Một quân nhân Hungary trước Trung tâm Liên lạc ICCS ở sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 23-8-1974) - Ảnh tư liệu
Là thành viên Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế, giám sát sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam trong thời gian 1973-1975, ông Oroszi và hơn 600 đồng sự người Hungary có rất nhiều kỷ niệm về Việt Nam, mảnh đất đến giờ vẫn đọng lại trong tâm tưởng họ như một nơi chốn thân thương, một hoài niệm của “thời xa vắng”.
Sứ mệnh gìn giữ hòa bình
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tại thủ đô nước Pháp bởi hai “kỳ phùng địch thủ”: Cố vấn đặc biệt, Lãnh đạo đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, TS Henry Kissinger.
Theo một điều khoản của bản hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam, một lực lượng mang tên Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (International Comission of Controll and Supervise - ICCS) đã được thành lập, với nhiệm vụ giám sát ngừng bắn tại Việt Nam. Cạnh đó, ICCS cũng có bổn phận kiểm tra những vi phạm ngừng bắn, kiểm soát việc trao trả tù binh và giám sát sự giải trừ quân bị.
Trong số 4 quốc gia được lựa chọn và được sự chấp thuận của các bên tham chiến - Canada, Indonesia, Hungary và Ba Lan – thì sự hiện diện của các quân nhân Hungary trong ICCS là do phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị với sự tin tưởng ở mức cao nhất. Về phần mình, ngoài nhiệm vụ giám sát hòa bình, phía Hungary còn đặt mục tiêu giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam thu thập những thông tin hữu ích. (1)
Như thế, sau hơn 6 thập niên, Hungary lại được giữ vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế mà nước này vốn có truyền thống lâu đời (2). Trong khoảng thời gian từ ngày 26-1-1973 tới 9-3-1975, đã có ba phân đội Hungary lên đường tới Việt Nam để gia nhập ICCS. Tổng cộng, 619 công dân Hungary đã thực hiện sứ mạng gìn giữ hòa bình tại Việt Nam, trong số đó, có các quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao.
Chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn
Là thành viên của phân đội Hungary thứ hai, ông Oroszi Antal đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng phục vụ tại Việt Nam mà sau 35 năm, mới đây, ông mới có dịp chia sẻ trên website của Bộ Quốc phòng Hungary.
“Khi tôi tới Việt Nam, vợ tôi đang có thai cháu thứ ba. Cháu trai lớn của tôi mới 11 tuổi, trước khi lên đường, tôi đã trò chuyện rất lâu với cháu. Tôi bảo cháu: “Trong một năm, con sẽ là chủ gia đình”.
Cháu đã thực hiện nhiệm vụ một cách cừ khôi. Cháu gái của tôi sinh ngày 17-7-1974, nhưng đến tháng 11 tôi mới về nhà. Anh nó đã mua cho nó đủ thứ, từ cũi cho đến chậu giặt, cháu còn bổ củi và giúp mẹ mọi thứ trong gia đình”, ông Oroszi tự hào kể lại.
Sang Việt Nam vào tháng 12-1973, ông cùng các đồng sự người Ba Lan, Indonesia và Iran (thay thế Canada) trong ICCS đóng quân tại Huế. Đến giờ, hồi tưởng lại thời gian chuẩn bị, ông vẫn còn bồi hồi:
“Tôi mang hàm thiếu tá, khi đó Bộ Quốc phòng thành lập một ủy ban để lựa chọn các thành viên của phân đội Hungary. Được hỏi có muốn nhận nhiệm vụ đi Việt Nam hay không và chúng tôi đồng ý ngay. Đây là một thử thách rất lớn và chúng tôi cũng tự hào là bên cạnh các dân tộc khác, Hungary được có mặt trong ICCS.
Sau mùa hè 1973, chúng tôi được cử đi học một khóa tiếng Anh và Pháp cấp tốc tại Học viện Ngôn ngữ Đại học Kinh tế Karl Marx, rồi được bồi dưỡng thêm trong một khóa học kéo dài một tháng: trong dịp đó, chúng tôi được giới ngoại giao và những thành viên phân đội Hungary đầu tiên – đã hồi hương – chuẩn bị cho nhiệm vụ tại Việt Nam.
Ngày 14-12-1973, Tổng tham mưu trưởng (QĐND Hungary) Pacsek József đã tiễn chúng tôi tại phi trường Ferihegyi (Budapest), trước đó chúng tôi có dịp chia tay gia đình tại Đại học Quân sự Zrínyi Miklós”.
Những ngày tháng khó quên
Oroszi Antal và phân đội Hungary thứ hai tới Việt Nam theo đường bay Budapest – Moscow – Tashkent – Karachi – Calcutta – Sài Gòn, và đã dừng chân tại “Hòn ngọc Viễn Đông” thời ấy vài ngày, trước khi về nơi đồn trú tại Huế. Ông hồi tưởng: “Thoạt đầu, khó khăn để quen với hoàn cảnh mới: ở Hungary đang lạnh 5 độ C, mà ở đấy thì… 40 độ!”
Đóng quân tại cố đô Huế, nhưng ông hay có dịp tới Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn của Việt Nam Cộng hòa tại miền Trung. Cùng các đồng sự nước ngoài, Oroszi Antal thường dã ngoại đây đó: tới thăm núi Non Nước, chiêm ngưỡng pho tượng Phật 2.000 năm tuổi và tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam ở khoảng cách rất gần.
Ông Oroszi tại một di tích ở Huế - Ảnh tư liệu
“Cứ buổi chiều là chúng tôi rảnh vì trời rất nóng, nên mọi thứ đều làm vào buổi sáng. Chúng tôi đi lại rất nhiều, đặc biệt là cuối tuần, và đến cả Quảng Trị nữa. Thành phố này một thời là hòn ngọc của miền Nam Việt Nam, nhưng rồi nó bị tàn phá khủng khiếp. Tuy nhiên, đúng vào lúc chúng tôi có mặt tại đó, người dân khánh thành một ngôi chùa và chúng tôi cũng được mời tới dự lễ. Cuộc sống mới bắt đầu như thế” - người sĩ quan hồi hưu nhớ lại, trong tay ông là một tập ảnh mà trên đó, thoạt tiên là những ngôi nhà bị bom đạn làm biến dạng tới mức không thể nhận ra, rồi đến những hình ảnh của sự hồi sinh, tái thiết.
Một kỷ niệm có lẽ thuộc hàng đặc biệt nhất của ông Oroszi Antal là cuộc hội kiến Hoàng thái hậu Từ Cung. Mặc dù Cựu hoàng Bảo Đại đã rời Việt Nam qua Pháp từ giữa thập niên 50, bà Từ Cung vẫn ở lại Huế cho đến khi mất – ngôi nhà số 79 Phan Đình Phùng nơi bà sinh sống 35 năm cuối đời, nay được giữ gìn thành một nhà lưu niệm. Ông Oroszi hồi nhớ:
“Bảo Đại là vị vua cuối cùng của Việt Nam, năm 1946, ông đã rời đất nước, sống tại Hồng Kông và Trung Quốc. Cho dù năm 1949 ông lại hồi hương trên cương vị Quốc trưởng Việt Nam Quốc gia, nhưng rồi ông lại rời nước và định cư tại Paris.
Nhưng Hoàng thái hậu thì vẫn ở lại và khi chúng tôi xin được diện kiến bà, bà đã tiếp chúng tôi. Tôi còn nhớ, người đàn bà đứng tuổi ấy đã mời chúng tôi dùng loại trà xanh cực đặc và chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều. Bà kể, bà từng qua Châu Âu, chủ yếu là Paris. Rất thoải mái khi tiếp kiến bà, nhưng bà không cho chúng tôi chụp ảnh”.
Trên xứ sở xa lạ
Nhớ lại về những ngày tháng ấy, Thiếu tướng đã về hưu, TS Botz László cho biết: mang hàm trung úy tình báo, đặt chân tới Sài Gòn ngày 28-1-1973 trong phân đội Hungary thứ nhất, ngày nào ông cũng viết thư cho vợ, thuật lại những gì diễn ra trong ngày. Ông tả lại cảnh nhóm ICCS của Hungary tới “Hòn ngọc Viễn Đông” một thuở:
“Trước khi tới Sài Gòn, bọn anh được “hộ tống” bởi các máy bay chiến đấu của Mỹ. Ở Sài Gòn, hai máy bay Liên Xô hạ cánh cùng những bộ quân phục Hungary đã gây sự chú ý rất lớn. Rất đông ký giả vây quanh nhóm. Bọn anh được phân chỗ ở tại những nhà gỗ nhiều tầng của lính Mỹ tại căn cứ quân sự, không hề được nghỉ ngơi, vì cứ mỗi phút lại có máy bay lên xuống. Không chỉ ầm ĩ mà nhiệt độ cũng khiếp: +36 độ trong bóng râm”.
Các thành viên ICCS người Hungary tại Huế năm 1973 - Ảnh tư liệu
Với nhiệm vụ giám sát và kiểm tra, các thành viên ICCS được phân về các tổ kiểm tra địa phương, nằm rải rác khắp miền Nam và đặc biệt là tại một số khu vực chiến sự vẫn âm ỉ ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngoài việc phải đồn trú tại nhiều vùng heo hút trong những hoàn cảnh sống được coi là “không thể tưởng tượng nổi” với người Châu Âu, họ cũng phải đi lại thường xuyên để nắm bắt tình hình và thực hiện bổn phận gìn giữ hòa bình.
Nếu nhiệm vụ này có thể mới lạ đối với nhiều quân nhân Hungary mà sứ mệnh tại Việt Nam là chuyến “xuất ngoại” đầu tiên trong đời thì nó lại rất quen thuộc đối với phóng viên chiến trường Róbert László, người đã từng có mặt tại Đông Dương ba lần trong thập niên 60 và nổi tiếng với những tường thuật nóng bỏng về chiến sự.
Là người đi nhiều, quan hệ rộng với giới báo chí, cẩm nang duy nhất ông mang tới Việt Nam trong lần này là cuốn “Một người Mỹ trầm lặng” của văn hào Graham Green và một địa danh không thể thiếu được trong cuộc hành trình của ông là khách sạn Hoàn Mỹ (Hotel Majestic) trên rue Catinat (đường Tự Do trước 1975, nay là đường Đồng Khởi), con lộ kỳ cựu nhất tại Sài Gòn.
Với con mắt của một nhà báo giàu kinh nghiệm, ông Róbert László đã ghi lại những hoạt động của ông và nhóm ICCS tại Nam Việt Nam trong cuốn sách “Khách sạn Hoàn Mỹ” (Budapest, 1978), trong đó có những chi tiết đời thường thú vị.
Đồn trú tại Lam Sơn, một địa điểm chỉ tồn tại trên bản đồ quân sự và lấy tên một làng bản khi đó đã không tồn tại, lịch trình của nhóm ICCS (gồm Róbert László cùng các đồng sự người Hungary, Ba Lan, Canada và Indonesia) khá cố định. Ban ngày: họp hành, kiểm tra, khảo sát, đánh giá. Tối: cùng nhau chơi bóng bàn, uống nước. Một tháng lên Biên Hoà một lần xem một ban nhạc Philippines và màn múa thoát y của các vũ nữ Thái.
Ông Róbert nhận xét: “Những khi ấy, nhiều khả năng là họ thống nhất với nhau khi bàn tán về các tiết mục của chương trình. Điều đó không loại trừ khả năng vào hôm sau, khi kiểm tra một vi phạm ngừng bắn, họ có những kết luận trái ngược”.
Bởi lẽ, như hồi tưởng của vị ký giả, tại các phiên họp của nhóm ICCS, trong khuôn khổ sự trung lập mà Hiệp định Paris quy định, nhiều khi các bên đã đưa ra ý kiến trái ngược. Những lúc đó, thông thường, Hungary – Ba Lan và Canada – Indonesia là hai cặp đối nghịch. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, họ đã cư xử với nhau một cách tương kính, lấy bổn phận giám sát hòa bình làm trọng mà bỏ qua nhiều bất đồng vì những khác biệt ý thức hệ.
Chiến tranh không phải trò đùa
Đến Việt Nam khi chiến sự đã kết thúc trên nguyên tắc, lại được bảo vệ bởi quy chế dành cho các nhà ngoại giao, các thành viên ICCS nói chung, và các thành viên Hungary nói riêng không phải đối mặt với những nét tàn bạo, khủng khiếp của cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, theo lời ông Oroszi Antal, họ vẫn có thể cảm nhận được một cách gián tiếp hiểm nguy nơi chiến trận:
“Phân đội đồn trú tại Phú Bài là nơi nguy hiểm. Một bận, kho đạn dược ở cạnh đó bị oanh tạc. Người chỉ huy hoảng hồn vì tòa nhà mà họ ở bị sức ép gây nguy hiểm đến tính mạng và hoàn toàn sụp đổ về tinh thần. Anh ấy phải về nước”.
Ngoài ra, ông Oroszi còn giữ tấm hình của một chiếc máy bay mà chỉ ít lâu sau khi chụp, nó đã bị một du kích quân 19 tuổi làm nổ tung - sự kiện này cũng xảy ra tại Phú Bài.
Trong thư gửi vợ, ông Botz László cũng nhắc tới một pha “thoát hiểm” của ông và đồng đội, đúng một tuần sau khi họ tới Việt Nam:
“Khi bay trở lại, bọn anh để ý tới hai chiếc máy bay chiến đấu A-37 khi chúng vừa thả bom oanh tạc, rồi bỗng nhiên bọn anh nghe thấy một tiếng va đập mạnh trên trực thăng. Tại Ban Mê Thuột, sau chuyến ngao du, kiểm tra lại kỹ lưỡng chiếc trực thăng, bọn anh mới xác định được rằng nó cũng bị trúng một phát đạn..., cho dù đã bay ở độ cao 1.800m. Thế là bọn anh qua kỳ “thử lửa” với câu chuyện nhỏ này, cả lũ cười sảng khoái, chỉ về sau nghĩ lại mới thấy là máy bay đã có thể bị hạ. Cần phải sực nhận ra rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn!”
Trong hoạt động kéo dài hơn 2 năm của ICCS, có hai quân nhân Hungary - thiếu tá biên phòng Dylski Aurél và đại úy dự bị Cziboly Csaba – hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế. Ông Oroszi vẫn nhớ như in thời điểm 7-4-1973, cho dù khi đó ông chưa có mặt tại Việt Nam: một chiếc máy bay lên thẳng với phi hành đoàn là 3 lính Mỹ - trên đó có 2 người Hung, 2 người Việt, 1 người Canada và 1 người Indonesia, tất cả đều là quân nhân, cùng 1 phiên dịch Việt Nam – đã bị bắn rơi khiến cả 10 người đều thiệt mạng
Cho đến nay, lý do của sự kiện thảm khốc này vẫn không được làm sáng tỏ và theo các thành viên Hungary của ICCS, có lẽ chúng ta không bao giờ biết chiếc máy bay định mệnh đó đã bị tên lửa của bên nào bắn. Chỉ biết, nhóm quân nhân rời Huế đến một điểm kiểm tra ở Lao Bảo, gần biên giới Lào, và nó đã rơi ngoài hành lang cho phép bay chừng 30km về phía Nam, nơi vẫn đang diễn ra chiến sự. Vào hồi 11 giờ 45 phút, người ta còn nghe được những lời vô vọng cuối cùng của người lái trực thăng: “Chúng tôi trúng tên lửa rồi, máy bay đang rơi…”
Hài cốt của hai liệt sĩ Hungary sau đó đã được đưa về nước và mai táng tại nghĩa trang Farkasréti (Budapest). Hơn ba thập niên đã trôi qua, nhưng hàng năm, các đồng đội của họ - cùng đại diện ĐSQ Việt Nam tại Hungary - vẫn không quên đến cúi đầu tưởng nhớ hương hồn những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế ở phương xa.
“Một phần của đời người”
Trong tập ảnh của ông Oroszi Antal, có một tấm ghi lại cảnh trao đổi tù binh trên cơ sở Hiệp định Paris. Việc giám sát sự trao đổi tù binh cũng thuộc nhiệm vụ của ICCS: các thành viên của phân đội Hungary đầu tiên đã đảm nhiệm bổn phận đó.
Đối với một đồng đội của ông Oroszi - cựu Công tố viên Quân đội, Thiếu tá đã về hưu, TS Déri Miklós - ấn tượng sâu sắc nhất (“một phần của đời” ông như lời ông thổ lộ) là việc chứng kiến và giám sát sự ra đi của những người lính Mỹ cuối cùng khỏi Việt Nam vào ngày 29-3-1973.
Ông Déri Miklós thời gian phục vụ tại Việt Nam - Ảnh tư liệu
Có mặt tại Việt Nam 1 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cho đến nay, ông vẫn còn giữ một mẩu báo Hungary cách đây 36 năm, có bài phóng sự và tấm ảnh ông cùng một đồng đội trong khoảnh khắc lịch sử chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong vấn đề Việt Nam.
Cùng tới Việt Nam với TS Déri Miklós trong phân đội Hungary đầu tiên, TS Botz László lại có một hồi tưởng lý thú khác về thời của ông. Dạo đó, quân đội Hungary có chừng 150 ngàn người lính và do hoàn cảnh thời Chiến tranh lạnh, số quân nhân thạo tiếng Anh để có thể phục vụ trong lực lượng ICCS không là mấy: lẽ ra phân đội Hungary đầu tiên phải có 290 người, nhưng không sao tìm đủ “hạn ngạch”!
Như thế, trên một khía cạnh nhất định, có thể coi những thành viên ICCS của Hungary ít nhiều đều là “tinh hoa” của quân đội nước này thời bấy giờ!
*
Hồi hương sau khi đã cống hiến một phần không nhỏ cho nền hòa bình tại Việt Nam, trong hơn 3 thập niên qua, các cựu thành viên ICCS của Hungary đã và đang nắm giữ những cương vị đáng kể trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.
Ông Oroszi Antal, sau khi hồi hưu, hiện giữ chức Giám đốc Bảo tàng Đại học Quốc phòng Zrínyi Miklós (Budapest). Cựu Cục trưởng Cục Quân báo Hungary, TS Botz László trở thành một trong những chuyên gia ưu tú nhất của Cộng hòa Hungary trong vấn đề an ninh quốc phòng, và đã góp phần đáng kể trong quá trình chuẩn bị gia nhập khối NATO của nước này.
TS. Déri Miklós sở hữu một bộ sưu tập tem Việt Nam quý hiếm độc nhất vô nhị ở Hungary và từng được tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho Việt Nam. Còn Róbert László, về sau được biết đến như vị lão trượng trong làng báo chí Hungary với rất nhiều đầu sách và phim tài liệu, cùng những giải thưởng báo chí quốc tế nổi tiếng.
Đa số các cựu quân nhân Hungary từng phục vụ ở Việt Nam, về sau đều gia nhập Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, ra đời năm 1989 và là cầu nối bền bỉ, nhiệt thành giữa hai quốc gia trong suốt những thập niên qua. Thường gặp gỡ nhau hàng năm tại các ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, họ vẫn giữ nguyên những tình cảm tốt lành với đất nước và con người của xứ sở xa xôi này.
TS. Botz Látszló (trái) và Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam vừa qua, trên cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, TS. Botz László đã coi danh hiệu “cựu chiến binh” mà cộng đồng Việt Nam tại Hungary dành cho họ như một vinh dự, một sự thừa nhận cho nỗ lực của họ trong những năm tháng cuối của cuộc chiến Việt Nam.
Bởi lẽ, là những người con của một dân tộc từng chịu nhiều khổ đau trong lịch sử và đắm chìm trong hai cuộc Thế chiến của thế kỷ XX, họ hiểu hơn ai nhất cái giá của chiến tranh và của nền hòa bình!
Ghi chú:
(1) Theo các hồ sơ mật đã được “bạch hóa”, ngoài hoạt động gìn giữ hòa bình, trong cuộc đấu trí về thông tin giữa nhiều sĩ quan quân báo Hungary (thuộc lực lượng ICCS) và trụ sở CIA đặt tại Sài Gòn (mà điều thú vị là người đứng đầu, Polgar Thomas, cũng là người gốc Hungary), phần thắng đã thuộc về QĐND Hungary!
(2) Các quân nhân Hungary tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình từ cuối thế kỷ 19, khi trên cương vị những người lính của quân đội Đế chế Áo – Hung, họ đã có mặt tại rất nhiều điểm trên thế giới để ngăn chặn những đụng độ vũ trang.
Một số nhiệm vụ điển hình: gìn giữ hòa bình tại đảo Creta (1897), tại Kosovo và Albania (1902-1914), hay tham gia quá trình bình thường hóa sau khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn tại Trung Quốc (1901).
(*) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong”: Phần 1 và Phần 2. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.
Nguyễn Hoàng Linh, 19-12-2009
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn