CÓ NÊN COI GIÁO DỤC LÀ NGÀNH ĐẶC BIỆT?

Thứ năm - 05/09/2019 02:16

(NCTG) Phải chăng giáo dục là một ngành đặc biệt, “tôn quý” hơn các ngành khác? Vị thế và sự đãi ngộ đối với giáo viên ở Việt Nam như thế nào? Góc nhìn của nhà giáo Nguyễn Hoàng Ánh từ Hà Nội.

Ngành đặc biệt?

Ngành đặc biệt?

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giáo viên, từ nhỏ lúc nào tôi cũng được nghe “nghề giáo là nghề cao quý”, thậm chí còn được coi là nghề “kỹ sư tâm hồn”! Vì thế, mặc dù nhà nghèo ghê gớm nhưng chị em tôi vẫn thấy tự hào, nhất là vào những ngày 20-11 hay mỗi lần thấy bố mẹ được học sinh cũ chào đón, trân trọng.

Lớn lên một chút, tôi bắt đầu thấy bố mẹ mình quá thiệt thòi so với người cùng lứa làm các ngành khác, dù bằng cấp, học vấn, kinh nghiệm của các cụ không kém, thậm chí còn hơn. Thu nhập của giáo viên quá thấp, các chế độ đãi ngộ quá ít và việc lên lương vừa ít vừa khó khăn. Có lần tôi nghe lỏm bố mẹ tôi nói chuyện với đồng nghiệp là ngành giáo dục khó được tăng lương vì giáo viên quá đông mà lại hoàn toàn trông vào ngân sách. Do “giáo dục là ngành đặc biệt” nên trước kia không thu học phí, sau này có thu cũng chỉ để bổ sung trong khi ngân sách lúc nào cũng thiếu thốn, vì thế không thể tăng đãi ngộ cho giáo viên được.

Đã thế, làm giáo viên còn quá gò bó. Bố mẹ tôi từng là công tử, tiểu thư, học những trường nổi tiếng của Hà Nội ngày xưa, cũng từng có “thời thanh niên sôi nổi” nhưng từ khi làm giáo viên thì từ quần áo đến hành vi lúc nào cũng gò bó, đơn điệu, riết rồi thành quen vì bị cho là là giáo viên thì phải “mô phạm”. Công việc lại nhiều sức ép, một bên là trường bắt soạn bài, lên lớp, dự giờ, thi giáo viên giỏi... đủ thứ, cho dù thỉnh thoảng tôi nghe bố mẹ phàn nàn là thời Pháp có lắm thứ nhiêu khê thế đâu mà học sinh vẫn học giỏi, thầy vẫn ra thầy, trò vẫn ra trò. Bên kia là học sinh và phụ huynh, muốn học ít nhưng con lại phải giỏi giang, mà sợ nhất là câu “trăm sự nhờ thầy cô”, cứ như con không phải do họ sinh ra vậy.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin giáo dục và ngành y là một nghề tôn quý hơn nghề khác cho đến khi chuẩn bị thi đại học, được nghe cô bạn gia đình làm nghề may kể lại. Cô bảo, trong họ có cô và cô em họ học hành khá khẩm hơn cả, trước khi làm hồ sơ thi đại học được ông chú gọi đến bảo, đại khái là các cháu học tốt, cả nhà đều mừng. Các cháu cứ thi đi, đỗ thì nhà mình cũng nuôi được các cháu ăn học tử tế mà không đỗ thì về làm may với chú và bố. Nghề này không có ngày kỷ niệm nào nên sống cũng dễ con ạ.

Nghe xong tôi cứ ngớ ra, cô bạn phải giải thích là chú bảo: phụ nữ và trẻ em có ngày 8-3 và 1-6 còn đàn ông chẳng có ngày nào nên làm phụ nữ và trẻ em mới thiệt thòi. Tương tự, thời ấy chỉ có giáo viên, bác sĩ và quân đội có ngày kỷ niệm nên ba nghề ấy sống có ra gì đâu! Vì thế, khi thi vào đại học dù được cả bố mẹ và thầy cô thuyết phục là tôi có chất giọng tốt, biết giảng bài, lại là con em trong ngành khi thi sư phạm sẽ được ưu đãi nhưng tôi vẫn nhất quyết không chọn ngành này.

Tuy nhiên, chạy trời không tránh khỏi nắng, cuối cùng tôi không những trở thành giáo viên mà còn rất gắn bó với nghề này. Tôi yêu nghề, yêu quý sinh viên của mình, thích truyền đạt, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống với sinh viên và vui vì được sinh viên yêu quý lại. Nhưng trong quá trình làm nghề, có dịp đi học, đi dạy ở nhiều nơi, tôi kinh ngạc nhận ra là ở nước ngoài, nghề giáo không được coi có gì đặc biệt hơn bất kỳ nghề nào khác (ngoại lệ là Châu Á, nhất là những nước theo đạo Khổng). Tuy nhiên, đãi ngộ cho giáo viên ở các quốc gia ấy lại công bằng và tốt hơn nhiều so với ở Việt Nam.

Trong bảng khảo sát của OECD, 5 quốc gia trả lương tốt nhất cho giáo viên là Luxembourg, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức và Mỹ, chỉ có Hàn Quốc là nước theo đạo Khổng. Năm quốc gia có mức lương cho giáo viên thấp nhất trong các nước được khảo sát là Slovakia, Czech, Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên ngay cả ở quốc gia đứng đội bảng như Slovakia thì mức lương trung bình giáo viên tiểu học quy ra cũng hơn 40 triệu VND/tháng. Còn ở Việt Nam, giáo viên tiểu học, trung học mới ra trường trung bình trên dưới 3 triệu đồng và làm liên tục đến tuổi hưu cũng chỉ được trên dưới 12 triệu VND/tháng, đứng ngoài mọi khả năng xếp hạng.

Thu nhập thấp, đãi ngộ không có gì, phải đi dạy thêm thì bị cả các cơ quan chức năng và dư luận săn đuổi như kẻ trộm chỉ vì “nghề giáo là nghề cao quý” mà không ai nghĩ trước khi “cao quý” giáo viên cũng phải sống đã chứ!

Luật Giáo dục quy định: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác và phải có những tiêu chuẩn sau đây”:

- Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

- Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ;

- Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;

- Lý lịch bản thân rõ ràng.


Đến đây thì cũng như các ngành nghề khác, nhưng nhà giáo còn phải:

- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;

- Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học;


Trong khi đó, theo Luật Công chức 2005, công chức chỉ cần có nghĩa vụ:

- Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.

- Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

- Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.

- Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.

- Chấp hành quyết định của cấp trên.


Không hề thấy công chức phải “giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của công chức”, hay “không ngừng học tập, rèn luyện, nêu gương” cho ai cả! Công chức “được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ” nhưng giáo viên không hề có quyền này. Vì vậy, trước phụ huynh, học sinh hay công chúng, giáo viên không có chút quyền hạn nào và luôn phải đương đầu với rủi ro một mình.

Vì sao vị thế của giáo viên ở Việt Nam lại bấp bênh như vậy? Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) quy định “dịch vụ đào tạo” là 1 trong 12 lĩnh vực dịch vụ, ngang bằng với dịch vụ kinh doanh, vận tải, tài chính, y tế… và các cơ sở giáo dục cũng được quản lý như cơ sở kinh doanh khác.

Việt Nam đã gia nhập WTO từ 2007, hầu hết ngành nghề đều hội nhập và đạt được nhiều thành tựu nhưng chỉ vì tư duy coi “giáo dục là một ngành đặc biệt”, nên không tham gia các quy định của WTO, kết quả là vẫn dẫm chân tại chỗ! Từ cách dạy, cách học, cách quản lý đều không giống ai, không chuyên nghiệp nên dù được coi là dân tộc hiếu học, thành tựu giáo dục ở Việt Nam vẫn vô cùng bấp bênh.

Tư duy cảm tính, thiếu minh bạch đã gây nhiều hệ lụy cho cả nhà trường và người học. Gần đây công chúng phẫn nộ với việc trường Gateway tự động cho tên “Quốc tế” vào tên trường dù không có đăng ký nhưng đây không phải lỗi riêng của một trường mà bắt nguồn từ sự quản lý thiếu chuyên nghiệp. Truyền thông cho biết ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có quy định thế nào là “trường quốc tế” nên cũng không có tiêu chí xử phạt.

Nhưng chỉ cần chiếu theo hiệp định GATS của WTO, dịch vụ có chữ “quốc tế” tức là phải có yếu tố nước ngoài, và phải thuộc 1 trong 4 phương thức cung cấp dịch vụ sau:

- Phương thức 1: Thương mại dịch vụ giữa các nước, tức là mua bán dịch vụ qua biên giới giữa các nước, có thể bằng viễn thông hoặc chuyển dịch vụ bằng hiện vật như bản vẽ, băng đĩa…

- Phương thức 2: Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài, tức là khách hàng đi sang nước khác để tiêu dùng dịch vụ như đi du lịch, học tập; sửa chữa tàu biển, máy bay ở nước ngoài…

- Phương thức 3: Hiện diện thương mại, tức là đầu tư trực tiếp để thành lập một chi nhánh, công ty con hay đại lý để cung cấp dịch vụ như cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật, ngân hàng cho nước sở tại…

- Phương thức 4: Hiện diện của thể nhân, tức là sự di chuyển tạm thời của cá nhân sang nước khác để cung cấp các dịch vụ như tư vấn, xây dựng, làm nội trợ, chăm sóc sức khỏe… 


Trường hợp các trường thành lập ở Việt Nam chỉ có thể theo phương thức 3 hay 4, tức là phải là chi nhánh của trường nào đó ở nước ngoài hoặc có giáo viên, học sinh nước ngoài. Ngoài ra, theo International Association of School Librarianship, trường còn phải đăng ký kiểm định quốc tế, dạy bằng tiếng Anh hay song ngữ, liên thông với các trường ở các nước khác… mới đủ tiêu chuẩn được coi là trường quốc tế.

Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này thì trừ một vài trường do nước ngoài thành lập, có lẽ không có mấy trường của Việt Nam còn giữ được tên “quốc tế”!

Hãy coi sự cố Gateway như một lời cảnh tỉnh với cả công chúng và các nhà quản lý để có cái nhìn công bằng và chuyên nghiệp hơn với ngành giáo dục nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững sau này!

Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: giáo dục
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn