Trang mạng “Tôi và Sứ quán”: CHUNG TAY GIÚP NGÀNH NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Thứ hai - 11/05/2015 19:32

(NCTG) “Nếu mỗi người chúng ta chịu khó cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, và bớt “ngại” đi một chút, cùng nhau đoàn kết lên tiếng nói “không” với việc thu lạm phí này tức là chúng ta đã giúp cho Bộ Ngoại giao Việt Nam rất nhiều trong việc gây dựng lại hình ảnh cho các cơ quan đại diện của Bộ”.

Tình trạng lạm thu tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài gây bức xúc cho nhiều bà con - Minh họa: Internet

Tình trạng lạm thu tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài gây bức xúc cho nhiều bà con - Minh họa: Internet

Theo số liệu của Học viện Ngoại giao Việt Nam năm 2012, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có trên 4 triệu người. Còn theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2014 ngành du lịch Việt Nam thu hút gần 8 triệu lượt khách quốc tế. Qua những con số này, có thể hình dung khối lượng công việc, số lượng hồ sơ của các Phòng Lãnh sự thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại các nước phải giải quyết hàng năm.

Mừng vì người Việt ở xa quê hương vẫn luôn giữ tình cảm với quê hương mình, mừng vì khách du lịch nước ngoài yêu quý Việt Nam, hàng năm đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước, thiết tưởng họ sẽ được tạo điều kiện ngay từ những bước đầu khi làm thủ tục để “được” nhập cảnh, “được” giữ quốc tịch, “được” khai sinh cho con, “được” làm hộ chiếu... nhưng họ đã được “tiếp đón” như thế nào khi đến Đại sứ quán Việt Nam tại các nước?

Bài báo phản ánh tình trạng lạm thu phí của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ gấp nhiều lần mức phí chính thức theo quy định của Bộ Tài chính, được đăng trên báo “Lao Động” ra ngày 5-5-2015 đã gây hiệu ứng hàng loạt trong cộng đồng người Việt trên hệ thống thông tin mạng.

Trên mạng xã hội Facebook trong những ngày qua xuất hiện một trang có tên “Tôi và Sứ quán”. Chỉ sau vài ngày thành lập, trang đã thu hút gần một ngàn thành viên, phần lớn là người Việt Nam đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Với mục tiêu hàng đầu là “yêu cầu Sứ quán phải công khai, minh bạch việc thu phí và thời gian trả hồ sơ, thực hiện theo đúng quy định của nhà nước”, các quản trị viên của trang khẳng định họ “chia sẻ thông tin lạm thu phí mà mình gặp phải để tất cả mọi người cùng biết, từ đó có hướng hành động thích hợp để giúp đỡ, bảo vệ nhau”.

Khi vào đọc các chia sẻ trên trang có thể nhận thấy, vấn đề lạm thu phí và thái độ làm việc, tiếp dân của không ít nhân viên Phòng Lãnh sự của nhiều Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài như một thứ ung nhọt ở một chỗ rất “nhạy cảm”, gây “đau đớn” cho cả “thể xác” túi tiền và “tinh thần” của người dân.

Thật không bình thường chút nào khi một người gốc Việt phải xấu hổ khi nhận ra rằng mình đang được trân trọng, đối đãi đàng hoàng ở các công sở của nước sở tại nơi mình sống hơn là ở Đại sứ quán của quê hương mình.

Và cũng thật không bình thường chút nào khi người Việt phải thấy xấu hổ thay cho các cơ quan lãnh sự Việt Nam khi nghe những lời phản ánh của bè bạn nước ngoài về cung cách làm việc cùng sự mập mờ trong việc thu phí khi họ đến sứ quán để làm visa.

Và thật đáng tiếc, vì thiếu thông tin (về giá biểu lệ phí), tâm lý “xin - cho” và tinh thần “thoả hiệp cao” vốn có của người Việt, chúng ta, hầu hết, đã im lặng dung túng cho các cán bộ lãnh sự trong những việc làm sai trái của họ.
 
Báo chí Việt Nam đưa tin, bài mổ xẻ về vấn nạn lạm thu tại các Đại sứ quán - Ảnh: Internet
Báo chí Việt Nam đưa tin, bài mổ xẻ về vấn nạn lạm thu tại các Đại sứ quán - Ảnh: Internet

Trang mạng “Tôi và Sứ quán” khẳng định “hoạt động như một cộng đồng độc lập để giám sát việc lạm phu phí lãnh sự của các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài” với lý do “chưa có một kênh thông tin công khai để những người bị lạm thu phí lãnh sự lên tiếng”, cũng như chưa có cơ chế hay tổ chức nào giám sát hoạt động các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một cách công khai.

Bước đầu thực hiện là bằng cách “phổ biến các quy định của nhà nước, các thông tư, nghị định và thông tin thiết yếu để từng người biết và tự bảo vệ quyền lợi của mình khi làm việc với Sứ quán”. Đồng thời, trang này cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các thành viên trong trường hợp bị sứ quán lạm thu.

Hiện tại chưa có phản hồi chính thức nào từ các Đại sứ quán khác trước những thông tin mà trang này đưa ra.

Thiết nghĩ, nếu mỗi người chúng ta chịu khó cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, và bớt “ngại” đi một chút, cùng nhau đoàn kết lên tiếng nói không với việc thu lạm phí này tức là chúng ta đã giúp cho Bộ Ngoại giao Việt Nam rất nhiều trong việc gây dựng lại hình ảnh cho các cơ quan đại diện của Bộ.

Tiếng nói công khai của cộng đồng có sức mạnh rất lớn làm nên thay đổi nếu chúng ta cùng ý thức được điều đó.

Ngọc Anh, từ Lyon (Pháp)


 
 Từ khóa: Đại sứ quán, lạm thu
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn