CÒN LẠI GÌ SAU CHIẾN TRANH?

Thứ năm - 10/03/2016 15:45

(NCTG) “Những đứa trẻ như thế hệ tôi, được nuôi lớn bằng những bài học chính thống đầy căm thù đế quốc ngoại xâm. Còn những câu chuyện trân trọng hòa bình, lại chỉ lại tự cảm nhận qua những câu chuyện đời, chuyện người, sau mất mát, hy sinh”.

Cả ngôi làng được công nhận là di sản lịch sử. Ngoài cổng làng là hàng chữ: “Bạn hãy nhớ! Nhớ không phải để hận thù mà để tạo dựng một thế giới không phải từ những chết chóc, mà là một thế giới hòa bình” - Ảnh: Nguyễn Đỗ Long

Cả ngôi làng được công nhận là di sản lịch sử. Ngoài cổng làng là hàng chữ: “Bạn hãy nhớ! Nhớ không phải để hận thù mà để tạo dựng một thế giới không phải từ những chết chóc, mà là một thế giới hòa bình” - Ảnh: Nguyễn Đỗ Long

Bất ngờ khi nhìn thấy hình ảnh ngôi làng này do anh bạn chia sẻ, còn lưu giữ nguyên trạng tàn tích chiến tranh giữa lòng nước Pháp. Những bức hình này gợi cho ta điều gì? Nhớ những Quảng Trị, những Khâm Thiên? Hay liên tưởng đến Hiroshima? Tự hỏi có nên giữ lại một “bảo tàng sống” của chết chóc, điêu tàn đến thế này không?

Nước mình hay nhắc đến “lòng căm thù ngoại xâm sâu sắc” hay “bức tranh tố cáo tội ác dã man của quân thù”... Còn ở đây, người ta viết: “Bạn hãy nhớ! Nhớ không phải để hận thù mà để tạo dựng một thế giới không phải từ những chết chóc, mà là một thế giới hòa bình”.

Ngẫm lại những đứa trẻ như thế hệ tôi, được nuôi lớn bằng những bài học chính thống đầy căm thù đế quốc ngoại xâm. Còn những câu chuyện trân trọng hòa bình, lại chỉ lại tự cảm nhận qua những câu chuyện đời, chuyện người, sau mất mát, hy sinh.

Ở nước tôi, sang thế kỷ 21 cả chục năm, những ông già ở thủ đô vẫn sấn vào chỉ mặt một đoàn giáo viên ngoại quốc, chửi bới lũ giặc xâm lược. Buồn cho nỗi đau quá lớn đến nửa đời sau, vẫn không chút nhạt phai trong lòng những người dân mộc mạc. Nhắm mắt xuôi tay sẽ còn bao nhiêu người ngùn ngụt “lòng căm thù sâu sắc”? Cái bóng chiến tranh tối tăm phủ suốt nửa đời sống trong hoà bình của họ!
 
Một góc làng, nơi phát-xít Đức đã bắt một nhóm người để xử bắn và đốt xác họ trước mắt nhiều dân làng trong đó cả trẻ em - Ảnh: Nguyễn Đỗ Long
Một góc làng, nơi phát-xít Đức đã bắt một nhóm người để xử bắn và đốt xác họ trước mắt nhiều dân làng trong đó cả trẻ em - Ảnh: Nguyễn Đỗ Long

Ở nơi đây, dù giữ lại những dấu vết tàn phá của phát-xít Đức như thế này, nhưng không thấy người ta nhắc đến Đức như kẻ thù. Với “kẻ thù” lâu đời hơn là Đế chế La Mã, chỉ tìm thấy chút trào phúng trong những trang truyện tranh.

Người bạn học Campuchia, trong một lần hỏi chuyện anh nghĩ gì về việc can thiệp của Việt Nam ở quê hương anh. Anh bình thản nói đại ý: những chuyện quá khứ anh không muốn nhắc đến, đất nước Campuchia đã từng hùng mạnh, giờ người Campuchia cứ hận thù láng giềng và ganh ghét lẫn nhau thì không khá lên được.

Câu chuyện xoay sang những tiếc nuối của anh về những lý do cản trở tiến bộ của người Cam Bốt. Tôi nghe mà thấy xấu hổ trong lòng, khi mối bận tâm hận thù về kẻ láng giềng xấu tính nhiều khi lớn hơn suy nghĩ làm thế nào để nước mình, người mình mạnh hơn, tiến bộ hơn.

Nhớ lại gần một năm trước, những bức ảnh chiến tranh được thêm hoa trên những nòng súng. Thông điệp chống chiến tranh được diễn tả có lẽ là vụng về ấy bị phản đối và cấm trưng bày vì lý do phản cảm. Dường như những vết thương chiến tranh vẫn không thể chạm vào.
 
“Quê tôi không có tuyết, cũng chẳng có những ngôi làng giữ lại được hình thù như thế này để tưởng niệm nhưng chắc chắn những nỗi đau vẫn còn đó và buốt lạnh hơn thế này nhiều” - Ảnh: Nguyễn Đỗ Long
“Quê tôi không có tuyết, cũng chẳng có những ngôi làng giữ lại được hình thù như thế này để tưởng niệm nhưng chắc chắn những nỗi đau vẫn còn đó và buốt lạnh hơn thế này nhiều” - Ảnh: Nguyễn Đỗ Long

Tưởng tượng những bức ảnh anh bạn tôi chụp có màu, nếu những bụi hồng leo nhiều màu sắc bám trên những viên gạch vỡ, hay trên những bức tường đổ nát phủ những bức tranh graffity rực rỡ, in trên một nền trời xanh thẳm.

Rồi những con người đương đại với áo quần màu sắc bước ngang qua. Bức tranh tàng tích của chiến tranh như thế, sẽ bị coi là”phản cảm” hay không? Chẳng nhẽ không thể thêm màu sắc nào của sự sống, trên nền đen thẳm của chiến tranh, chết chóc?

Ở đây, từ vài tháng nay, người ta tuyên bố “đất nước đang trong tình trạng chiến tranh”, người ta yên tâm hơn khi thấy những tốp lính tay đặt trên cò súng, sải bước bên mình trong trung tâm mua sắm, trên đường phố. Người ta nói với nhau “chỉ ném bom tiêu diệt Daesh mới trừ được khủng bố”.

Để rồi, ngoài bờ biển, những “làn sóng người” đánh vào bờ, gửi gắm cho Châu Âu bao sinh mạng, vàng thau lẫn lộn, chẳng biết đâu là bạn, đâu là kẻ thù trá hình. Người ta loay hoay đấu tranh giữa sứ mệnh đạo đức của tương trợ, gánh nặng trách nhiệm của nước phát triển, với những thực tế không kiểm soát được ngày càng nhân lên trước mắt.
 
Bức ảnh “Hành quyết ở Sài Gòn” từng được thêm bông hoa trên nòng súng. Phải chăng vết thường chiến tranh là không thể chạm vào?
Bức ảnh “Hành quyết ở Sài Gòn” từng được thêm bông hoa trên nòng súng. Phải chăng vết thường chiến tranh là không thể chạm vào?

Cũng là hậu quả của những cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh ngày hôm nay, ai cũng có thể cảm thấy mình là nạn nhân, nhưng cũng không khỏi tự hỏi mình, có phải tòng phạm?

Di chứng của nó ngày mai sẽ là gì? Là xã hội bất ổn từ bên trong, rạn vỡ lòng tin và đứt gãy văn hóa, như những bức tường cao vút nhưng có khi chạm kẽ sẽ đổ sập? Những khoảng trống hoác trong lòng nhiều người tha hương không đâu là nhà, của những người hồ nghi chính xã hội mình sống, có văn minh và hoà bình thật không? Như những ngôi nhà không mái che, nhìn từ khung cửa sổ này xuyên sang sau gian nhà nọ, chơ vơ, ngơ ngác.

Thế thì, bức tranh hậu chiến nào cũng giống nhau, dù mọi vị trí địa lý, mọi thời đại đổi thay? Chẳng có bài học nào được rút ra? Con đường nào tìm kiếm hòa bình cũng phải bước qua những ngôi làng đổ nát không hồn vì chiến tranh?

Tối qua, vội lao đi trong hành lang tàu điện ngầm, cùng những người bận rộn khác, tôi lướt qua một cậu bé xanh xao nhỏ xíu, như chú bé Joshua trong thước phim chiến tranh cũ. Chú bé ép mình sát một góc tường, ôm tấm bìa carton to hơn người em, chỉ kịp loáng thoáng đọc dòng chữ “... gia đình người Syria...”.
 
Tàn tích của chiến tranh... - Ảnh: unhcr.hu
Tàn tích của chiến tranh... - Ảnh: unhcr.hu

Thắt lòng hình dung, rồi mai mỗi góc tàu điện ngầm, mỗi vỉa hè Paris yêu kiều, sẽ có thêm một cậu bé đôi mắt to ngơ ngác, ôm tấm biển Không Gia Đình - Không Quê Hương, đứng nhìn người qua lại.

Tàn tích của chiến tranh sẽ chẳng chỉ nằm im lìm trong một ngôi làng, một bộ ảnh, nó sẽ ám ảnh, dày vò ta, trên mỗi bước ta đi, hàng ngày... (*)

(*) “Oradour-sur-Glane là một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Haute-Vienne, cách Limoges chừng 20km. Ngôi làng gắn liền với cuộc thảm sát của phát xít Đức vào ngày 10-6-1944. 642 người bị giết trong đó 196 trẻ em” (có thể đọc bài viết kèm ảnh của tác giả Nguyễn Đỗ Long tại đây).

Bùi Uyên, từ Paris


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn