THỊT BỤNG, HOA ĐỒNG TIỀN VÀ XE ĐẠP MIFA

Thứ tư - 27/01/2016 12:36

(NCTG) “Sự hòa nhập muốn hay không cũng phải đến dù là rất từ từ và đôi khi, rất miễn cưỡng. Nhưng ngay cả người Đức cũng không nhận ra rằng, bằng một cách nào đó, chính họ cũng đang bị “Việt hóa” một cách âm thầm, bất khả kháng”.

Miếng thịt lợn cũng có thể liên quan tới vấn đề hội nhập - Minh họa: nol.hu

Miếng thịt lợn cũng có thể liên quan tới vấn đề hội nhập - Minh họa: nol.hu

Nhà mình thích ăn thịt bụng. Chẳng phải vì nó rẻ (thật ra cũng chả rẻ) mà vì dễ ăn. Về nguyên tắc thì ở siêu thị nào cũng có bán, trừ siêu thị của người Thổ vì họ không ăn thịt lợn. 

Dân nghiền thịt bụng đều biết mua thịt này không đâu rẻ mà ngon như ở Metro hoặc Selgros. Hôm nọ đi Metro, gặp đúng hôm đầu tuần, chưa có. Giữa tuần, chưa về. Cuối tuần, hết. Phàn nàn với cô bạn, cô bảo, sao chị không sang bên em, lúc nào cũng có, mặc sức mà mua.

Bên cô ấy sống là phần Đông Berlin, quận Lichtenberg, nơi có rất đông người Việt sinh sống. Ở đâu có người Việt, nơi ấy có mức tiêu thụ thịt bụng… vượt trội. Món bún chả chẳng thể thiếu những miếng thịt lẫn mỡ xếp xen nhau từng lớp mà người ta còn gọi là thịt ba rọi. Thịt rọi kho Tầu, thịt rọi bung với cà tím, tía tô thơm lừng cả mùa đông. Chưa kể thịt bụng lọc bì, xay nhuyễn làm nhân bánh bao, bánh giò, bánh khúc… mềm như lụa, hơn đứt những món thịt xay sẵn bán trong siêu thị, đã cứng mình còn suồi suỗi như hờn dỗi với mắm muối. 

Có lẽ cái thời khan hiếm thịt bụng đã qua rồi, vì các siêu thị bán buôn như Metro, Selgros... đã không bỏ qua những khách hàng béo bở này. Thật vậy, mình đã lặn lội sang phần Đông Berlin và “choáng ngợp” trước một thiên đường thịt bụng lúc nào cũng ngồn ngộn trong gian lạnh. Trong khi đó, ở phía Tây, nếu đi không đúng ngày thì rất có thể phải về không vì viễn cảnh không có lấy một khoanh bụng nào. Đơn giản là bên Tây Berlin người Việt thưa hơn nên nguồn cung cũng ít hơn.

Ngược trở lại thời Đông Đức xưa kia, mỗi khi vào một cửa hàng xe đạp nào đó, chỉ cần nhìn thấy đầu đen (tóc màu đen) thôi, nhân viên bán hàng đã lắc đầu quầy quậy: Không có xe đạp Mifa.
 
Chiếc xe mơ ước của nhiều thế hệ người Việt qua Đức - Ảnh: Internet
Chiếc xe mơ ước của nhiều thế hệ người Việt qua Đức - Ảnh: Internet

Nhà máy sản xuất xe đạp Mifa hồi đó, mỗi năm chỉ sản xuất ngần ấy, ngần ấy, đủ cho nhu cầu tiêu dùng của công dân nước họ. Kinh tế XHCN của thiên đường CNXH hồi đó không có kế hoạch ba, khiến những chiếc xe đạp Mifa trở thành món hàng béo bở nhưng khan hiếm làm người mình tha hồ móc ngoặc, luộc nấu, mua đi bán lại.

Thập niên 80, 90, có tới 40 ngàn lao động Việt Nam tràn sang Đức, nên ngay cả dân Đức cũng không kiếm nổi một chiếc xe Mifa ngay tại đất nước mình. Không biết bao nhiêu chiếc xe Mifa được chuyển về nước Việt theo con đường ngoằn ngoèo nhọc nhằn như thế, nhưng chắc chắn, nó mới chỉ đáp ứng được một nhu cầu rất nhỏ nhoi của một dân tộc cho đến tận bây giờ vẫn chưa sản xuất nổi một con ốc vít.

Để có được chiếc xe tháo tung ra, bó giò bằng vải gửi về quốc nội, nó đã phải qua mấy cầu, mấy cửa và đội lên đến mấy giá. Không ít anh ở miền quê hẻo lánh bắt được “cầu” Mifa, trở nên sáng giá trong những công cuộc cưa cẩm em út và phất lên thành những tay buôn cỡ chòm xóm, thoải mái đóng những thùng hàng có mấy con xe xa xỉ trong sự choáng váng ngưỡng mộ của đồng nghiệp.

Một thời Mifa đã xưa mà chưa xa. Ở đâu có người Việt, cán cân tiêu dùng ở đó lại lệch đi một nấc nhưng các nhà doanh nghiệp Đức giờ đây không để cho các vị thượng khách phải thất vọng. Thịt bụng không bao giờ thiếu, nó chỉ chuyển đến những nơi có đông người Việt.

Gần đây nhất, siêu thị bán buôn Selgros còn tổ chức một buổi tiệc long trọng mà khách mời chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam. Họ tri ân những ông chủ lớn, thượng đế của họ với một khẩu hiệu thật đáng lưu danh: “Bất cứ bộ phận nào, theo cách mà các ngài muốn được cắt ra”. Có nghĩa là, họ sẽ lọc thịt theo cách mà các “Thượng đế” yêu cầu, cho dù oái oăm nhất.

Sẽ rất sơ suất nếu không điểm qua một cán cân khác mà người Việt đã và đang làm lệch hẳn trục quay của nó theo một cách không hề có lợi cho những đồng nghiệp người Đức. Roy Ramsaroop, một chủ giao hoa tươi tại Berlin phàn nàn với phóng viên của tờ “Berliner Zeitung” rằng, không ở đâu, không ở nơi nào mà giá hoa lại rẻ như ở Berlin và sự cạnh tranh ở đây cũng khốc liệt chưa từng có giữa các quầy bán lẻ.
 
Kinh doanh hoa, một nghề nở rộ của người Việt ở Berlin, khiến dân bản địa ít nhiều bị lái theo thị hiếu Việt - Ảnh: Internet
Kinh doanh hoa, một nghề nở rộ của người Việt ở Berlin, khiến dân bản địa ít nhiều bị lái theo thị hiếu Việt - Ảnh: Internet

Ông uớc tính, người Việt đã nắm đến hơn 60% thị trường bán lẻ hoa tươi và đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức làm ăn của người bản địa. “Họ dậy rất sớm, dường như là họ thức cả đêm để đợi đi lấy hàng vậy, càng ngày chúng tôi càng phải dậy sớm theo”. Và cũng theo ông: “Thẩm mỹ nghề nghiệp chẳng có liên quan gì. Họ bán hoa theo cách của họ. Quang cảnh hệt như đại hạ giá ở Hà Nội”. 

Dậy rất sớm, vì như quan niệm của đại đa số người mình: “Trâu chậm uống nước đục”, người đến sớm sẽ chọn được những bông hoa tươi nhất, giá cả rẻ nhất và thoải mái mà chọn lựa. Một trong những loại hoa được người Việt ưu ái nhất, không thể thiếu trong bất cứ cửa hàng hoa nào, đó là hoa đồng tiền. Đặc biệt là đồng tiền bông nhỏ (Minigerbera).

Vâng, thịt bụng, xe Mifa và hoa đồng tiền, những trục quay lệch của những nhu cầu mang đậm “màu sắc dân tộc” ấy, những món “thời trân” mùa nào thức ấy, kéo theo những “hệ lụy” là các nhà sản xuất phải lắng nghe, điều chỉnh để phục vụ và đuổi kịp nhu cầu của những Thượng đế của họ. 

Nếu thời xưa, chế độ DDR sụp đổ trước khi kịp “Mifa hóa toàn dân Việt” thì ngày nay, mỗi khi vào khu giao hoa tươi của Berlin, người ta sẽ không khó khăn gì để nhận ra, những xe hoa của người mình, xe nào xe nấy ngồn ngộn những khay hoa đồng tiền. Rẻ, màu sắc rực rỡ như màu của quê hương xứ xở, hoa đồng tiền được các cửa hàng hoa Việt ưu ái đến mức, cứ mỗi ngày lễ, nó lại được đội giá lên rất cao.

Thì rồi vẫn lại bán cho người Đức thôi. Sau rất nhiều cú va đập của hai nền văn hóa, dân Berlin ngày càng làm quen với những bó hoa rẻ chưa từng có tại chính quê hương mình, màu sắc lòe loẹt với rất nhiều hoa đồng tiền của những người bán hoa lẻ đến từ một vùng đất khác.

Chúng ta đang là những vị khách trên đất nước họ. Sự hòa nhập muốn hay không cũng phải đến dù là rất từ từ và đôi khi, rất miễn cưỡng. Nhưng ngay cả người Đức cũng không nhận ra rằng, bằng một cách nào đó, chính họ cũng đang bị “Việt hóa” một cách âm thầm, bất khả kháng. 

Qua rồi thời Mifa quý hiếm săn lùng, bên cạnh ẩm thực phở nem vang danh, thì siêu thị xếp đầy thịt bụng, và những bó hoa đầy những bông đồng tiền rờ rỡ của một thẩm mỹ rất Việt, đang trở thành một điều quá đỗi bình thường ở nơi đây...

Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin (Đức)

* Nếu ở nước ngoài, bạn có thấy nơi bạn ở, người dân sở tại có biểu hiện “Việt hóa” nào đáng kể như góc nhìn của bài viết trên không? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 88 trong 18 đánh giá
Xếp hạng: 4.9 - 18 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn