CẦN CÂU VÀ CON CÁ

Thứ năm - 28/01/2016 07:46

(NCTG) “Trong lúc nhà nước còn bận trồng tre làm cần câu, chúng mình tạm hài lòng mang “con cá” lên vùng cao”.

Đồ dùng học tập được mang tới cho các con trường Mầm non Ao Sen - Ảnh: Nhóm VTCN

Đồ dùng học tập được mang tới cho các con trường Mầm non Ao Sen - Ảnh: Nhóm VTCN

Chị bạn đồng nghiệp mình người Iraq - Hồi giáo “xịn” luôn. Tháng Ramadan nhịn đủ 30 ngày. Đôi khi gặp may mắn như con thi đỗ điểm cao hay mua được xe hơi mới cũng nhịn ăn rồi góp tiền cho từ thiện. Chị giải thích, tháng Ramadan là thời gian để người giàu, đủ ăn, chiêm nghiệm và chia sẻ với những người nghèo khó. Khi đói, người ta chẳng nghĩ được điều gì minh mẫn chứ đừng nói đến làm những việc to tát. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ mới biết người nghèo muốn gì.

Một anh bạn khác mà có lần mình đã kể, tuần nào cũng cho tiền những người vô gia cư dọc đường từ nhà đến cơ quan. Các bác vô gia cư theo lệ cứ thứ Sáu lại chào rõ to từ xa “Hello my friend!” như một cách nhắc nhở “đến kỳ lương của tớ rồi”. Anh bạn bảo với mình: “Đừng nên trách họ lười, ỉ lại. Nếu cậu không có nhà, không có nổi một bộ cánh tử tế, đói ăn, nhếch nhác, đi xin việc liệu có ai nhận không? Giúp họ cũng là để cho mình đỡ áy náy. May mắn ở đời là một hằng số. Người được miếng to, kẻ được miếng nhỏ. Có người bị Chúa bỏ quên...”.

Được sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế đã là may mắn. Được làm công dân của một nước văn minh còn may mắn hơn...
 
Phải vượt qua bao trở ngại mới tới được điểm cần sự giúp đỡ - Ảnh: Nhóm VTCN
Phải vượt qua bao trở ngại mới tới được điểm cần sự giúp đỡ - Ảnh: Nhóm VTCN

Các bạn “anh hùng bàn phím” - đang chém gió về “cần câu” với “con cá” - đã bao giờ biết người miền núi muốn gì chưa? Mình chỉ biết những nơi bọn mình xây trường, mang đồ chơi, chăn ấm, sách vở, áo quần đến, trẻ con đến lớp đông hơn. Có lần mình thấy một bà mẹ trẻ len vào xin quần áo ấm cho con. Nhưng bà mẹ khác đứng bên cạnh bảo: “Mày không cho con đi lớp thì không được nhận đâu”. Một thầy giáo ở trường nội trú kể cho mình nghe, có đứa trẻ lần đầu tiên đi học xa, đã ị ngay trước cửa phòng ngủ vì... tiện. Có ông bố quẳng đứa con sốt hầm hập đến trường nói với vào: “Con tao ốm, các thầy mang nó đến bệnh viện nhé”.

Ở trường mầm non Trống Tông - ngôi trường Tình yêu - những đứa trẻ nói tiếng Kinh ngọng líu ngọng lô đã biết bỏ giấy kẹo vào thùng rác. Thay vì lê la ngoài nương, trên rẫy với cha mẹ, chúng đến trường để được chơi, được ngủ trên những tấm phản có chăn ấm, để được nhận quà từ những nhà hảo tâm... và để học được chút ít văn minh tối thiểu.

Có bạn lại bảo, mang quần áo dưới xuôi lên sẽ làm mất dần nét văn hóa của người vùng cao. Ở những nơi mình đi qua, những bé gái vẫn mặc váy thêu hoa đến lớp. Những chiếc áo ấm chỉ giúp các bé chống chọi với mùa đông khắc nghiệt trên núi cao. Người Amish ở giữa nước Mỹ hiện đại, văn minh vẫn không dùng điện. Tà áo dài Việt Nam vẫn tung bay ở nhiều nước trên thế giới - nơi có người Việt sinh sống. Những gì thuộc về “hồn cốt” thì chẳng dễ gì thay đổi được. Kinh tế, văn hóa càng phát triển thì họ càng có cơ hội giữ gìn bản sắc của mình.

Vâng, trong lúc nhà nước còn bận trồng tre làm cần câu, chúng mình tạm hài lòng mang “con cá” lên vùng cao. Nếu bạn gặp cảnh con chị dỗ thằng em: “Em ăn đi, hôm nay cơm có ruốc ngon lắm”; một đứa trẻ khác ngửa cổ hút chùn chụt một chút nước ngòn ngọt sót lại trong chiếc vỏ nhựa của cái thạch dừa; hoặc nụ cười lấp lánh của những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới... biết đâu... bạn sẽ nhặt đá về... (*)

(*) Tác giả là thành viên sáng lập nhóm từ thiện “Vì ta cần nhau”, với những hoạt động giúp đỡ trẻ em vùng cao và các cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Thanh Chung, từ New York

* Bạn có băn khoăn trong lựa chọn “con cá” hay/ và “cần câu” khi làm từ thiện hay không? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: từ thiện, con cá, cần câu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn