TÔI ĐI BIỂU TÌNH

Thứ sáu - 30/05/2014 01:14

(NCTG) “Trời đang sắp mưa to, chúng tôi hát mà cũng chẳng biết đang cầm tay ai nữa: có thể một giáo sư tiến sĩ, một em sinh viên, hay một đại gia, hoặc một anh chị nào đó buôn bán nhì nhằng ngoài chợ… Nhưng mà nào có quan trọng là ai? Cái nắm tay ngắn ngủi đó chỉ là một biểu hiện của tình con người với nhau”.


Tác giả (trái) trong cuộc biểu tình tại Budapest ngày 18-5-2014 - Ảnh: Phạm Đức Trung


Tôi sinh ra trong thời bình, nên không biết mùi của chiến tranh. Mặc dù chưa một lần nghe súng đạn kề bên tai, nhưng tôi lại rất bị ấn tượng bới những hoàn cảnh, những số phận thời hậu chiến, những nỗi đau, những dị tật, những vết thương mà chiến tranh để lại.

Tôi có cảm tưởng rằng thời chiến, tất cả mọi người (bất kể bên nào) đều có cùng một ý tưởng, một mục đích nên không ai quan tâm đến nỗi đau nữa. Chỉ đến thời bình, lúc ngồi xem xét, chữa chạy, xây dựng lại mới thấy sức tàn phá của chiến tranh thật khủng khiếp và tàn bạo.

Tôi thấy một người mất đi - bất kể vì một lý do, lý tưởng nào đó - cũng để lại vết thương ăn sâu trong lòng những người còn lại. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, nhưng chắc chắn sẽ không như trước nữa. Những nỗi đau ảnh hưởng về tâm lý thật khó xóa nhòa theo thời gian.

Sau này, có lẽ do “bệnh nghề nghiệp”, tôi càng hiểu rõ được hơn giá trị của sinh mạng con người. Mặc dù y học ngày càng phát triển tân tiến, cứu được một mạng người thật sự vẫn là chuyện khó lắm, người bác sĩ đôi khi cũng phải lắc đầu trước nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Khi được chứng kiến ranh giới giữa sự sống và cái chết, tôi mới thực sự cảm thấy rằng khi ai đó sinh ra đời và lớn lên lành lặn, khỏe mạnh, người đó thật có được một món quà vô cùng quý giá do Đấng tạo hóa trao tặng. Hãy trân trọng và quý giá nó!

Chính vì vậy, khi nghe tin chiến tranh cho dù ở bất kể đâu như Trung Đông, Ukraine hay gần đây nhất, khi vùng biển Việt Nam bị xâm phạmTrung Quốc xa, tôi quyết định phải đi biểu tình để bày tỏ chính kiến của mình.

Một phần do công việc bận rộn, lại ít tiếp xúc với người Việt nên mặc dù sống ở bên này đã lâu, tôi chẳng mấy khi tham gia các hoạt động của cộng đồng. Lần này được thông báo ngày giờ có biểu tình ở Budapest, tôi đi đúng giờ mang theo khẩu hiệu tự đặt làm với biểu ngữ: “Vietnam loves peace. China: stop making war!”.


Xuống đường với tấm biểu ngữ tự đặt làm… - Ảnh do nhân vật cung cấp


Tôi ngạc nhiên thấy biểu tình của bà con Việt Nam tổ chức tại Budapest được rất nhiều người nhiệt tình tham gia mặc dù so với các nước khác, số dân Việt sống ở đây là khá ít. Khâu tổ chức thật chu đáo, có trật tự, không có xô xát ẩu đả, không ai vứt ra đường một cọng rác. Công an Hung hộ tống đoàn biểu tình mặt mày hiền khô, chẳng phải nhắc nhở hay can thiệp gì trong suốt thời gian đó.

Sau này, khi được hỏi về ấn tượng lớn nhất trong cuộc biểu tình mà lần đầu tiên tôi tham gia trong đời, tôi không ngần ngại mà nói rằng chẳng phải lúc cầm biểu ngữ, phất cờ đỏ hay hô khẩu hiệu mà chính là giây phút cầm tay người đứng kề bên cạnh hát bài “Nối vòng tay lớn”:

Rừng núi giang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi, để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròng một vòng Việt Nam.

Tôi không thuộc lời bài này lắm, khi hát phải nhìn vào giấy được phát và chỗ tôi đứng trong đoàn biểu tình cũng chẳng thấy ai quen trừ chị bạn bên cạnh. Trời đang sắp mưa to, chúng tôi hát mà cũng chẳng biết đang cầm tay ai nữa: có thể một giáo sư tiến sĩ, một em sinh viên, hay một đại gia, hoặc một anh chị nào đó buôn bán nhì nhằng ngoài chợ… Nhưng mà nào có quan trọng là ai? Cái nắm tay ngắn ngủi đó chỉ là một biểu hiện của tình con người với nhau.

*

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Câu ca dao của dân tộc Việt từ bao đời nay càng nghĩ càng thấy đúng. Phải chăng các cụ muốn dạy con cháu ngoài anh em ruột thịt cùng một dòng máu, còn nên yêu thương làng xóm láng giềng, những người sớm tối cùng nhau cầy cấy trên đồng, chăn nuôi, trồng trọt trên cùng một “giàn”?

Hoặc giả, nên yêu thương cả những con người ở các vùng miền khác nhau, nhưng vẫn chung nhau sống trên cùng một “giàn” đất Việt, nói cùng một ngôn ngữ? Nói rộng ra, hay ông cha ta muốn nói nên thương yêu cả những người “khác giống” - là khác cả giống nòi, mầu da, ánh mắt, sợi tóc… -, bởi tất cả đều là “giống người”, đều sống chung trên một “giàn cây” là trái đất này?

Mới đây, khi được biết một tờ báo mạng ở hải ngoại đã lấy tấm hình cầm biểu ngữ của tôi (đăng trên trang cá nhân ở mạng xã hội Facebook, và báo chí tại Việt Nam), dùng Photoshop tẩy xóa và viết lại với nội dung khác rồi phân tán đi khắp nơi để làm công cụ tuyên truyền cho họ, bạn bè tôi ở khắp nơi đều lên tiếng bất bình về hành động hèn hạ này và khuyên tôi nên “kiện chúng nó”.

Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên dành thời gian để làm những chuyện có ý nghĩa hơn, đó là đấu tranh bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ tính mạng những con người Việt Nam yêu hòa bình, đang hàng ngày bị đe dọa trên Biển Đông!

Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 28-5-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn