“Tiết lộ gia thế giàu có ít người biết của các nghệ sĩ trẻ”, đó là đề tựa của bài báo và nội dung của nó thì đại loại như sau: “
Được sinh ra trong một gia đình gia giáo, giàu có. Bố mẹ Th. Top đều là những người có địa vị xã hội, học vị tiến sĩ và được nhiều người nể trọng. Chị gái cũng học và làm việc tại Mỹ…”. Và: “
Nam ca sĩ… luôn tự hào vì được sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia phong. Bố của N. C. là sĩ quan quân đội cấp cao, mẹ của anh làm việc trong Kho bạc Nhà nước…”.
Bạn nghĩ gì khi đọc những điều này? Bây giờ lên đọc “báo mạng”, hoàn toàn không thiếu những bài về sự “giàu có, gia thế” của các ngôi sao giới “show-biz”, kiểu
“Những căn nhà đắt đỏ bậc nhất tại Hà Nội của sao Việt”. Khi đọc những bài đó, độc giả không thể không nhận ra cái ý thực sự thèm khát cuộc sống của những con người tưởng như “hoàn hảo” ấy. Một nhà trí thức lớn, chân chính chắc hẳn sẽ không vui khi báo chí nhằm vào con cái của mình, dù để ca ngợi và trong đó, có thông tin về mình với cái “học vị tiến sĩ” mà hiện, xã hội đang hoảng loạn lên vì khủng hoảng thừa tiến sĩ.
Có thể ông thân sinh của ngôi sao ấy là tiến sĩ thật, với kiến thức thực sự, với những công trình có giá trị trong nghiên cứu khoa học – nhưng xã hội thì không biết đến điều đó và người ta sẽ buông một câu “
lại tiến sĩ mua bằng chứ gì…”. Cũng như vậy với những tuyên bố của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tình trạng tham nhũng trong xã hội đã lan tràn trở thành quốc nạn “
một bầy sâu”, vậy liệu có lợi gì khi tung hô bố của ngôi sao là sĩ quan quân đội cấp cao, mẹ công tác ở… Kho bạc với sản nghiệp lớn rất lớn…
Câu hỏi của dư luận sẽ là, toàn cán bộ Nhà nước cả, vậy họ lấy đâu ra nhiều tiền thế? Lại ông chú của thằng em họ của ông cậu ba đời đằng vợ cho phải không nhỉ?
Cũng tương tự như vậy với câu hỏi, ca ngợi gia thế của một người mà trầm trồ xuýt xoa, là cô hay cậu ta, có anh chị em học và làm việc tại… Mỹ - trầm trồ về độ giàu có đủ tiền cho con đi học Hoa Kỳ chăng? Hay trầm trồ về sự ưu việt của một xã hội mà báo chí ta vẫn thường loan tin sự phân hóa giàu nghèo càng ngày càng sâu sắc, cảnh sát da trắng cứ sểnh ra cái bắn chết người da màu? Chúng ta đang sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, dân chủ vạn lần hơn kia mà?
Loại trừ trường hợp người viết bài có dụng ý xấu, cố tình tạo phản tác dụng, thì đây là một sự méo mó trong nhận thức của báo giới ta trong giai đoạn hiện nay. Hoàn toàn không khó khăn để tìm thông tin “Vợ chồng tỉ phú Bill Gates để lại bao nhiêu tiền cho con cái” trên Internet. Con của họ là con của những người giàu nhất thế giới, nhưng họ vẫn bắt đầu bằng những bước đầu tiên trên chính đôi chân của mình. Nếu như những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh của chúng ta đã có tài năng sẵn rồi, tiến thân được bằng chính những tài năng ấy, thì cần gì phải có những ca ngợi kiểu nói trên?
Cũng chỉ cách đây khoảng một tháng, trên báo xuất hiện
bài tổng hợp của H.N về cái lâu đài có mấy con gà mạ vàng ở trên nóc, điều kỳ lạ ở chỗ là tác giả của bài báo còn cầu kỳ đến mức tham khảo của ý kiến của… nhà phong thủy. Để tăng thêm sức nặng, tác giả đưa chức danh của nhà phong thủy là Phó Giám đốc một Trung tâm UNESCO (việc thành lập các Trung tâm UNESCO kiểu thế này có lẽ là một trong những việc gây dựng một tổ chức có “danh” oai oách dễ nhất tại Việt Nam hiện nay - đó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao bây giờ các Trung tâm UNESCO ở Việt Nam nhiều như nấm sau mưa).
Quay lại với nhà phong thủy, ông cho rằng những vận hạn của đại gia tuổi Đinh Dậu là đặt gà lên nóc nhà, cho “
gà bươi lên đầu”, nguyên văn trong bài báo là “
theo quan niệm từ xưa tới nay, gà bới trên đầu sẽ loạn…”. Nghiên cứu khoa học là nghiên cứu khoa học, không thể dựa vào “
quan niệm xưa nay” – quan niệm là quan niệm của ai, của dân gian, hay của sách vở phong thủy xem tướng số đang in bầy bán đầy ắp các cửa hàng? Chúng ta không định phủ nhận những hiện tượng thuộc về thế giới tâm linh mà khoa học thực nghiệm cũng chưa giải thích được, nhưng mặt khác, báo chí là sản phẩm hàng vạn, hàng triệu người đọc, và số người đọc coi báo chí là nguồn thông tin có thể tin ngay lập tức được, là không nhỏ.
Nhìn lại từ đầu bài đến đây, câu chuyện đã chuyển từ các ngôi sao của giới “show-biz” sang “đại gia”. Đời tư của các đại gia cũng là mảnh đất màu mỡ để báo giới khai thác. Cũng không thiếu những bài báo “trầm trồ” về cuộc sống xa hoa, vương giả của các đại gia, nào là “
căn hộ vài triệu đô”, nào là “
ôtô Roll-Royce rồng phượng”, nào là “
vòi xịt toa lét bằng vàng”… nhưng cũng chính báo giới ấy là nguồn nhanh nhạy đầu tiên bới ra những chuyện không hay ho, những góc khuất trong cuộc sống của những người nổi tiếng và càng say mê hơn khi họ là những đại gia ngã ngựa.
Lúc đó mới vỡ ra là các đại gia bị bắt toàn vì những tội danh “
trốn thuế”, “
buôn lậu”, “
lừa đảo”, “
lạm dụng tín nhiệm”… Lúc “xuýt xoa” ca ngợi cuộc sống xa hoa của họ, người làm báo đã quên mất, làm thế nào mà họ trong một thời gian ngắn có thể nhanh chóng có được sản nghiệp lớn như thế.
Kết cục của các đại gia, không thiếu người từ “
sản nghiệp khủng” biến thành trắng tay hoặc tệ hơn, lâm cảnh nợ nần, rồi các bi kịch gia đình tan vỡ, nhảy lầu… không thiếu. Những câu chuyện đó cho chúng ta thấy cái gọi là “tài sản” là cái dễ mất đi nhất, có thể tiêu tan nhanh chóng và vào những lúc bất ngờ nhất. Trong khi Bill Gates hiểu điều đó, thì báo chí đang dẫn độc giả vào con đường mờ mắt vì tiền bạc, thậm chí phát triển cái tâm lý mong muốn có tiền bằng mọi giá.
Chuyện báo chí tọc mạch đời tư của người nối tiếng, thế giới cũng không thiếu - chưa ai dễ quên câu chuyện của công nương Diana nước Anh là nạn nhân của các paparazzi. Tò mò quan tâm đời tư của người khác cũng là một trong những tật xấu vốn có của con người nói chung, mà đã là tật xấu, thì người ta sẽ đặt cho nó một khái niệm, như trường hợp này là “
thị hiếu tầm thường”. Điều tai hại, là báo chí, tạo ra thị hiếu, và ngược lại, thị hiếu được nắm bắt bởi báo chí… thị hiếu tầm thường thì có báo chí tầm thường phục vụ; báo chí tầm thường lại tạo ra những trào lưu thị hiếu tầm thường mới.
Cái vòng luẩn quẩn ấy người ta sa vào trong đó mà không thể tìm đâu được điểm khởi đầu và kết thúc, mà có thể thoát được khỏi nó. Các bài báo viết về đời tư của người nổi tiếng theo hướng đề cao các giá trị bền vững về văn hóa, về giáo dục hay phong cách sống phù hợp với đạo đức xã hội… ngày càng ít đi, tỉ lệ nghịch với số lượng những bài báo theo hướng “
tầm thường hóa”.
Mỗi người chúng ta với tư cách là độc giả, nếu không dần dần đặt ra được những ranh giới cho bản thân và cả những người thân, tự tránh việc sa đà vào những thị hiếu kiểu như thế, thì mới giảm dần được tình trạng “
tầm thường hóa báo chí” này. Còn về phía những người làm báo, nếu không tránh được quá trình đó, thì chính là “
báo chí tự giết báo chí” - không chỉ thế, báo chí đang góp một tay nhào nặn nhận thức chung của xã hội theo hướng “méo mó hóa”.
Đã cần lắm một quá trình “
lành mạnh hóa” thị hiếu và báo chí rồi!