục ghi hình mà tôi cho là quay lén một thanh niên vì các bạn trích lời thanh niên này trả lời, không bắn tên.

Tốt nghiệp năm bao nhiêu?”.

Tốt nghiệp lớp ba”.

Các bạn trích lời bạn thanh niên đó nói. Và như thể sợ người ta không nghe rõ, các bạn bắn chữ “Công Phượng là 93” rồi người đó nói tiếp “93 hay 94”.

Ồ, thấy không! Nguồn tin trích dẫn đáng tin đến mức nào? Ngay nguồn tin họ còn không rõ mà! Thêm một lần nữa, các bạn mắc lỗi thiên kiến trong trình bày thông tin. Các bạn sử dụng nguồn tin phục vụ cho cái các bạn đang muốn tìm khi hỏi người dân, mà chính các bạn không biết họ biết rõ lai lịch, tiểu sử của Công Phượng đến mức nào. Các bạn không cho người xem biết nguồn tin có đáng tin cậy không.

Đến hết đoạn phỏng vấn, tôi có thể chắc chắn một điều rằng các bạn đã không minh bạch khi ghi hình. Nhân vật nam trong clip có thể buông câu đùa cợt, không đàng hoàng nhưng vì các bạn cần, các bạn vẫn sử dụng. Cũng may là các bạn đã không dùng một trong các nguồn tin mà đã được chứng minh là có biểu hiện bệnh lý tâm thần. Chắc không cần phải nói thêm về lỗi thiên kiến, lỗi sử dụng nguồn tin, một điều cực kỳ quan trọng trong phóng sự điều tra.

Dễ dãi, vội vã và không đi đến cùng

Ở những phần tiếp theo, BTV Trần Việt giới thiệu cuốn học bạ của Công Phượng và của Đặng Thị Phương khi chứng minh bạn Phương học cùng lớp với Công Phượng (Lớp 3D và 4D, Tiểu học Mỹ Sơn).

Tôi gần bị thuyết phục với (buy) ý kiến của Trần Việt. Tôi sẽ bị thuyết phục hoàn toàn nếu trong tác nghiệp, các bạn tìm cách liên lạc với Phương, người có vẻ là nhân chứng gần nhất, đáng tin nhất, nút mở cho mọi nghi ngờ khuất tất (nhân đây, kêu gọi Đặng Thị Phương ở đâu hãy lên tiếng làm rõ cho những nghi ngờ của VTV hoặc thanh minh cho Công Phượng).

Trần Việt nói: “Phóng viên của chúng tôi cũng tìm đến nhà của Đặng Thị Phương (1995) ở Mỹ Sơn, Đô Lương nhưng cô gái này đang đi làm ở xa và không có điều kiện liên lạc. Nhưng chúng tôi đã gặp mẹ của Phương”.

Cô con gái sinh năm 1995 thì không học cùng Công Phượng. Còn người học cùng thì lại là anh trai tên Cường.

…sinh năm 1993”.

Công Phượng sinh trước hay sinh sau thì cô cũng không biết, nhưng mà nghe nói học cùng một lứa thì về hỏi. Về thì hắn cũng kể rứa thôi!”.

Nếu các bạn làm báo điều tra, các bạn phải hiểu rằng “nghe nói” thì có đáng tin không? Đáng tin đến mức nào? Nếu được thực hiện phóng sự, tôi sẽ hỏi kỹ mẹ Phương xem bạn ấy đang làm ở đâu. Nếu là đi làm thuê, thì có thể có thư gửi về hoặc điện thoại liên lạc nhà chủ v.v... Các bạn đã dễ dãi, vội vã trong công việc, không làm tới nơi!

Còn về chuyện “nghe nói” thì đây. Nếu các bạn nghe nói thế này, các bạn thấy có đáng tin cậy không? “X.Y.Z., ngay trong lúc này, nếu chị đọc được những dòng chữ này, tôi muốn nói với chị rằng đây là giây phút cuối cùng để giải thoát cho chị khỏi những đồn đoán bấy lâu nay về sự ăn tiền (lợi dụng chức vụ để vụ lợi cá nhân), hãy lên tiếng… Chúng tôi là những người từng liên hệ làm việc với chị và chúng tôi phải nói lên sự thật… Sau sự kiện này chị sẽ được làm việc trong sự trung thực và thanh thản”.

Chỉ vì “nghe nói” mà đã đưa ra kết luận thì quả thực có vấn đề lớn trong tác nghiệp. “Nói tóm lại, đưa tin là đưa tin, bình luận là bình luận, không nên có sự chồng lấn giữa hai việc này. Nếu là đưa tin, nhà báo chỉ đưa ra thông tin và đứng trung lập”, trích ý kiến một nhà quan sát quan sát báo chí. CĐ24H không cho thấy họ hiểu rõ điều này, hoặc hiểu mà bất chấp, lạm dụng.

Những “thực tế” còn bỏ ngỏ

Cuối phóng sự, các bạn lên tiếng như thế này.

Toàn bộ học bạ, giấy khai sinh phải mần lại hết chứ không ai chấp nhận… Cả làng này họ biết nhưng họ giấu hết”.

Các bạn trích câu người phụ nữ ấy và nói: “Cùng làng cũng xã với nhau thì tất cả những gì đã phát phía trên là một phần thực tế”.

Đúng, cũng có thể giấy tờ của Công Phượng được làm lại, cũng như bao người khác được làm lại. Nhớ nhớ, quên quên. Sai rồi gạch. Thời điểm đó, gia đình đâu có “kế hoạch” nghĩ xa đến một ngày Công Phượng nổi tiếng và gặp rắc rối về giấy tờ.

Ngoài ra, các bạn có xem xét là mình có bỏ qua “thực tế” nào khác nữa không? Các bạn cũng nhắc đến việc mất hồ sơ đăng bộ. Lỗi này, xin nhắc lại không phải là lỗi của Công Phượng! Nhưng các bạn đưa ra để ám chỉ rằng ai đó đứng sau đã giúp “hủy” hoàn toàn hồ sơ của hàng trăm học sinh.

Tiếp đó, các bạn cho khán giả xem Giấy khai sinh của Công Phượng, không có Số, Quyển. Trong bản sao cũng không có số. Chắc chắn không phải lỗi của Công Phượng.

Và tôi hiểu các bạn muốn nói về sự không hợp pháp của tờ giấy khai sinh trong khi có thể đang bỏ qua “thực tế” về sự yếu kém tư pháp cấp xã thời đó. (Có ai giật mình đi lục xem lại giấy khai sinh của mình không?).

Các bạn cũng có thêm một tờ bản sao khai sinh. Và xoáy vào chi tiết dòng chữ “Sao từ Sổ khai sinh”. Nhìn kỹ, đây là dòng in sẵn. Thực tế, khi làm sao giấy khai sinh, bạn mang bản gốc ra và được đóng dấu. Và biết đâu “thực tế” hồi đó cũng có thể đúng là thực tế năng lực yếu nên bỏ qua?

Người phụ trách tư pháp cũng đã nói như thế: “Bản sao là người dân ghi, chính quyền vẫn cấp”. Vậy, nếu có khuất tất, thì là cái sai của tư pháp chứ không phải từ Công Phượng.

Trong phần phóng sự, phóng viên có tìm đến UBND và tìm gặp lãnh đạo địa phương. Chủ tịch xã tiếp và trả lời thắc mắc của các bạn nhưng các bạn vẫn không tin. Không tin cũng không sao khi các bạn mang trong mình suy nghĩ là là họ có sự bao che. Nhưng so với các phỏng phỏng vấn các bạn thực hiện phía trên, các bạn thấy rõ thiên kiến của mình và điều các bạn đang muốn hướng người xem tới chưa (framing).

Các bạn là nhà báo, các bạn muốn đi tìm sự thật. Đó là điều đáng được ủng hộ. Nhưng đừng chỉ sử dụng những “thông tin” có lợi cho các bạn. Khán giả cần là thông tin công bằng, không bị lái theo chủ ý của các bạn (framed).

Thái độ không phù hợp hay nghiệp vụ non

Cái sai tiếp theo tôi muốn phân tích là việc non nghiệp vụ thể hiện qua cuộc phỏng vấn trường quay giữa BTV Ngọc Trinh và nhà báo Quang Vinh (CĐ24H ngày 15-11). Khán giả không nhìn thấy sự công tâm, thuyết phục của ê kíp CĐ24H trong điều tra và trình bày kết quả điều tra bằng phóng sự. Đó mới là điều họ phản ứng.


“Thái độ hiếu chiến” và “ngôn ngữ kẻ cả” của BTV Ngọc Trinh - Ảnh chụp màn hình

Sẽ là quá hào phóng khi so với Christian Amanpour, phóng viên cao cấp của CNN. BTV Ngọc Trinh qua đoạn phỏng vấn đã tỏ “thái độ hiếu chiến” và “ngôn ngữ kẻ cả”, thô bạo ngắt đứt tranh luận với người đối thoại khi bị chất vấn và thực chất cho thấy BTV này “non và yếu” về nghiệp vụ và kiểm soát tình huống. (Mời xem lại đoạn phỏng vấn trực tiếp trường quay giữa nhà văn Quang Vinh và Ngọc Trinh - một cuộc phỏng vấn mà có lẽ các bạn dẫn trực tiếp sẽ còn phải xem đi xem lại nhiều lần để học và rút kinh nghiệm.)

Chúng tôi là những người có quyền được hoài nghi và khán giả có quyền được biết sự thật”, Ngọc Trinh nói.

Sự thật đâu. Các bạn chứng minh sự thật đi. Nếu không các bạn phải xin lỗi”, nhà văn Quang Vinh.

Nghĩa là bây giờ anh yêu cầu tôi phải xin lỗi chứ gì?... Tôi sẽ xin lỗi anh Quang Vinh, nhưng tôi xin lỗi anh về thời lượng cho phần bình luận của anh đã hết” - Ngọc Trinh thô bạo ngắt phần phỏng vấn. “Và tôi sẽ quay trở lại câu chuyện này trong ngày mai. Và tôi hy vọng trưa ngày mai khán giả sẽ được nghe những điều họ muốn lắng nghe”.

BTV Ngọc Trinh hứa quay trở lại vào “ngày mai” (16-11) và trên thực tế, hôm sau Ngọc Trinh không dẫn như đã hứa. Có thể cứ cho rằng là buổi dẫn sau không phải lịch dẫn của Ngọc Trinh, nhưng không thể không khiến người xem nghĩ rằng do non tay nghề, ko thể dẫn thuyết phục nên Ngọc Trinh đã thất hứa không quay trở lại ngay buổi hôm sau.

BTV Trần Việt dẫn thay hôm đó có nói Ngọc Trinh sẽ giải thích vì sao. Đến ngày hôm sau nữa, Ngọc Trinh quay trở lại dẫn vẫn lờ đi. Một câu nói thôi để người xem nhận thấy sự thành thực của các bạn, rằng đó chỉ là sự tình cờ trong lịch làm việc hoặc vì một lý do nào đó (nên nhớ cứ cho là các bạn đang đúng) mà các bạn cũng không làm được. Các bạn thật là có khả năng “sống trên dư luận” thật.

Tôi không muốn nói thêm về việc “câu” khán giả của các bạn. Bản thân tôi khi xem các “chứng cớ” từ điều tra của phóng viên CĐ24h không phải không nhìn ra sự sai lệch cần làm rõ. Nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu các bạn làm chắc tay hơn. Làm điều tra mà non tay thì bạn sẽ dễ bị hở sườn. Khi chúng ta biết có nghi vấn thì sao không đặt ra để đi tìm sự thật. Vâng, giá như các bạn cứ đi tìm và tìm đủ rồi đưa lên phát sóng cũng chưa muộn.

Sau cùng, điều tôi muốn nói là chúng ta có nhiều cách để người trong cuộc (dù vô tình hay cố ý) làm sai giấy tờ có thể có cách để làm lại cuộc đời chứ không phải dùng đến rất nhiều thời lượng và sóng để tạo sức ép lên một con người (trừ phi lúc ấy người đó một mực chối bỏ). Xin đừng nhân danh tìm kiếm sự thật. Và đúng là hãy làm hết khả năng chuyên môn nghiệp vụ và hãy sống trong sự trung thực.

Tôi xin kết bằng một câu trích của một khán giả cùng với mong muốn bài viết sẽ giúp chúng ta nhìn ra lỗi nghiệp vụ để cùng nâng cao chuyên môn.

Cho dù thất vọng với VTV, nhưng tôi tin công luận vẫn luôn mong chờ, biết đâu CĐ24H, VTV ngày hôm nay bắt đầu bằng “sự thật nhỏ”, nhưng sẽ có lúc có đủ lực nguồn nhân lực với tay nghề cao, đạo đức và trí tuệ, sẵn sàng đương đầu với “sự thật lớn”.

Biết đâu?
”.

Minh Đỗ, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn