Liên hiệp Châu Âu đã từng tuyên bố chịu trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền con người. Nhưng
theo bài bình luận, những giá trị dân chủ này đã trở nên bị rạn nứt trước cuộc khủng hoảng tỵ nạn và nỗi sợ khủng bố.
Một câu châm ngôn cổ đã nói, nếu thế giới tồn tại bởi các nền dân chủ, thì người ta sẽ không cần sự bảo vệ đặc biệt nào cho nhân quyền. Tuy nhiên, từ lâu câu nói này đã được chứng tỏ là sai. Bởi lẽ, không phải đợi tới Guantanamo thì chúng ta mới biết rằng các nền dân chủ cũng xâm phạm khá mạnh mẽ đến những quyền con người. Điều mới mẻ chỉ là, hiện giờ tại Châu Âu, nó đang diễn ra rất ở mức rất có chủ đích và mang tính công kích.
Động cơ của nó chính là nỗi sợ. Từ nỗi sợ bị mất mát cái gọi là “đặc tính dân tộc” thì nước Hung, chẳng hạn, đã từ chối đứng ra bảo vệ người tỵ nạn và chính phủ theo xu hướng dân tộc cực hữu của Ba Lan thì đưa giới tư pháp và truyền thông vào tầm kiểm soát.
Xuất phát từ nỗi sợ những cuộc khủng bố tiếp theo, Pháp, một quốc gia mới đây vừa chịu những đòn khủng bố năng nề tại lãnh thổ của mình, đã phải công bố “
tình trạng khẩn cấp kéo dài” mà thông qua đó, các cơ quan an ninh quốc gia được phép can thiệp rộng rãi vào các quyền tự do.
Và cũng từ nỗi sợ trước khả năng thắng cử của những kẻ mỵ dân cánh hữu mà
chính phủ Áo đã tuyên bố chỉ còn nhận tối đa là 80 người đệ đơn tỵ nạn mỗi ngày, cũng như, chỉ cho nhiều nhất là 3.200 người nhập cảnh hàng ngày để sang nước láng giềng Đức xin tỵ nạn.
Ngay lập tức, Thanh tra của EU về vấn đề di dân đã phản đối và trả lời trong một lá thư gửi chính phủ ở Vienna rằng, với quyết định trên, Áo rõ ràng đã vi phạm luật định Châu Âu và quốc tế. Theo Brussels, Áo có trách nhiệm pháp lý phải kiểm tra tất cả các đơn xin tỵ nạn, được đệ trình trong lãnh thổ của họ hoặc ở ngay khu vực biên giới. Quyền được bảo vệ không phải gì khác, là một quyền con người cơ bản.
Không một cộng đồng nào lại có trách nhiệm mạnh mẽ hơn là Liên hiệp Châu Âu về các quyền con người. Hai mươi tám quốc gia của EU đã tự tin gọi nó là “
không gian của TỰ DO; của AN TOÀN VÀ của PHÁP LUẬT”. Theo điều 2 của Hiệp ước Liên Âu thì những giá trị mà dựa vào đó cộng đồng EU được thành lập, chính là “
tôn trọng nhân phẩm con người, tôn trong tự do, dân chủ, bình đẳng, tôn trọng tổ chức nhà nước pháp quyền và duy trì các quyền con người, bao gồm cả các quyền thuộc về cá nhân của các nhóm thiểu số”.
Ngoài ra, Công ước Châu Âu về Nhân quyền có hiệu lực từ năm 1953 cho tới nay vẫn là quy chế có hiệu lực nhất để thực thi quyền này. Trong mối liên quan tới những luật khác, Công ước này bảo đảm cho người tỵ nạn một sự bảo hộ rộng rãi.
Trong sự ghi nhận những nỗ lực này, Liên hiệp Châu Âu đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2012. Hội đồng trao giải Nobel ca ngợi “
cuộc chiến đấu thành công vì nền hòa bình, hòa giải, vì nền dân chủ cũng như các quyền con người; vị thế bền vững của EU trong công cuộc chuyển hóa Châu Âu từ lục địa của những cuộc chiến tranh thành lục địa của nền hòa bình” như là thành tựu quan trọng nhất của Liên Âu.
Châu Âu, mảnh đất bảo trợ tự do
Quá khứ và cả hiện tại đã chứng tỏ, hàng trăm ngàn người chịu nạn và bị truy đuổi đã chạy tới Châu Âu không phải vì các quốc gia trên lục địa này giàu có hơn so với những nơi khác mà còn vì nền dân chủ của EU được coi như là một kho báu của tự do. Tuy vậy, cũng vì nỗi sợ hãi mà nền tự do này ngày càng bị hao tổn.
Tất nhiên đối với một nền dân chủ thì sự sợ hãi và những kẻ gây ra những nỗi sợ không có gì là lạ lẫm. Nhưng khác với một thể chế độc tài, sức mạnh của nỗi sợ có một ranh giới, nó mang tính đạo đức, dân tộc và đặc biệt cả tính pháp lý nữa.
Điều này có nghĩa là trong một nền dân chủ thì các luật định và các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thật kiên cố (trước phong ba bão táp) để tự mình có thể đứng vững trước những xung đột và phản kháng mạnh mẽ nhất, đồng thời tự bảo vệ được những quyền tự do căn bản. Giá trị của một nền dân chủ là một QUY TẮC VÀNG, được chứng tỏ chủ yếu trong khủng hoảng.
Nhưng hãy nhìn Hungary, Ba Lan, Pháp, Áo và một vài nước khác. Quy tắc vàng này đang bị rạn nứt. Bởi nỗi sợ trước những đòn khủng bố và trước số lượng người tỵ nạn lớn khủng khiếp mà “
nhiều chính phủ Phương Tây đã đi ngược lại sự bảo hộ nhân quyền”. Giám đốc tổ chức nhân quyền Human Right Watch, ông Kenneth Roth đã
tổng kết như vậy trong cuốn “World Report 2016” vừa được công bố mới đây.