QUẤY RỐI TÌNH DỤC VÀ ĐÁNH ĐẬP

Chủ nhật - 24/01/2016 05:50

(NCTG) “Phụ nữ Đức đến dự lễ hội bia Oktoberfest ở München thường xuyên phàn nàn với cảnh sát là họ bó tay trước sự quấy rối tình dục của giới mày râu say xỉn. Người tỵ nạn thì đâu có đến Oktoberfest, trước và nay đều vậy. Nhưng dường như chả ma nào để tâm tới chuyện dân Đức sách nhiễu dân Đức…” - góc nhìn của ký giả Aczél Endre.

Phụ nữ Đức phản đối những cuộc tấn công tình dục trong đêm Giao thừa tại Köln - Ảnh: Oliver Berg (DPA)

Phụ nữ Đức phản đối những cuộc tấn công tình dục trong đêm Giao thừa tại Köln - Ảnh: Oliver Berg (DPA)

Chúng ta vẫn chưa biết chính xác là quả thực điều gì đã xảy ra trong đêm Giao thừa ở Köln (và các thành phố khác ở Đức), những kẻ nào là thủ phạm và ngoài chuyện móc túi, cướp giật và cái gọi là sách nhiễu tình dục thì chúng còn làm gì khác.

Công luận được biết - thông qua những nguồn tin của cảnh sát và cơ quan kiểm sát - rằng vài chục thủ phạm bị phát hiện có vẻ là di dân “có ngoại hình như là người Bắc Phi và Ả Rập”. Các thông cáo được viết một cách bất cẩn, vì chúng hướng cơn thịnh nộ của cư dân về người tỵ nạn, mặc dù đa phần dân tỵ nạn là người Syria và những kẻ phá phách vào bình minh của năm mới, xác suất 90% không phải là dân Syria.

Các nghi can là dân Marocco, Tunesia, Algeria, không ít kẻ là lũ thanh niên mà cảnh sát đã biết rõ, trước đây từng bị buộc tội ăn cắp vặt. Như thế, không thể gán câu chuyện này cho những người tỵ nạn “thực sự”, đến từ Hy Lạp và một tỷ lệ rất lớn trong số đó là người Syria, vì họ không đi bộ băng qua cả nửa Châu Âu để đến Giao thừa thì đi sờ soạn gái Đức. Ngoài ra, đa phần họ là người có gia đình, nhiều khi phải liều mạng sống của mình, và/hoặc đã đánh mất giữa đường không chỉ của cải, mà cả người thương của họ.

Còn nói về chuyện quấy nhiễu, tôi không thể không nói rằng đây là sự buộc tội nghiêm trọng nhất đối với những thủ phạm đêm Giao thừa mà tôi được đọc (ngoài sự cưỡng bức tình dục khó có thể chứng tỏ được hẳn hoi), thì nó chỉ là chuyện thò tay vào dưới váy gái Đức. Đây thực sự là điều không hay ho gì, nhưng tôi cũng tò mò tự hỏi có bao nhiêu chàng trai Đức lúc say xỉn hoặc phê cần sa đã thò tay vào giữa hai chân các nữ đồng hương trong đám đông, vì tôi dám chắc là có những kẻ như vậy. (Từ nhiều năm nay, phụ nữ Đức đến dự lễ hội bia Oktoberfest ở München thường xuyên phàn nàn với cảnh sát là họ bó tay trước sự quấy rối tình dục của giới mày râu say xỉn. Người tỵ nạn thì đâu có đến Oktoberfest, trước và nay đều vậy. Nhưng dường như chả ma nào để tâm tới chuyện dân Đức sách nhiễu dân Đức, nhưng chuyện có mấy người Ả Rập bị tình nghi thì dân tình quan tâm lắm. Tôi không sợ khi khẳng định, trong mắt nhiều người Đức, việc một tay Ả dám quấy quả một cô gái Đức còn có thể bị coi là “nhục mạ chủng tộc” - và thuận ngữ này thì từng có tiền đề trong lịch sử buồn bã của họ.)

Sự kiện đêm Giao thừa ở Köln đã khiến một bộ phận trong công luận Hung nổi đóa - dưới ảnh hưởng của thứ tuyên truyền của Orbán thì không phải là vô cứ -, nhưng tôi muốn kể cho các đồng hương một câu chuyện nhỏ, về những thứ ở Hung, và so với chúng thì chuyện sờ sẩm (ở Đức) chỉ như một thứ cổ tích nho nhỏ.

Số là, vài hôm trước, tôi mua bán nhì nhằng trong một cửa hiệu nhỏ, và ngoài tôi ra thì không còn khách mua hàng nào khác, chỉ có hai bạn trẻ bán hàng, một nam và một nữ. Vừa xếp hàng, hai bạn vừa “tám” chuyện cách tôi chừng hai mét mà chả ngại ngần gì. Họ nói thế này. Cô gái: “Hajni ấy, nó không dám mang con bỏ nhà vì sợ lại bị chồng đánh. Trước nay nó vẫn bị thụi ra trò”. Chàng trai: “Thì chỗ tớ cũng vậy, con gái đứa nào muốn bỏ nhà chả bị thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, cái này hiển nhiên rồi. Cần phải biết tự vệ, nhưng ít ai làm được việc này”.

Tôi không nhận thấy bất cứ cảm xúc nào trên gương mặt hai bạn trẻ này. Họ kể chuyện đánh đập phụ nữ như thể đó là chuyện tự nhiên nhất trên thế gian này. Tôi cho rằng cả hai đều chưa hề gặp người tỵ nạn, họ không hề nghĩ rằng thứ “văn hóa” mà họ tán gẫu không phải do người tỵ nạn “nhập khẩu”, mà có cội nguồn bao đời từ đây... (*).

(*) Tác giả Aczél Endre (sinh năm 1944) thuộc thế hệ nhà báo cựu trào Hungary, làm việc tại Hãng Thông tấn Hungary (MTI, 1968-1974), là phóng viên thường trú của MTI tại Bắc Kinh (1974-1977) và London (1981-1985), rồi chuyển sang Đài Truyền hình Hungary (1985-1990) và giữ cương vị Tổng biên tập các chương trình Thời sự (Híradó) và Tuần lễ (A hét). Sau năm 1990, ông viết và giữ cương vị chủ đạo trong nhiều cơ quan truyền thông khác.

Aczél Endre cũng là thành viên phân bộ Hungary của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) giám sát sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam trong thời gian 1973-1975, và từng chứng kiến sự ra đi của những người Mỹ cuối cùng tại Việt Nam. Bài viết trên của ông đăng trong mục “Ý kiến” của “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), nhật báo chính luận lớn nhất của Hungary, số ra ngày 20-1-2016.

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hungary


 
 Từ khóa: tỵ nạn
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn