RỪNG XƯA LÁ MÃI CÒN XANH

Chủ nhật - 21/12/2014 04:30

(NCTG) “Chừng nào con người còn cần có niềm tin để không ngã lòng ngay cả khi bị vùi dập oan khốc, người ta còn cần ông. Và như thế, ông không chết”.


Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (1934-2014)

Những trang cuối cùng của “Chuyện kể năm 2000” đã khép lại.

Đứng ở phòng khách, mình lặng lẽ nhìn xuống đường. Trời Berlin vào đông có nhiều ngày mưa rả rích, trong bóng đêm, tất cả dường như nhòa đi, trĩu dưới bầu trời đang sà xuống rất thấp. Những hàng dẻ gai cong queo khua những cành trơ gầy lên nền trời tối sẫm. Và những ngọn đèn vàng liu riu soi một khoảng trời vàng vọt xiên chéo run rẩy những vạt mưa rơi... Quái lạ, mưa ở bên ngoài, cớ sao mắt mình lại ướt...

Còn mấy ngày nữa là Giáng sinh...

Có cái gì trĩu trong lồng ngực, vừa dai dẳng, vừa rưng rưng, thật khó cắt nghĩa mà không thể nào xua đi được.

Có phải chỉ vì sự trùng hợp, lúc trang cuối cùng của cuốn sách vừa khép lại cũng là lúc mình đọc được tin cha đẻ của nó, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã không còn nữa? Sự ra đi của một người không hề quen biết tại sao khiến mình có tâm trạng thế này? Phải chăng là mình cũng như ai đó, hay khóc mướn thương vay bởi tâm hồn quá đa sầu đa cảm?

Lần đầu tiên mình đối diện với cái chết cách đây đã rất lâu. Bá Linh con trai mình ra đi không một tiếng khóc. Cái chết đối với mình khi ấy giống như một tai nạn không hề báo trước giáng xuống đầu khiến mình choáng váng và suy sụp đến mức tưởng không bao giờ có thể vượt qua nổi. Rồi sau này, mình nhìn những cái chết khác thật bình thản. Có gì đâu, sinh - bệnh - lão - tử, đời người, nói một cách rốt ráo, ai mà không phải trải qua. Cuộc sống chẳng qua chỉ là cõi tạm.

Nhưng, phút giây về phía bên kia sẽ đo lường những giá trị mà người ấy đã cống hiến và để lại cho đời. Phải chăng Bùi Ngọc Tấn đã sống và đã làm nên những điều khác biệt, khiến sự ra đi của ông, làm rung động hàng triệu con tim, cả những người chưa từng được một lần gặp ông, như mình?

Mình chỉ là một người rất đỗi bình thường, mê văn chương một cách vừa phải, sống một cuộc đời bàng bạc và suôn sẻ như bao nhiêu người đàn bà khác. Sinh ra trong chiến tranh nhưng không biết mùi bom đạn, cái khổ lớn nhất thì cũng chỉ đại loại như mọi người khác cùng thời bao cấp. Tin tưởng ngây thơ vào sự giáo dục của Đảng, vào những giá trị một thời dẫn dắt cả một dân tộc dưới những ánh sáng hết sức vô hình.

Bùi Ngọc Tấn cũng thú nhận ông từng một thời “ngây thơ” như thế, để rồi, lịch sử đã đặt vào ông những nghịch cảnh và sứ mạng khiến ông sống với nó, nhìn lại nó, viết về nó với cái nhìn của một người vừa là nhân chứng, vừa là một nhà văn và một trong tác phẩm ấy, được nhìn nhận là “chấn động dư luận”.

Mình đã có một thời gian rất dài không quan tâm đến tình hình văn học nước nhà. Nói đúng ra là không có một cú huých nào để mình đọc một cách có hệ thống và nghiêm túc văn học Việt Nam thời kỳ hậu thống nhất. Mình say sưa tìm đọc các tác giả “ngoại”, mà bỏ qua các nhà văn Việt Nam, cho rằng họ không có tác phẩm nào đáng đọc.

Cho đến lần ấy, có lẽ cũng đến hơn chục năm rồi, cô em mình trên đường đi công tác ghé qua Đức thăm chị, đã mang cho mình đến nửa va-li sách theo yêu cầu của bà chị lãng mạn.

Cô nàng bị chờ ở sân bay Frankfurt am Main mấy tiếng đồng hồ và trong khi mình xót xa cô em phải vạ vật thì cô nàng bảo: “Em không tiếc thời gian đâu chị ạ, em đọc sách mê mải đến nỗi quên là mình đang ở sân bay ấy chứ. Một cuốn sách rất đáng, em tin là chị sẽ mê”. Và cô nói tên cuốn sách: “Rừng xưa xanh lá”.

Nhưng phải đến mấy tháng sau mình mới được cầm trên tay cuốn ấy. Nguyên do là một anh bạn cùng đoàn, sau khi giúp cô em mình mấy việc, đã được cô nàng trả ơn bằng cách: “Anh muốn em tặng anh cái gì làm kỷ niệm?”. Và anh chàng ấy, khăng khăng chỉ xin cuốn “Rừng xưa xanh lá” lẽ ra là của mình. Cô em còn bồi thêm cho mình một đòn đứt ruột: “Em mang cho chị mấy chục cuốn truyện nhưng anh ấy nhất định chỉ hỏi xin cuốn ấy. Em không từ chối được. Nói để chị thấy là tiếng vang của cuốn đó rất lớn và anh chàng rất tinh tường”.

Rồi cô em hứa sẽ mua cuốn khác đền cho mình và gửi sang nhanh nhất khi có dịp. Và vì phải chờ đợi, phải nhiêu khê ra bưu điện nhận bưu phẩm khi người gửi không thể đưa được tận tay... mình đã nâng niu “Rừng xưa xanh lá” như một món quà đặc biệt, một kỷ niệm đặc biệt và những trang sách, quả thật, cứ lung linh mãi trong tâm trí mình.

Mình biết Bùi Ngọc Tấn từ ấy. Ông cùng với “Rừng xưa xanh lá” chính là cú huých quan trọng đưa mình quay trở lại quan tâm đến Việt Nam nói chung và văn học nước nhà nói riêng sau nhiều năm hối hả quên đi nhiều điều mang hai chữ Việt Nam.

Đây không phải là tập sách viết về những ngôi sao sáng mà phần lớn là những ngôi sao mờ mịt vần vụ bão giông, một tập sách viết về những người luôn vượt lên, không đầu hàng số phận.

Tôi viết về họ như những người mang nghiệp chướng trong mình. Tôi viết về sự nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kỹ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ.
..”. Bùi Ngọc Tấn trải lòng về cuốn sách.

Chính những dòng chữ ấy, chân dung một người cầm bút khắc họa những người cầm bút khác, bằng một giọng văn giản dị mà vô cùng sắc nét, khiến mình lại hình dung rất rõ về ông, có cái gì rất đỗi nhân hậu, gần gũi, đời thường mà không hề tầm thường. Nhưng đọc “Biển và chim bói cá” và nhất là “Chuyện kể năm 2000”, những dòng thác thông tin cùng số phận của ông mới thực sự khiến mình phải bật lên một câu cảm thán: Vĩ đại!

Người ta nói quá nhiều về tác phẩm này. Tiếng vang của nó đã vượt ra khỏi biên giới, xé toang bức màn bưng bít về một thể chế xã hội và sự thật trần trụi mang tên Nhà tù ở Việt Nam. Mình đã từng hỏi bạn bè rằng có nên đọc nó không. Và có những lời khuyên là “không”, vì mọi người biết cái tạng rất vớ vẩn của mình. Tốt nhất đừng đọc, ám ảnh lắm! Nó đại loại như “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên ấy.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Trường hợp này cũng vậy. Mình tiếc là đã không đọc “Chuyện kể năm 2000” sớm hơn.

Gấp cuốn sách lại, điều mình ngạc nhiên là, trong mình không có sự bi lụy hay thất vọng nào. Mà chỉ thấy rưng rưng và một điều gì giống như niềm tin. Tin vào nhân cách, lòng tự trọng của con người, như Bùi Ngọc Tấn đã tái hiện trong từng trang viết. Nó không thể bị bẻ gẫy dù bất cứ hoàn cảnh nào. Cuộc đời ông, cho đến lúc chết, vẫn luôn là một người đàn ông đôn hậu, nhân ái, vẫn tràn đầy yêu thương.

Những trang viết của ông như vẽ lại một bức tranh trung thực đến tàn nhẫn về những điều phi lý của một xã hội mà con người nhân danh pháp quyền đã thực thi với con người. Nhưng không hề có sự hằn học nào. Nó đẫm đầy tình yêu. Tình yêu với con người, với những điều tốt đẹp hiền lương, và với những người đàn bà ông đã yêu thương.

Bùi Ngọc Tấn đã sống một cuộc đời chìm nổi như thân phận của đất nước. Nhưng những gì ông để lại cho chúng ta, những người may mắn được đọc ông, dù cùng thời hay sau này, là những trang sử bi thương của một dân tộc dưới một ngòi bút trung thực và nhân văn mà ông vừa là người tái hiện, vừa là nhân chứng với tư cách một nhà văn. Linh hồn Nhà văn ấy sẽ mãi tồn vinh cùng hồn dân tộc.

Chừng nào con người còn cần có niềm tin để không ngã lòng ngay cả khi bị vùi dập oan khốc, người ta còn cần ông. Và như thế, ông không chết.

Rừng xưa lá mãi còn xanh!

Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 19-12-2014


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn