Đi qua cả một thời bao cấp khốn khó như một cơn ác mộng nên mình rất sợ quay trở lại thời đó. Cái thời mà mình cứ phải dậy từ 4h sáng đi bộ lên kho lương thực hoặc cửa hàng thực phẩm để xếp hàng mua muối, mua thịt hoặc mua gạo. Cái thời mà cả tuần chỉ ăn cơm với lạc rang muối cuối tuần mới được ăn bữa thịt mà định lượng mỗi bát chỉ được hai miếng. Gạo thì đỏ có mùi mốc, cơm bữa độn sắn, bữa độn khoai, bữa độn bột mì…
Ôi chao sao mà khổ cơ khổ cực, thoát ra khỏi rồi nên mình sợ quay lại thời đó lắm, nhưng nhiều người không sợ như mình, họ rất thích nghĩ, nhớ và nhắc lại cái thời đấy. Mình thì sợ, sợ đến mức có lần bạn rủ vào một quán cà phê trang trí, thiết kế, đồ uống đều là thời bao cấp, ngồi xuống cái mình đứng bật dậy, vì mình cảm thấy ngột ngạt, khó thở, cơn ác mộng như chợt trở về - mình phải đi ra ngoài ngay lập tức.
Mấy hôm nay bạn bè rủ liên tục đi xem
chương trình “Ký ức Hà Nội” (*), mới nghe mình đã… sợ, vì chắc chắn sẽ gặp lại ở đó những tháng ngày bao cấp khốn khó. Nhưng rồi bạn rủ nhiệt tình quá nên cũng đành chiều bạn và cùng nhau đi.
Khó khăn đầu tiên là khi đến người đông nườm nượp và không có chỗ gửi xe, phải quay đi quay lại mấy vòng đường Hoàng Diệu mới tìm được chỗ gửi xe cách khá xa cổng vào.
Cả một khu Hoàng Thành rộng đông nghìn nghịt người, điểm đầu tiên là Ô Quan Chưởng với chú thích bằng tiếng Việt và tiếng Anh cùng mô hình xe kéo bên cạnh. Muốn chụp một bức ảnh chỉ mô hình không thật khó, vì hết người này đến người kia trèo lên xe để chụp kỷ niệm, hoặc giả đò kéo xe.
Vào đến bên trong là biểu tượng của từng phố với các sản phẩm của chính phố đó. Mình đi một loạt phố và thấy là Hà Nội bây giờ chứ không phải Hà Nội trong ký ức, nó vẫn thế như những cái hàng ngày mình thấy. Người và người, đi lại, chen chúc thật khó để xem được bên trong như thế nào, cứ phải chờ dòng người xem xong, chụp ảnh xong đi tiếp mình mới tiếp cận được. Nhưng tiếp cận được rồi thì lại đi tiếp ngay vì không có gì thu hút hay níu kéo mình lại.
Có chỗ là phục dựng lại bảng thông báo và có dựng một xe máy ở đó, có ghi rõ một dòng tiếng Việt là không trèo lên xe, nhưng ai cũng phải trèo lên một cái để có bức ảnh làm kỷ niệm.
Phố cổ, tàu điện, cột điện, vòi nước, xô hứng nước, dép cao su… tất cả đều có hết nhưng sao thế nhỉ? Mình không hề có cảm giác, hay một chút rung động nào khi gặp lại những ký ức xưa này nhỉ? Nó hoàn toàn không giống như khi mình bước chân vào quán cà phê kia, lúc đó mình cảm giác như mình đang sống ở đúng cái thời ngày xưa ấy, đến mức hốt hoảng phải thoát ra ngay.
Phải chăng, có lẽ do tàu điện không giống tàu điện xưa, hay do dòng người ăn mặc quần áo của hiện tại đang nườm nượp làm cho mọi cái không thể quay về quá khứ được?
Đến khu trò chơi dân gian, những chiếu chơi chuyền mọi người cũng giãi thẻ ra chơi, nhưng quả để tung chuyền lại là quả bóng tennis chứ không phải quả bưởi nhỏ ngày xưa, các que chuyền là đũa chứ không phải que tính hay que kem như thế. Mình ngán ngẩm đi sang trò chơi ô ăn quan, chỗ này chơi dưới đất nên có vẻ ngày xưa hơn chút.
Chợt nhìn thấy trò nhảy dây, mình vội ra xem, ôi, trò chơi thuở nhỏ của mình. Cũng tháo giày, cởi áo và mình ra nhảy dây để nhớ lại ký ức ngày xưa, khác mỗi cái, ngày xưa dây chun màu đen, giờ dây chun là dây nịt vòng nối nhiều lần vào. Thôi cũng tạm.
Đi tiếp đến khu bia hơi và hàng ăn, nhìn vào thì chỉ có biển là cho thấy nhắc lại thời bao cấp, còn bên trong thì không khác gì quán bia ở vỉa hè, bàn nhựa đỏ, ghế nhựa đỏ, cái thời bao cấp làm gì có bàn ghế này?
Sang dãy đồ ăn, mình cũng ăn thử một số món, mỗi món một chút nhưng mà tệ quá, món nào cũng tệ, món bún mọc thì nhạt, nước như nước phích rót ra rồi cho gia vị vào, mọc bở bung không có vị gì cả mà giá cả thì đắt chứ không như giá bình thường bên ngoài.
Hết một vòng chương trình, thú thật một điều mình không hề gặp lại một ký ức nào của ngày xưa cả. Mọi thứ cứ... thế nào ấy, quán trà đá vỉa hè thì chả khác gì quán trà đá vỉa hè bây giờ, kể từ chén uống nước đến những lọ đựng kẹo, đều là của thời hiện tại.
Vẫn biết rằng, mọi người đi xem những chương trình thế này, là mong trở về với những ký ức, những mảng trời xưa cũ - lớp trẻ thì biết thêm được cha anh chúng đã sống như thế nào. Mỗi người sẽ có được một cảm nhận riêng, là quá khứ có được tái hiện khiến họ đủ xúc cảm hay không.
Riêng mình, mình cảm thấy may quá, đã không bị va vào một ký ức đau thương nào của cái thời bao cấp ngày xưa, hay một mảnh nào của cơn ác mộng đó… nếu không, chắc mình phải rời nơi này sớm trong sự sợ hãi.
Chùm ảnh về “Ký ức Hà Nội”: