NGƯỜI VIỆT ĐÒI CHÍNH QUYỀN BA LAN XIN LỖI VÌ “NGHI ÁN” THỊT CHÓ

Thứ tư - 03/12/2014 23:41

(NCTG) Nhân viên Biên phòng trong đợt kiểm tra tại Wolka Kosowska (1) đã tịch thu gần 1 tấn thịt mà người Việt không xuất trình được giấy tờ để kinh doanh. Biên phòng nghi ngờ rằng, đó có thể là “thịt chó”. Cơ quan kiểm tra thực phẩm (Sanepid) không xác nhận điều này, còn người Việt cảm thấy bức xúc.


Thịt bị Cơ quan Biên phòng Ba Lan cho là không rõ nguồn gốc tại khu thương mại của người Việt ở vùng Wolka Kosowska


Cuộc kiểm tra của Biên phòng tại Wolka Kosowska (gần Warszawa) đã diễn ra cuối tháng 11-2014.

Phòng Thanh tra Vệ sinh Dịch tễ (của quận Piaseczno) khẳng định rằng, phần lớn số thịt bị tịch thu có các giấy tờ hợp pháp và đã được bảo quản đúng cách. Giám đốc Phòng Thanh tra, ông Henryk Medkowski hôm thứ Hai đã nói với hãng thông tấn PAP rằng không có bằng chứng nào cho thấy đây là thịt chó, và xét nghiệm gen là không cần thiết.

Bây giờ, đến lượt đại diện của người Việt đã gửi thư ngỏ đến bà Bộ trưởng Nội vụ Teresa Piotrowska đòi hỏi phải xin lỗi và đính chính những thông tin sai lệch.

“Đó là gây dựng sự bài ngoại”

Bà phát ngôn viên của Chỉ huy trưởng Biên phòng đã chia sẻ với dư luận những nghi ngờ vô cơ sở của mình, làm dư luận hiểu lầm” - những người ký tên vào lá thư viết. “[Việc đó] gây cảm giác đây là hành động có chủ ý, nhằm gây ác cảm đối với người nhập cư Việt Nam và gây mất lòng tin đối với các dịch vụ trong các cửa hàng và nhà hàng của họ.

Như ta thấy, việc gây dựng trong xã hội tinh thần bài ngoại không phải là vai trò của cơ quan Biên phòng, cũng như việc thông báo ra dư luận những thông tin sai lầm gây ra cảm giác tiêu cực lớn không phải là công việc thích hợp cho phát ngôn viên của cơ quan này
”.

Bức thư được ký bởi các thành viên Hội Tự do Ngôn luận, Quỹ Đa Văn hóa và Đối thoại Quốc tế, Hội Văn hóa – Xã hội của người Việt tại Ba Lan, Ban biên tập (tờ báo mạng) “Đàn chim Việt” và những người hoạt động xã hội như Phan Viên Nga và Karol Hoàng (2). Họ mong chờ những đính chính trong truyền thông và cách xử lý với những cán bộ có trách nhiệm bên Biên phòng.

Biên phòng: “Có nhiều tín hiệu khác nhau”

Chúng tôi sẽ không xin lỗi bất cứ ai”, cô Dagmara Bielec-Janas (phát ngôn viên của Chỉ huy trưởng Biên phòng) cho hay. “Chúng tôi có cơ sở để nghi ngờ rằng tại nơi đó có thể có thịt của các loài vật khác nhau. Chúng tôi không phán quyết là có thịt chó ở đó hay không, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là phải gọi các cơ quan thích hợp để họ nghiên cứu”.

Chúng tôi hỏi là những nghi ngờ dựa trên cơ sở gì. Cô phát ngôn viên trả lời loanh quanh: “Chúng tôi nhận được các thông tin khác nhau”.

Trong bài bình luận kèm theo bức thư ngỏ gửi người đứng đầu Bộ Nội vụ, nhà hoạt động Tôn Vân Anh của Hội Tự do Ngôn luận đã lưu ý rằng, các sĩ quan cán bộ Biên phòng đến Wolka Kosowska là để kiểm tra tính hợp pháp về cư trú và làm việc của người nước ngoài sống ở đó. Vậy tại sao họ lại kiểm tra cả thịt?

Chúng tôi thấy thịt được bảo quản trong điều kiện như thế là không ổn”, cô Bielec-Janas đáp trả. “Nếu chúng tôi thấy có sai sót thì chúng tôi sẽ phản ứng ngay. Đó là trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là đối với các cán bộ, nhân viên mặc quân phục”.

Trẻ em bị nhạo báng trong trường học

Tuyên bố của cô phát ngôn viên rất tai hại”, anh Ngô Văn Tưởng thuộc Quỹ Đa Văn hóa và Đối thoại Quốc tế nhận xét. “Nó không chỉ gây ra thiệt hại vật chất mà các chủ quán bar và nhà hàng đang chịu đựng, mà quan trọng hơn là thiệt hại về mặt đạo đức, mà thiệt hại này thì rất khó tính. Trẻ em gốc Việt bị chế nhạo trong các trường học, từ vài ngày nay các em xấu hổ không muốn đến trường.

Cô phát ngôn viên này đã chia sẻ với dư luận một giả thuyết không được hỗ trợ bằng bất kỳ bằng chứng nào, mà giả thuyết ấy làm gia tăng sự hận thù và phân biệt đối xử đối với thiểu số người Việt tại Ba Lan. Cũng như câu chuyện ở vùng Kielce, nơi mà người ta đồn đại là người Do Thái bắt cóc trẻ em để làm bánh mì. Là cán bộ cơ quan nhà nước, cô ta nên biết là phát ngôn của mình có trọng lượng thế nào
” – Ngô Văn Tưởng nói thêm.

Các nhà hoạt động người Việt đang chờ đợi quan điểm chính thức của Bộ Nội vụ (3).

Ghi chú:

(1) Một thị trấn ngoại ô Warszawa, nơi có nhiều trung tâm thương mại của người Việt.

(2) Thư ngỏ còn được ký bởi Jakub Krolikowski (Quỹ Nghệ thuật Arteria), linh mục Edward Osiecki và nhà phê bình ẩm thực Maciej Nowak.

(3) Bài viết của nhà báo Emilia Dłużewska đăng trên tờ “Gazeta Wyborcza” số ra ngày 3-12-2014. Tựa đề do NCTG tạm đặt.

Cường và Vân Anh dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn