NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI VÀ SỰ XUNG ĐỘT GIỮA CÁC THẾ HỆ

Thứ tư - 03/09/2014 22:31

(NCTG) “Dù yêu Việt Nam đến mấy, chúng ta cũng sẽ không thể ngược dòng thời gian. Hãy chấp nhận sự thật - chúng ta có cố gắng đến đâu chăng nữa thì cũng không bao giờ giữ được thế hệ con cháu chúng ta thuần Việt, vì chúng ta đã lựa chọn nơi này là quê hương. Hạnh phúc gia đình phải là hạnh phúc do chúng lựa chọn”.


Dad, that should be in the recycle bin!

Mum, please knock on the door before you come in!

Why are you talking about my study result all the time?

Grandma, please do not spit on the road!

Những câu nói trên tương đối quen thuộc và phản ánh rõ ràng sự khác biệt dẫn đến xung đột giữa các thế hệ người Việt ở hải ngoại.

Đề tài về sự xung đột giữa các thế hệ chả có gì là mới, nhưng với thế hệ người Việt hải ngoại thì quả là phức tạp, vì nhiều gia đình không chỉ có hai thế hệ mà có tới ba thế hệ chung sống (*). Trong không gian hẹp của một gia đình, mỗi thế hệ phải tương tác và nhiều khi phải đấu tranh với nhau để tìm chỗ đứng cho chính mình.

Người Việt chúng ta ra đi với hành trang gì? Kinh nghiệm sống ở một đất nước chiến tranh triền miên, hết chiến tranh thì đến thời bao cấp nghèo nàn lạc hậu, hậu bao cấp có được bát cơm đầy để ăn thì lại đói nghèo hơn về văn hóa khi xã hội phải đánh đổi nhiều giá trị nhân bản để có được bát cơm đầy đó. Trong hành trình đi tìm cuộc sống tự do ở nước ngoài, chúng ta hình như vẫn luôn mang theo những gia tài bất đắc dĩ ấy. Mặc dù trong quá trình hội nhập với cuộc sống mới, chúng ta đã không ngừng phấn đấu, nhưng ít người trong chúng ta có thể xóa hẳn những nếp hằn quá khứ trong vỏ não.

Trái lại, con em chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một xã hội lấy quyền tự do cá nhân là căn bản, ranh giới giữa quyền lợi và nghĩa vụ được phân chia rạch ròi, và nhất ở những nước có luật pháp văn minh như nước Úc. Trong hầu hết tất cả các đề tài nói chuyện, có lẽ chỉ trừ chuyện bếp núc, thì đề tài nào cũng có thể gây xung đột. Mà ngay cả chuyện bếp núc, tôi đã nghe một em, bạn của con trai tôi, tâm sự rằng nó không hiểu sao mẹ ngày nào cũng đứng bếp nấu món ăn Việt Nam rất mất thời gian, rồi sau đó lại kêu đau lưng. Sao không làm bánh mỳ kẹp (sandwich) cho nó nhanh, tiếp kiệm thời gian?

Con em chúng ta trong nhiều trường hợp, rất khó chịu trước cách xử sự và quan niệm về bổn phận và quyền lợi của cha mẹ đối với xã hội. Xả rác bừa bãi hoặc không chia rác theo đúng loại, hủy hoại môi trường - rửa thùng sơn không đúng qui định, xem thường trật tự công cộng - đỗ xe không đúng nơi qui định, lợi dụng các lỗ hở luật pháp để trốn tránh thuế, chính trị cực đoan, v.v... đều là những điều hoàn toàn trái ngược những gì các em học hỏi được từ nhà trường.

Với các bậc cha mẹ có công việc ổn định và có các các mối quan hệ khăng khít với xã hội thì phần đông hành xử tương đối giống người bản xứ, nên hình như xung đột có ít hơn. Có chăng chỉ là những xung đột bình thường giữa các thế hệ. Nhưng với những bố mẹ mà thói quen Việt Nam đã mọc rễ trong mình thì những xung đột này liên tục xảy ra, vì bố mẹ thấy không cần thay đổi hoặc cố chấp, hoặc vì trình độ có hạn, không hiểu tới vấn đề.

Thế hệ trẻ thương yêu cha mẹ chịu khó tìm hiểu văn hóa và bối cảnh sống ở Việt Nam để có thể thông cảm với cha mẹ, nhưng số này không nhiều vì tuổi các em con trẻ nên khó mà có cái nhìn kinh nghiệm, bao dung và độ lượng. Phần đông cố gắng làm ngơ, nhưng cũng không ít em coi thường bố mẹ.

Có hai vấn đề nổi trội, sẽ luôn làm đau đầu bố mẹ và các em, dễ dàng nảy sinh xung đột: việc học hành khi các em còn vị thành niên và vấn đề hôn nhân khi các em đến tuổi trưởng thành.

Ở Úc, có nhiều lý do khiến các em không chú ý đến việc học hành và có lẽ lý do quan trọng nhất là quan niệm giáo dục của xã hội - học để đào tạo một con người hạnh phúc. Không ai có thể đoan chắc là một người kỹ sư, bác sĩ, hay luật sư sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn một người chuyên làm vườn, bán hàng ở chợ hoặc làm công nhân trong một xưởng sản xuất! Chính vấn đề nhân bản trong giáo dục đưa đến việc hình thành một hệ thống giáo dục trong đó người học sinh có quá nhiều tự do, kể cả quyền tự do lựa chọn không học.

Bộ Giáo dục có quyền không cho điểm cao nhưng không có quyền từ chối phát bằng Tốt nghiệp Trung học (Higher School Certificate) sau 12 năm đến trường.

Bố mẹ thường đổ lỗi cho xã hội dễ dãi và an lạc, cuộc mưu sinh quá dễ dàng khiến trẻ em không bận tâm đến việc học hành. Nhưng có lẽ trách nhiệm tạo hứng thú cho trẻ em trong việc học hành không chỉ là nhiệm vụ của trường học và xã hội. Vì ở tuổi vị thành niên, các em vẫn còn sống trong gia đình, chưa ý niệm được các cuộc tranh sống ngoài đời. Muốn con em ham học cha mẹ phải tạo sự hứng thú trong việc học của con em, kể cả việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa hay nghệ thuật.

Cuối cùng sự xung đột đau đầu nhất và thường dẫn đến nhiều khổ sở cho cha mẹ và con cái có lẽ là quan niệm hôn nhân lỗi thời của cha mẹ. Rất nhiều ông bố bà mẹ mong muốn con mình kết hôn với người cùng chủng tộc. Có nhiều lý do cha mẹ đưa ra để chống đối một cuộc hôn nhân dị tộc và hai lý do chắc chắn được nhắc đến nhiều nhất là ngôn ngữ và văn hóa.

Có những ông bố bà mẹ đi đến chỗ cực đoan hăm dọa con em sẽ không chấp nhận một cuộc hôn nhân dị tộc với những lý do như: khác văn hóa, khác ngôn ngữ sẽ không có hạnh phúc. Chúng ta phải hiểu rằng thế hệ trẻ lớn lên tại Úc là người Úc, chúng đâu là người Việt Nam nữa. Chúng nói tiếng Anh, sống nhuần nhuyễn trong phong tục tập quán Úc.

Dù yêu Việt Nam đến mấy, chúng ta cũng sẽ không thể ngược dòng thời gian. Hãy chấp nhận sự thật - chúng ta có cố gắng đến đâu chăng nữa thì cũng không bao giờ giữ được thế hệ con cháu chúng ta thuần Việt, vì chúng ta đã lựa chọn nơi này là quê hương. Hạnh phúc gia đình phải là hạnh phúc do chúng lựa chọn. Chúng rất Úc và vì thế hạnh phúc của chúng cũng rất Úc. Chúng ta đừng ích kỷ mà làm khổ con em!

Ghi chú:

(*) Thế hệ thứ nhất gồm những người được sinh trưởng và lớn lên ở trong nước - F1. Thế hệ một rưỡi gồm những người rời Việt Nam trong tuổi đang trưởng thành - F1/2. Thế hệ thứ hai gồm những người sinh trưởng và lớn lên ở ngoại quốc - F2.

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn