(NCTG) “Áo dài là loại trang phục nhiều nhược hơn ưu. Nếu không đứng dưới màu cờ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, có lẽ nó không phát triển được như bây giờ”.
Tà áo mang tính biểu tượng “một thoáng quê hương” đã được đưa vào ca khúc - Ảnh: Hoa hậu Mai Phương Thúy
Áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt. Do dính truyền thống nên liên quan đến văn hóa, mà văn hóa thì có đến vài trăm định nghĩa.
Nhìn chung khi nhắc đến văn hóa, đa phần đều muốn nhấn mạnh và tôn trọng sự khác biệt nên ít khi đề cập đến tính tốt xấu. Do đó nhiều người chỉ nhìn văn hóa dưới góc độ tích cực, thuận tiện/cố tình quên đi những khía cạnh tiêu cực (trường đại học ở Việt Nam thường dạy văn hóa dưới góc độ này). Một định nghĩa cũng dễ nhầm lẫn và thường được sử dụng song song với văn hoá là văn minh, nhưng nói đến văn minh thì lạc đề nên để tiện viết lúc khác.
Người Việt, diện áo dài mặc định sẽ được khen. Không khen chỗ này thì ráng khen chỗ kia. Nếu không biết khen chỗ nào thì hỏi lơ xem may áo dài ở đâu đẹp vậy.
Áo dài nhờ sức mạnh văn hóa thần thánh, cộng thêm tính lịch sự trong giao tiếp của kỷ văn minh, nó hầu như đã miễn nhiễm tất cả mọi góc nhìn nhược điểm.
Xin bỏ qua nguồn gốc áo dài, vì nhắc đến dễ gây mâu thuẫn. Giờ chỉ bàn về chức năng trang phục:
1. Che cơ thể: tuy hai bên hông còn hơi nhạy cảm, về mặt này thì áo dài làm khá tốt nhiệm vụ.
2. Bảo vệ cơ thể: do đặc thù về chất liệu, áo dài gần như không có chức năng bảo vệ, thậm chí nhiều trường hợp dẫn đến tai nạn cho người mặc.
3. Thẩm mỹ: đây là khía cạnh cần phân tích kỹ.
Ưu điểm:
- Áo dài có nét độc đáo riêng, có thể lấy làm trang phục truyền thống.
- Áo dài thị phạm rõ nét ba vòng, nên nếu ai có đường cong hấp dẫn và muốn tôn vinh nó thì áo dài là một sự lựa chọn không tồi.
- Hồng phấn tặng giai nhân, áo dài rất đẹp nếu chọn đúng người mặc (quy luật muôn thuở).
Nhược điểm (xin lỗi làm thất vọng ai đó nếu tôi cho rằng nhược rõ hơn ưu):
- Chất liệu may áo dài thường mỏng nên dễ tổn thương cả người mặc lẫn người đối diện. Người mặc có thể không cần đẹp như người mẫu nhưng rất cần ý nhị khi chọn vải may kết hợp đồ lót, nếu không muốn trở thành thảm họa.
- Bộ áo dài truyền thống che hết cánh tay và đôi chân, vậy là che hết nét đẹp của người phụ nữ. Công bằng thì đây vừa là ưu vừa là nhược. Tôi xếp nó vào phần nhược điểm vì những giải pháp thiết kế ở quần và tay áo rất hiếm khi phủ lấp khuyết điểm. Khi may tay áo bằng chất liệu voan mỏng để tôn vinh vẻ đẹp của cánh tay và làn da, nhiều bạn vô ý để thấy dây áo trong là không nên. Đầu tư cái áo dài đẹp không hề rẻ, tiết kiệm cái áo lót thành ra hỏng bét, chưa kể mẫu này tôi nghĩ chỉ thích hợp khi đi dự tiệc. Phá cách, đổi quần ống rộng truyền thống bằng các loại quần ôm thì cũng hay, nhưng thực ra đó không chỉ là phá cách cái quần, phải phá cách cả bộ đồ. Tóm lại hai cách giải quyết trên phù hợp với những ai biết tỉ mỉ trong cách ăn mặc và chịu chi, vậy nên khó phổ biến.
- Dưới góc độ thời trang, cay đắng thay, áo dài không hề phù hợp với phần lớn phụ nữ Việt. Áo dài phù hợp với những ai da sáng (dù cơ bản chỉ thấy mặt và bàn tay), vóc thanh mảnh, đường cong phù hợp (ngày nay có thể cải thiện vóc dáng nhờ tập gym hoặc đi thẩm mỹ viện, nhưng thật tình tôi chưa biết ai cố gắng thay đổi vóc dáng chỉ với mục đích mặc áo dài). Nhìn người mẫu mặc áo dài của những nhà thiết kế sẽ không chuẩn xác khi nhận xét giá trị của trang phục, đơn giản bạn mặc liệu có đẹp như người ta.
- Áo dài là loại trang phục rất bất tiện, nhưng người Việt lại lạm dụng đến mức tùy tiện. Chợt nhớ mấy bạn tiếp viên của Vietnam Airlines. Kể nghe, khổ vì đồng phục áo dài chưa đủ, mấy năm trước Vietnam Airlines nhờ nhà thiết kế Minh Hạnh thiết kế lại đồng phục áo dài. Bà Hạnh thiết kế cái cổ kiểu mới làm tiếp viên khổ lên bờ xuống ruộng. Bạn nào biết may áo dài hoặc quen mặc áo dài chỉ cần nhìn sẽ tưởng tượng được cái cổ áo đó ngấn vào gây khó chịu ra sao. Thôi, mấy bạn tiếp viên thu nhập không thấp so với mặt bằng chung, chịu khó góp phần quảng bá hình ảnh áo dài, không chịu cũng ráng chịu chứ biết sao. Còn đối với học sinh phổ thông, tôi không hiểu tại sao lại có trường lại chọn áo dài làm đồng phục. Nhiều chuyên gia đã phân tích, ở tuổi các em mặc áo dài nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Bên lề:
- Trong mấy chục năm qua, có vẻ như người Việt đã truyền được hồn dân tộc vào trong tà áo dài. Việc chúng ta có thể thưởng thức áo dài qua nhiều hình thức khác nhau (âm nhạc, văn thơ, hội họa...) là tín hiệu tích cực khi một loại trang phục đã được định hình như một sản phẩm văn hóa truyền thống dân tộc.
Nói vậy không phải là không đáng lo về mặt tinh thần, nhược điểm lớn nhất của áo dài ngộ nghĩnh thay do chính người Việt tạo ra. Nhất là tâm lý bảo thủ, tôn thờ tà áo dài truyền thống đến mức cực đoan. Cần nhớ “áo dài” là của người Việt, nhưng “thời trang áo dài” thì không của riêng ai. Bất cứ ai, người nước nào cũng có thể thiết kế những mẫu áo dài để trang phục càng thêm phong phú. Tất nhiên, người trí thức sẽ ghi chú sản phẩm lấy cảm hứng từ đâu. Đây gọi là quá trình giao thoa văn hóa mà ta không thể ngăn cản, hoặc sẽ tự đào mồ chôn mình với thế giới. Nói cách khác, nếu muốn áo dài mau chóng được thế giới biết đến thì cần sự góp sức của nhiều bàn tay không chỉ riêng người Việt.
Kết luận:
Theo tôi, áo dài là loại trang phục nhiều nhược hơn ưu. Nếu không đứng dưới màu cờ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, có lẽ nó không phát triển được như bây giờ. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng bản thân sự tồn tại của áo dài - loại trang phục không phù hợp nhưng đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt - đã mang giá trị không thể phủ nhận.
Muốn phát huy hài hòa trong một thế giới đan xen hay co cụm tự sướng về tà áo dài trong lãnh thổ hình chữ S, chỉ người Việt mới đủ quyền và khả năng chọn lựa...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...