“
Cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” - Hồ Chí Minh (“Đường Kách mệnh”, 1927).
Rất tiếc là ngày nay, hơn 40 năm sau khi “cách mệnh” thống nhất được Việt Nam rồi, chính quyền vẫn chưa hề có ý định “
giao quyền cho dân chúng số nhiều”. Lòng tham quyền lực và tiền bạc thường là động lực chính khiến một thiểu số cầm quyền luôn đi ngược lại lại tiến trình dân chủ. Điều hiển nhiên đến nhàm. Nhưng đa số người Việt, ngay cả những người đang hô hào dân chủ, có thật sự đồng tình với lý tưởng dân chủ và chấp nhận sự đòi hỏi cơ bản của thể chế dân chủ không?
Một quan điểm thịnh hành của nhiều trí thức Mỹ là những người Trung Đông, Phi Châu, Trung Hoa, Việt Nam... chưa “
sẵn sàng để có dân chủ” (not ready for democracy). Gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cũng nói rằng ông vốn không nghĩ thiết lập dân chủ ở Iraq là chuyện thực tế. Rất có thể Rumsfeld muốn viết lại lịch sử để vớt vát cho chính mình. Nhưng Iraq ngày nay đúng là một sự thất bại phủ phàng của những xung đột với mục đích dân chủ hóa xã hội. Ai Cập cũng thế. Libya cũng thế. Tại sao thế?
Văn hào Lỗ Tấn nhận xét sau khi Thanh triều bị lật đổ, “
chúng ta trước đây là nô lệ, bây giờ chúng ta là nô lệ của những người từng là nô lệ”. Phải chăng người Việt, cũng như người Hoa, chưa sẵn sàng tiếp nhận dân chủ? Phải chăng chúng ta chỉ thích hợp với “độc tài mềm” như Lý Quang Diệu vẫn cổ súy và được nhiều người ủng hộ? Không phải ai cũng bám víu quyền lực chỉ vì tham vọng cá nhân. Lý Quang Diệu không như thế. Có lẽ một số quan chức hiện nay trong chính quyền Việt Nam, một số trí thức có ảnh hưởng đến tư duy xã hội cũng không thế. Họ cũng như ông Lý vẫn thành thật nghi ngờ rằng dân chủ không thích hợp cho nước Việt, hay người Việt chưa sẵn sàng cho dân chủ. Tại sao thế?
Dân trí, kinh tế, văn hóa, truyền thống, v.v... là những yếu tố đã được nêu ra để giải thích hay biện minh cho sự thiếu dân chủ ở nhiều nước như Việt Nam. Nhưng nguyên nhân chính, sâu xa ngăn chặn tiến trình dân chủ từ Ai Cập cho đến Việt Nam là sự thiếu “tín ngưỡng” của người dân. Ở những nước này, đa số dân chúng, từ người mù chữ đến kẻ khoa bảng, đều thiếu niềm tin, thiếu niềm tin vào “tôn giáo dân chủ”. Thật thế.
Thể chế dân chủ - mỗi người dân một lá phiếu - là sự biểu hiện trong xã hội một niềm tin vào “
sự thật hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng” như Jefferson (*) đã viết trong
“Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ. Hơn 150 năm sau, trong một ngày lịch sử đầu tháng 9-1945, Hồ Chí Minh đã nhắc lại gần như nguyên văn câu này bằng tiếng Việt tại Hà Nội. Mọi thế hệ học sinh Mỹ đều thuộc lòng câu nói bất hủ này. Nhưng “
sự thật hiển nhiên” của Jefferson chính là một niềm tin có tính cách tôn giáo. Một niềm tin mà về logic không khác gì niềm tin “
người chết sẽ đầu thai” hay “
Jesus Christ chết để chuộc tội cho loài người”.
Ta có thể dễ dàng đưa ra những nhận xét thực tế rằng “
mọi người sinh ra KHÔNG bình đẳng” rồi suy luận rằng vì thế mà “
mọi người đều KHÔNG NÊN có QUYỀN bình đẳng” để phản bác Jefferson và Hồ Chí Minh. Trí tuệ khác nhau, ý chí khác nhau, nhân cách khác nhau, thành bại khác nhau trong cuộc sống... Dựa vào tiêu chuẩn nào để chấp nhận rằng mọi người đều bình đẳng, để đòi quyền bình đẳng mỗi người dân một lá phiếu? Chính là niềm tin có tính cách tôn giáo vào lý tưởng dân chủ khiến nhiều người (trong đó có tôi) chấp nhận và đòi hỏi rằng ông nông dân thất học cũng phải có lá phiếu đồng giá trị như bà hiệu trưởng đại học, doanh nhân tỉ phú cũng như người bán hàng rong, nguyên thủ quốc gia cũng như thanh niên thất nghiệp.
Như với một tôn giáo, nhiều người không có niềm tin vào lý tưởng dân chủ không phải vì họ kém trí hay có tà tâm. Ít tín đồ có trình độ của lý tưởng dân chủ dám khách quan vỗ ngực rằng họ có trí tuệ và lương tâm hơn Karl Marx hay Lý Quang Diệu. Những người như hai nhân vật này nghi ngờ dân chủ chỉ vì họ không có cùng niềm tin vào điều cơ bản nhất của đạo dân chủ, vào “
sự thật hiển nhiên” của Jefferson.
Cũng không có gì quá khó hiểu về sự thiếu đức tin này. Một tín đồ lỗi lạc của đạo dân chủ, Winston Churchill, cũng nhận xét rằng chỉ cần nói chuyện năm phút với một cử tri trung bình là đủ để thấy cái tệ hại của dân chủ. (“
The best argument against democracy is a five minute conversation with an average voter”). Những người không có niềm tin dân chủ tin tưởng và trông chờ vào một thiểu số “xuất sắc” có “đạo đức” hơn đa số quần chúng để đem đến sự hạnh phúc dài lâu cho xã hội.
Như với mọi tôn giáo, có những tín đồ tin theo đạo dân chủ vì một trực nhận của tư duy, có những tín đồ tin theo chỉ vì tập quán. Có những xã hội dễ dàng tiếp nhận và phát huy một tôn giáo nào đó nhưng lại rất thờ ơ hay có ác cảm với một tôn giáo khác. Hoàn cảnh ban đầu của nước Mỹ khiến người Mỹ dễ dàng tin theo và chấp nhận tiên đề của dân chủ giáo là mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Những di dân đầu tiên đến Bắc Mỹ là những người thích có sự độc lập và tự do cá nhân. Nhưng họ cũng thường phải chung lưng đấu cật để cùng nhau đối phó với thiên tai, thú dữ, và thổ dân. Sự sống còn trước mắt của cộng đồng tùy thuộc vào sự đoàn kết, thỏa thuận của mọi thành viên. Phân chia đẳng cấp chỉ có vai trò phù phiếm trong hoàn cảnh đó. Tài ba và đạo đức cá nhân chỉ là cơ sở để thuyết phục, không thể giành quyền quyết định chung của cộng đồng.
Tinh thần cốt lõi, “
sự thật hiển nhiên”, của đạo dân chủ dễ dàng được tiếp nhận, “giáo lý” (Hiến pháp Mỹ) được
những trí tuệ lớn xây dựng và liên tục phát triển trên tinh thần đó. Những thành quả của nước Mỹ, đời sống của người dân Mỹ và những nước dân chủ Tây phương đã trở thành sự thèm muốn ganh tị của những xứ khác. “Dân chủ” trở thành một cái nhãn hiệu thời thượng. Một quan chức Trung Quốc có nhận xét rằng hô hào dân chủ là một cách đánh bóng tên tuổi hữu hiệu của những “nhà dân chủ”. Nhưng không chắc họ đã hiểu và chấp nhận cái đòi hỏi tiên quyết của dân chủ: phải tin và chấp nhận “
sự thật hiển nhiên” của Jefferson.
Trong một xã hội mà rất nhiều người trọng vọng, khúm núm trước bằng cấp, thế lực, và tiền tài thì “
mọi người sinh ra đều bình đẳng” là một niềm tin tôn giáo khó có thể được thành tâm thành ý chấp nhận. Không thể lý giải được niềm tin, cũng như không thể chứng minh một tiên đề toán học. Nhưng ta có thể dễ dàng suy luận được rằng phong trào dân chủ sẽ biến thái, sẽ thất bại nếu thiếu niềm tin, thiếu sự chấp nhận rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, phải có quyền bình đẳng.
Xưa nay sự chấp nhận này vốn không có ở Ai Cập, Libya, Iran, Iraq, Trung Quốc, và Việt Nam. Phần lớn lãnh đạo cũng như người dân đều chấp nhận sự ưu việt (“
bình đẳng hơn người” theo cách nói châm biếm của George Orwell) của những cá nhân kiệt xuất hay những người đại diện thần linh, một đảng phái hay một giai cấp nào đó trong sự định hướng và quyết định cho xã hội.
Một xã hội thiếu niềm tin vào sự bình đẳng của Jefferson thường sẽ tạo ra chính quyền độc tài. Vào giờ phút tối hậu, những người rất có khả năng và đầu óc, đã dám hy sinh cho “
độc lập tự do hạnh phúc” của xã hội nhưng thiếu niềm tin dân chủ, nhìn quần chúng và chân thành lắc đầu “
dân biết gì”. Vào giờ phút tối hậu, quần chúng nhìn những nhân vật tài trí, dũng cảm hơn người với sự kính ngưỡng và mặc nhiên trao quyền cho họ. Không phải là một sự ủy quyền tạm thời vì những lý do thực tiễn, mà là một sự trao quyền tuyệt đối, chấp nhận quyền quyết định thay mình của những người “tài ba và đức độ” chỉ vì thiếu niềm tin dân chủ.
Thế là một chính thể độc tài được ra đời, ngay trong hoàn cảnh lý tưởng nhất, kể cả khi lãnh đạo sáng suốt và không (chưa) có tham vọng cá nhân.
Trên lý thuyết, những lãnh đạo “
bình đẳng hơn dân” vẫn có thể lắng nghe dân phản biện, làm theo ý dân, và chăm lo cho đời sống của dân. Nhưng người theo lý tưởng dân chủ vẫn không chấp nhận một chính quyền như thế. Các tín đồ đích thực của dân chủ giáo đòi hỏi sự bình đẳng của Jefferson. Một chính quyền dân chủ không có quyền chọn lựa nào khác hơn là làm theo ý dân, bất kể dân “đúng” hay “sai”. Khi bị chất vấn tại sao không làm như đã hứa, Tổng thống Obama trả lời: “
Không đủ phiếu”. Đấy chính là một hiện thực của dân chủ. Mỗi người dân một lá phiếu - mọi người đều có quyền chọn lựa bình đẳng là điều tối thượng trong chính trị của xã hội dân chủ.
Nước Mỹ may mắn đã có những cha già lập quốc với tầm nhìn xa vào tương lai và suy nghĩ thực tiễn về bản chất con người. Thomas Jefferson không chỉ là người đã chấp bút cho niềm tin duy nhất của dân chủ giáo, ông cũng đã góp phần quan trọng trong việc dựng nên một hệ thống “giáo lý” - Hiến pháp Mỹ - để đối phó với những khó khăn cơ bản của dân chủ. Tam quyền phân lập chỉ là một hình thức chính phủ thực tế của Mỹ để áp dụng lý tưởng dân chủ cho sự hạnh phúc dài lâu trong xã hội. Tối hậu, theo đúng tinh thần dân chủ, sự tồn tại của nền dân chủ kiểu Mỹ hoàn toàn tùy thuộc vào dân Mỹ. Khi có người hỏi Benjamin Franklin (**) là ông và cộng sự đã thiết lập một chính phủ gì, Franklin trả lời: “
Một chính phủ cộng hòa, nếu quý vị có thể giữ được nó” (A republic if you can keep it).
Hoa Kỳ đã trở thành một nước trường tồn giàu mạnh nhất trong lịch sử nhờ niềm tin rằng “
mọi người sinh ra đều bình đẳng” (hoặc “
mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” như lời dịch của Hồ Chí Minh). Người Mỹ không có tham vọng xây dựng một “đế chế ngàn năm”, không theo một chủ thuyết nào. Chính quyền Mỹ, trên nguyên tắc, không có định hướng gì khác hơn là sự đồng quyền quyết định của mọi người trong cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Một tín đồ đích thực của dân chủ giáo hẳn phải đồng ý với câu nói “
tôi có thể không chấp nhận anh có trí tuệ và đạo đức như tôi, nhưng tôi sẽ tranh đấu đến cùng để anh có đồng quyền quyết định vận mạng chung của chúng ta như tôi”, nhại theo câu nói bất hủ về tự do ngôn luận của Voltaire - Beatrice Hall (***). Không phải ngẫu nhiên mà dân chủ thường đi đôi với tự do ngôn luận. Cũng như tự do ngôn luận (một khái niệm đại đa số ủng hộ cho đến khi chính họ cảm thấy bị xúc phạm), dân chủ đòi hỏi sự trung thực và mạch lạc về tri thức để tôn trọng quyết định dân chủ một khi đã tin rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Những người đã quen kính cẩn trọng vọng bằng cấp, tước vị, quan chức, trí thức, tỉ phú, thầy tu, dòng dõi... thường không phải là người thật sự yêu chuộng lý tưởng dân chủ. Người dân chủ không sùng bái, không chấp nhận nhường quyền suy nghĩ và quyết định cho bất cứ ai. Người dân chủ tự tin rằng họ là người sáng suốt và thành thật nhất về nhu cầu và lợi ích của chính họ. Vì thế mà người dân chủ không bao giờ chịu vi phạm những nguyên tắc dân chủ để giành lợi thế cho họ, cho quan điểm hay phe phái của họ; bảo vệ nền tảng dân chủ quan trọng hơn những thắng bại chính trị nhất thời.
Nền tảng của dân chủ chính là niềm tin của đa số dân vào sự bình đẳng, đồng quyền quyết định, mỗi người dân một lá phiếu. Khi thiếu vắng niềm tin này, những cuộc đấu tranh chống độc tài thực tế chỉ đem lại sự hoán đổi độc tài như đã thấy trong lịch sử.
Dân chủ là một khái niệm, một tôn giáo, một lý tưởng trái ngược với truyền thống ngàn năm Nho giáo. Nhưng dân chủ giáo có giá trị thực tế trước mắt. Vì thế mà khi có cơ hội, Nhật Bản (vì bị Mỹ ép buộc lúc đầu), Đài Loan và Hàn Quốc (qua sự tiếp cận với Tây phương) đã thoát được tư duy chính trị của Nho giáo. Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ. Nhưng vấn đề là thời gian. Cái giá của sự chậm trễ sẽ ngày càng cao trong mọi phương diện. Thiếu dân chủ thì tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống, giáo dục và dân trí đều sẽ càng lúc càng tụt hậu so với thế giới.
Tôi xin mượn lời vị tướng Lưu Á Châu (***) của quân đội Trung Quốc để nói rằng dân chủ không phải là một nhãn hiệu, không đơn thuần là một phong trào, một thể chế mà còn là một niềm tin, một lý tưởng sống. Trong
một bài thuyết trình nổi tiếng đã từng được báo chí Việt đăng tải, Lưu Á Châu kể lại câu chuyện trên chuyến bay bị bọn khủng bố al-Qaeda cướp mười lăm năm trước ở Mỹ với lời kết luận đáng được suy ngẫm.
“
Dưới tình huống đặc biệt này, bọn họ quyết định trưng cầu ý kiến biểu quyết có nên chống lại bọn khủng bố hay không. Vào lúc sinh tử quan đầu như thế này, họ còn không định đem ý chí của mình cho người khác. Sau đó tất cả hành khách đều đồng ý, bọn họ mới đi chống lại bọn khủng bố. Thế nào gọi là dân chủ? Đây chính là dân chủ. Bản chất của dân chủ đã thấm sâu vào trong tính mệnh con người, vào trong máu, xương. Một dân tộc như thế này, họ không hưng thịnh đi lên thì ai hưng thịnh; Dân tộc như thế này, họ không dẫn đầu thế giới thì ai sẽ dẫn đầu thế giới đây?”.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Thomas Jefferson (1743-1826), tổng thống thứ ba của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, tác giả bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
(**) Benjamin Franklin (1706 - 1790), chính khách, triết gia, khoa học gia, một trong những nhà lập quốc của Hoa Kỳ, được mệnh danh là “Người Mỹ đầu tiên”.
(***) Evelyn Beatrice Hall, (1868 - 19??), nhà văn nữ người Anh, tác giả cuốn tiểu sử Voltaire nhan đề “Những người bạn của Voltaire” (The Friends of Voltaire, 1906). Trong tác phẩm này, có đoạn: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó” (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it), thường được coi là của Voltaire.
(****) Thượng tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou) sinh năm 1952, là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, từng giữ chức Phó Chính ủy Không quân Trung Quốc, nay là Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, có lúc là giáo sư thỉnh giảng Đại học Stanford, Mỹ. Ông là một cây bút nổi tiếng, được nhiều giải thưởng văn học. Là một “thái tử đỏ” từng du học và sinh sống ở Mỹ hàng chục năm, các bài viết, tiểu luận của ông bao hàm nhiều ý tưởng, lập luận cấp tiến, sắc bén, đặc biệt là quan điểm cởi mở trước Phương Tây và Mỹ.