SỰ THẬT VỀ VIỆC TRỢ GIÚP ĐOÀN THỊ HƯƠNG

Thứ năm - 13/04/2017 20:23

(NCTG) “Dù không nói trực tiếp nhưng họ đã khéo léo để lái dư luận hiểu có lợi cho họ, đặc biệt tất cả các trang báo trong và ngoài nhà nước ở Việt Nam không một lời nào nhắc nhở đến sự chăm lo của cộng đồng Việt cho đồng hương của họ”.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, người có rất nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ gia đình Đoàn Thị Hương có thể ra nước ngoài thăm con đang trong vòng lao lý - Ảnh: FB của nhân vật

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, người có rất nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ gia đình Đoàn Thị Hương có thể ra nước ngoài thăm con đang trong vòng lao lý - Ảnh: FB của nhân vật

Cũng như những người khác, mình biết đến Đoàn Thị Hương là khi thông tin cáo buộc em đã sát hại ông Kim Jong Nam tràn ngập mặt báo Việt Nam và quốc tế. Qua báo chí, mình được biết em có hoàn cảnh khá đáng thương, bố là thương binh giờ kiếm sống bằng công việc bảo vệ chợ, mẹ đã qua đời, gia đình nghèo và thiếu hiểu biết đến mức chưa từng vào mạng để biết tin về con em mình.

Với hành vi khá ngây ngô ngay nơi công cộng, trang phục lại rất nổi bật và để lộ mặt, mình tin là Hương đã bị lừa như lời khai của em là em tưởng tưởng mình đang tham gia đóng phim hài. Lịch sử hình sự thế giới đã ghi nhận khá nhiều trường hợp bị lừa tương tự, xảy ra hầu hết với phụ nữ! Nghèo khó, không được gia đình quan tâm, thiếu kinh nghiệm sống như Hương nên nếu có bị lừa cũng là chuyện dễ hiểu. Với tội danh ám sát tại quốc gia có hệ thống luật pháp vô cùng khắt khe như Malaysia, cô gái đáng thương đang đối mặt với nguy cơ chịu án tử hình. Dù tòa chưa hề tuyên án, cô đã phải gánh chịu vô số lời sỉ nhục của những đồng hương của mình.

Đáng buồn hơn nữa là người cùng cảnh ngộ của cô, cô Siti Aishah được chính phủ của cô bảo vệ (Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã nói là ông tin cô vô tội), Đại sứ quán cũng thuê luật sư bào chữa cho cô. Cha mẹ Siti Aisha đã bay tới Malaysia để ủng hộ con gái mình nhưng Hương thì không có ai cả. Gia đình cô nói là “có bán cả làng đi cũng không đủ tiền qua thăm con” còn theo báo Việt Nam thì “Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam đề nghị phía Malaysia xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Malaysia, pháp luật và thông lệ quốc tế”, tức là đứng ngoài cuộc.

Đọc tin lúc đêm khuya, đôi mắt đỏ ngầu và vẻ mặt tuyệt vọng của em đã thôi thúc mình đánh liều lên tiếng kêu gọi đóng góp, chỉ dám mong đủ tiền đưa hai thành viên trong gia đình em qua Malaysia thăm em để em bớt cô đơn. Trong lòng mình rất e ngại vì nếu dù có bị lừa đi chăng nữa em cũng là người có lỗi, chưa chắc đã được cộng đồng ủng hộ. Không ngờ ngay sau khi đăng bài, dù đã nửa đêm nhưng đã có người chuyển tiền. Đến 8h sáng, post này đã đạt hơn 1.000 like với số tiền hơn 10 triệu. Rất nhiều bạn cả trong và ngoài nước inbox hỏi thăm, cảm ơn, chia sẻ làm mình vững lòng hơn. 

Vừa khéo là trong Nam có nữ doanh nhân nổi tiếng Lê Hoài Anh đứng ra kêu gọi quyên góp tiền thuê luật sư cho Hương cùng rất nhiều luật sư và Mạnh Thường Quân cũng muốn chung tay. Để có thể phối hợp trợ giúp tốt nhất cho Hương, bọn mình đã thống nhất tập trung thành một nhóm, mình và chị Hoài Anh đứng ra kêu gọi quyên góp, các luật sư giúp quản lý tiền bạc và tư vấn hành động về pháp lý. Bọn mình nhận định việc Hương có tội hay không là do tòa án quyết định, chúng mình chỉ trợ giúp để cô ấy có cơ hội được xét xử công bằng và được quan tâm như một con người.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng mình được biết chỉ riêng ở Malaysia đã có 10 người Việt bị tử hình mà gần như không được ai biết đến. Thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao cũng cho biết Bộ Tài chính không có quy định gì về việc thuê luật sư bảo vệ người Việt ở nước ngoài. Cả nhóm không ai quen biết Hương hay gia đình em, chúng mình chỉ là quan tâm đến thân phận người Việt và hy vọng việc làm này sẽ là tiền lệ để sửa đổi những quy định chăm sóc tốt hơn cho người Việt ở nước ngoài. Nhưng tất cả đều không ngờ quá trình trợ giúp lại khó khăn đến vậy!

Lần đầu nhóm đến thăm nhà em, mình lại bị ốm đột xuất nên không đi được nên chỉ trao đổi qua điện thoại. Ấn tượng chung của mình là gia đình em khá e ngại, thậm chí sợ hãi khi bàn về em. Cũng dễ hiểu khi một gia đình sống ở miền quê khá hẻo lánh, Internet là thứ hiếm hoi, bỗng dưng trở thành tâm điểm sự quan tâm của truyền thông với rất nhiều lời đồn đoán dữ dội, cảm giác choáng váng là đương nhiên. Họ lại được các cơ quan như công an, Cục Lãnh sự, Luật sư đoàn... dặn dò chi tiết kiểu “cẩn thận không bị lợi dụng”, “mọi chuyện cứ để nhà nước lo”... nên trở nên rất dè dặt, thụ động cũng dễ hiểu. Chúng mình gặp rất nhiều khó khăn vì họ cứ thay đổi thái độ liên tục.

Nhưng đến khi trực tiếp đến thăm gia đình, mình mới tận mắt chứng kiến cảnh nhà Hương như một gia đình thuần nông chân chất, khá nghèo nhưng nhà cũng sạch sẽ, quy củ. Điều mình ngạc nhiên nhất là khi được nhìn thấy những bằng cấp, chứng chỉ học hành của em. Từ tiểu học đến khi hết trung học, em luôn là học sinh khá, được giáo viên nhận xét là ngoan, hiền lành, chăm chỉ. Theo bạn bè cho biết, cấp 3 em còn được học trong lớp chọn của trường. Chỉ đến khi thi đại học em xui xẻo thiếu 1-2 điểm gì đó nên mới đi học Trung cấp Dược của Đại học Dược Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp năm 2008, Hương còn tiếp tục học tiếng Anh và Tin học ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ, tốt nghiệp năm 2011. Những tấm bằng và ảnh chụp em trẻ trung, hồn nhiên trên đó cho thấy một hình ảnh thật gần gũi, như mọi sinh viên, học sinh tràn ngập xung quanh chúng ta, tràn đầy niềm tin là việc học hành sẽ giúp họ có tương lai tươi sáng hơn. Nhưng có vẻ ba tấm bằng ấy không giúp em có được chỗ đứng trong đời nên em đã phải chuyển hướng. Tuy nhiên, xấp bằng cấp vẫn được em gửi gia đình lưu giữ cẩn thận như một ước mơ, một hy vọng không thành.

Trong 6 năm trời Hương làm gì không ai biết nhưng rõ là cuộc sống của em không dễ chịu vì em chưa bao giờ dư giả và cũng không có ai để chia sẻ. Mười năm xa nhà trong gia đình chưa từng có ai đi thăm em. Giờ đây bố em nói muốn qua Malaysia với em nhưng dù đã được trợ giúp hết sức, ông cũng vẫn còn đang dùng dằng vì nhiều nỗi sợ: sợ chính quyền không cho phép, sợ nguy hiểm (hình ảnh em mặc áo chống đạn ra tòa làm nhiều người doạ dẫm ông quá mà không hề hiểu tòa án thừa phương tiện để giữ an toàn, nhất là với ông là người không liên quan)... Nhưng nỗi sợ lớn nhất của ông là sợ con trai trưởng không đồng ý vì với truyền thống ở quê, anh này có vai trò rất lớn. Chỉ đến khi đại gia đình ông lên tiếng thuyết phục và cử một người cháu đi cùng, ông mới chịu lên đường.
 
Đoàn Thị Hương được áp giải rời phiên tòa hôm 13-4-2017 - Ảnh: AP
Đoàn Thị Hương được áp giải rời phiên tòa hôm 13-4-2017 - Ảnh: AP

Việc trợ giúp thuê luật sư còn khó khăn hơn. Là công dân có trách nhiệm, chúng mình đề xuất hợp tác với Cục Lãnh sự để thuê luật sư và đưa gia đình qua Malaysia. Cục nhận đơn om 1 tuần rồi gạt qua Luật sư đoàn. Lãnh đạo Luật sư đoàn hẹn gặp, cho biết ngay khi chúng mình lên tiếng, phía chính quyền đã cử người về thuyết phục gia đình ký ủy quyền cho Đoàn Luật sư toàn quyền thuê luật sư cho Hương. Họ hứa xem xét đề xuất của chúng mình với điều kiện không tiết lộ thông tin ra ngoài rồi om 2 tuần nữa. Hết tháng 3, sốt ruột quá mình gọi lại thì được trả lời là thuê luật sư rồi, còn cấp trên thì không trả lời có hợp tác với bọn mình không. Bọn mình đành chỉ lo việc đưa gia đình qua theo lời hứa với cộng đồng. 

Nhưng do bố Hương không cẩn thận để lộ ra ngày lên đường nên họ yêu cầu ông đến gặp đúng giờ bay chiều chủ nhật (cơ quan nhà nước mà đòi gặp ngoài giờ làm gì cơ chứ?) làm bọn mình phải đổi vé. Họ nói cuộc gặp ấy là để làm thủ tục với luật sư nhưng lại kéo luật sư ra gặp riêng trước khi cho làm việc với gia đình, rồi cùng hù dọa hai bác cháu, kiểu “nguy hiểm lắm, Hương bảo đừng qua”, trong khi gia đình nghi phạm người Indonesia qua lại hết sức bình thường. Sau cuộc gặp ông lại đổi ý, làm gia đình ở Hà Nội và bọn mình một lần nữa xất bất xang bang. Cuối cùng 11h30 hôm sau ông cũng quyết lên sân bay, kịp đón chuyến bay vào phút cuối.

Hội Người Việt bên Malaysia lúc đầu đồng ý trợ giúp bọn mình nhưng sau khi gặp Đại sứ quán lại đổi ý, tuyên truyền khắp nơi là “vụ này nguy hiểm, phải hết sức cẩn thận nếu có ai nhờ trợ giúp” nên khó khăn lắm mới nhờ được người đưa đón hai bác cháu họ. Sang được đến Kuala Lumpur, thái độ bên Đại sứ quán thay đổi hẳn, sẵn sàng đưa ông vào gặp con. Tối thứ 2 mình gọi điện, ông vui như Tết, cám ơn bọn mình hết lời, bảo thấy rất an toàn. Nhưng đến sáng thứ Ba, sau khi ông đi cùng sứ quán vào thăm con thì thái độ lại đổi khác. Đầu tiên ông đòi vào sứ quán ở, bảo người cháu về lấy đồ rồi 15p sau gọi điện nói Hương khuyên ông không dự phiên tòa, dù lúc mới ra không nói gì. 

Nhóm mình giúp gia đình vì thương cảnh ngộ của họ, mọi việc hoàn toàn tùy ý họ nên việc Hương được gặp gia đình để yên tâm trước khi ra tòa đối với chúng mình là thành công rồi. Bọn mình cũng không cần đền ơn hay tôn vinh gì nhưng đọc những dòng này không thể không phiền lòng: “Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao, ông Đoàn Văn Thạnh, bố của công dân Đoàn Thị Hương, đã tới Malaysia và đến nhà tù Kajang gặp con gái sáng nay. Hương rất xúc động và cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia vì thu xếp đưa ông Thạnh vào thăm”.

Trên một tờ báo khác: “Ông Thạnh cho biết, khi sang Malaysia, ông đã được Đại sứ quán Việt Nam tận tình giúp đỡ và bố trí tiếp xúc với các luật sư. Sau khi thăm con gái khoảng 1 giờ đồng hồ, ông Thạnh đã đi cùng xe của Đại sứ quán Việt Nam về trụ sở Đại sứ quán để nghỉ ngơi, sau đó sẽ trở về Việt Nam, không tham dự phiên tòa xét xử con gái, dự kiến diễn ra vào ngày 13-4. Ông cho biết quyết định này hoàn toàn do ông tự nguyện trên cơ sở lời khuyên của con gái”.

Hay là đoạn này: “Trước khi được đưa ra ngoài trở về lại trại giam, bị cáo Đoàn Thị Hương đã kịp quay xuống gửi lời cảm ơn với các luật sư bảo vệ mình, với đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur, với người phiên dịch. “Em xin cảm ơn! Em xin cảm ơn mọi người đã giúp đỡ em”, cô nói bằng tiếng Việt và vẫy tay chào những người đang bảo vệ cho mình”.

Dù không nói trực tiếp nhưng họ đã khéo léo để lái dư luận hiểu có lợi cho họ, đặc biệt tất cả các trang báo trong và ngoài nhà nước ở Việt Nam không một lời nào nhắc nhở đến sự chăm lo của cộng đồng Việt cho đồng hương của họ. Chỉ có báo nước ngoài mà tờ này là ví dụ, có nhắc đến hàng trăm con người đã đứng sau Hương suốt hơn một tháng vừa qua: “The cousin said their trip was sponsored by an unnamed Vietnamese non-governmental organisation as the family lacked sufficient funds of their own”.

Nhưng bài báo này lại cung cấp thông tin khá thú vị:

Như vậy ai sẽ trả tiền cho các luật sư hay là các ông sẽ làm miễn phí?

- Vụ án sẽ được trả tiền bởi gia đình cô Hương
”.

Mình tò mò gia đình Hương lấy đâu ra tiền đây???

Đây không chỉ là uy tín của nhóm mình, những người đã tự nguyện bỏ công bỏ việc, bỏ công sức thời gian, tiền bạc chạy đôn chạy đáo để tìm cách hợp tác với chính quyền nhằm tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp một công dân Việt Nam ở nước ngoài, để cái hộ chiếu Việt Nam bớt mang tiếng xấu.

Đây còn là lòng tốt, là niềm tin, lòng trắc ẩn của hàng trăm con người đã góp từ 100 ngàn đồng đến hàng ngàn USD cho những người không quen để chung tay bảo vệ thân phận người Việt.

Nhưng làm người tốt ở Việt Nam sao quá khó khăn???!!!

Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Đoàn Thị Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 252 trong 58 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 58 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn