Người Việt ở Nhật: NÀO ANH EM TA…

Thứ năm - 05/06/2014 05:47

(NCTG) “Với cả mẹ, cả con, lần đầu tiên đi biểu tình này hẳn đã để lại nhiều cảm xúc khó quên. Nhưng mà, có lẽ, tốt nhất vẫn là không có gì, để không bao giờ phải biểu tình đúng không các con?”.


Ảnh về cuộc biểu tình trên mạng asahi.com

Một ngày Chủ nhật cuối tháng Năm, ba anh em Luka cùng mẹ đi đến công viên Utsubo ở ngay trung tâm TP Osaka tham gia biểu tình và tuần hành phản đối Trung Quốc.

Không kịp chuẩn bị cờ, áo, cũng không đăng ký trước, đã thế lại đi hơi muộn, đến nơi, cả bốn mẹ con “hết hồn” trước màu đỏ rực rỡ của những lá cờ to, nhỏ các cỡ, của áo và những băng khẩu hiệu bằng cả ba thứ tiếng Việt, Nhật và Anh. Rất đông người, xếp hàng bốn thành một đoàn thật dài. Lúc đầu hình như hơi sợ, ba anh em cứ nép sau lưng mẹ hết hỏi “Bạn của mommy đâu?” lại ngần ngừ (dù lúc đầu rất hăng hái) “Thế làm sao mà đi được? Nhỡ người ta không cho mình đi cùng? Mình không có áo đỏ và cũng không có cờ nữa”.

Xuất phát rồi! Mấy mẹ con nhập vào cuối hàng, cùng mọi người, đi nào! Giữa những lời hát và những tiếng hô vang “Trung Quốc, hãy cút đi!” “Trung Quốc, ngừng ngay lại!”. Dưới cái nắng chói chang giữa trưa. Trong sức “nóng” hừng hực của hơn một ngàn người Việt là các bạn trẻ du học sinh, tu nghiệp sinh, là những gia đình đã sinh sống hay làm việc lâu năm ở Nhật, là những bác rất lớn tuổi và cả những em còn bé xíu được bố địu trước ngực.

Ba anh em, lúc đầu ngơ ngác không hiểu những câu tiếng Anh, tiếng Việt, cứ giật tay mẹ, bắt giải thích, được một lúc, cũng hào hứng hô theo những câu tiếng Nhật. Anh lớn bảo mẹ: “Tại sao không nói toàn tiếng Nhật, như thế những người hai bên đường sẽ hiểu ngay mình muốn nói gì?”. Ừ nhỉ, từ những nhà cao tầng, mọi người đứng ra lan can nhìn xuống, bên đường, nhiều người vỗ tay tán thưởng, có người đi theo một đoạn. Em bé út, tay không ngừng vẫy lá cờ nhỏ vừa được chú trong Ban tổ chức cho, hỏi mẹ “sao không hát bài “Dậy mà đi, dậy mà đi…” như trong video biểu tình hôm nọ mình xem?”.

Hôm trước đúng là mẹ cho em xem một đoạn ở clip quay cuộc biểu tình người Việt ở Hungary, em cứ hỏi “dậy mà đi, dậy mà đi” nghĩa là gì. Lại nhớ ra, dạo gần đây, chuyện hay nói nhất của mấy mẹ con toàn liên quan đến biểu tình và Trung Quốc. Tình cờ từ một buổi dự giờ trên lớp của anh lớn học lớp 5, nghe thầy giáo vừa giảng về vị trí địa lý của các hòn đảo lớn nhỏ của Nhật vừa hỏi các bạn học sinh tại sao lại phải bảo vệ chủ quyền những hòn đảo ấy dù rất bé, mẹ kể tóm tắt cho ba anh em nghe chuyện gì đang diễn ra ở Biển Đông và những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.

Mẹ kể một thì các con hỏi lại mười. “Tại sao Trung Quốc lại làm thế?”. “Việt Nam không đuổi Trung Quốc đi được à?”. “Thế có chiến tranh xảy ra không?”. “Nếu chiến tranh, Việt Nam có bị thua không?”. “Ông bà có cần phải trốn đi không? Vì ông bà già rồi, chân lại yếu, nếu có chiến tranh không chạy kịp thì làm thế nào?”.

Sau hôm nói chuyện ấy, mẹ luôn được cập nhật tình hình Việt Nam từ những tin tức ba anh em nghe trên đài mỗi sáng, kể cho mẹ nghe và bắt giải thích đủ thứ có liên quan. Mấy ngày trước nghe nói sẽ có biểu tình ở Osaka, mẹ rủ luôn “đi nhé!”. Anh bé thắc mắc “Tại sao lại phải biểu tình nữa? Chẳng phải tình hình đã tốt lên rồi, và mommy nói hôm nọ là không lo, hè sẽ về Việt Nam chơi ấy?” trong khi anh lớn thì trầm ngâm: “Chủ nhật, làm gì có ai ở Lãnh sự quán làm việc nhỉ, thế thì họ sẽ không biết mất. Với lại, người xấu ờ đây là Chính phủ Trung quốc chứ? Có phải Lãnh sự quán hay người Trung Quốc đâu?”.


Bốn mẹ con xuống đường  - Ảnh: Phan Thị Mỹ Loan

Bây giờ, khi bốn mẹ con đang ở đây, cùng với bao nhiêu người Việt từ Osaka, Kobe, Kyoto và cả các thành phố lân cận - được bao nhiêu cảnh sát đi theo, mẫn cán chạy lên chạy xuống dẹp đường -  đi dọc các con đường gần gần Lãnh sự quán Trung Quốc, hô vang “Việt Nam, Việt Nam” và con trai bé rất hăng hái bắt chước, mẹ mỉm cười nhớ câu chuyện sáng nay nghe lỏm được. Lúc ấy, hẳn là hai anh, cũng có chút tiếc ngày Chủ nhật lẽ ra được chơi bóng chày thỏa thích giờ lại phải đi, than thở với nhau “nhỡ không có ai đi?”. “Nhỡ đi người ta làm gì mình như kiểu bạo động đã xảy ra?”. “Đi thì làm gì, tự nhiên cứ đi vậy thôi à? Vậy mệt nhỉ?”.

Và giọng em gái út trả lời chắc nịch: “Không phải là đi không làm gì, mà là vừa đi vừa hát “dậy mà đi, dậy mà đi”. Phải đi chứ, nếu mình không đi biểu tình, ai cũng không đi hết, chiến tranh xảy ra, làm sao hè về Việt Nam chơi với ông bà được, thế anh không muốn đi Việt Nam à?”.

Một tiếng tưởng là lâu mà nhanh thế! Về đến điểm tập kết, tuyên bố giải tán rồi vẫn nghe khắp nơi những khẩu hiệu khi nãy. Chào tạm biệt những người bạn vừa mới quen trong hang - một bạn tu nghiệp sinh còn rất trẻ vừa từ Việt Nam sang Osaka được ba tháng, hai cô ở Kobe dắt cả cháu đi và hai bác rất lớn tuổi cứ buồn cười khi ba anh em hỏi mẹ mọi người nói gì suốt dọc đường. Ba anh em nhớ ra, lại hỏi bạn mẹ đâu, xem nào, nhìn quanh và ôi, nhiều bạn quá!

Thật vui, đây này, gia đình bác người quen đã bao năm không gặp, đây nữa, giọng nói chính của đoàn tuần hành nãy giờ nghe quen quen hóa ra đúng là của anh H. sống ở Nhật từ khi còn rất trẻ và ngoài công việc, đang phụ trách chương trình radio dành cho người Việt phát trên sóng FM của Nhật hàng tuần. Cảm động nữa, như khi nghe người bạn Nhật, hơi lớn tuổi và cứ nghĩ sẽ không để ý những hoạt động này, kể chuyện hôm qua vừa mua cho con trai một lá cờ Việt Nam thật to để dành mang theo biểu tình.

Ba biểu tình viên “nhí” của mẹ, sau khi được bồi dưỡng một chầu kem no căng bụng, về nhà mang theo quà là ba lá cờ nhỏ. Mẹ chưa nghĩ ra sẽ làm gì thì loáng một cái, đã thấy anh lớn cắm cờ lên ngay bàn học, anh bé dán lên tường, còn em út để cẩn thận trên bàn rồi mách mẹ “dán lên tường vậy, lần sau đi biều tình nữa, gỡ ra rách thì làm sao?”.

*

Câu chuyện trước giờ ngủ với con trai.

- Tại sao con lại dán cờ lên tường ?

- Vì như thế mỗi ngày có thể nhìn thấy, và cổ vũ Việt Nam, cố lên!

- Thế à?

- Còn một lý do nữa!

- ?

- Vì Vanya cũng là người Việt Nam. À, mommy, công viên mình đi hôm nay tên là gì?

- Utsubo, mà sao thế?

- Ngày mai, đầu giờ học, sẽ có phát biểu một phút, đề tài gì cũng được, Vanya sẽ nói về biểu tình hôm nay ấy, được không nhỉ?

- Được chứ!


Vanya và lá cờ dán trên tường

Giờ thì cả ba anh em đã ngủ rất say, chắc cũng thấm mệt sau một buổi đi bộ nhiều dưới trời nắng. Mẹ ngồi nghĩ vẩn vơ. Ngày mai nghe con kể chuyện, thầy giáo và các bạn sẽ thế nào nhỉ? Với cả mẹ, cả con, lần đầu tiên đi biểu tình này hẳn đã để lại nhiều cảm xúc khó quên. Nhưng mà, có lẽ, tốt nhất vẫn là không có gì, để không bao giờ phải biểu tình đúng không các con?

Chùm ảnh về cuộc biểu tình và tuần hành:

 

















 

Ghi chú:

Nhiều cơ quan truyền thông của Nhật đã đăng tải tin tức về cuộc biểu tình và tuần hành chiều ngày 25-5 tại TP Osaka mà theo thông tin chính thức của BTC, đã quy tụ được sự hiện diện và đóng góp của bảy nhóm chính đến từ Osaka, Kobe, Kyoto, Shiga, Kakogawa, Himeji và vùng lân cận.

Bản tin trên mạng điện tử asahi.com cho biết: “Để phản đối việc Trung Quốc đưa dàn khoan vào khai thác ở Biển Đông, khoảng một ngàn người Việt Nam sống ở vùng Kansai (Quan Tây) đã tuần hành biểu tình ở TP Osaka. Đây là lần đầu tiên ở Kansai, người Việt Nam tổ chức hoạt động biểu tình liên quan đến vấn đề này.


Hình ảnh người Việt tại Osaka biểu tình phản đối Trung Quốc đăng trên tờ “Sankei”


Người Việt đi biểu tình Việt đã hiệu triệu nhau trên mạng xã hội (Facebook). Những người tham gia mặc áo thun đỏ có hình quốc kỳ Việt Nam và tuần hành ngay tại trung tâm thành phố trong gần hai tiếng, vừa đi vừa hô vang và lặp lại những khẩu hiệu như “Trung Quốc không được xâm phạm lãnh hải Việt Nam”.

Anh Nguyễn Đắc Tiệp (29 tuổi), nhân viên một công ty ở Higashi Osaka (tỉnh Osaka) cho biết: “Tôi mong sao không có chiến tranh và vấn đề lãnh thổ được giải quyết trong hòa bình”.

Tờ “Sankei” (Sản Kinh) cũng có bài về cuộc xuống đường, và một số clip về cuộc biểu tình đã được đưa lên mạng youtube, ví dụ ở đây.

Bài và ảnh: Lê Vân, từ Kawanishi (Nhật Bản)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn