(NCTG) “Vấn đề chủ chốt ở đây là diễn đạt ngôn luận như thế có phi pháp không; tại sao lại phi pháp; phản đối chính sách có phải là chống đối nhà nước nhân dân hay không; công dân có được quyền phê phán lãnh đạo hay không; có phương hại gì đến quốc gia, dân tộc”.
Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh trước tòa - Ảnh: Minh Quang (vietnamnet.vn)
Người theo lý tưởng dân chủ luôn cho rằng chà đạp quyền tự do ngôn luận là một hành động man rợ, hủ lậu và thiếu phong độ. Dùng lời đối lời để tranh biện đúng sai là cách hành xử của mọi chính quyền dân chủ văn minh ngày nay. Những người tôn trọng quyền tự do ngôn luận như tôi sẽ không chấp nhận sự cấm đoán hay trừng phạt bằng vũ lực của pháp luật với bất cứ một diễn đạt tư tưởng nào. Chấm hết.
Nhưng tôi chấp nhận thực tế hiển nhiên ở mọi nơi rằng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Có những vấn đề tế nhị, những truyền thống văn hóa, những chuẩn mực xã hội khiến người khác bằng lòng với một số giới hạn trong ngôn luận. Họ không những đồng ý mà còn đòi hỏi chính quyền trừng phạt mọi ngôn luận vượt quá giới hạn họ tin là cần thiết.
Ngay ở Mỹ ngày nay, nơi mà ngôn luận được tự do gần như tuyệt đối, thi thoảng vẫn có những thách thức để giới hạn hay nới rộng quyền tự do ngôn luận. Trong hệ thống luật pháp và chính quyền Mỹ cũng như nhiều nước khác, những thách thức như thế sẽ được giải quyết trước tòa. Trên tinh thần này tôi chấp nhận việc chính quyền Việt Nam đưa anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Minh Thúy ra tòa. (Nhưng giam cầm họ một thời gian dài để điều tra với những cáo trạng đã được đưa ra là điều không thể chấp nhận được.)
Một quyết định tòa phán không hợp ý mình, ngược với mong ước của số đông cũng không nhất thiết là sai lầm hay trái logic. Người suy nghĩ và phát biểu cẩn thận hẳn sẽ chờ đọc biên bản của tòa, lý luận của các luật sư và quan tòa trước khi lên tiếng phê phán. Tuy biết thế, tôi vẫn không thể không lớn tiếng kết luận rằng bản án dành cho anh Vinh và chị Thúy chứng tỏ tòa không có suy luận, không biết logic, không dùng lý trí mà chỉ tuyên án theo cảm tính yêu ghét như trẻ trâu vô học hay theo áp lực chính trị như bọn nô tài Việt gian.
Không như đại đa số quần chúng, quan tòa là người có trách nhiệm phán quyết về những vấn đề cơ bản của xã hội. Còn gì cơ bản hơn là sự cân nhắc giữa giới hạn của ngôn luận và an ninh, phúc lợi xã hội? Còn phiên tòa nào thích hợp hơn cho cả thế giới nhìn vào để đánh giá trình độ của luật gia và giá trị của luật pháp Việt Nam? Thế giới đã nhìn vào, và những người quan tâm đến chất lượng tư duy của tầng lớp lãnh đạo chính quyền hẳn phải chê cười.
Vấn đề trước tòa không phải là anh Vinh và chị Thúy có làm hay không làm những việc mà họ bị buộc tội. Không ai phủ nhận họ đã viết, đã truyền bá những điều chính quyền buộc tội. Trọng tâm của vụ án không thể là sự điều tra và chứng cớ như một xét xử hình sự thông thường. Vấn đề chủ chốt ở đây là diễn đạt ngôn luận như thế có phi pháp không; tại sao lại phi pháp; phản đối chính sách có phải là chống đối nhà nước nhân dân hay không; công dân có được quyền phê phán lãnh đạo hay không; có phương hại gì đến quốc gia, dân tộc.
Dù là luật pháp độc tài, dù là công lý toàn trị, những người tự cho là có lý trí, biết lý luận để cầm cân nảy mực cho Đảng cũng phải phân tích, lý giải rõ ràng để thiết lập cơ sở cho quan điểm của họ là anh Vinh và chị Thúy đã phạm trọng tội, phải nhận trọng án. Nếu quan tòa làm thế thì người biết suy nghĩ trên thế giới dù có chán ghét cũng không dám khinh khi bừa như những kẻ chỉ có thể nói và làm theo cảm tính.
Nhưng không, quan tòa đã phán xử một cách hoàn toàn tùy tiện không khác gì một đám quan lại hủ lậu thời phong kiến. Dường như luật pháp chỉ là những hình thức hoa hòe như cái áo gấm khoác ngoài một hình nộm trí thức rỗng ruột. Không, không thể tranh cãi với họ về độc tài và dân chủ, ngôn luận hay tự do. Những người chấp chưởng phiên tòa này không tạo ra ấn tượng là họ có quan tâm, có khả năng hay kiến thức để cân nhắc những vấn đề quan trọng trong xã hội đương đại. Họ dường như chỉ là những cái giá áo túi cơm có gắn loa phường. Một điều đáng buồn và đáng nhục.
Nhưng khi nhìn kỹ hơn, suy nghĩ thêm một tí và cho phép mình suy đoán táo bạo hơn thì tôi lại thấy có những tín hiệu khả quan, không “hết thuốc chữa” hay “sặc mùi lừa đảo” như có người mắng chửi trên “Phây”. Hình ảnh anh Ba Sàm và chị Thúy rạng rỡ, thản nhiên trên báo không chỉ là biểu hiện của lòng can trường mà còn như muốn nói trí tuệ vẫn đóng đô ở đất này. Anh Vinh không thể là người (cựu) sĩ quan an ninh duy nhất có tấm lòng và tầm nhìn như thế. Ngay trong lòng chính quyền hẳn cũng phải có những người với những rung động tiến bộ.
Nhiều người dân cầm biển ngữ kêu đòi tự do cho anh Vinh và chị Thúy bên ngoài tòa án cũng là một hình ảnh rất đáng suy nghĩ. Ba mươi năm trước, đây một cảnh không tưởng. Ngày nay, quyền lực vẫn hoàn toàn nằm trong tay Đảng. Luật pháp vẫn lem nhem, tùy tiện. Hàng ngũ lãnh đạo vẫn đầy đẫy những u mê, lạc hậu như đã thấy. Nhưng người dân nay lại có thể đồng tình ủng hộ “phạm nhân” của chính quyền mà không sợ hãi. Tại sao thế?
Tôi đoán rằng trong hành lang quyền lực của nhà nước cũng có sự tranh luận giữa cấp tiến và bảo thủ, giữa nhận thức văn minh và sự bám víu giáo điều của những người thật ra cũng đều có lòng yêu nước. Sự đấu đá để giành giựt quyền lợi mà ta thường bàn tán hàng ngày trên mạng có thể rõ ràng và lớn rộng hơn nhiều, nhưng rất có thể ta chỉ thấy điều mình muốn thấy theo thành kiến vì lòng hận thù. Rất có thể ta thiếu tỉnh táo và sáng suốt để thấy những biến chuyển tốt, bao giờ cũng mong manh và ít ỏi lúc ban đầu. Tôi hy vọng là thế.
Xin kết thúc bằng một câu hỏi: Nếu anh Ba Sàm là một Đại biểu Quốc hội ngày nay thì bạn có tin rằng anh có thể nói những điều anh từng nói mà không ai có thể truy tố không?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...