Nhân 1-6: VÌ MỘT THẾ GIỚI KHÔNG BẠO LỰC VỚI TRẺ EM

Thứ sáu - 02/06/2017 02:21

(NCTG) “Để không dùng đòn roi mà con “ngoan” thì cần kiên trì hơn những người dùng đòn roi. Bố mẹ dùng đòn roi thấy con rúm ró lại khi mình lườm thì tự hào, bố mẹ không đòn roi thấy con mình có lý lẽ thì mới mừng. Để rèn một đứa con có lý lẽ, bố mẹ không đòn roi bản thân cũng phải là người lý lẽ”.

Nên tránh bạo hành trẻ em dưới mọi hình thức - Minh họa: Internet

Nên tránh bạo hành trẻ em dưới mọi hình thức - Minh họa: Internet

Quốc tế Thiếu nhi, mình quyết định dùng ngày này để phản biện các ý kiến cho rằng dùng đòn roi (hay nhẹ nhàng hơn, mắng mỏ) để dạy con là cần thiết. Tạm chọn một trang có nhiều ý kiến dường như “điển hình” để tranh luận.

1. Không có một liều thuốc cho tất cả các bệnh, có những đứa trẻ cứng đầu cần dùng đến đòn roi.

Đúng là trẻ em sinh ra mỗi đứa một đặc điểm. Ví dụ có em sinh ra đã bị tự kỷ (một hội chứng liên quan tới não bộ, không phải bố mẹ bỏ rơi con thì con bị tự kỷ, mà quan tâm thì con không bị tự kỷ đâu nhé!), nên thích chơi một mình; ngược lại có em cứ phải có bố mẹ chơi cùng mới chịu.

Đã là đặc điểm mang tính bẩm sinh thì bạn không có cách nào thay đổi nó, dù bạn có đánh đập cũng vậy mà thôi. Cách duy nhất bạn có thể làm là thích ứng với nó, và hướng đặc tính đó tới những hoạt động phù hợp.

Ví dụ con bạn “tăng động” - tức là có xu hướng hoạt động nhiều hơn bạn bè cùng lứa, thì bạn tìm cách cho con được hoạt động tối đa - ví như cho con tham gia các câu lạc bộ thể thao. Nếu con bạn lại chỉ thích tỉ mẩn một chỗ, thì đừng mừng vội, nó có khả năng gặp khó khăn trong giao tiếp sau này, nhưng yên tâm, có khối nghề nghiệp sau này không cần quá nhiều giao tiếp, ví dụ nghiên cứu.

Nếu trẻ cứng đầu, chứng tỏ trẻ có ý kiến riêng của mình. Bạn nên ngồi nghe trẻ trình bày ý kiến của mình, và phản biện ý kiến của trẻ. Cái bạn cần làm chính là sự kiên nhẫn, và ưu tiên dành thời gian để lắng nghe con bạn.

Nếu là phụ nữ, thì nấu cơm muộn một chút cũng chẳng chết đói, nhà bẩn một chút cũng chẳng bệnh tật gì, quần áo không tươm tất cũng kệ đi, con bạn chẳng lẽ không quan trọng hơn mấy thứ ấy? Nếu là đàn ông, bạn làm ơn bỏ qua mấy trò game, mấy trò chém gió vô bổ, vài cốc rượu với bạn bè, để dành thời gian ngồi nghe con bạn nói.

Bạn là người lớn mà bạn không có khả năng phản biện ý kiến của trẻ con chứng tỏ lý lẽ của bạn chưa vững, chứ không phải con bạn cứng đầu. Nếu bạn không thể phản biện ý kiến của trẻ (người lớn Việt Nam thường không có lý lẽ gì hết !), thì làm ơn tìm sự giúp đỡ của cộng đồng.

Thời đại công nghệ thông tin, lên mạng than thở chút là thế nào cũng có khối người giúp đỡ rồi. Xin xỏ giúp đỡ cũng không chứng tỏ bạn kém, mà cho thấy rằng bạn sẵn sàng học hỏi.

2. Mấy ông dạy con chỉ nói bằng lời mà con ngoan là toàn nói phét, ngoan kiểu của các ông.

Hoặc: hầu hết trường phái “không đòn roi” là những người độc thân, nên ý kiến đưa ra rất sách vở, sáo rỗng, không thực tiễn.

Mình ở Pháp và mình có thể khẳng định là trường phái “không đòn roi” là rất thực tiễn. Ở Pháp nếu bạn đánh con bạn thì bạn có thể sẽ bị tước quyền nuôi con, bị ra tòa. Nếu hàng xóm thấy bạn đánh con, họ có thể sẽ gọi cảnh sát đến nhà bạn.

Để không dùng đòn roi mà con “ngoan” thì cần kiên trì hơn những người dùng đòn roi. Bố mẹ dùng đòn roi thấy con rúm ró lại khi mình lườm thì tự hào, bố mẹ không đòn roi thấy con mình có lý lẽ thì mới mừng. Để rèn một đứa con có lý lẽ, bố mẹ không đòn roi bản thân cũng phải là người lý lẽ.

Đối với người lớn ranh giới đúng-sai có thể linh hoạt, nhưng đối với con trẻ cần rõ ràng. Vì thế, cái bố mẹ cần là giúp con xác định ranh giới đúng-sai từ khi con còn nhỏ. Việc tạo ra một bộ quy tắc ứng xử và cả nhà nhất định phải tuân theo nó bất kể bố mẹ hay con cái có lẽ là quan trọng nhất để con bạn trở thành một đứa trẻ biết khi nào mình được phép làm, khi nào mình không được phép làm một cái gì đó.

Nếu vì một tình huống bất đắc dĩ mà bố mẹ phá vỡ nguyên tắc đã được thiết lập, thì cần phải giải thích rõ ràng cho con lý do tại sao bố mẹ lại làm thế, lý do ấy phải dựa trên một nguyên tắc đã được thiết lập sẵn trước đó.

Đứa con rúm ró lại làm theo lời bố mẹ mà trong lòng ấm ức, hoặc không hiểu vì sao mình lại phải làm thế (chính xác hơn là vì bố mẹ sẽ đánh mình nếu mình không làm thế, nên mình cứ làm thôi), sẽ trở thành một đứa trẻ hoặc là mang mầm mống nổi loạn sau này (ngay khi nó đủ mạnh để chống lại bố mẹ, nó sẽ phá tan mọi quy tắc, tìm cách làm ngược lại hết những lời bố mẹ đã bắt nó làm khi bé), hoặc trở thành một con robot được lập trình, không có khả năng tự quyết định bất cứ điều gì trong cuộc đời.

3. Trẻ con giờ được cưng quá nên lỳ lợm và yếu đuối. Vì thế sức chịu đựng kém đi, gặp vấn đề là tự tử.

Việc không dùng đòn roi không có nghĩa là để con muốn làm gì thì làm. Bố mẹ hoàn toàn có thể không dùng đòn roi mà vẫn đưa con vào “khuôn khổ” được. Cái mà bố mẹ cần làm là kiên quyết, kiên trì, thiết lập ranh giới rõ ràng giữa những thứ “được làm” và “không được làm”.

Ví dụ, nếu quy định là “bố mẹ nói “không” nghĩa là không”, thì bất kỳ khi con đòi hỏi gì, từ khi nó còn ẵm ngửa, mà mình không đồng ý thì không được nhượng bộ, trong bất kỳ trường hợp nào. Quy định đó phải được bố mẹ đề ra cho tất cả những người xung quanh (ông bà, cô dì chú bác, khách khứa).

Bố mẹ phải có nhiệm vụ thông báo quy tắc gia đình với người ngoài (kể cả ông bà cũng tính là người ngoài trong tình huống này), và yêu cầu mọi người tôn trọng quy tắc gia đình ấy. Con sẽ học được rằng khi bố mẹ nói “không” là không.

Nếu việc này được áp dụng từ khi con còn rất nhỏ, thì sau này trẻ con sẽ học được rằng mình có khóc lóc, có ăn vạ, có làm gì thì cũng không ăn thua, vậy thì mình cứ nghe lời là xong. Khi con lớn một chút, có khả năng hiểu lý lẽ, thì kèm với việc nói không sẽ là lời giải thích cho con vì sao lại là không.

Một đứa trẻ có lý lẽ, có chính kiến thì không phải là một đứa trẻ lỳ lợm hay yếu đuối. Đấy là những đứa trẻ được chuẩn bị tốt nhất để có thể tự quyết định cuộc sống của mình.

Việc này khó khăn hơn nhiều so với việc lôi trẻ ra đánh khi trẻ làm gì đó trái ý bố mẹ.

Vì thế, việc chọn đánh con chỉ chứng tỏ rằng bạn lười biếng khi dạy con, bạn chọn cách dễ dàng hơn cho bạn mà không cân nhắc đến lợi ích của con cái.

4. Tôi bị ăn đòn hoài nên giờ mới được như thế này.

Bạn tự hài lòng với bản thân, vậy là tốt.

Nhưng bạn chưa bao giờ được dạy dỗ kiểu “không ăn đòn” nên bạn không thể biết rằng nếu bạn không ăn đòn khi bé, có thể bạn sẽ tốt hơn?

Xã hội không thể tiến bộ nếu bạn khăng khăng đi theo cách cũ. Nếu bạn chọn cách cũ cho con bạn, thì con bạn sẽ chỉ được như bạn mà thôi. Chúng ta không chỉ muốn con như chúng ta, chúng ta muốn con cái chúng ta tốt hơn chúng ta.

5. Nhìn sự khác biệt về trí tuệ, đạo đức giữa thời xưa và thời nay là biết phương pháp nào tốt hơn.

Bạn có nói xấu bản thân khi bạn kể chuyện cho con cháu sau này nghe không? Khi bạn nhớ về thời thơ ấu, bạn thường nhớ điều hay, điều tốt, hay điều dở? Đấy là tâm lý của con người, họ thường không chọn nhớ cái tệ hại, họ sống được vì bám víu vào những cái tốt đẹp. Vì thế loài người luôn than thở là ngày xưa tốt hơn ngày nay, nhưng bảo trở về sống như ngày xưa thì không biết bao nhiêu người chịu?

Về trí tuệ, khó mà bảo ngày xưa hơn bây giờ. Về đạo đức, thì chuẩn đạo đức liên tục thay đổi: xưa thì phụ nữ đi học là vô đạo đức, giờ không đi học mới là vô đạo đức.

Mình đọc vài cuốn truyện xưa thì thấy xưa cũng đâu có tốt hơn mấy đâu. Các nhà văn hay kể chuyện người, nên chúng ta may mắn được biết một chút chuyện xưa khách quan hơn là trí nhớ của bố mẹ ông bà “ngày xưa đẹp lắm, tốt lắm”...

6. Đòn roi làm trẻ không dám phát biểu ý kiến, nhưng không đòn roi làm trẻ vô lễ.

Chúng ta phải phân biệt là “nói ý kiến khác với người lớn” và vô lễ là hai chuyện khác nhau.

Không đòn roi có làm trẻ vô lễ không? Như đã phân tích ở trên, không đòn roi mà dạy dỗ theo lý lẽ thì sẽ tạo ra đứa trẻ có lý lẽ, đứa trẻ có lý lẽ chỉ nêu ý kiến và tìm cách bảo vệ ý kiến của mình theo lý lẽ của nó (lý lẽ của mỗi người có thể khác nhau).

Thường người lớn ở Việt Nam có quan niệm là người lớn nói thì phải đúng, nên khi tranh luận với người nhỏ tuổi hơn thường hay cho rằng nó dám nói ngang với mình là vô lễ. Thực ra, nói ngang hàng với người lớn khi tranh luận chỉ chứng tỏ trẻ tự tin với lý lẽ của nó. Cái chúng ta cần dạy trẻ là chúng phải có lý lẽ khi tranh luận, phải nghe người khác nói, và được quyền nói.

Vì thế, việc tạo môi trường bình đẳng khi tranh luận là cần thiết. Việc này thì chính người lớn mới cần phải học, vì người lớn ở Việt Nam quen thói cậy lớn hiếp nhỏ.

7. Cần kết hợp: đánh con và giải thích cùng một lúc.

Nhiều bạn cũng thấy rằng đánh con là không tốt, nhưng lại không đủ kiên trì và kiến thức để áp dụng việc dạy con không đòn roi, nên đưa ra lý lẽ này.

Mình đảm bảo với bạn rằng triết lý dạy trẻ ở đa số các nước Phương Tây (và hiện đang du nhập mạnh vào Việt Nam) là không đánh trẻ, họ đã áp dụng, và dường như là họ làm khá tốt. Vì thế, nếu bạn đã nghĩ rằng đánh con là không tốt, mà thi thoảng vẫn phải đánh con, thì có thể bạn cần sự giúp đỡ.

Có thể là bạn quá mệt mỏi, căng thẳng với hàng đống công việc nhà, việc cơ quan, việc họ hàng, các mối quan hệ chồng chéo. Đừng đổ những tâm trạng bực bội ấy lên con mà tội nghiệp con. Bạn hãy tìm cách loại bỏ bớt những thứ làm bạn đau đầu để đảm bảo rằng bạn không “giận cá chém thớt” với con. Con bạn chẳng quan trọng hơn mọi thứ khác à?

Nếu bạn thấy quá căng thẳng, mệt mỏi, thì hãy gửi con cho bố mẹ, người quen để đi giải tỏa: than thở với bạn bè, mua sắm, xem bóng đá, đi du lịch… Nếu vẫn không hiệu quả thì có thể bạn cần đến bác sĩ điều trị. Đến bác sĩ tâm lý không có nghĩa bạn… bị điên, mà  chứng tỏ bạn nhận thức được rằng sức khỏe tinh thần mình không khỏe, và bạn muốn tinh thần mình trở nên tốt nhất có thể.

Chẳng phải là bạn chỉ nên dành cho con bạn những thứ tốt nhất mà thôi ư? Thứ tốt nhất chính là những ông bố bà mẹ khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn thể xác, để có thể yêu thương con nhất có thể.

Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)


 
 Từ khóa: bạo lực trẻ em
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn