KHÔNG HỐI LỘ - PHIÊN TÒA ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI BA LAN

Thứ năm - 02/10/2014 09:36

(NCTG) Hai cảnh sát viên Ba Lan bị tuyên án tù bốn năm vì nhốt người Việt trong vòng ba mươi phút để tống tiền. “Sau phiên tòa, chúng tôi đã giành lại được niềm tin, rằng Ba Lan không tham nhũng như Việt Nam. Chúng tôi muốn những người khác đừng sợ nữa” – hai anh Nam và Mạnh chia sẻ với báo giới.


Bài viết về một vụ án đặc biệt trên báo Ba Lan

Nhật báo lớn nhất Ba Lan là “Gazeta Wyborcza” đã đăng bài phóng sự về vụ việc sau khi hai nạn nhân Việt Nam thắng kiện trước tòa. Dưới đây là bài viết của nữ ký giả Aleksandra Szyłło mang tựa đề “Sẽ không hối lộ”, được Cường và Vân Anh chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Ba Lan.

Xe cảnh sát vượt chiếc Golf Combo màu than, cảnh sát giơ tấm biển hiệu lệnh dừng xe. Khi đó là buổi sáng, hai ngày trước giao thừa năm 2012. Trong chiếc xe bị bắt dừng lại có bốn người đàn ông và một phụ nữ, tất cả đều mang quốc tịch Việt Nam và đều có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Ba Lan. Cảnh sát viên Tomasz M. và Stefan G. lần lượt tính phạt.

Giấy phạt

Thứ nhất, ba hành khách ngồi ghế sau không cài đai an toàn – 300 Złoty (tương đương 100 USD - ND).

Thứ hai, tài xế dùng bằng lái do Việt Nam cấp. Tại Ba Lan, chỉ được dùng bằng lái của Việt Nam trong nửa năm, sau đó phải chuyển sang bằng lái của Ba Lan. Thời hạn nửa năm đã bị quá, vì vậy – 500 Złoty

Thứ ba, có hàng hóa trong cốp xe. Vận chuyển nguyên liệu làm rèm cửa để kinh doanh không có hóa đơn – thêm 1.000 Złoty nữa, dù vận chuyến một số lượng hàng nhỏ có giá trị chỉ vài chục đồng như trường hợp này lẽ ra không cần có biên lai. Dầu vậy, cảnh sát vẫn tính phạt.

Tổng cộng là 1.800 Złoty (600 USD – ND).

Những người Việt yêu cầu cảnh sát viết phiếu phạt, họ hứa sẽ trả tiền phạt qua bưu điện. Tuy nhiên cảnh sát nhất quyết từ chối. “Các anh đưa nộp đây 1.000 Złoty thì mọi chuyện cho qua” – cảnh sát nói.

Nhóm người Việt không đồng ý, nhất quyết đòi được giải quyết đúng luật. (Tại sao họ lại nhất quyết như vậy? - Có thể bởi vì dẫu có tiền theo người, song, đó không phải là tiền của họ, mà là của cô bạn nhờ họ trả tiền vé bay về Việt Nam. Họ sẽ giải thích thế nào với cô ta khi bị mất hết sạch số tiền đó? Hoặc có lẽ đơn giản chỉ vì họ đã bao lần được nghe những câu chuyện tương tự, rằng bạn bè họ luôn cúi đầu im lặng và trả tiền: vì sợ hãi, vì muốn yên thân, hoặc bởi không có lựa chọn nào khác).

Nguyễn Thanh Nam và Trần Mạnh nói “cần chấm dứt”. Không trả. Yêu cầu phiếu phạt. Tình thế trở nên bế tắc.

Cảnh sát ra lệnh cho người lái xe, Nam, ngồi vào ghế lái và đi theo xe cảnh sát tới đồn gần nhất nằm tại Raszyn ngoại ô Warszawa. Bạn của tài xế, Mạnh đề nghị được lái xe. Là người duy nhất có bằng lái xe Ba Lan, anh muốn tránh việc xe tiếp tục vi phạm luật giao thông.

Cảnh sát không đồng ý. Tại sao? “Tôi không thấy có lý do nào hợp lý” – luật sư Maciej Zaborowski, đại diện cho các công dân Việt Nam tại tòa, đã bình luận như vậy sau đó. “Có thể bởi các viên cảnh sát cảm thấy quá tự tin và họ làm điều họ muốn, đó là cách lý giải duy nhất cho cách hành xử của họ”.

Nam tiếp tục ngồi sau tay lái. Mạnh ngồi bên cạnh. Là người nói tiếng Ba Lan tốt nhất trong nhóm, Mạnh muốn cùng đến đồn cảnh sát để giúp bạn mình. Ba hành khách còn lại đi ra xe buýt. Vì lo xa, Mạnh bấm máy camera trên điện thoại và đặt sau kính xe. Sau này, những gì anh ghi được trở thành bằng chứng quan trọng cho tòa.

Xe cảnh sát, thay vì đỗ trước đồn, đã đỗ bên vệ rừng. Stefan G. và Tomasz M. xuống xe và nhắc lại đề nghị: “1.000 Złoty rồi đường ai nấy đi”. Hai người Việt từ chối. Lời đe dọa được tung ra: vậy thì các người sẽ bị trục xuất. Cuối cùng, cảnh sát trở lại xe của mình, và lần này quả thật chạy tới đồn cảnh sát tại Raszyn.

Mạnh cho hay: “Tôi mới nghĩ: miễn sao tới được đồn cảnh sát, ở đó chúng tôi sẽ an toàn. Vậy mà tôi đã nhầm to”.

Trong đồn cảnh sát, Nam (người lái) phải bỏ tất cả mọi thứ trong túi ra ngoài. Tomasz M. và Stefan G. lục soát người anh Nam rồi giam anh trong phòng cách ly. Họ cũng làm như vậy đối với Mạnh. “Nhưng tôi có bị cáo buộc gì đâu, tôi tới đây là để giúp bạn tôi!” – Mạnh phản đối.

Cảnh sát viên thứ ba, trực tại đồn, nãy giờ chỉ ngồi nghe, bỗng đứng dậy. Người này vung tay tóm cổ áo Mạnh và đè đầu anh xuống mặt bàn. Mạnh chịu thua, ngoan ngoãn moi giấy tờ và ví ra khỏi túi. Cảnh sát nói là cả điện thoại nữa. Mạnh rút điện thoại ra. Cảnh sát giam Mạnh cùng phòng với Nam.

Tomasz M. ngó vào phòng biệt giam, bảo bây giờ lệ phí phải là 2 nghìn Złoty. Và hai người Việt sẽ không được ra nếu không chịu trả tiền.

- Vậy chúng tôi sẽ ở đây bao lâu? - Nam hỏi.

- Không biết – cảnh sát trả lời.

Những người Việt Nam giải thích rằng họ không có từng ấy tiền bên người.

- Vậy hãy gọi điện cho ai đó, bảo người ta mang tiền đến – cảnh sát mách nước.

Ba mươi phút, có thể là một tiếng trôi qua. Cảnh sát cầm ví của hai người Việt vào phòng giam và bảo, rõ ràng có tiền đấy chứ. Hai người nộp cho cảnh sát 2.000 Złoty, yêu cầu giấy biên nhận nhưng được trả lời là sẽ không có biên lai.

Nam, tài xế, được thả tự do. Hai người Việt trước đó đã kịp thống nhất với nhau là ai được thả trước sẽ cố gắng mang theo cả hai chiếc ví đựng tiền. Và việc đó đã thành. Nam, khi đi ra, đã vơ hết từ trên bàn mọi thứ đồ của mình và của bạn mình.

Trong lúc đó, Tomasz M. và Stefan G. gọi Mạnh đến trước màn hình máy tính. Họ cho Mạnh xem dữ liệu cảnh sát mà theo đó anh Mạnh đang ở Ba Lan bất hợp pháp. Cảnh sát sẵn sàng “giúp đỡ” nếu nhận được thêm 1.000 złoty. Mạnh nói, sự thật là hiện tại anh không còn đồng nào.

Tôi biết là giấy tờ của tôi hợp pháp, nhờ có ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp mà tôi có thẻ cư trú. Song, tôi cũng thấy là lập luận cũng như lý giải của tôi chỉ gây cho cảnh sát thêm khó chịu. Tôi không biết phải làm gì, và điều gì sẽ xẩy ra sau đó” - Mạnh thuật lại.

Và sau đó là một hồi lời qua tiếng lại, cuối cùng cảnh sát chỉ cho ông Mạnh cửa ra.

Ra ngoài đường, hai người Việt nhận ra rằng, trong đồn, họ bị moi ví và mất thêm khoảng 350 Złoty nữa. Mạnh và Nam về tới Wolka Kosowska (trung tâm buôn bán của người Việt gần đó - ND) và kể cho những người bán hàng trong đó câu chuyện họ vừa trải qua. Các bạn hàng hoài nghi hỏi lại: “Các anh ở đây lâu năm như thế mà mới hôm nay là lần đầu tiên gặp phải chuyện này à?”.

Ba kịch bản săn lùng

Câu chuyện này điển hình và không điển hình. Câu chuyện điển hình luôn khớp với một số kịch bản chính.

- Kịch bản A. Người Việt Nam đi ôtô. Tại Warszawa có một số tuyến đường cố định: từ khu Cổng Sắt, từ quận Wola hoặc Ochota, nơi người Việt Nam sinh sống, đến trung tâm thương mại bán buôn tại Wolka Kosowska hoặc trung tâm bán lẻ Marywilska thuộc quận Bialoleka. Xe nào bên trong có hành khách là người Việt Nam, thì chắc như đinh đóng cột là chiếc xe đó sẽ bị giữ để kiểm tra.

Bàn thắng lớn nhất cho những người mặc đồng phục (công an, cảnh sát, biên phòng...) là săn được người “bất hợp pháp”. Những người như thế sẽ nộp hết tất cả những gì có trong người, để tránh bị trục xuất. Bởi vì gia đình họ, ở miền quê Việt Nam, đã gom góp để con cháu mình vượt hành trình bất hợp pháp tới Moscow sang Ba Lan.

Nếu những người bị kiểm tra có giấy tờ cư trú, người thi hành công vụ chưa chắc đã thắng, như câu chuyện này minh chứng.

- Kịch bản B. Người Việt Nam đi xe buýt. “Xin đưa vé cho tôi kiểm tra”. Người “bất hợp pháp” luôn luôn có vé, bởi vì họ rất sợ bị hỏi về giấy tờ. “Nhưng vé này không có giá trị”, người Việt bị mời xuống xe.

Đằng sau bến xe, cách xa mọi người, người Việt được biết rằng ông ta không có vé. Hoặc là 500 Złoty, hoặc chúng tôi gọi điện cho biên phòng.

- Kịch bản C. Đó là những câu chuyện của các tài xế taxi tại Warszawa. Nhiều lần họ tâm sự với tôi về tình huống khó xử: chở người Việt hay không chở? Vừa lợi vừa không lợi. Chỉ chở người Việt được một quãng ngắn là ngay lập tức bị cảnh sát giữ lại. Mặc dù bình thường thì cảnh sát rất ít giữ taxi có khách. Song, cảnh sát thường chú tâm săn người Việt, từ năm giờ sáng, khi những quầy hàng của người châu Á bắt đầu hoạt động.

Tới máy trả tiền thì gặp rừng

Câu chuyện của hai anh Nguyễn Thanh Nam và Trần Mạnh là bất thường, vì nó được tòa án Cộng hòa Ba Lan thụ lý.

Sau khi ra khỏi đồn tại Raszyn, ngay tối hôm đó, hai ông đã gọi điện thoại đến Tôn Vân Anh nhờ giúp đỡ. Số điện thoại của Tôn Vân Anh được lưu truyền trong cộng đồng nhập cư người Việt, giống như điện thoại của ông Jacek Kuron đối với người Ba Lan gặp hoạn nạn thời cộng sản.
 
Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động gốc Việt tại Ba Lan sau một buổi làm việc trên đài phát thanh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vân Anh nói chuyện với bà Irena Olczyk, lãnh đạo Quỹ La Strada. Bà Irena chỉ cách tới Văn phòng Nội vụ Cảnh sát. Tại đây, ngay từ đầu, vụ việc được xem xét một cách rất nghiêm túc. “Ở đó, chúng tôi đã lấy lại được niềm tin, rằng chúng tôi đang sống trong đất nước pháp quyền, rằng Ba Lan không phải là nước tham nhũng như Việt Nam” – hai nạn nhân nói.

- Chứng minh với tòa cảnh sát có tội không phải việc dễ làm – luật sư Maciej Zaborowski nói. - Trong các vụ sự liên quan hối lộ, thường chỉ có lời nói của các bên làm chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các viên cảnh sát bị tố cáo dường như đã tạo điều kiện cho tôi dễ dàng xử lý vụ việc.

Thứ nhất, việc họ từ chối lý giải trước tòa. Tất nhiên riêng việc từ chối thôi tự nó đã không phát quyết tội lỗi của bất cứ ai. Song tòa có thể đặt câu hỏi: tại sao lại từ chối? Các bị cáo chỉ trả lời các câu hỏi đã lựa chọn. Trong quá trình chuẩn bị tố tụng, các bị cáo đã giải thích rằng, khi dẫn người Việt đến đồn cảnh sát, họ đã dừng lại tại trung tâm thương mại, để người Việt có thể sử dụng máy trả tiền tự động.

Nhưng trên video do một trong hai người Việt mà tôi đại diện ghi lại cho thấy lời khai đó không đúng sự thật. Video cho chúng ta thấy rằng điểm dừng xe nằm trong rừng,vậy mà cảnh sát đã che gấu điều này.

Thứ hai, khi các sĩ quan Văn phòng Nội vụ xác minh lời khai của người Việt, thì một trong các bị cáo (một trong hai cảnh sát - ND) trình giấy phạt 500 Złoty và bị cáo đã tự thanh toán đơn phạt này thay cho người phạm luật giao thông (luật cho phép thực hiện thủ tục như thế). Các cảnh sát viên tại Raszyn cố gắng thuyết phục rằng, mặc dù họ đã lấy một số tiền từ người Việt, nhưng sau đó họ đã thanh toán đơn phạt theo đúng luật.

Nhưng chú ý: chuyên gia của tòa nói rằng chữ ký của ông Nguyễn Thanh Nam trên đơn phạt là chữ ký bị làm mạo. Theo chuyên gia thì chữ ký này không thuộc về bất cứ ai trong hai người Việt, cũng như không thuộc về ai trong hai cảnh sát bị tố cáo.

Thứ ba, các bị cáo cứ lặp đi lặp lại trước tòa như hô thần chú là họ không nhớ chi tiết, bởi vì “tất cả người Việt đều giống nhau”. Nhưng một sự kiện như sau đã xảy ra: tại một trong những phiên tòa đầu tiên, các bị cáo trông thấy Tôn Vân Anh trong nhóm người quan sát phiên tòa. Ngay lập tức, phía bị cáo đệ đơn yêu cầu không cho cô ngồi trong phòng xử, với lập luận là trong tương lai sẽ có thể bổ nhiệm cô làm nhân chứng, vậy cô không được nghe những gì diễn ra trong tòa lúc này.

- Các bị cáo nhìn thấy tôi lần cuối cách đây một tháng, lúc đó tôi để kiểu tóc khác và áo quần cũng khác. Vậy tại sao họ lại dễ dàng nhận ra tôi, nếu như tất cả người Việt Nam đều giống nhau? - nhà hoạt động không nén được và nói vậy trước tòa.

Thứ tư, bên bị cáo cố gắng củng cố lập luận rằng vụ việc này là do Tôn Vân Anh kích động, vì cô này “không thích cảnh sát”. Để biện chứng, luật sư của một trong hai bị cáo mang trình tòa bài phỏng vấn mà Tôn Vân Anh chia sẻ với nguyệt san “Zwierciadlo” hồi tháng Hai năm nay. Trong bài nói chuyện đó, cô kể về hiện trạng của các nhóm thiểu số tại Ba Lan và có nói câu: “Đôi khi người Việt bị cảnh sát Ba Lan đối xử không tốt”.

Lập luận của phía biện hộ về sự thù nghịch của nhà hoạt động bị đổ vỡ khi Tôn Vân Anh trình tòa bằng chứng phản bác. Cô nộp cho tòa nào là bằng khen, nào là thư cám ơn mà cô nhận được từ cảnh sát, biên phòng khi cô tham gia hướng dẫn nghiệp vụ cho các công chức. Và các lớp đào tạo do cô dẫn dắt thường tập trung vào đề tài làm sao hỗ trợ công chức cảnh sát cải thiện phương pháp giao tiếp với người nhập cư.

Sự thật khách quan và sự thật khác

Sự vụ trên tòa diễn ra trong hơn một năm rưỡi.

Tomasz M. và Stefan G. bị kết tội hối lộ, tội tước đoạt trái phép quyền tự do của hai người, tội chiếm dụng tiền, tội lạm dụng quyền hạn. Tòa lệnh cho Tomasz M. và Stefan G. phải trả lại cho nạn nhân số tiền đã ăn cắp. Và phải trả lại cả tiền các nạn nhân đã phải chi phí cho luật sư.

Các bị cáo không nhận tội. Họ công bố sẽ kháng cáo.

Tôi đã gọi điện đến cả hai cảnh sát này cũng như đến các luật sư của họ xin được nói chuyện. Luật sư Artur Jurczak, người bào chữa cho Stefan G. từ chối. Ông so sánh trọng lượng bản án của tòa ngang như trọng lượng của những tin đồn. Stefan G. đã không gọi lại, mặc dù qua luật sư đại diện của ông, tôi đã gửi đến ông này yêu cầu liên lạc.

Luật sư Piotr Derwinski, bào chữa cho Tomasz M. đồng ý gặp tôi tại tòa soạn. Ông hôn tay tôi, không quên nhắc lại những phiên tòa tiếng tăm có ông từng tham gia – ông từng là một trong những luật sư bào chữa cho đại tá Kukliński, cũng như cho các binh lính bị buộc tội thảm sát dân thường ở Nangar Khel.

- Thưa phóng viên, cô đang tìm sự thật khách quan; còn tôi – tôi tìm sự thật bảo vệ được khách hàng của tôi – ông nói. - Tôi khẳng định rằng người tôi bào chữa là người vô tội.

- Tại sao cảnh sát lại đưa hai người Việt vào rừng? - câu hỏi này tôi phải nhắc lại tới năm lần. Sau mỗi lần tôi đặt câu hỏi này, luật sư luôn đột ngột thay đổi đề tài. Khi tôi nhắc lại câu hỏi lần thứ sáu, ông ta nói :

- Tôi không thể trả lời câu hỏi này của cô. Trong mọi trường hợp, nếu trên đường đi các cảnh sát viên có dừng xe, thì chỉ để tiếp tục ra hiệu cho người Việt rằng cần phải đi theo xe cảnh sát.

- Tại sao các bị cáo từ chối giải thích trước tòa?

- Họ không có nghĩa vụ phải giải thích trước tòa.

- Tại sao cảnh sát không muốn nói với tòa sự thật, nếu như họ khẳng định rằng họ vô tội?

- Chúng tôi đã lựa chọn chiến thuật đó trong quá trình xét xử. Thưa cô, đây có thể là sự trả thù lắm chứ. Những người Việt này có thể muốn trả thù, vì khi kiểm tra ông Stefan G. đã nói là những người này có nguy cơ bị trục xuất.

- Những người bị kiểm tra đều có giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp tại Ba Lan. Tại sao cảnh sát lại đe dọa trục xuất những người như vậy?

- Tôi không chắc, liệu các giấy tờ người Việt xuất trình có đúng tiêu chuẩn hay không.

Giấy tờ của những người bị hại đều hợp pháp. Luật sư giải thích cho sự “thiếu lòng tin” vào bộ giấy tờ đó bằng cách nói: ai cũng biết là người Việt Nam và người Trung Quốc hầu như không chết. Khi ngã bệnh, ngay lập tức họ bay về Việt Nam, để chuyển hộ chiếu cho người khác. Và đối với người Ba Lan ít trải nghiệm trong đời, thì người Việt Nam hay người Trung Quốc trông như nhau. Ông luật sư khẳng định rằng để xác thực giấy tờ của người Á châu thì cách duy nhất là lấy vân tay và mẫu tròng mắt.

Tôn Vân Anh, thuộc Hội Tự do Ngôn luận, cho hay: “Chuyện người Việt Nam trước khi chết nhường hộ chiếu cho người bạn giống mình, hoặc giấu xác biệt tăm biệt tích để chuyển nhượng hộ chiếu cho người khác là một trong những “sự thật” gây tổn thương nhưng cũng phổ biến nhất đối với nhóm thiểu số người Việt.

Đó là những câu chuyện bịa đặt, giống như chuyện người Việt Nam ăn thịt chó và bồ câu của Ba Lan, như thể người Việt có tài bắt chim câu chỉ bằng một tay khi chim đang bay. Người Ba Lan và người Việt Nam tại Warszawa sống cạnh nhau từ nhiều năm, nhưng rất ít hiểu nhau
”.

Để người khác hết sợ

Hai viên cảnh sát Tomasz M. và Stefan G. bị kết án ngày 26-8-2014 tại Tòa án Quận ở Pruszkow. Tomasz M. bị tuyên án hai năm, Stefan G. bị một năm mười tháng, cả hai bản án được chuyển thành bốn năm tù treo.

Chỉ huy trưởng Cảnh sát tại Pruszkow đã ra lệnh sa thải kỷ luật hai viên cảnh sát này. Thương nhân Việt Nam buôn bán tại Wolka Kosowska đều đồng thanh nói rằng, từ khi Văn phòng Nội vụ Công an bắt giữ hai viên cảnh sát nọ, những người Việt sáng đi làm việc từ Warszawa qua Raszyn đến Wolka Kosowska không còn bị thường xuyên bắt giữ để tống tiền.

Tòa án “vụ Việt Nam”, ngày 31-8-2013 đã tách riêng một vụ việc khác: khi khiểm tra đồn cảnh sát ở Raszyn, trong tủ của ông Tomasz M, các sĩ quan Văn phòng Nội vụ đã tìm thấy ma túy. Việc này được tách để tố tụng riêng biệt.

Tôn Vân Anh phát biểu: “Điều làm tôi vui nhất là các anh Nguyễn Thanh Nam và Trần Mạnh đã làm gương cho những người khác, là có thể đấu tranh và nên đấu tranh cho việc thực thi pháp luật. Đã nhiều lần khi tôi trực nhật tại Hội Tự do Ngôn Luận, tôi nhận được bao cuộc gọi từ những người Việt tuyệt vọng, đã nếm trải những sự việc tương tự. Khi sự việc mới xảy ra, một số người tuyên bố sẽ khởi kiện, nhưng sau đó thì không.

Hoặc họ sợ, hoặc họ không tin là có thể có cơ hội đòi công lý. Hoặc họ nghĩ: thôi, mất 1.000 Złoty rồi, bây giờ phải cố cần cù làm việc để bù vào khoản tiền đã mất. Nếu theo kiện thì ai sẽ thay tôi đi làm? Chúng ta, người Ba Lan (vì tôi đã cảm thấy tôi là người Ba Lan rồi), chúng ta có khi không hiểu được rằng đối với người Việt, việc di chuyển trên đường khó khăn như thế nào. Không chỉ những người “bất hợp pháp”.

Kể cả những người có giấy tờ cũng luôn sống trong cảm giác bị đe dọa. Nhiều người có quá khứ không tốt tại Việt Nam, quá trình vượt biên sang Ba Lan cũng để lại ấn tượng rất xấu trong họ, và họ không thạo ngôn ngữ. Nếu thêm vào đó là những trải nghiệm xấu vì bị cơ quan công quyền đối xử tệ hại, họ sẽ khép mình và có khi cả năm không đi thăm thú thành phố.

Họ chỉ đi từ nhà tới nơi làm việc với cảm giác là ở mọi góc đường luôn có nguy cơ nào đó chầu chực, như chầu chực để săn mục tiêu trong trò chơi điện tử
”.

Irena Dawid-Olczyk, thuộc mạng lưới “La Strada”: “Đối với người Việt, chỉ cần bước vào tòa nhà thuộc văn phòng cơ quan hay đồn cảnh sát thì đó đã là một việc quá nặng nề. Họ mang sự sợ hãi từ trong nước họ sang đây. Tại Việt Nam, các cơ quan hành chính, các cơ sở an ninh luôn rất tham nhũng. Người dân bình thường không bao giờ biết sẽ được đối xử ra sao: có thể bị đuổi ra khỏi cơ quan, bị đánh đập hay bị giam cầm…”.

Cả Nguyễn Thanh Nam cũng như Trần Mạnh đều cho rằng, điều quan trọng nhất mà họ giành được khi thắng kiện là lấy lại được lòng tin. Rằng Ba Lan, nơi họ sinh sống, là đất nước của pháp quyền. Vì vậy mà hơn một năm trước hai người đã đánh bạo và cắt một phần thu nhập để thuê luật sư. Mặc dù bình thường thì họ dành dụm từng xu để gửi về nhà.

Mạnh tiết kiệm cho gia đình tương lai của mình, anh muốn lập gia đình tại Ba Lan. Anh sang đây đã mười một năm, khi mới mười tám tuổi. Kể từ khi sang Ba Lan, công việc của anh là bán hàng. Tám năm nữa anh có thể hy vọng được nhận thẻ định cư. Anh Nam thì dành dụm cho gia đình anh ở Việt Nam. Hai con gái của anh giờ đã mười bốn và mười tuổi. Trong mười năm qua, tức là từ khi rời Việt Nam, anh chỉ gặp vợ con có một lần.

Trước khi sang được Ba Lan, Nam đã hai năm làm việc trong các xưởng may bất hợp pháp gần Moscow. Nhờ tiền anh gửi về từ Ba Lan, vợ con anh đã thoát cảnh đói nghèo. Giấc mơ lớn nhất của anh là mang được vợ con sang Ba Lan. Và một ngày nào đó, được thăm họ hàng ở Việt Nam, để cùng nhau đón Tết, Năm mới của Việt Nam.

Ghi chú:

(*) Bài báo được đăng trong phụ san hàng tuần “Duży Format” của nhật báo “Gazeta Wyborcza” hôm 25-9-2014, đã thu hút sự chú ý của công luận và nhiều bình luận vừa chúc mừng những người Việt thắng kiện, vừa có ý khen ngợi. Có ý kiến còn nói rằng “rất mừng rằng người Việt giúp Ba Lan trở thành nhà nước pháp quyền”.

Có ý kiến phẫn nộ vì bản án quá thấp đối với hai viên cảnh sát. Một chi tiết khác không được đề cập trong bài phóng sự là hai nạn nhân người Việt, anh Nguyễn Thanh Nam và Trần Mạnh, đã thỉnh cầu tòa phán tội đối với hai cảnh sát viên nhưng xin tòa cho họ hưởng mức phạt nhẹ nhất.

Tôn Vân Anh tổng hợp, từ Warszawa - Ngày 28-9-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn