Sau khi trên báo chí trong nước xuất hiện
một bài báo phản ánh tình trạng lạm thu phí của Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Bỉ, một cộng đồng người Việt Nam đã và đang sống ở nước ngoài đã quy tụ lại trên trang mạng xã hội Facebook
“Tôi và Sứ quán” để chia sẻ về những sai phạm tương tự mà họ đã và đang gặp phải tại nhiều cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới.
Chỉ trong hơn ba tuần, nhóm này đã quy tụ được hơn bốn ngàn thành viên đến từ hơn ba mươi nước trên thế giới có cùng chung nguyện vọng mong muốn đóng góp ý kiến với ngành Ngoại giao nhằm cải thiện bộ mặt cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bản kiến nghị gây nhiều tiếng vang
Sinh hoạt theo ba nội dung chính đã được
công bố rộng rãi trên trang mạng và nhiều nơi, sau hơn hai tuần hoạt động, Nhóm đã tổ chức trưng cầu ý kiến về việc soạn thảo chung và gửi một kiến nghị đến các cơ quan chức năng, đề nghị Bộ Ngoại giao có những biện pháp cụ thể chấn chỉnh, đảm bảo các cơ quan đại diện thực hiện đúng các quy định pháp luật, công khai, minh bạch các thủ tục và các khoản thu phí.
Sau khi được thông qua bởi 98% số thành viên tham gia bỏ phiếu, một
kiến nghị đã được đưa thu thập chữ ký để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền với năm nội dung như sau:
1. Niêm yết công khai, rõ ràng, chi tiết tất cả các thủ tục, biểu mẫu, thời gian trả kết quả, biểu mức thu phí và lệ phí lãnh sự trên website chính thức của các cơ quan này và tại địa điểm thu phí bằng tiếng Việt và tiếng Anh hoặc ngôn ngữ chính thức của nước sở tại.
2. Tổ chức thu phí và lệ phí lãnh sự theo đúng quy định tại Thông tư số 200/2013/TT-BTC ngày 20-12-2013 của Bộ Tài chính. Khi thu tiền, phải lập và cấp biên lai thu cho người nộp tiền theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Thông tư số 200/2013/TT-BTC.
3. Hoàn trả số tiền lạm thu phí và lệ phí lãnh sự cho người bị lạm thu còn giữ được hóa đơn, chứng từ thu phí.
4. Triển khai dịch vụ lãnh sự trực tuyến và thanh toán điện tử, thực hiện đúng chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Quyết định 947/QĐ-BNG của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày 30-3-2010.
5. Tuân thủ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và thành viên các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-BNG ngày 06-1-2015 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đồng thuận và góp ý sôi nổi
Sau hơn một tuần công bố, Kiến nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con Việt Nam thuộc nhiều cộng đồng trên thế giới. Đã có có gần 500 người ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký tên, cho thấy phần nào những băn khoăn, bức xúc rất lớn của người Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh việc nhất trí với năm điểm chung trong kiến nghị, rất nhiều ý kiến còn bổ sung thêm những góp ý, đề đạt những tâm tư nguyện vọng mang tính xây dựng đến Bộ Ngoại giao.
Bạn Dương Tú từ Bỉ đồng ý ký kiến nghị vì “
muốn các cơ quan đại diện cho đất nước gần một trăm triệu người phải có một hình ảnh xứng đáng hơn và đáng được tôn trọng hơn”. Bạn Dương Tú cũng “
muốn mỗi khi đến ĐSQ, mỗi người đều có cảm giác thân thuộc như đặt chân lên lãnh thổ quê hương và mọi người mỉm cười vui vẻ với nhau giữa những người đồng bào thân quý”.
Từ Hàn Quốc, bạn Nguyễn Hoàng Lâm mong muốn “
ĐSQ Việt Nam tại nước ngoài nên công khai các loại phí và thông tin thủ tục trên trang web tránh tình trạng bị một vài nhân viên và “trung gian” lợi dụng để nhũng nhiễu người Việt ở nước ngoài, nhất là anh chị em lao động”. Thực tế này được bạn Nguyễn Thanh Bình (Hàn Quốc) xác nhận: “
Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn với người lao động, cô dâu lấy chồng Hàn”.
Bạn Nguyễn Thị Loan từ Canada cho rằng “
ĐSQ là bộ mặt đại diện của quốc gia ở nước ngoài nên nhân viên không thể làm những việc ảnh hưởng đến thể diện của nhà nước” và “
đừng để nhắc đến Việt Nam mà người ta chỉ dùng chữ tham nhũng + cửa quyền”. Cùng quan điểm này, bạn Phạm V. Hà từ Việt Nam cho rằng “
phải thay đổi nền ngoại giao già cỗi”.
Từ Ma Cao, bạn Trần Ngọc Trang phản ảnh “
mong muốn sứ quán phục vụ chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn với đồng bào cũng như khách nước ngoài muốn đến thăm Việt Nam. Người lễ tân, văn thư trình độ tiếng Anh ít ra phải giao tiếp được với khách. Nhiều bạn bè tôi phàn nàn về thái độ phục vụ và trình độ tiếng Anh của nhân viên sứ quán Việt Nam.
Điện thoại, đường dây nóng của sứ quán cũng phải được trực 24/24. Tôi cố gắng điện thoại Lãnh sự quán Việt Nam ở Hồng Kông cả tuần vẫn chưa ai nghe máy”.
Bạn Phạm Thị Thoa từ Pháp nêu ý kiến: “
Đề nghị các nhân viên ĐSQ không được thu thêm tiền quá quy định của chính phủ và thái độ phục bà con nhiệt tình hơn, không nên lạm chức quyền hống hách bà con Việt kiều”.
Từ New Zealand, bạn Thang Tran cũng “
đề nghị thu đúng biểu phí lãnh sự và xuất hoá đơn thu tiền”, còn bạn Tina Nguyen từ Đức “
yêu cầu ĐSQ Việt Nam minh bạch trong việc thu phí từng loại dịch vụ nhằm tránh gây rắc rối cho đồng bào Việt hải ngoại”.
Bạn Bùi Kim Đĩnh từ Đức “
yêu cầu ĐSQ niêm yết công khai biểu giá và xuất hoá đơn tài chính theo quy định của nhà nước”. Cùng quan điểm này, bạn Thien Huong cũng từ Đức phản ánh “
tôi còn mặc cả giá tiền được với nhân viên đại sứ giảm từ 180 Euro xuống còn 150 Euro”.
Bạn Sang Huynh từ Thụy Điển “
mong ĐSQ làm đúng luật pháp và tạo điều kiện cho kiều bào lao động ở nước ngoài thuận lợi nhất, quan trọng nhất là đừng bảo chúng tôi gởi lệ phí qua bì thư nữa”. Từ Na Uy, bạn Thân Ngọc Bích đồng tình “
cảm thấy thật xấu hổ thay cho hình ảnh của đất nước Việt Nam khi phải gởi tiền để làm các thủ tục nhập cảnh Việt Nam lại phải giấu tiền trong thư cùng với giấy tờ, và với mức phí cao hơn gấp năm lần phí niêm yết tại các trang của ĐSQ”.
Là người đã sống hơn 35 năm tại Bỉ và đã trực tiếp đấu tranh với tình trạng lạm thu ở ĐSQ Việt Nam tại Bỉ nhiều năm trước, cô Trần Thị Quế Mùi, có lẽ là thành viên nhiều tuổi nhất của “Tôi và Sứ quán”, năm nay đã bước sang tuổi 72 “
mong Thủ tướng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng sớm giải quyết những bức xúc của kiều bào đã tồn tại nhiều năm”.
Phản hồi tích cực đầu tiên
Trước những bức xúc của dư luận, ngày 29-5, thông qua mục phản hồi trên báo “Lao Động”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi
cho biết, ngay sau khi báo “Lao Động” phản ánh, lãnh đạo bộ đã có yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức kiểm điểm cán bộ, làm rõ những thông tin mà báo “Lao Động” nêu; rà soát lại quy trình cấp thủ tục lãnh sự đảm bảo tính công khai,minh bạch và thuận lợi cho người dân.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã có công văn gửi các ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý và thu phí lãnh sự, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi nhất cho công dân VN tại nước ngoài.
Những phản hồi tích cực nêu trên của Bộ Ngoại giao được nhiều thành viên trong cộng đồng “Tôi và Sứ quán”, hoan nghênh tuy nhiên để một chủ trương trở thành sự thực thì hứa thôi chưa đủ mà phải có các cơ chế để bảo đảm các thay đổi tích cực đó được thực hiện và duy trì, theo nhận xét của nhiều thành viên.
Cụ thể hơn, cộng đồng người Việt ở nước ngoài mong muốn Bộ Ngoại giao có hành động nhất quán trong việc thực hiện công khai hóa thủ tục, thời hạn và biểu phí lãnh sự, sử dụng đúng biểu mẫu hóa đơn, hoàn phí lạm thu cho những người bị lạm thu có đủ chứng từ, có thái độ đúng mực khi giao tiếp… như các điểm được nêu trong kiến nghị.
Có như vậy mới tạo ra niềm tin cho hơn bốn triệu kiều bào mỗi khi nhìn về đất nước, thực hiện tốt chủ trương hòa hợp dân tộc như tinh thần của Nghị quyết 36 và chỉ thị 45 của Bộ Chính Trị về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài.
Mong lắm thay một ngày, mọi công dân Việt Nam ở nước ngoài khi đến các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, sự bức xúc, ấm ức tủi hổ mà họ hay phải gặp sẽ được thay thế bằng tình đồng hương xa xứ ấm áp, để quê hương mãi mãi là chùm khế ngọt trong lòng mỗi người Việt xa xứ!