HƠN TƯỢNG ĐỒNG PHƠI NHỮNG LỐI MÒN… (*)

Thứ hai - 02/09/2019 06:50

(NCTG) “Tượng đài lăng tẩm đẹp nhất là ở trong lòng dân".

Pho tượng đồng khổng lồ nhà độc tài Stalin với chiều cao 18m bị nhân dân Hungary lật đổ trong cuộc cách mạng dân chủ mùa thu năm 1956. Budapest, ngày 23-10-1956 - Ảnh tư liệu

Pho tượng đồng khổng lồ nhà độc tài Stalin với chiều cao 18m bị nhân dân Hungary lật đổ trong cuộc cách mạng dân chủ mùa thu năm 1956. Budapest, ngày 23-10-1956 - Ảnh tư liệu

Si monumentum requiris circumspice
(If you seek his monument, look around.)

Christopher Wren, nhà thiên văn học, kiến trúc sư, nhà khoa học nổi tiếng của Vương quốc Anh thế kỷ 17, khi bình luận về các thành tựu kiến trúc tuyệt đẹp của London đã có một câu được lưu truyền tới ngày hôm nay: "Khi bạn gắng tìm tượng đài của ai đó, hãy nhìn ra xung quanh".

Giàu có, trật tự, được quản lý một cách hiệu quả, trung thực, đây là Singapore năm 2019, thành quả dựng nước của một thế hệ lãnh đạo tiên phong Singapore mà Lý Quang Diệu là trung tâm. Là một trong những Thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại châu Á và trên thế giới (từ 1959 khi Singapore mới giành được tự chủ từ Đế quốc Anh, đến năm 1990), Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ một vùng đất không hề có tài nguyên thiên nhiên, bị đe dọa bởi chính sách thù địch của các nước láng giềng, với GDP đầu người chỉ 519 USD trở thành một trong các quốc gia giàu có nhất trên thế giới (GDP đầu người hơn 90 ngàn USD) chỉ bằng yếu tố CON NGƯỜI.

Lý Quang Diệu di chúc lại cho đảng cầm quyền PAP mà ông sáng lập, cũng như con cháu, rằng hãy phá dỡ ngôi nhà gia đình ông đã ở trong suốt hơn 70 năm, dù ngôi nhà là nơi đã chứng kiến những sự kiện lịch sử, là địa điểm thành lập đảng cầm quyền và là nơi đưa ra các chính sách tối quan trọng của việc thành lập nước Cộng hòa Singapore năm 1965. Ông không muốn ngôi nhà bị sử dụng thành một “thánh địa” để tôn sùng cá nhân, hay bị lợi dụng bởi những người đang sống để mưu cầu lợi ích riêng của họ.

Trên đất nước Singapore, người ta không hề tìm thấy bất cứ một tượng đài nào vinh danh Lý Quang Diệu, cũng như không ai biết được nơi an nghỉ cuối cùng của ông. Chỉ biết rằng lọ tro cốt của ông được đặt cạnh bà Kha Ngọc Chi -người bạn đời, người đồng chí sát cánh cùng ông gần 65 năm như một minh chứng của tình yêu và sự gắn bó thủy chung, vĩnh cửu.
 
“Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
“Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”

Cũng không hề tìm thấy hình ảnh Lý Quang Diệu trên bất cứ một tờ bạc được chính thức lưu hành nào tại Singapore. Lý Quang Diệu chỉ đồng ý một lần duy nhất, với trường chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore được mang tên ông- nơi đây là địa điểm góp phần đào tạo ra hàng ngàn công chức, lãnh đạo ưu tú của Singapore cũng như của khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nhưng tên của Lý Quang Diệu đồng nghĩa với thành công của đất nước Singapore, với cuốn hộ chiếu mạnh nhất trên thế giới, được tôn trọng và chào đón bởi rất nhiều quốc gia. Nó đồng nghĩa với lòng yêu nước, sự đoàn kết của các dân tộc trong một nước cộng hòa non trẻ. Nó hiển thị bằng sự tự tin của những công dân Singapore sinh sống hay làm việc ở bất cứ đâu trên thế giới.

Tượng đài lăng tẩm đẹp nhất là ở trong lòng dân.

Đất nước mà có tượng đài lãnh tụ càng to thì vận mệnh dân tộc càng nhỏ bé.

(*) Tố Hữu, Ra trận (tháng 9-1969).

Nguyễn Ngọc Minh Michael, từ Singapore


 
 Từ khóa: tượng đài, lăng tẩm
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn