Lời Tòa soạn: 2015 khép lại với những nan đề của Châu Âu và cả thế giới, trong đó nổi cộm là tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố, v.v... Một năm sau vụ thảm sát nhằm vào các nhà báo tờ “Charlie Hebdo” tại Paris, những ý kiến thuận và trái chiều về sự kiện này vẫn hết sức đa dạng.
Ý kiến sau đây của một chuyên gia văn học Phương Tây - được nhà thơ Bùi Mai Hạnh ghi lại chừng 5 tuần sau vụ khủng bố 7-1-2015 tại Paris, cho thấy một cái nhìn cá nhân về cách ứng xử với tôn giáo nói chung, Hồi giáo nói riêng, trong bối cảnh khủng bố đang leo thang trên toàn thế giới.
*
Ở những người chân tín, nếu người ta càng tiếp xúc với cái thể chế chế giễu thì người ta lại càng tin. Đấy là ở những người văn minh, còn những người khác thì phản ứng ngược lại.
Chính phủ không thể cấm họ (giễu nhại - BMH) được. Luật là bình đẳng. Mọi người đều có quyền tuyên truyền tôn giáo và tuyên truyền chống tôn giáo.
Cho nên khi những nhà báo độc lập người ta làm điều ấy thì chính quyền chỉ có thể khuyên, này, đừng có lao đầu vào tổ ong. Khuyên thì khuyên nhưng những ông ấy cứ lao đầu vào tổ ong thì làm sao. Có lẽ vì cuộc sống nó buồn. Thì nó là hệ quả của cái sự thực hiện đầy đủ quyền tự do của con người.
Hiện nay trong các tôn giáo thế giới thì đạo Hồi là sống nhất, nó còn nóng hôi hổi, hừng hực khí thế tôn giáo. Những người đụng đến đạo Hồi thì phải biết điều ấy chứ, sự khác biệt giữa tâm thức của thế giới này.
Phản ứng (giết người - BMH) như thế rất vô nhân đạo. Họ vô tội, nhưng đó là sự bất cẩn trọng của họ. Lẽ ra họ phải biết tính hơn. Đừng lao đầu vào tổ ong. Họ biết thừa thế giới hồi giáo với chủ nghĩa cuồng tín rất cao rất phổ biến. Có những hành động khôn lường.
Mỗi một nước lại có một chính sách riêng. Anh thể hiện quyền tự do của anh nhưng anh lại xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người khác thì có nên hay không. Ngay cả những đạo luật về tự do cũng phải xét lại dưới ánh sáng của những sự kiện để lại những hậu quả quá trớn. Phải chỉnh lại.
Anh làm gì anh cũng nên nghĩ có được xúc phạm vào cái người khác coi là thiêng liêng hay không, vẫn có những cái gọi là Cái Thiêng. Còn sự phản ứng đốn mạt lại là một chuyện.
Người đạo Hồi họ chấp nhận những luật lệ hà khắc thì mặc người ta chứ sao lại bắt họ phản đối theo anh. Còn những người không chấp nhận hà khắc thì ly khai đi chứ có gì khó đâu.
Lại còn có những người không tin vào bất cứ thần thánh nào, chỉ tin vào tự do và đưa cái tự do của anh lên làm giá trị cao nhất. Lại còn thế nữa cơ. Bất tin bất sợ và bất kính. Phàm là con người thì phải biết sợ biết kính.
Cái đạo Hồi nó đúng ở cái mặt ấy. Vì thế mà nó tồn tại và nó phát huy ảnh hưởng, và nó sẽ sống rất lâu ở cái mặt ấy. Phàm đã là người, một sinh linh đẻ ra đã tội lỗi và đầy khiếm khuyết, khuyết tật và bất hoàn thiện thì anh phải biết sợ biết kính những đấng cao hơn anh.
Bằng khoa học thì không được đâu, mà phải bằng lương tâm, bằng siêu ý thức mới có thể cảm được.
Anh lại cứ vỗ ngực rằng tôi là con người và trên tôi không có gì hết. Thì anh cứ việc vỗ ngực với anh, nhưng đừng có bắt cả thế giới nghe theo anh.
Chiến tranh tôn giáo là cái hiểm họa. Là chuyện rất dễ xảy ra. Và là cái hiểm họa khủng khiếp.
Chiến tranh tôn giáo sẽ chẳng bao giờ chấm dứt chừng nào con người còn phải chết, tức là còn mang thân phận hữu tử. Vì không ai chịu được cái thân phận hữu tử, tức là phải chết của mình, nên người ta phải tìm một chỗ khác (tôn giáo - BMH).
Nếu anh tự thỏa mãn với sự bất toàn, phải chết của anh, phải già đi, và anh không bao giờ thấy không hài lòng với mình thì anh hạnh phúc đấy. Ừ thì anh hạnh phúc nhưng anh có phải con người không hay anh chỉ là loài sinh vật.
Trở lại chuyện vì tự do châm biếm mà bị giết. Anh ta coi đây là cuộc chơi, mà đã chơi là phải thách thức. Nhưng bây giờ, vì anh ta trở thành nạn nhân, người ta lại thần thánh anh ta, tuyệt đối hóa anh ta thành anh hùng, thì lại là một cái méo mó khác.
Đây chỉ là một trò chơi, cuộc chơi của một con người thích chơi đến cùng. Bây giờ lại kêu gào mọi người hãy noi theo anh ta, thì là một thứ quá trớn.
Hàng triệu người nói “Tôi là Charlie”. Thực ra là vì họ thương thì họ thông cảm, có thể hiểu được. Nếu quả thực người ta tôn thờ ông ấy và noi theo ấy, thì lại là một cái nguy.
Cũng có những tờ báo không đăng tin không noi theo, thì là vì họ sống trong xứ tự do. Chả ai “chỉ thị” cho họ phải đăng hay không đăng cái gì. Trong mọi việc, mỗi người nên có cách nhìn riêng và độc lập chứ không nên phụ thuộc vào bên nào. Vì trong thế giới của truyền thông, áp lực của đám đông là kinh khủng lắm.
Không phải chỉ là bây giờ đâu. Cả ngàn năm trước nó đã thế rồi. Là phụ nữ thì cần phải biết, ở Đức, từ năm 1924 cho đến khi Hitler tự tử chết, mỗi khi Hitler diễn thuyết, không biết bao nhiêu người phụ nữ Đức, đập vào ngực và hét lên rằng: “Tôi muốn có con với Hitler. Tôi muốn có con với Hitler”. Hàng triệu phụ nữ bị mê hoặc như thế.
Tất cả chỉ là một thứ lịch sử lặp lại, nhàm chán. Cho nên cái tư duy của lịch sử dạy con người là con người không học được cái gì từ những bài học lịch sử hết. Phải sống bằng cái đầu của mình, tri thức của mình. Hàng tỉ người vẫn sai chứ có phải cứ đông là đúng đâu.
Thời đại bây giờ là hề kịch, có nhiều điều đáng nghĩ phải nghĩ mà sức chịu đựng của con người có hạn nên dù nhiều cái biết mà phải làm ngơ, mà phải chọn cho mình nghĩ cái gì, phải phát biểu cái gì. Không đủ thời gian không đủ tâm sức không đủ mọi thứ, cho ngay cả sự tồn tại của mình, nên không thể phản ứng với tất cả.
Thế giới bây giờ nó thế!
Bùi Mai Hạnh (ghi), từ Hà Nội
* Bạn có đồng ý với quan điểm trong bài viết? Hãy chia sẻ với NCTG.