TẾT

Chủ nhật - 07/02/2016 17:45

(NCTG) “Rời xa quê hương, nhiều khi hành trang mang theo chính là những lời ca, tiếng nhạc nhắc nhớ cội nguồn của mình, và đó chính là một góc quê hương mà mình còn giữ được”.

Tết Hà Nội một thời... - Ảnh tư liệu

Tết Hà Nội một thời... - Ảnh tư liệu

1. Mấy bữa trước, một tờ báo ở nhà có phỏng vấn mình về một số thứ có liên quan đến tết nhất, trong đó có câu hỏi hỏi về cảm xúc, kỷ niệm tết. Mình đã trả lời như sau:

Tết với mình luôn là lúc những kỷ niệm ùa về, như mình hay nói vui là “một trời kỷ niệm”. Mà kỷ niệm thì toàn là thời bao cấp, lúc mình còn đi học, chả biết gì, cũng chả có thứ gì chơi đặc biệt ngoài đọc sách (kiếm cũng khó khăn, giấy xấu, có khi đọc mù cả mắt), và tới trường thì nô đùa đuổi nhau, chơi đồ, su-vê, ném ống bơ..., toàn thứ dân gian vậy thôi, bây giờ kể lại bọn trẻ con ngạc nhiên và thấy buồn cười lắm.

Tất nhiên, những cái tết trước khi mình rời Việt Nam (năm 1985) luôn để lại ấn tượng mạnh nhất, vì kể từ dạo ấy, 31 năm nay, chưa bao giờ mình có dịp ăn tết lại ở trong nước. Kỷ niệm thì có nhiều lắm, ví dụ những cái mà trẻ con thời ấy ai cũng có như chờ đợi gói quà Tết để được ăn chút mứt, hạt tiêu... (mà cả năm không có), hoặc ngày tết có mấy miếng thịt thể lực tăng hẳn, thức khuya sau 10h đêm cũng không sao, v.v...

Nhưng cũng có một vài ký ức riêng, mà tới giờ mình vẫn nhớ như in. Ấy là cái tết năm 1984, mình cùng bọn bạn trong lớp tích tiền, rủ nhau đạp xe tới tận Bình Đà (hồi đó coi như là xa lắm) để mua pháo, làng pháo truyền thống ở đó mà. Trời rét căm căm, mưa phùn, cả lũ phong phanh vì làm gì có quần áo gì nhiều đâu, gò lưng đạp xe đi về cho kịp hẹn với bố mẹ. Nhưng lúc đốt (đúng mùng 1 tết) thì cũng xịt lung tung cả, rất mất mặt.

 
 

Một kỷ niệm khác không trực tiếp liên quan đến Tết, nhưng nó là ký ức lớn nhất của mình trong những năm xa nhà. Ấy là sau khi bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mới được sáng tác (1984), và mùa hè 1985, ngay trước khi mình rời Việt Nam, có một đoàn ca nhạc nhẹ từ Sài Gòn ra Hà Nội trình diễn, nếu mình nhớ không nhầm thì ở nhà hát chợ Hàng Da, và ở gần Bờ Hồ, không nhớ tên nhà hát nữa, đã trình diễn bài ấy.

Cảm giác rất lạ là một ca sĩ miền Nam (mình không nhớ tên), của một đoàn ca nhạc nhẹ miền Nam, hát một bài của nhạc sĩ người Nam về Hà Nội, mà lại hay đến thế, xác tín đến thế, cảm động đến thế và “ngấm” đến thế trong lòng một người Hà Nội là mình. Bao nhiêu hình ảnh của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, “áo chăn chưa ấm thân mình”, mà “em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới” chất chứa trong một ca khúc.

Hồi đó, mình đang học nội trú Ngoại ngữ ở trường Thanh Xuân, và hàng tuần được bà cho hình như là 10 hay 15 đồng để “cải thiện”, và cứ cuối tuần khi đạp xe về nhà, thì mình luôn phải “đấu tranh tư tưởng” giữa việc ăn một bát phở nóng, thơm nồng, hay là mua một cuốn sách đã chờ đợi từ lâu. Nhưng vì mê “Nhớ về Hà Nội”, chỉ vì bài ca ấy thôi, mà mình đã tích tiền “lén” mua vé xem chương trình của đoàn nọ hàng 5-6 lần liên tục.

Đấy là ca khúc mình nghĩ là tuyệt nhất về Hà Nội thời hậu chiến, và cùng “Người Hà Nội”, “Em ơi - Hà Nội phố”..., “Nhớ về Hà Nội” gói trọn rất nhiều hình ảnh và những khoảnh khắc của một thời, mà nhiều thế hệ - trong đó có mình - đã trải qua và sẽ không bao giờ quên. Rời xa quê hương, nhiều khi hành trang mang theo chính là những lời ca, tiếng nhạc nhắc nhớ cội nguồn của mình, và đó chính là một góc quê hương mà mình còn giữ được
”.
 
mh3

2. Những ngày gần tết, trên các mặt báo, mạng xã hội... nườm nượp và vang vọng những kỷ niệm, ký ức dông dài từ thời xa xăm, mà “bao cấp” chiếm một tỷ lệ áp đảo. Đến mức một người bạn mình ở Hà Nội đã phải đặt câu hỏi, cái trò “ăn mày dĩ vãng” này là sao, không lẽ cái thời đói khổ, lầm than đến mức phát nhục ấy lại là quãng thời gian đáng nhớ đến thế? Không lẽ “phú quý giật lùi” như thế, và “bốn mươi năm ta lại là ta” như thế?

Đã có lần mình viết về chuyện này, khi nhớ đến đề từ của chị Lê Minh Hà trong cuốn tiểu thuyết “Gió tự thời khuất mặt” mà mình rất thích, “cho một Hà Nội nhọc nhằn và dịu dàng, một Hà Nội thiếu mà vẫn đủ, những mùa xanh xưa chúng ta”. Bao giờ trong mình, cũng dịu dàng những hình ảnh của Hà Nội thời bao cấp, thời hậu chiến, và có thể, lùi chút nữa, những ngày tháng cuối của chiến tranh, dập dờn trong bóng dáng những bài ca cũ...

Đã hơn một lần, chính mình cũng đặt câu hỏi, mảnh đất ấy, trong những năm tháng ấy, có gì đẹp, ngoài sự nghèo khổ, lầm than, lộn xộn và có khi, bệ rạc của nó? Hà Nội những ngày tháng ấy, trong tâm tưởng mình và có lẽ rất nhiều người, bây giờ khi nhìn lại, là thời kỳ khổ nhưng vui, thắm tình người. Cho dù, mình biết rõ rằng, hoài niệm và sự lùi lại của năm tháng sẵn sàng bỏ qua những thực tế và những hình ảnh phũ phàng hơn thế rất nhiều...

Cái thời, trộm cắp như rươi, “chỉ điểm” đầy công sở, khu phố và cuộc sống thì thiếu những điều kiện căn bản về cả vật chất và tinh thần mà giới trẻ thời nay khó hình dung nổi. Ôn lại qua những bằng cứ sách vở không hề khó, chỉ cần xem “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989” của GS. Đặng Phong, một thứ “nhật ký thời bao cấp”, cho dù tác giả gọi đó là quãng thời gian “gian nan và ngoạn mục” nhưng mình thấy kinh hoàng thì đúng hơn.
 
mh4

Có điều, bộ óc con người không phải là một cái máy đếm kiểu robot, nó có sự sàng lọc riêng của nó, và chỉ để lại những gì nó muốn, theo cái lý riêng của nó. Vượt qua tất cả những nhọc nhằn ấy, Hà Nội vẫn đọng lại trong mình, sau ngần ấy năm, như một mảnh đất thân thương. “Hà Nội của ta”, “dặm dài trong gian khó”, là một cái gì khó nói, chỉ có thể cảm, và cho dù mỗi người có thể cảm một kiểu, nhưng với mình vẫn như cơn gió lành...

Cho dù, Hà Nội ấy không phải Hà Nội bây giờ, tuy mỗi lần có dịp về, mình vẫn vui, náo nức, nhưng chỉ đến thế. Có người bảo muốn cảm nhận thực sự nó, phải về, phải sống và lăn lộn ở đấy, mới thấy hết cái chuyển mình, tiến bộ hay thụt lùi. Nhưng với mình, về trong tâm tưởng, đặc biệt là vào những ngày cuối năm thế này, là một hành trình vừa thú vị, vừa cảm động, vừa có cái gì gợi nhớ và thiêng liêng hơn rất nhiều so với khi mình đang ở đó...

3. Tết Nguyên đán, với mình, những năm trước, đều là một nét văn hóa... man rợ của Việt Nam, với những màn chuẩn bị và ăn uống khá lích kích, mệt. Nhưng không hiểu sao, năm nay, mình lại rất thích thú việc ra chợ xem mọi người mua sắm tết, khảo giá cả, rồi mua cái này cái nọ về nấu nướng. Thật ra không ăn được mấy, nhưng bầu không khí chuẩn bị, ríu rít và cùng nhau làm, tất cả làm nên tinh thần của cái tết Việt, mà mình nghĩ là nên giữ.

Ngộ” ra được điều ấy cũng là lúc, cũng chứng tỏ mình đã già rồi...

Nguyễn Hoàng Linh - Ngày 7-2-2016


 
 Từ khóa: bao cấp, Tết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn