Giữa một năm 2020 bao phủ bởi không khí Covid-19 thì chủ đề khủng bố, cực đoan ít được nhắc đến hơn tại Pháp. Nhưng cũng vì thời gian này diễn ra phiên toà xét xử vụ tấn công khủng bố tòa báo “Charlie Hebdo” mà những dư chấn từ nó - ở cả hai thái cực, tốt và xấu - được nổi rõ hơn.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hai vụ tấn công bằng dao diễn ra quanh lý do liên quan đến “Charlie”, lần trước là trước trụ sở cũ của báo, làm bị thương hai người qua đường. Lần này, vụ khủng bố động đến nhiều vấn đề cốt lõi sâu xa, nên gây rúng động và đặt nhiều câu hỏi hơn.
Một thầy giáo Sử - Địa đã bị giết một cách dã man (thủ phạm dùng dao đâm chết rồi cắt đầu ông) trên đường đi làm về tối hôm qua tại Conflans Sainte-Hônrine, một thành phố yên bình nằm ở ngoại ô Paris.
Câu chuyện nảy sinh từ vài tuần trước, khi thầy giáo này - đảm nhiệm môn Giáo dục Công dân - giảng bài về nhà nước Pháp thế tục (nhà nước không lệ thuộc vào tôn giáo) và quyền tự do biểu đạt cho học sinh lớp Tám. Để minh họa, thầy giáo có đưa vào vài hình ảnh trang bìa tờ báo châm biếm “Charlie Hebdo”, trong đó có hình biếm họa tiên tri Muhammad.
Môn học này là bắt buộc và thầy giáo đã dạy từ nhiều năm nay cùng minh họa này. Sau đó, một phụ huynh đã đưa những hình ảnh do con gái ghi lại lên mạng, chỉ trích đó là phân biệt chủng tộc, gây hận thù. Phụ huynh này đến trường phản ánh nhiều lần, đòi đuổi việc thầy giáo và đâm đơn kiện thầy giáo với tội danh “truyền bá hình ảnh đồi trụy” vì trong các tranh biếm họa đưa ra có một hình ảnh Muhammad khỏa thân.
Thầy giáo phản đối, cho rằng đây là hành động vu khống và đòi kiện lại phụ huynh. Nhà trường tìm cách hòa giải nhưng bất thành. Phụ huynh này tiếp tục đăng các video có ảnh, số điện thoại của thầy giáo, tên trường và địa chỉ và kêu gọi “tên vô lại này (chỉ thầy giáo) không thể được dạy học nữa”.
Hai ngày sau, chiều thứ Sáu 16-10-2020, thầy giáo bị giết hại bởi một người tỵ nạn Nga gốc Chechen mới 18 tuổi, chỉ cách trường 200m trên đoạn đường về nhà gần đó, vào ngày học cuối cùng trước kỳ nghỉ thu.
*
Sau những vụ khủng bố liên tiếp năm 2015, dù có nhiều vụ khủng bố lớn nhỏ nhưng chưa lần nào, đồng loạt, thủ lĩnh các đảng phái - kể cả đương nhiệm hay đã nghỉ hưu - đều tự động phát ngôn trên các mạng xã hội để bày tỏ quan điểm.
François Holland, cựu tổng thống cánh tả nói “
vụ tấn công này đánh vào giáo dục thế tục, là đánh vào tâm nền Cộng hòa, (...) sợ hãi không phải là tôn giáo của chúng ta”. Allain Jupé, cựu thủ tướng cánh hữu thì xúc động và cùng nhận định: “
Nền Cộng hòa bị đánh vào cốt tủy: tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, sự truyền tải nó qua giáo dục. (...) Tôi khóc cùng những nhà giáo”.
Điện Elyssée tuyên bố một lễ tưởng niệm
sẽ tổ chức vào thứ Tư tới. Bộ trưởng Giáo dục lên truyền hình tuyên bố sẽ có những hành động cụ thể để củng cố thêm giáo dục thế tục trong trường học để đồng hành, bảo vệ các giáo viên. Sẽ có 1 phút tưởng niệm tại tất cả các trường học vào ngày đầu quay lại học sau kỳ nghỉ thu (việc này rất đặc biệt, lần gần nhất chỉ diễn ra sau vụ khủng bố “Charlie Hebdo”, và ghi nhận khá nhiều phản ứng đối kháng của các học sinh Hồi giáo).
Chỉ mới chưa đầy 24h sau vụ việc, tin tức truyền đi mạnh mẽ và dư luận từ chính giới đến người dân đều rúng động. Hàng ngàn phụ huynh và học sinh đã đến đặt hoa tại trường để tưởng niệm thầy giáo. Chiều Chủ nhật 18-10, bất chấp tình trạng Covid-19 tăng mạnh, tòa soạn báo “Charlie” kêu gọi tuần hành tại Quảng trường Cộng hòa (Place de la République) để ủng hộ tự do ngôn luận.
Kêu gọi này được truyền tải rộng rãi trên các báo chí và truyền hình quốc gia, cùng các kêu gọi biểu tình trên toàn quốc, như sau vụ khủng bố “Charlie Hebdo” hơn 5 năm trước.
*
Vì sao vụ khủng bố “chỉ” có 1 nạn nhân này lại gây dư luận lớn đến như vậy?
Một mặt, hành động khủng bố nhắm vào nền giáo dục thế tục Pháp, điểm khởi đầu xây dựng công dân tương lai. Nhà nước Pháp khẳng định nền giáo dục thế tục là một bộ mặt đại diện tiêu biểu cho những giá trị của nền Cộng hòa.
Việc giảng dạy từ cấp phổ thông về nhà nước thế tục, về tự do biểu đạt được đặt ra như tiêu chí cốt lõi để hình thành những công dân Pháp có tư duy mở, có khả năng phản biện. Chính vì vậy, việc một giáo viên bị giết vì truyền đạt điều cốt lõi mà mọi công dân Pháp đều phải nhận thức được, là một đòn đánh vào nền Cộng hòa, và đó mới là điều “không thể chấp nhận”.
Mặt khác, tác nhân chính của sự kích động, kêu gọi hận thù dẫn đến vụ thảm sát này, không phải là những kẻ khủng bố đến từ nước khác, mà lại chính từ phụ huynh và học sinh, những thế hệ được sinh ra, lớn lên trong nền giáo dục, văn hóa này.
Nó cho thấy, sự giáo dục thế tục vẫn chưa đạt được mục tiêu của nó, cần phải được xem xét củng cố. Dù mỗi ngày khai giảng, các phụ huynh vẫn được nhận một bảng tóm tắt những tiêu chí của “quy tắc thế tục trong trường học”, và con cái họ được dạy môn Giáo dục Công dân về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Thái độ của nhà nước và cụ thể là Bộ Giáo dục sẽ là cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn trong Giáo dục Công dân về tự do biểu đạt, chứ không e sợ, né tránh. Để tránh mối lo ngại cho các giáo viên và học sinh khi giảng dạy, bàn luận về chủ đề này.
Rộng hơn, từ góc độ xã hội, những lên án của phụ huynh theo đạo Hồi - cho là “không thể chấp nhận” việc giảng dạy về tự do biểu đạt bằng ví dụ biếm họa của “Charlie Hebdo” - nhận được ủng hộ của nhiều người, cho thấy sự chấp nhận tự do biểu đạt và mô hình nhà nước thế tục bởi cộng đồng này còn có sự chênh với xã hội chung.
Một vấn đề phức tạp và dễ bị nhập nhằng cũng lập tức gây tranh cãi, giữa một bên là sự phản đối Hồi giáo cực đoan và một bên là cộng đồng Hồi giáo cho rằng họ bị phân biệt đối xử, họ đòi hỏi chống việc “bài trừ đạo Hồi” tại Pháp. Việc thiếu hòa nhập với một nhà nước thế tục được cho là trách nhiệm của chính cộng đồng đạo Hồi, bởi lẽ dường như họ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với sự tự do biểu đạt ở Pháp, khi nó động đến đấng tối cao của họ.
Còn nhớ, mới chỉ tháng trước, cũng chính lo ngại trước hiện tượng quyền tự do biểu đạt phải đối diện những tấn công, đe dọa giết người, lần đầu tiên 100 tờ báo Pháp cùng đăng và ký tên chung dưới một bài viết ngắn nhưng mạnh mẽ tố cáo sự xâm phạm quyền tự do biểu đạt và tuyên bố, kêu gọi đoàn kết từ chính khách đến dân thường để ủng hộ và tiếp tục bảo vệ nó.
Hồi chuông báo động này, đáng tiếc đã có một minh họa đau thương trong chiều thứ Sáu vừa rồi. Và đây chỉ là một trong số những thực trạng đáng buồn cần phải có đối sách cụ thể hơn nữa.
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra, một xã hội hòa nhập đa tôn giáo trong một môi trường thế tục, liệu có là một ảo tưởng? Có là một sự “tự bịt mắt” trước những thực tế va chạm văn hóa không thể che đậy và xóa nhòa tại quốc gia Phương Tây đông người Hồi giáo nhất Châu Âu này?