THẤY Ở SÂN BAY

Thứ sáu - 06/09/2019 07:52

(NCTG) “Nó là tình cảm trân trọng, là lời nhắn nhủ ông bố đặt con gái nhỏ bé gửi gắm vào tay chàng rể, nơi xứ sở cách quê nhà hàng chục ngàn cây số”.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Đứng tiễn ở khu kiểm tra an ninh, đi cạnh hai bố con là hai bác cao tuổi người Việt đi cùng chuyến bay, được cô con gái gửi gắm. Cô con gái và tôi đứng lại bên ngoài nhìn theo. Bỗng ông cụ hớt hải tách ra, hối hả vẫy tay, cô con gái hốt hoảng “gì thế bố?”, ông cụ chỉ chỉ ra xa, rồi chỉ tay vào má, chạy đến gần, nói nghe loáng thoáng “hôn, hôn...”. Cô con gái ớ ra vài giây rồi hiểu, vẫy anh chồng Tây cao to đứng chếch bên ngoài lại gần, ông cụ vươn người qua bồn cây ngăn cách, rướn lên thơm hai cái đúng kiểu Pháp vào hai má cậu con rể, rồi lại rạng rỡ vẫy vẫy tay, chạy nhập lại đoàn người, hai người đàn ông không nói với nhau lời nào thêm.

Hình ảnh ấy làm tôi bất ngờ, cứ quay đi quay lại trong tâm trí. Một bức tranh pha trộn văn hóa Á - Âu mọi mặt, từ bề nổi đến chiều sâu. Cảnh ông già đặc nông thôn Bắc Bộ, từ nét khắc khổ đến nụ cười hiền, tóc đã gần bạc hết, mặc cái áo vét cài kín khuy, bàn tay da xạm gân guốc xách cái túi giấy Sephora (hãng đại lý mỹ phẩm Pháp), trên cái va-li xách tay hiện đại còn buộc đánh dấu mấy cái dây xanh đỏ lủng lẳng gắn mác cắt ra từ bao gạo bán ở chợ Á. Bên này, anh chàng Pháp to cao bên cạnh cô gái Việt nhỏ nhắn, nét mặt vẫn còn rõ vẻ thuần hậu Việt Nam. Ông cụ Việt tất tả chạy lại hôn má cậu con rể Pháp, giữa sân bay Charles de Gaulle.

Nụ “hôn kiểu Pháp” giữa chốn đông người, có lẽ ông cụ chỉ hiếm hoi làm quen nhờ cậu con rể, và trên đất Pháp. Tưởng như sẽ rất gượng gạo khó khăn với ông cụ mà chắc ở quê nhà, đến cầm tay vợ trước mặt con cháu cũng còn chẳng dám. Nhưng cái vẻ mặt khi ông chìa má cho cậu con rể, lại thân thương, chân thành hồn hậu không giống bất cứ nụ hôn nào tôi nhìn thấy hàng ngày người Pháp hôn chào nhau.

Mà vì sao ông lại nhất quyết làm điều đó khi đã đi đến khu cách ly? Tôi thấy ở đó một lời cảm ơn, hay một hành động biểu hiện tình cảm trừu mến không thể chuyển tải qua ngôn ngữ bất đồng, mà trong văn hóa truyền thống Việt Nam không được khuyến khích biểu hiện, nhất là với nam giới (?).

Nhưng xa hơn, nụ hôn cho cậu con rể, tôi lại thấy là cả tình yêu của người cha cho con gái gửi gắm qua đó. Như những ông bố Phương Tây dắt tay con gái đến thánh đường thiêng liêng trao cho con rể. Nó là tình cảm trân trọng, là lời nhắn nhủ ông bố đặt con gái nhỏ bé gửi gắm vào tay chàng rể, nơi xứ sở cách quê nhà hàng chục ngàn cây số. Để rồi đi qua hàng rào cách ly này, ông chợt nhận ra sẽ không thể chạy đến che chở mỗi lúc nó buồn vui?

Nhìn những tình cảm chất chứa của một người cha, không khỏi bùi ngùi...

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: hôn kiểu Pháp
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn