Người Việt ở Đức: THẾ LÀ TẾT

Thứ sáu - 13/02/2015 20:03

(NCTG) Khác hẳn cái không khí ồn ào náo nhiệt chợ tết ở quê hương, người Việt đang sinh sống tại Đức đang âm thầm sửa soạn cho một cái tết, một mùa xuân mới với nhiều tình cảm nhớ về cội nguồn.



Cũng tất bật chợ tết với cơm cúng ngày 23 tháng Chạp, cũng mứt tết, cùng đào quất... Cơ man bộn bề là việc, nhưng tất cả đã được lên kế hoạch và đặt hàng từ trước cách đây cả tháng trời...

Nhớ về một thời bao cấp, phải xếp hàng cả ngày trời để mua được túi hàng tết. Giờ đây, ở nơi trời Âu tưởng không thiếu thứ gì, cũng phải lên kế hoạch cả tháng mới có đủ đồ để làm một bữa cơm tết đúng theo truyền thống cổ truyền dân tộc. Lý do thật giản đơn: chúng tôi đang sinh sống giữa lòng Châu Âu, cách xa quê hương bản quán mười mấy giờ bay.

Ngoài trời tuyết đã đóng băng khô cóng, thi thoảng có tiếng xe ầm ì đi lại để ủn tuyết, những tiếng lạo xạo rào rào của muối và cát được tung ra để tránh đường trơn ngã... Cái tết nơi xứ lạnh bên đây là vậy, cứ âm thầm lặng lẽ, cứ ấm cúng riêng trong từng mỗi gia đình của người Việt. Một chút thoáng mong, thoáng buồn, một chút háo hứng mong mỏi mùa xuân của con người xa đại gia đình, góp lại cũng đủ để đón mùa xuân về..

Đành xa quê nhưng vẫn còn nhớ quê, nhớ ngày tết là vậy. Tết của con người nơi xứ lạnh khá đơn giản, chỉ cần có bánh chưng là có tết. Mấy gia đình chơi với nhau cùng quây quần gặp gỡ ăn uống vào một ngày nghỉ trong dịp này - thế cũng là tết! Ngày cuối năm, cuộc sống vẫn hối hả theo dòng công việc nên vẫn đi làm và thi thoảng ngó trước nhìn sau đến sáu giờ tối ở bên này, là giao thừa ở Việt Nam đấy. Và thế là tết.

Vẫn những con người ấy, nhưng coi bộ ai cũng hân hoan, luôn rạng rỡ nụ cười, tíu tít chào hỏi chúc tụng nhau - thế là tết. Các gia đình cùng nhau bận rộn gói bánh chưng xanh để lấy không khí tết và cũng là cách dạy cho thế hệ thứ hai chào đời và lớn lên ở đây biết đến ngày tết Việt. Nhìn tụi nhỏ lăng xăng giúp việc, những ánh mắt háo hức tò mò học hỏi gói bánh chưng mà thấy như một mùa xuân thật sự đang đến gần.

Tôi băn khoăn không biết các em có hiểu Tết Nguyên đán là gì không? Tò mò hỏi thử một bé: “Cô đố con sắp đến ngày gì to nhất trong năm của Việt Nam nhỉ?”.

Cô bé mười hai tuổi nhanh nhẹn: “Tết mà cô!”.

- Sao lại tết? Mà tết là ngày gì thế?

- Tết là năm mới ấy. Là có bánh chưng, làm lâu lắm cô à...

Một niềm vui và nụ cười hé mở. Ừ đúng rồi, tết có bánh chưng. Một khái niệm đơn giản dễ nhớ với các em.

Chả bù bữa trước, lúc lúc hướng dẫn các em múa nón cho chương trình vui xuân và kết thúc bằng cảnh xếp hình chữ S trên những chiếc nón trắng xinh xinh, tôi đã phải vận dụng cả khả năng tiếng Việt và Đức để trả lời thắc mắc của một em: “Cô ơi, sao không xếp chữ khác đi chữ L hay T ấy cho dễ chứ chữ S khó lắm”.

Các em nói được tiếng Việt, tuổi cũngv mười bôn, mười lăm mà còn chưa hiểu được một khái niệm tưởng rất hiển nhiên - Tổ quốc ta hình chữ S. Nhưng với ngày tết cổ truyền dân tộc, các em đã có được một cách hiểu rất nhẹ nhàng và thực tế: Tết là năm mới có bánh chưng, và làm mất công lắm!

Chỉ vậy thôi mà tết cũng sắp vào đến cửa nhà, để những người con xa xứ hân hoan chào đón mùa xuân. Ấm áp, yêu thương khi hướng về quê hương Việt Nam đang tấp nập đón chào năm mới.

Một chút tuyết rơi một chút buồn
Một chút lang thang đón đợi xuân
Một chút khói bếp trong sương tuyết
Một nồi bánh chưng - thế là xuân...

Chùm ảnh của Đào Quang Vinh về cảnh chuẩn bị Tết Nguyên đán của người Việt ở Đức:














Thái Thu Huyền, từ CHLB Đức


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

loading