CÓ NÊN Ở LẠI LÀM NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG CON?

Thứ sáu - 16/05/2014 23:17

(NCTG) “Tại anh chị sống ở đây lâu rồi, quen cái kiểu của người Đức, nghĩ mình đúng luật thì chả sợ bố con thằng nào. Cho nên vào đến cửa quan ở ta, đáng lẽ phải khúm núm (?) thì anh chị lại đàng hoàng, bình thản như không. Dưới mắt họ như thế là... ngông nghênh, nên họ... ngứa mắt!?”.


Minh họa: Internet

Xin nói ngay, tôi hiện là người Việt Nam, nghĩa là người mang quốc tịch Việt bởi lòng yêu đất nước, dù tôi đã sống ở quê hương thứ hai này một phần tư thế kỷ, nhiều hơn cả thời gian tôi từng sống trên đất mình.

Không biết có phải lòng yêu mến dân tộc hay không mà cả nhà tôi, kể cả con cún yêu Nemo, đều mang... quốc tịch Việt (trừ cậu út theo luật được phép đa quốc tịch). Đều mang tên Việt, nói tiếng Việt và... ăn cơm Việt. Dù bọn trẻ đi học trường Tây, xài luật Tây và tất nhiên - học lịch sử, văn học của nước họ!

Mỗi lần về thăm nhà, người quen đều hỏi hai câu rất... kinh điển:

- 1: Dạo này có khá không?

- 2: Vào quốc tịch Đức chưa?

Về câu hỏi thứ nhất, hồi đầu, con gà gô tôi không hiểu ý tứ ra làm sao, nên im thít không trả lời. Vì cái gì khá, khá cái gì nhỉ? Mãi sau được cô bạn thân giảng giải cho, khá ở đây là... kinh tế có khá không ấy mà! Ơ hơ, cái này... lãng nhách à nha, tôi không trả lời, vì nói thật có ai tin không? Mà tin hay không, để làm gì? Tôi không thích những câu hỏi kiểu như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà người ta có thể đánh giá văn hóa một cá nhân thông qua chỉ một... câu hỏi.

Còn câu hỏi thứ hai, tôi bao giờ cũng buồn cười. Bấm bụng cười thầm thôi, đâu dám cười! Vì đại đa số người Việt mình đều nghĩ, phàm là người Việt Nam sống ở ngoại quốc, thì tất nhiên phải mang quốc tịch...ngoại. (Cũng như người ngoại quốc sống ở Việt Nam tất nhiên... vẫn giữ nguyên quốc tịch nước họ! – “ngoại” mà!)

Con gái đã mười sáu tuổi, cái tuổi chưa được coi là thành niên nhưng đã được pháp luật cho phép lựa chọn quốc tịch. Và tôi, dù không can thiệp vào quyết định quan trọng của cả cuộc đời con, vẫn thầm mong con... giữ nguyên hai tiếng Việt Nam mà tôi thầm kiêu hãnh, gìn giữ bao năm trên xứ người.

Chứ không à, tên con là Hà My (dòng Sông của tôi đấy!), lại còn giữ nguyên cả chữ “thị” mà ông ngoại lúc nào cũng răn đe: “Con gái phải có chữ “thị” cho nó nền nã”. (Vâng, cái này phải nói là mình ngoan triệt để. Tuân thủ lời cha đến nỗi, con gái mình gặp bao nhiêu cái rắc rối vì cái chữ “thị” rất mệt này. ) Có lúc tôi kêu trời, sao hồi đó không đặt con tên Hanna hay Harieta gì đó có phải... đơn giản hơn không? Nhưng mà, thôi, thuần phong mỹ tục...

Thế rồi, mọi chuyện bắt đầu từ chính cái mốc mười sáu tuổi của Hà My.

Nhớ lúc đi mua vé máy bay, cô bán vé, vốn là người cẩn thận, dặn đi dặn lại:

- Chị nhớ kiểm tra hộ chiếu cho em nhé! Khối người ra đến sân bay rồi khóc dở mếu dở vì hộ chiếu hết hạn, rồi nhìn nhầm ngày đâm cả nhà nhỡ cả chuyến bay!

Sự việc hy hữu nhỉ, tôi cười, bụng bảo dạ, chuyện ấy chỉ xảy ra với nhà ai, với những ai, chứ nhà mình thì... Tôi vốn được liệt vào dạng rất lo xa và chu đáo cơ mà, hihi...

Ấy vậy mà cái đó lại xẩy ra. Cái hy hữu ấy...

Cả mấy nhân viên cửa khẩu nhốn nháo cả lên khi thấy hạn lưu trú của Hà My đã quá cả... bốn tháng!

Cô nhân viên hải quan hớt hải nói với đồng nghiệp: “Chỉ còn hai mươi phút nữa thôi!”. Nghĩa là máy bay sẽ cất cánh sau hai mươi phút nữa! Mà giấy phép lưu trú đã hết, nghĩa là... không có quyền quay trở lại Đức!

Cô ấy rời vị trí, kéo mấy mẹ con tôi, gần như chạy vào văn phòng, vừa đi vừa tranh thủ phỏng vấn để lấy thông tin. Rồi cô gọi một đồng nghiệp nữa tới để tác nghiệp cho nhanh. Hai người hối hả vừa copy giấy tờ, vừa gọi điện đến Sở Ngoại kiều, vừa lập biên bản, vừa động viên mấy mẹ con. Hà My ghé tai tôi nói nhỏ: “Mama cho con ở lại đi, con rất thích ở lại... một mình!”.

Tôi kinh hãi nghĩ đến cảnh con gái mới lớn ở lại cả dịp hè không có mẹ. Đang phân vân thì họ bảo tôi:

- Chị có thể đi bay được rồi. Chị nhớ là chị chỉ có năm tuần để làm lại visa cho con chị. Nên lời khuyên tốt nhất là chị không được bỏ lỡ một ngày nào, hãy đến ngay đại sứ quán Đức tại Việt Nam để khai báo. Còn chúng tôi, đã làm tất cả những gì có thể. Chúng tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ, biên bản đến Sở Ngoại kiều. Chị đi nhanh đi kẻo trễ. Chúc chị may mắn!

Chúng tôi đi như chạy. May quá, những hành khách cuối cùng là mấy mẹ con kịp vào máy bay chỉ vài phút trước khi phi cơ cất cánh. Họ đã được thông báo và họ đã đợi mấy mẹ con tôi.

Cho đến bây giờ, không biết có nên cám ơn thái độ nhiệt tình đầy trách nhiệm và tình người của hải quan Đức hay không! Vì nếu họ không thế, có lẽ tôi đã xiêu lòng cho con gái ở lại, và đã không có bài viết này...

Nhớ lời cô hải quan dặn, không bỏ lỡ giây phút nào, tôi đã có mặt ngay ở 25 Điện Biên Phủ sau khi về đến Việt Nam có mấy chục phút. Nắng tháng Bảy, cả đoàn người rồng rắn trước cửa đại sứ quán, trông không khác gì đợi phát chẩn. Chịu trận ba tiếng đồng hồ không mũ nón, cả người tôi lập tức đỏ au lên, hihi, biết ngay mùi đời. Làn da cớm nắng suốt mấy chục năm xứ lạnh bầm dập ngay không thương tiếc. Cả cái tòa đại sứ uy nghi đường bệ như thế, mà đành lòng cứ để cho công dân trầy trầy ngoài đường mưa nắng. Đã thế, lại ngăn họ bằng hàng rào sắt, bằng cổng... Lính gác mặc quân phục công an, đứng ở chòi gác cổng trông rõ oai. Khi tôi hỏi thăm, đã điềm nhiên và trơ trẽn đến mức... trỏ ra mấy tên cò mồi đông như kiến bu đầy quanh mấy quán nước.

Đã thế bọn cò mồi, ngửi thấy mùi con mồi mới, lập tức vo ve như nhặng, hau háu mắt cú vọ. Bọn này đông thật, và tươi thật, tiếp thị rất văn minh, dai dẳng. Có lẽ đó là những người mà tôi thấy còn có cái gọi khả dĩ là nụ cười. (Vì đó là nụ cười... nhãn tiền.) Còn tuyệt nhiên, nhân viên sứ quán, chả ai có nổi nụ cười. Cứ như họ ăn phải nấm độc hay sao, nét mặt ai cũng cực kỳ căng thẳng. Có lẽ nào ở đây có điều luật cấm cười? Ngoài ra, họ tiết kiệm lời đến nỗi nói năng chả còn chủ ngữ, vị ngữ. Ai nấy đều cộc lốc một loại câu cụt ngủn rất không xứng là nhân viên của một đất nước đầy kiêu hãnh như nước Đức tôi đã từng biết đến.

Chờ đợi cả tuần, lấy bao nhiêu cái hẹn qua mạng, cuối cùng tôi cũng hân hạnh được gặp vị cán bộ của sứ quán, một người Đức hẳn hoi. Trước đó, cô thứ ký người Việt, nét mặt bất động và mòn mỏi, khô đét như xác ướp không cảm xúc, bảo tôi đợi. Xác ướp không một câu chào, không một nét thân thiện. Không một biểu cảm nào phớt qua dù chỉ là một chút lay động trên làm da mặt trơ lỳ đến vô cảm. Tôi bất giác tự hỏi, cái gì đã làm cho nơi đây ngột ngạt, căng thẳng đến mức giống như một trại tù?

Vâng, tôi chưa bao giờ đi thăm nuôi tù nhân. Nhưng tiếp xúc với những người này qua tấm kính cách âm kiêm bảo vệ, tôi có cảm tưởng đây là nhà tù hơn là một cơ quan ngoại giao.

Rồi ông ta ra, ông người Đức. Tôi chờ đợi một người Đức chính thống, nghĩa là lịch thiệp và nghiêm túc. Nhưng không!

Ông ta không thèm nhìn tôi, bất chấp câu chào rất vui vẻ của tôi bằng tiếng Đức. Thái độ của ông ta khiến tôi kinh ngạc. Gần ba thập niên sống trên đất nước của thi hào Johann Wolfgang von Goethe, tôi chưa bao giờ gặp một viên chức nhà nước nào không chào công dân, nhất là khi họ đã nhận được lời chào. Nét mặt ông ta lạnh như bùn. Tôi ngắm ngài nhân viên ngoại giao. Trông ông ta giống như một người làm công rẻ tiền bởi trang phục cẩu thả, nếu không muốn nói là nhầu nát. Một cái sơ-mi mà tôi không hình dung nổi mầu nguyên thủy của nó là gì. Không là lượt, không cà-vạt, và tất nhiên, cũng không comple mà người ta đáng ra phải mặc ở một cơ quan ngoại giao.

Ông ta lật qua quýt hồ sơ, hỏi đôi câu lấy lệ, lý nhí bằng một thứ tiếng Đức cũng không có chủ vị. Và khi tôi hỏi lại một câu, ông ta nhún vai.

Đó là câu trả lời, cũng là câu chào tạm biệt, kết thúc buổi phỏng vấn mà tôi chờ đợi hồi hộp cả buổi sáng.

Ông ta biến mất sau đống hồ sơ, bí mật và căng thẳng như mặt mấy cộng tác viên người bản xứ của ông ta. Vô cảm, cau có, gần như bị trám miệng bằng một thứ keo vô hình. Tôi choáng váng.

Người Đức sống trên đất Việt bị “Việt hóa” đến độ này sao? Hay quả là có thứ người Đức như thế mà tôi chưa bao giờ biết đến trong đời?

Con gái tôi chưng hửng. Nó buông ra một câu “cứt!” bằng chính thứ tiếng mà nó đã từng bập bẹ khi mới bắt đầu tập nói - tiếng Đức.

Rồi những ngày sau, là những ngày căng thẳng chờ đợi. Không hồi âm. Không tin nhắn. Không điện thoại.Tôi chỉ muốn biết mình cần gì, chờ đợi cái gì, và chờ đợi trong bao lâu? Không ai trả lời cho tôi câu hỏi ấy, kể cả khi đã cậy cục nhờ đến những người quen.

Và lần nào cũng vậy, đằng sau cánh cổng nhà tù, những gương mặt cau có, vô cảm, thờ ơ, những cái miệng bị trám, lý nhí như câm, như điếc, thậm chí không cả cái lắc đầu. Con gái tôi mỗi lần như vậy đều văng ra những câu bằng tiếng Đức: “Quá ư thô thiển”... Và tôi, tôi thậm chí còn muốn nói nhiều hơn thế nữa...

Chỉ có mấy anh bảo vệ, vâng, mấy anh bảo vệ, họ vẫn dành cho chúng tôi nụ cười. Họ cười và trả lời khi có thể, không vi phạm nội quy, không nhận... hối lộ (hihi, cái này nói nhỏ thôi, tôi bắt chước mọi người định cám ơn bằng một chút ít gọi là, cho sự nhiệt tình và những nụ cười vô giá của họ!). Tôi nhớ đến những gương mặt thân thiện của mấy anh và thấy ấm lòng đôi chút. Ở nơi đây, ít nhất còn có những người biết đến phép cư xử văn hóa của một cơ quan ngoại giao như cái sứ quán này.

Kết thúc năm tuần phép, cả nhà quay trở lại Đức. Con gái mếu máo ở lại... một mình. Chuyến đi chả còn gì vui vẻ. Tôi ân hận vô cùng. Giá ngày xưa, cho con nhập quốc tịch, giá như...

Sang đến Đức, tôi sang thẳng cơ quan ngoại kiều, được quyền nói, được quyền chất vấn, yêu cầu, và được tiếp đón vui vẻ. Vì họ trước tiên là con người. Là con người, họ hiểu, một đứa trẻ sinh ra ở Đức phải có quyền quay trở lại Đức để đi học cho đúng lịch. Vâng, chỉ đơn giản vậy thôi. Và họ làm tất cả cho con tôi sớm quay lại. Vì đó là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm.

Anh bạn, người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện, biết hết những nỗi thống khổ mà chúng tôi lần đầu tiên nếm trải, ngậm ngùi đưa ra kết luận:

- Tại anh chị sống ở đây lâu rồi, quen cái kiểu của người Đức, nghĩ mình đúng luật thì chả sợ bố con thằng nào. Cho nên vào đến cửa quan ở ta, đáng lẽ phải khúm núm (?) thì anh chị lại đàng hoàng, bình thản như không. Dưới mắt họ như thế là... ngông nghênh, nên họ... ngứa mắt!?

Cái triết lý này... có đúng không nhỉ?

Mà tại sao lại sợ, lại khúm núm?

Đón con ở sân bay, cơn ác mộng mới thật sự qua. Con sẽ nhận lại được giấy phép cư trú, và sẽ tự quyết định nên giữ quốc tịch Việt Nam hay vào quốc tịch Đức.

Con à, hơn lúc nào hết, bây giờ, mẹ muốn hỏi con một điều, có nên ở lại làm người Việt Nam không, con?

Còn tôi, tôi bắt đầu muốn học Quốc ca Đức. Điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.....(*)

(*) Quốc ca Đức là một trong những câu hỏi của đề thi kiểm tra nhập quốc tịch Đức.

Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn