1956: BÀI CA VỀ MỘT TIỆM BÁNH NGỌT...

Thứ năm - 24/10/2019 03:26

(NCTG) “Bài ca của Szörényi và Bródy luôn có chỗ đứng vững chãi trong kho tàng văn nghệ về 1956. Động lòng và day dứt, nỗi buồn chiến tranh và thân phận tình yêu trong ca khúc khiến nó rất “người”, và trở thành khúc hát ngợi ca sự vĩnh cửu của tình yêu...”.

1956 còn là ký ức của tình yêu trong khói lửa chiến tranh - Áp-phích của bộ phim “Szabadság, szerelem” (Tự do, Tình yêu)

1956 còn là ký ức của tình yêu trong khói lửa chiến tranh - Áp-phích của bộ phim “Szabadság, szerelem” (Tự do, Tình yêu)

(Nhân đọc lại một bài viết cũ tròn 10 năm)

Cứ mỗi lần kỷ niệm 23/10, hay nói rộng ra là cần viết gì về 1956, mình lại mở bản “Người con gái nhà Kárpáthy” (A Kárpáthyék lánya) của cặp Szörényi Szabolcs - Bródy János để nghe. Và không lần nào, mình không cảm thấy cảm động tự đáy lòng...

Ca khúc có nhạc điệu rất hay, nhiều đoạn cao trào day dứt đến ngạt thở, cái đó đương nhiên. Nhưng đặc biệt, cần phải nhắc tới ca từ của bài hát, mà theo mình nghĩ, có thể sánh với bất cứ áng thơ nào về tình yêu và chiến tranh của nước Hung đầy khổ đau.

Bródy János là nhạc sĩ vốn được mệnh danh là “Paul McCartney của Hungary”, nhưng mình cho là thế giới ca từ của ông còn rộng và sâu hơn của chàng “đầu nấm”: không chỉ về tình yêu, ông còn là ca nhân của lịch sử, và của những mảnh đời Hungary...

Khi “Người con gái nhà Kárpáthy” được ra mắt vào năm 1983, sự kiện 1956 còn là một trong những cấm kỵ (taboo) lớn nhất của đời sống chính trị và xã hội Hungary. Chỉ có thể gọi nó công khai bằng cái tên “chính thống”: cuộc bạo loạn phản cách mạng.

Tính từ thời điểm ấy, còn xa mới tới hạ tuần tháng 1/1989, khi một lãnh tụ thượng đỉnh theo khuynh hướng cải tổ là Pozsgay Imre “thừa cơ” thủ lĩnh Grósz Károly đi vắng để bất ngờ làm một việc động trời: tuyên bố 1956 là cuộc khởi nghĩa của nhân dân!

Và còn xa nữa mới tới lúc Quốc hội độc lập và dân chủ của Đệ tam Cộng hòa Hungary, trong phiên họp đầu tiên ngày 2/5/1990, thông qua Đạo luật XXVIII (năm 1990) để “ghi nhớ kỷ niệm của cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi tự do năm 1956”.

Thế nên, thi phẩm của Bródy đã không, hay không thể đề cập trực tiếp về 1956 với những anh hùng can đảm vô song, mà một tỷ lệ không nhỏ là giới trẻ mới lớn và trong trắng ở độ tuổi 13-25, can trường lao vào chiến xa Liên Xô với bom xăng trên tay.

Thêm vào đó, “tạng” của Bródy cũng không phải là ngợi ca hay nói về những gì to tát: sức mạnh nghệ thuật của ông nằm ở chỗ, đối với những đề tài lớn lao, người nhạc sĩ luôn chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng và tình cảm nhất, xuất phát từ góc độ cá nhân.

Và bài hát “Người con gái nhà Kárpáthy” thuyết phục là ở chỗ ấy: ca khúc nói lên thân phận đau xót và tình yêu dang dở của con người trong thời chiến, chứ nếu lại là cái chết của một nữ du kích hay nam kháng chiến quân thì không có gì chắc đã là hay.

Hãy thử xem câu chuyện được thuật lại trong ca khúc! Một phần của nó khá chấm phá: chúng ta không biết cô gái tên là gì, chỉ biết cô tóc vàng, và là con gái nhà Kárpáthy, cái tên mang tính biểu tượng cho bất cứ ai sinh sống ở vùng lòng chảo lịch sử Kárpát.

Gia cảnh của cô cũng mù mờ: cha cô mất tích (có thể nghĩ tới số phận những gia đình Hungary mà trụ cột là những ông bố, người chồng bị bắt đi không bao giờ trở về sau năm 1945). Không biết cụ thể cô yêu ra sao, chàng trai của cô thế nào, v.v...

Đã có biết bao cô gái, hay chàng trai như thế, trong những năm đầu của thập niên 50 đen tối tại Hungary, không biết ngày mai sẽ ra sao, và chỉ biết thầm mơ ước trong lòng với một bài ca (*) - của mộng ước tình yêu, và chắc của cả sự an bình thời rối ren.

Cho dù những chàng trai, cô gái ấy có thể là những gương mặt mờ nhạt - chiếm số đông -, nhưng tấn thảm kịch của họ là có thật: 1956 vụt đến, đầu rơi máu chảy, người yêu của cô gái không còn sau lần gặp gỡ đầu tiên, và sau lát bánh ngọt duy nhất của họ.
 
cuộc cách mạng lãng mạn nhất, tinh khôi nhất và trong trắng nhất
Cuộc cách mạng lãng mạn nhất, tinh khôi nhất và trong trắng nhất - Ảnh tư liệu

Thất bại của cách mạng 1956 khiến thế giới chứng kiến làn sóng di cư nhiều chưa từng thấy sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước Quốc tế về vị thế của người tỵ nạn (1951): cô gái, chắc hẳn, cũng trong dòng người hơn 200 ngàn bỏ nước ra đi ấy.

Dưới sự liệt kê của tác giả, đột ngột, chúng ta biết khá kỹ càng về số phận của cô sau đó: chồng con viên mãn, cuộc sống đề huề. Nhưng hình ảnh về tiệm bánh ngọt và mối tình đầu, cùng giai điệu bài ca thuở trẻ vẫn ám ảnh cô hàng đêm, trong thinh không.

Để rồi, có lẽ trái với rất nhiều Hung kiều khác, cương quyết chỉ trở về khi nào không còn thể chế CS tại nước Hung, cô quyết định về thăm cố hương, đến lại chốn xưa và đặt mua 33 lát bánh để nhớ người tình xưa, và nhớ lại mối tình đầu không bao giờ còn nữa.

Con số 33 đã được không ít người thắc mắc, và vô tình thay, nó trùng với 33 năm lao khổ của người Hung (1956-1989), từ cuộc cách mạng 1956 bị đè bẹp đến khi xứ sở này trút bỏ quá khứ đắng cay đầy biến động - cho dù tác giả chưa bao giờ có lời lý giải về nó.

Rất có thể, đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng như câu chuyện của cô gái nhà Kárpáthy, rất có thể là câu chuyện của bao nhiêu con người vô danh tại nước Hung - những con người bình thường, không được lịch sử nhắc đến, và họ chiếm đa số.

Cả cô gái, và chàng trai, khả năng không phải là những cô gái và chàng trai Pest đã khiến quân xâm lược Liên Xô kinh hoàng đến nỗi phải tấn công vào rạng sáng khi họ còn ngủ: “Đêm không bao giờ không bao giờ đêm - Chúng tấn công hoài những buổi sáng”. (**)

Thế nhưng, những con người bình dị ấy cũng là một phần của lịch sử, và cần được nhắc đến, được nhớ tới khi nói về lịch sử. Bởi lẽ, ngay cả những anh hùng, sẵn sàng ngã xuống vì nền tự do dân tộc, chắc trong sâu thẳm cũng không muốn phải trở thành anh hùng.

Chính vì thế, bài ca của Szörényi và Bródy luôn có chỗ đứng vững chãi trong kho tàng văn nghệ về 1956. Động lòng và day dứt, nỗi buồn chiến tranh và thân phận tình yêu trong ca khúc khiến nó rất “người”, và trở thành khúc hát ngợi ca sự vĩnh cửu của tình yêu...

Ghi chú:

(*) Thật tài tình, bài hát mà cô gái hát thầm mỗi đêm, ngay trong lần hòa âm đầu tiên của “Người con gái nhà Kárpáthy”, đã được mặc định là “Que Sera, Sera” (Whatever Will Be, Will Be - Biết ra sao, ngày sau, 1956) của nữ danh ca Doris Day.

(**) Trích thi phẩm nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền “Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest”, sáng tác tháng 12/1956, sau được đăng trong tập thơ “Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy” (1964).

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: cách mạng 1956
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn