BIẾT CÚI XUỐNG MỚI LÀ TRƯỞNG THÀNH

Thứ ba - 16/02/2016 19:52

(NCTG) “Hãy chú ý ngay cả những điều nhỏ nhặt để có thể hành động được đúng một cách tốt nhất và nhanh nhất. Mọi hành vi tốt dù là nhỏ, nếu được hiện thực hóa vẫn tốt hơn nhiều nếu chỉ là dự định, chỉ nghĩ trong đầu hay chờ người khác thực hiện”.

Chứng kiến các bạn trẻ tự giác trật tự xếp hàng nơi cộng cộng, dù chỉ là để lên xe buýt, tôi thực sự tin tưởng và an tâm vào thế hệ trẻ ở đất nước nơi mình đang sinh sống

Chứng kiến các bạn trẻ tự giác trật tự xếp hàng nơi cộng cộng, dù chỉ là để lên xe buýt, tôi thực sự tin tưởng và an tâm vào thế hệ trẻ ở đất nước nơi mình đang sinh sống

Nhà ga trung tâm Melbourne giờ cao điểm vào buổi sáng.

Những đoàn tàu nối đuôi vào ga khiến dòng người cứ đầy lên tại sân đỗ. Cố bứt khỏi dòng người đông đúc tại sân ga, tôi vội vã bước nhanh cho kịp giờ làm sáng. Cùng trong dòng người ùa ra cửa ga có một vị hành khách lướt nhanh qua tôi. Và kìa, từ trong túi áo jacket của anh rơi ra tấm thẻ đi tàu.

Đây là loại thẻ từ tự động, hành khách nạp tiền vào thẻ để đi lại trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố (bao gồm cả tàu hỏa, tàu điện, xe buýt). Loại thẻ này có thể là vé ngày, vé tuần, vé tháng tùy theo lượng tiền hành khách nạp vào như các loại thẻ tín dụng khác, chỉ có điều loại card này chuyên dùng cho giao thông.
 
Nhìn thấy tấm thẻ rơi xuống đất phía trước, tôi vội gọi to với theo người đàn ông: “Này anh, anh đánh rơi thẻ đi tầu kìa”. Người đàn ông dù đang đà chạy rời xa, nhưng vẫn đủ kịp nghe thấy tiếng tôi gọi và vội quay người lại để nhận tin.

Trong lúc dòng người vẫn tiếp tục ào kéo tới, tôi còn đứng ngây chưa kịp phản ứng thì một cô gái còn rất trẻ chạy ào tới, cúi xuống, nhặt tấm thẻ lên và chạy vút tới chỗ người hành khách ấy để đưa thẻ cho anh.

Nhận tấm thẻ trực tiếp từ tay cô gái trẻ, vị hành khách rất phấn khởi và không ngừng cảm ơn cô. Rồi như tôi, họ lại hòa vào dòng người hối hả rời ga. 

Mọi sự diễn ra chỉ đơn giản như vậy. Có lẽ chẳng ai để ý nhiều về hành vi dường như rất đỗi bình thường, giống như bao điều tốt đẹp vẫn diễn ra mỗi ngày trên đất nước này, ngoại trừ tôi, một người trong cuộc, nhưng đến đây sinh sống từ một đất nước khác, lại không thể quên được nó.

Câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ và nỗi niềm trong tôi.

Hành động của cô gái trẻ chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng khiến tôi giật mình nghĩ lại, tại sao mình, một người gần như đáng tuổi cha mẹ của cô lại không đủ trải nghiệm, hoặc ít nhất là phản xạ, để quyết định nhanh một hành động đơn giản: cúi người, nhặt tấm thẻ và đưa lại cho vị hành khách kia.

Trước khi, tấm thẻ ấy rất có thể sẽ bị đá bay đi hay dẫm đạp bởi dòng người đang bước đi hối hả, hoặc chỉ đơn giản là để giúp vị khách kia không phải lội ngược dòng người quay lại nhặt tấm thẻ.

Phải chăng thói quen chỉ nghĩ đến điều tốt nhưng chưa đủ tốt đến mức biến suy nghĩ thành hành động lập tức khi cần đã không thôi thúc được tôi có hành động đúng đắn đến cùng.

Suy rộng ra, tôi và có lẽ nhiều người khác, vốn chỉ quen với việc được giáo dục lý thuyết nhưng chưa được rèn giũa từ nhỏ hay tự rèn luyện bản thân để có được thói quen hành động tốt đẹp đi đôi với suy nghĩ đúng.

Trong khi đó, cô gái rất trẻ này, cũng như rất nhiều thanh niên khác nơi đây mà tôi vẫn thường gặp, dù kinh nghiệm sống còn ít, vẫn đủ để hành động rất đúng và rất nhanh. 

Hành động của cô gợi tôi nhớ lại một câu chuyên từng gây xôn xao trong nước vào khoảng những năm hai ngàn, khi nguyên thủ quốc gia một cường quốc thuộc G9 đến thăm Việt Nam trong chuyến công du chính thức của mình.

Tại một cuộc họp báo, bỗng một nhà báo sơ ý đánh rơi một tờ tài liệu xuống sàn đúng lúc vị chính khách đi ngang qua đám đông phóng viên. Khi ấy, ông đã là người đầu tiên, nhanh nhẹn cúi xuống nhặt tờ tài liệu đó đưa lại cho chủ nhân trước sự bất ngờ đến sửng sốt của mọi người có mặt tại đó, từ quan chức đến nhân viên và thường dân.

Hai hình ảnh này chắc chắn sẽ khiến nhiều người nghĩ chúng chỉ tương đồng về hình thức nhưng chẳng liên quan đến nhau. Tuy vậy, theo tôi, nó lại thật gần gũi về bản chất: một hành vi thể hiện được tầm vóc của chủ thể hành động, rất con người và văn minh.

Nó chứng tỏ họ không chỉ là tốt bụng mà còn được giáo dục tốt, có hiểu biết, có kỹ năng sống tốt và sống có tình người. Hành vi ấy cũng đáng được trân trọng tương đương nhau, cả ở dân thường lẫn ở một chính khách. 

Chắc hẳn không ít người khi đọc những dòng này sẽ tặc lưỡi mà rằng, chuyện quá bình thường, quá nhỏ nhặt để đi sâu phân tích, mổ xẻ. Hơn nữa còn bao điều to tát đáng để quan tâm. Dù sao, con người còn có lưu tâm đến nhau cũng là quý lắm rồi, chẳng hơn chán vạn những kẻ hoàn toàn vô cảm đi qua đồng loại, khi chẳng chút bận tâm ai rơi gì, nhặt gì, ai làm điều sai, ai làm điều đúng?

Những điều trên quả không sai, nhưng có lẽ chưa đủ để chúng ta tự hài lòng. Thực tế cho thấy, sẽ không có những thay đổi to tát, lớn lao nếu không biết bắt đầu đổi thay từ những điều bình thường, giản dị nhất. Cũng như, không thể trở thành vĩ nhân nếu trước hết không biết làm một người tử tế, sống có lương tâm.

Và xã hội sẽ dậm chân tại chỗ nếu không có những thay đổi nho nhỏ, bắt đầu từ sự học hỏi và tự rèn luyện ý thức công dân, ý thức cộng đồng của những thường dân. 

Hãy chú ý ngay cả những điều nhỏ nhặt để có thể hành động được đúng một cách tốt nhất và nhanh nhất. Theo cá nhân tôi, mọi hành vi tốt dù là nhỏ, nếu được hiện thực hóa vẫn tốt hơn nhiều nếu chỉ là dự định, chỉ nghĩ trong đầu hay chờ người khác thực hiện.

Và ngay cả những hành vi tốt dù nhỏ, tưởng như đơn giản ấy nhưng để thực hiện được một cách kịp thời và chuẩn xác cũng đòi hỏi chủ thể hành động phải được luyện tập hàng ngày để thành kỹ năng, thậm chí thành phản xạ tự nhiên.

Đó cũng chính là nhiệm vụ của cha mẹ cũng như của các nhà giáo dục nước nhà chúng ta, khi đưa những vấn đề học phải đi đôi với hành, ngay từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống, chẳng hạn như cúi xuống, nhặt đồ giúp người khác khi mình ở vị trí thuận lợi hơn.

Suy rộng ra, hãy dạy trẻ không chỉ suy nghĩ đúng, nói đúng mà còn phải biến tư duy thành hành động đúng.

Và tôi sẽ nhớ về câu chuyện nhỏ này như một bài học quý để tự nhắc nhở bản thân và để dạy dỗ hai con trai mình: học phải đi đôi với hành, nói phải đi đôi với làm, và khi đã nghĩ tốt hãy cố biến nó thành hành động hiện thực để giúp ích cho người, cho mình và làm đẹp cho đời.

Bích Châu, từ Melbourne (Úc)


 
 Từ khóa: học và hành, cúi xuống
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn