Bạn đọc hẳn còn nhớ cô nữ sĩ quan cảnh sát xinh đẹp gốc Việt đầu tiên ở Berlin trong bài viết
“Khi xã hội đồng lòng nói dối”. Rất nhiều bạn sau đó nhắn tin quan tâm hỏi han, khiến tôi cảm thấy mình còn nợ bạn đọc một bài viết về em. Và hôm nay, chính cô bé ấy đã gọi điện cho tôi.
Ký ức được lục lại nhanh chóng, khi chúng tôi cùng nhau quay ngược kim đồng hồ trở về ngày ấy cách đây đã 11 năm.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu, nếu ngày ấy, các cô bé không hồn nhiên và dũng cảm đứng ra tố cáo kẻ ấu dâm, thì kẻ thủ ác ấy còn gây án bao nhiêu lần nữa?
Lần đó, ba gia đình chúng tôi đưa bọn trẻ đến
khu nghỉ dưỡng Tropical Island cách Berlin không xa. Đó nguyên là một khinh khí cầu từ thời Đông Đức, được một tư nhân người Malaysia mua lại và biến thành bãi biển nhân tạo tuyệt đẹp với khu tắm hơi, vui chơi giải trí khép kín.
Vào những dịp nghỉ, nơi đây càng thêm đông đúc vì bọn trẻ được nghỉ học. Trẻ con bơi đùa, chơi cầu trượt. Người lớn tranh thủ đàn đúm trong quán bar, đánh bóng và bơi. Hôm ấy chúng tôi còn dự định tổ chức sinh nhật cho một cậu bé bốn tuổi. Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ đợi tối đến là cắt bánh và thổi nến ở ngay cái quán trên bờ biển nhân tạo.
Bỗng ba đứa trẻ là N., lúc đó mới 14 tuổi, ML. 15 tuổi và B. lên 8 chạy lại chỗ các vị phụ huynh đang chơi bóng, mách rằng có một người đàn ông ngồi trên bờ mặc áo choàng tắm. Khi thấy bọn trẻ đi qua, hắn phanh áo để cho chúng nhìn thấy... “
của quý”.
Thấy bọn trẻ không trầy da tróc vẩy gì, lại đang chỗ đông người, tên bệnh hoạn cũng mới chỉ khoe “
đồ nghề” chứ chưa “
gây án”, mấy phụ huynh lại yên tâm... chơi bóng tiếp, sau khi dặn bọn trẻ phải cẩn thận tránh xa tên đó.
Tưởng mọi chuyện thế là yên, ai ngờ hai tiếng sau, chị H. (mẹ của hai bé N. và B.) được mời lên Ban quản lý của khu nghỉ dưỡng để hợp tác với cảnh sát thành phố. Hóa ra bọn trẻ đã bí mật theo dõi tên nọ, rồi phân công nhau đứa cảnh giới, đứa đi báo nhà chức trách. Hắn bị tóm ngay tại trận, cùng với “
đồ nghề gây án” sau khi đã kịp thay áo choàng khác và chuẩn bị mang “
của quý” tiếp tục đi trình.
Cho đến bây giờ, nhiều năm trôi qua, mỗi khi ngồi với nhau, các phụ huynh vẫn ngậm ngùi về sự thiếu hiểu biết giới tính cũng như sự vô trách nhiệm của chính mình. Sự vô trách nhiệm ấy phần vì thiếu ý thức công dân, phần vì thế hệ chúng ta chưa bao giờ được bất cứ ai dạy cho cái được gọi là
“giáo dục giới tính”. Chúng ta cũng không nhận diện và phân biệt được các cấp độ lạm dụng tình dục.
Nhưng bọn trẻ sinh ra ở Đức thì khác,
môn học Giáo dục Giới tính được đưa vào các trường học ở Đức từ cuối thập niên 60 và còn sớm hơn nữa dưới thời DDR. Bọn trẻ đều biết cách tự bảo vệ mình và hơn nữa, bảo vệ xã hội bằng cách truy tìm thủ phạm.
Trở lại câu chuyện hôm đó, theo đúng trình tự nghiệp vụ, suốt năm tiếng đồng hồ, bọn trẻ phối hợp chặt chẽ với cảnh sát để nhận diện tội phạm, góp phần hoàn thành hồ sơ đưa hắn ra trước vành móng ngựa. Chúng được cách ly ba phòng khác nhau, đứa bé nhất 8 tuổi có mẹ ngồi cạnh và phải nhận diện tên ấu dâm qua các tấm ảnh lẫn lộn. Tất cả đều diễn ra nghiêm ngặt đúng thủ tục pháp lý vì người tố cáo là trẻ vị thành niên. Kết quả, tên đàn ông 43 tuổi này đã từng có tiền án tấn công tình dục đến 9 lần, đã có hồ sơ ở Sở Cảnh sát và lần ấy, hắn đã không gặp may.
Buổi sinh nhật hôm đó bị hủy bỏ vì cuộc điều tra kéo dài đến tận nửa đêm. Nhưng những gì thu được không hề uổng phí. Ngay trên đường về, Radio đã kịp thời đưa tin về vụ việc, còn bọn trẻ được tặng năm tấm vé miễn phí cho lần nghỉ dưỡng sau đó. Và trên hết, lũ trẻ đã có bài học thực hành đầu tiên về sự tự bảo vệ mình trước hành vi tấn công tình dục - hơn nữa, chúng còn dạy cho các bậc phụ huynh chúng tôi một bài học về ý thức xã hội của công dân. Một bài học hết sức thấm thía.
Tôi viết lại câu chuyện này không phải chỉ nhằm ôn lại một kỷ niệm với cô bé N., nữ sĩ quan cảnh sát gốc Việt đầu tiên của Berlin và bài học “
bắt tội phạm” khi em mới 14 tuổi. Mà bởi vì, những ngày này, dư luận trong nước đang hết sức nhức nhối về vụ án lạm dụng tình dục đang có nguy cơ “
bị chìm xuồng” bởi “
có nhiều nút thắt” và Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì chỉ biết
“đau lòng và buồn”.
Cư dân mạng sục sôi lôi kẻ bị coi là tội phạm ra ném đá, share ảnh, cùng số điện thoại của nghi phạm như những chiến binh thực thi công lý. Tôi xin không bàn sâu về chuyện này. Kẻ gây án chắc chắn phải đền tội, chúng ta lên tiếng cũng chính vì sự công bằng đó. Nhưng việc lôi một vài điển hình trong hàng ngàn vụ xâm hại tình dục mỗi năm ở nước ta ra trảm, liệu có làm giảm đi con số các nạn nhân?
Xin làm phép so sánh. Trong khi ở Đức, giáo dục giới tính được đưa vào trường học ngay từ cấp phổ thông cơ sở, thậm chí từ lớp mẫu giáo, và còn lặp lại những năm sau này thì ở Mỹ, một đất nước tự do,
nói đến giới tính vẫn là một điều ngại ngùng, xấu hổ. Ở Mỹ không có bộ môn Giáo dục Giới tính trong trường học. Tất cả là do quan niệm và văn hóa. Tuy nhiên, bù lại, họ có tới
bốn bộ luật dành cho những kẻ bạo hành và bạo hành tính dục đối với trẻ em.
Còn ở nước ta, trẻ em được giáo dục giới tính như thế nào?
Các bậc cha mẹ hẳn rất ít người vượt qua nỗi ngại ngùng nói với con em mình về giới tính và sinh sản. Sẽ vẫn là trẻ em được sinh ra từ nách hay rốn, vẫn là câu truyện cổ về những chú cò mang trẻ em đến cho mỗi ngôi nhà, chúng ta càng ít cả kinh nghiệm lẫn kiến thức để nhìn xa hơn, hòng giúp con mình nhận dạng những hình thức tấn công tình dục. Mà trong số đó, không ít người đã từng là nạn nhân của ấu dâm. Bao nhiêu người trong số chúng ta từng có một dấu ấn nặng nề về những lạm dụng trong quá khứ mà ta không bao giờ đủ can đảm để tố cáo?
Tôi quen một cô gái cách đây nhiều năm. Một chàng Việt kiều bên Đức qua mai mối đã quen cô, họ yêu nhau và tính chuyện sẽ làm đám cưới rồi đưa nhau sang Đức. Nhưng khi gần gũi nhau, cô đã không thể để cho anh chạm vào người vì cô bị co giật và hoảng loạn. Đó là dấu tích từ thời thơ ấu: cô đã bị xâm hại. Và anh chàng, với một tình yêu không đủ lớn, một sự thiếu hụt về kiến thức, đã chia tay cô.
Tôi còn nhớ lần đầu con gái tôi nói về sinh sản là khi cháu mới bốn tuổi: “
Mama, con biết trẻ em được sinh ra như thế nào rồi! Đó là khi Papa cấy một cái mầm vào trong bụng của Mama. Và thế là con ra đời!”.
Vốn ấu trĩ và dốt nát kiến thức về giáo dục giới tính - một sản phẩm tất yếu từ mái trường XHCN, tôi tái người nhìn con. “
Con học cái ấy từ đâu thế? Ai dạy con?”.
Con bé hồn nhiên: “
Các cô dạy con từ một cuốn sách ở trường”.
Đó là lần đầu tiên, tôi biết ở Đức người ta dậy trẻ em về giới tính như thế nào: rất sớm và rất thẳng thắn.
Còn ở Việt Nam chúng ta, khi mà Bộ Giáo dục chưa hề có một cuốn sách giáo khoa nào cho bộ môn Giáo dục Giới tính, và giờ học giới tính nếu có, cũng mới chỉ dừng lại ở mức ngoại khóa không bắt buộc với những “
chuyên gia” cấp tốc, thì trẻ em làm thế nào để phân biệt được ranh giới giữa sự thân mật và lạm dụng tình dục?
Một cuộc khảo sát tình nguyện trên 8.700 sinh viên ở Đức cho thấy, có tới 4,4% nam sinh viên này thú nhận, họ có những “
mơ tưởng” đến ái ân với những trẻ em vị thành niên. Đấy mới chỉ là những con số. Từ sự “
mơ tưởng” đến thực tế còn là một khoảng cách mà những phim ảnh, phòng chat room, internet biến chúng thành hiện thực chỉ trong gang tấc.
Câu chuyện về cô gái bị lạm dụng tôi vừa kể trên kia đã may mắn có một cái kết có hậu. Cô đã gặp một người Đức tốt bụng. Tình yêu và sự kiên trì của người đàn ông này đã giúp cô trị liệu được nỗi ám ảnh thời thơ ấu. Họ đã cưới nhau và cô sẽ sang Đức định cư.
Nhưng còn những cháu bé là nạn nhân của các vụ ấu dâm đang làm nóng du luận Việt Nam hiện tại, bao giờ các cháu mới có thể chữa lành vết thương tâm lý? Bao giờ những kẻ thủ ác mới bị đưa lên vành móng ngựa? Những câu hỏi chỉ có lương tâm mới có câu trả lời, nhưng lương tâm là gì khi nó bị chìm đi dưới quá nhiều “
nút thắt”?
Báo chí vừa đưa tin, thống kê cho thấy
cứ tám tiếng, ở Việt Nam có một vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Có ngoa ngôn không khi nói rằng, nếu không có một cuộc cải tổ nhanh chóng và toàn diện bắt đầu từ ngành Giáo dục, thì đứa trẻ đó có thể sẽ là chính con em của các bạn.