CHUYỆN ỨNG XỬ NƠI XỨ NGƯỜI

Thứ tư - 06/04/2016 03:03

(NCTG) “Có khi hai người nghe cùng một phát biểu, nhìn thấy cùng một cử chỉ, nhưng lại có sự diễn dịch, cảm nhận khác nhau, và do đó phản ứng đôi khi trái ngược. Thái độ, lời nói là quyền của người đối diện. Chọn lựa cảm nghĩ, thái độ và phản ứng thích hợp là quyền của mỗi cá nhân chúng ta”.

Ứng xử phù hợp khi gặp những điều khó chịu ở nước ngoài luôn là một nghệ thuật... - Minh họa: Internet

Ứng xử phù hợp khi gặp những điều khó chịu ở nước ngoài luôn là một nghệ thuật... - Minh họa: Internet

Là một người di dân, tôi thấy trong cuộc sống có khi cùng một vấn đề mà phản ứng chúng ta khác nhau đến trái ngược.

Cách đây khá lâu, tình cờ tôi gặp một người Úc làm trong Ban biên tập một tờ báo lớn ở Melbourne. Nói chuyện dăm ba câu, thấy tôi có chút kiến thức về báo chí Melbourne, ông vui vẻ kể rằng vừa nhận một người Việt vào để đóng góp bài vở cho báo; tôi không để ý lắm và rồi cũng quên đi.

Ít lâu sau thỉnh thoảng thấy xuất hiện bài viết trên báo dưới cái tên có vẻ Việt Nam, tôi đoán có lẽ là người được nói đến trước kia. Nhưng rồi một hôm lại đọc một bài viết của họ có ý than phiền về việc dân địa phương hỏi gốc gác họ từ đâu đến, và họ có vẻ dị ứng với câu hỏi bị cho là tò mò đó.

Đây là phản ứng của nhiều di dân Á Châu ở đây. Tôi khá ngạc nhiên, không hiểu lắm và không vui trước thái độ đó, bởi lẽ tôi quan niệm sự tò mò là tự nhiên: khi tiếp xúc với người lạ, đa số đều muốn biết người đối diện từ đâu đến, và không hề có ý gây xúc phạm đến tự ái của kẻ đối diện.

Đương nhiên, có người địa phương thấy được sự nhạy cảm đó nên hoặc không đưa ra câu hỏi, hoặc chỉ hỏi sau khi đã trò chuyện hay làm quen ít lâu với chúng ta. Phản ứng của tôi thì ngược lại, tôi luôn trả lời một cách hãnh diện, như một sự nhấn mạnh và khẳng định, “ồ, tôi là người Việt Nam”.

Cách đây 30-35 năm, cộng đồng người Việt bên này mang nhiều tai tiếng với những vụ đâm chém, lùm xùm và lộn xộn. Tôi nghĩ nếu chúng ta, những người bình thường chiếm đại đa số, không làm cho họ có cái nhìn thiện cảm về người Việt thì ai làm được điều đó. Hãy hãnh diện về chính bạn.

Ngược lại, nếu bạn tự ti, mặc cảm, bạn sẽ cảm thấy sỉ nhục khi ai đó đặt câu hỏi như vậy với bạn, bởi vì bạn phải thú nhận mình đến từ một nơi đáng xấu hổ theo suy nghĩ của bạn. Trong trường hợp này, nếu là người viết bài cho một tờ báo lớn và uy tín, phản ứng đó liệu có bình thường không?

Nhớ lại, hồi xưa, lúc còn ở trong hostel của di dân, tôi có anh bạn gốc miền biển, da sạm nắng, vạm vỡ và đã có việc làm ở hãng gần bên. Một chiều ngồi chơi trong phòng gia đình anh thì thấy anh vội vã bước về, dáng điệu căng thẳng, hoảng hốt, và kể lại câu chuyện xảy ra vào giờ tan xưởng.

Số là, 3-4 thằng Úc làm chung xưởng vẫn thường phá phách, làm khó dễ anh, đi ngang qua và nói những câu miệt thị. Nổi nóng, anh nhào vào đập thằng vừa nói câu phỉ báng, bọn chúng lập tức vây quanh và bắt đầu tấn công anh - rất may anh có chút võ nghệ nên tả xung hữu đột để phá vòng vây.

Trong lúc hỗn loạn, anh tung ra một cước trúng ngay... anh bạn người Úc thân thiện vẫn thường trò chuyện, giúp đỡ anh trong hãng, lúc đó chắc xông vào để can ngăn, làm anh chàng té xuống. Một gã trong đám Úc gây gổ thét lên sợ hãi “Chinese kungfu” (Võ Tầu), rồi cả đám bỏ chạy tán loạn.

Nên nhớ, lúc ấy bọn Úc còn xa lạ và nể sợ võ thuật Á Đông qua những bộ phim của Bruce Lee. Anh bạn tôi cũng tháo chạy, không kịp dìu theo anh bạn Úc còn đang lồm cồm ở dưới đất. Tôi thấy ái ngại cho anh chàng Úc và anh bạn tôi cũng thấy thế, nhưng lúc hỗn loạn chỉ lo chạy thoát cho nhanh.

Ít năm sau, tôi lại được nghe một người bạn trong đám dân chơi kể chuyện, thực hư không dám chắc. Một ông người Việt đến tiệm ăn nhỏ ngồi ăn pizza một mình, quán vắng chỉ năm ba khách. Đột nhiên hai tay dân chơi Tây bước vào, chĩa súng ngắn vào chủ quán và chộp mớ tiền ít ỏi trong quầy.

Xong chúng quay qua đám khách và buộc họ đưa nốt bóp tiền cho chúng. Anh Việt vẫn bình tĩnh ngồi yên lặng, chờ đến khi bọn chúng bước đến anh với dáng điệu hùng hổ, anh mới mở vạt áo khoác ra, để lộ khẩu súng kẹp bên trong, đồ sộ hơn hẳn khẩu súng nhỏ của bọn cướp vặt tép riu.

Hai gã xanh mặt, quẳng lại số tiền mới cướp lên bàn và cuốn gói vọt mất, anh Việt cũng bước ra theo vì ở lại sẽ liên quan đến cảnh sát, chắc chắn sẽ được gọi đến trong chốc lát. Nên nhớ ở Úc chuyện súng ống trong người là bất hợp pháp, và anh Việt cũng không phải người hiền hậu, chất phác.

Hai cảnh bất trắc, bó buộc phải ra tay, một người ở thế yếu, một người ở thế mạnh. Dù đều phản ứng, nhưng khi ở thế mạnh thì bình tĩnh, vững vàng, không phạm sai lầm đáng tiếc. Trong giao tiếp hàng ngày của người xa xứ, thiết nghĩ chuyện xung đột vũ lực thì hiếm hoi, đa số chỉ là lời nói, cử chỉ.

Thỉnh thoảng chúng ta sẽ gặp phải những trao đổi kém nhã nhặn, cảm nhận của mỗi cá nhân là yếu tố tiên quyết dẫn đến phản ứng, hòa nhã hay tức giận, ép bụng hay bùng nổ... Khi đánh giá được đúng thái độ và chỗ đứng người đối diện thì phản ứng của chúng ta trước sự việc mới chính xác.

Khi mới ra đi làm, là “ma mới”, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một vài trường hợp bị đối xử khiếm nhã, lời nói châm chọc - quả tình khi đó tôi không biết phải làm gì cho phải. Phải mất một thời gian xác định vị trí của người đối diện và của chính mình, tôi mới có được phản ứng thích hợp với bản chất sự việc.

Đó là cách ứng xử không e dè, ngại ngùng, và cũng không lỗ mãng nặng nề. Trước những thái độ khiếm nhã hay chọc ghẹo ấy, tôi chỉ nhún vai, nhếch mày, và không để nó làm mình bận tâm. Nhưng rồi, sau hơn ba chục năm, dần dần tôi cũng không để ý rằng mình đã trở thành người địa phương.

Dù vẫn da vàng mũi tẹt trước đám da trắng hay da đen ở nơi mình sinh sống, nhưng lúc nào không hay, dần dần tôi cũng đối xử thoải mái, thân mật và tự nhiên với người khác chủng tộc, không còn khoảng cách xa lạ như xưa. Có lẽ vì vậy mà cái nhìn của dân địa phương với mình cũng thay đổi.

Không còn ánh mắt nghi ngại, tỵ hiềm, những câu nói khó nghe thuở nào bây giờ có nghe thấy chắc cũng chỉ có ý hài hước chọc ghẹo chứ không chua chát như xưa. Và buồn cười thay, đôi lúc tôi cũng “nổi hứng” chọc ghẹo và nói lại những câu mình nghe từ người khác chủng tộc ngày trước.

Ngẫm nghĩ lại, những người mình giao tiếp hàng ngày cũng chỉ là những kẻ bình thường như mình, dù khác màu da, đến trước đến sau, có kẻ tế nhị, kín đáo, và có người người bỗ bã, thô lỗ. Lời khó nghe nói rồi bay đi, không ở lại trong tâm trí người nói, càng không nên ở lại trong tâm trí người nghe.

Không hẳn những lời nói đó - kể cả những câu có thể bị coi là rác rưởi, cỏ dại - bắt nguồn từ sự phân biệt, kỳ thị, bởi vì ngay ở xứ sở mình có thiếu gì những cử chỉ, lời nói khiếm nhã giữa người với người? Cảm nhận của người nghe mới là yếu tố quyết định câu nói bắt nguồn từ động lực, ý đồ gì.

Có khi hai người nghe cùng một phát biểu, nhìn thấy cùng một cử chỉ, nhưng lại có sự diễn dịch, cảm nhận khác nhau, và do đó phản ứng đôi khi trái ngược. Thái độ, lời nói là quyền của người đối diện. Chọn lựa cảm nghĩ, thái độ và phản ứng thích hợp là quyền của mỗi cá nhân chúng ta.

Thảo Kỳ Hồ, từ Melbourne (Úc)

* Bạn cũng có những mẩu chuyện, trải nghiệm về những tình huống ứng xử nơi xứ người? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: ứng xử
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn