NHỮNG ĐIỀU PHẢI VIẾT TRƯỚC TẾT - NHÂN VỤ ĐỒNG TÂM

Thứ ba - 21/01/2020 05:40

(NCTG) Vụ Đồng Tâm là một xung đột đánh dấu một bước ngoặt của xã hội Việt Nam, sẽ còn có tác động lâu dài về sau, và phơi bày những vấn đề không thể không bàn luận.

Sự việc diễn ra ở Đồng Tâm và cái chết thảm thương của người đảng viên gần 60 tuổi đảng Lê Đình Kình (1936-2020) bên thềm Tết Nguyên đán sẽ vẫn đặt ra những vấn đề không thể không suy ngẫm và bàn luận - Ảnh: kiemsat.vn

Sự việc diễn ra ở Đồng Tâm và cái chết thảm thương của người đảng viên gần 60 tuổi đảng Lê Đình Kình (1936-2020) bên thềm Tết Nguyên đán sẽ vẫn đặt ra những vấn đề không thể không suy ngẫm và bàn luận - Ảnh: kiemsat.vn

Tết đã đến gần, nhưng những gì gần tết buộc tôi phải viết những dòng ngắn gọn này để thảnh thơi đón năm mới.

Vụ Đồng Tâm được chủ động thực hiện vào những ngày cận tết là một xung đột đánh dấu một bước ngoặt của xã hội Việt Nam. Nó sẽ còn có tác động lâu dài về sau, và phơi bày những vấn đề không thể không bàn luận. Quá nhiều vấn đề, quá nhiều quan điểm, quá nhiều người tham gia trên các diễn đàn.

Tôi thấy có mấy vấn đề nổi cộm sau đây cần giải quyết:

1. Vấn đề ai là người lãnh đạo xã hội hiện nay? Đảng? Một nhóm đứng đầu đảng? Đảng Trung ương? Đảng cát cứ địa phương? Ngành nào đó (Công an chẳng hạn)? Hay chính những người có uy tín nói dân nghe mới là người lãnh đạo xã hội? Câu hỏi này cần có nghiên cứu và thảo luận để có câu trả lời chính xác. Cần có những nghiên cứu, những điều tra xã hội học để biết ai là người lãnh đạo thực sự. Một xã hội mà người dân không biết ai là người lãnh đạo thực sự, ai là người bù nhìn hình thức thì rất nguy.

2. Mô hình “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo” có còn được coi là một trong những trụ cột và giá trị cốt lõi của Việt Nam hay không? Nếu còn thì hiểu như thế nào khi áp dụng ở cấp huyện, cấp xã, cấp thôn, có liên hệ tình hình Đồng Tâm? Nếu không còn áp dụng, đã lỗi thời thì mô hình quản trị quốc gia hiện nay là mô hình gì?

3. Một nhà nước pháp quyền, xã hội pháp quyền, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trên cơ sở tôn trọng quyền dân chủ của người dân (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra) cần phải được hiểu cụ thể như thế nào trong các tình huống, ở các cấp độ thực hiện nhà nước pháp quyền qua bài học Đồng Tâm?

4. Cơ chế dân chủ trong ra quyết định và trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm đối với quyết định, nhất là các quyết định kiểu như Đồng Tâm (và cả các trường hợp trước như Đoàn Văn Vươn, Thủ Thiêm…).

5. Kinh nghiệm và trách nhiệm xử lý khủng hoảng xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã gặp rất nhiều khủng hoảng, điểm nóng xã hội và đã có nhiều bài học thành công và trả giá: từ vụ Làng Nhô ngày xưa đến vụ Thái Bình, rồi Đoàn Văn Vươn, Thủ Thiêm… Nhưng có vẻ càng về sau sự thành công trong xử lý khủng hoảng càng kém đi, thay vào đó là sự “ngạo mạn cộng sản” (từ dùng của Lenin) của những cơ quan, những cấp, những người được giao nhiệm vụ trực tiếp xử lý khủng hoảng mà vụ Đồng Tâm là điển hình, gây thiệt hại về người rất thương tâm và chua xót, thiệt hại về giá trị xã hội không thể nào đo đếm được.

Họ không hiểu trên xã có huyện, trên huyện có tỉnh, trên tỉnh có trung ương, trên trung ương còn có dân làm chủ vận mệnh và quyền lực cao nhất. Còn trong hệ thống chính trị thì trên công an cấp trung đoàn còn có Bộ Tư lệnh, trên Bộ Tư lệnh có Bộ trưởng, trên Bộ trưởng có Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo đất nước… Vậy mà vụ Đồng Tâm, không thấy (ít nhất là 10 ngày rồi) chính quyền, đảng ủy cấp huyện đi đâu, Ủy ban Nhân dân và Thành ủy Hà Nội đi đâu không thấy lên tiếng?
 
Chuỗi phản đối dẫn tới kết cục bi thảm... - Ảnh: vietnamnet.vn
Chuỗi phản đối dẫn tới kết cục bi thảm... - Ảnh: vietnamnet.vn

Việc của Đồng Tâm là việc của dân của nước chứ không phải việc của riêng ngành Công an đi tìm tội phạm tàng trữ mấy công cụ thô sơ nghi là khủng bố. Hậu quả của vụ việc Đồng Tâm không phải chỉ là câu chuyện của ngành Công an mà là trách nhiệm quản lý, lãnh đạo của chính quyền và đảng bộ cấp huyện, cấp thành phố… Trong những thời điểm khủng hoảng, đảng và chính quyền mà né tránh trách nhiệm (không ra mặt họp báo, thông tin và trấn an dân chúng), thì đã tự đánh mất vai trò quản lý nhà nước và lãnh đạo xã hội của mình.

6. Cuối cùng, không thể không nói đến hiện tượng dư luận viên (DLV) qua vụ việc. Việc tham gia của DLV (hình như có cấp cao và cấp thấp) rất công khai, rất hùng hậu, rất hăng hái, rất đồng thanh đã nói lên tính chính thức của lực lượng này. Họ lộ nguyên hình là một lực lượng có thật (mặc dù dùng nick ảo trên mạng), có hoạt động rất tích cực theo lệnh của ai đó chỉ huy họ.

Tuy nhiên, họ cũng bộc lộ sự yếu kém về trình độ, năng lực, đạo đức khi họ tham gia bênh vực một quan điểm nào đó, hoặc tấn công một quan điểm hoặc cá nhân ai đó… Tôi không thể tả nổi sự ngu muội, đểu giả và thô bỉ của của lực lượng này. Không thể có ngôn từ nào có thể diễn tả được sự bẩn tưởi, thối tha, suy đồi mà họ đã bôi vấy lên chính danh tính của họ qua cách họ tham gia, dùng từ ngữ và viết nội dung thảo luận (có nhiều người dùng nick ảo, nhưng cũng có người dùng nick có danh tính hẳn hoi), bôi vấy lên cấp trên của họ là người có chức vụ giao nhiệm vụ và trả lương (phụ cấp) hàng tháng cho họ.

Tôi cho rằng, sau vụ việc Đồng Tâm, người và cơ quan chịu trách nhiệm về lực lượng DLV phải nghiêm túc kiểm điểm trước Đảng và Nhà nước và xóa bỏ lực lượng vô văn hóa này. Quốc hội cũng cần lên tiếng, tham gia giám sát sự cải tổ tổ chức chi tiền NSNN để làm những việc chia rẽ sự đồng thuận dân tộc, làm vấy bẩn văn hóa dân tộc (trên cộng đồng mạng xã hội).

7. Năm Canh Tí sắp đến, đánh dấu một thập niên mới, đất nước ta có nhiều hứa hẹn mới, cơ hội mới về sự phát triển. Mong những chuyện cũ sẽ được giải quyết thấu đáo để dân tộc vững bước đi lên.

K.V., từ Hà Nội - Ngày 20-1-2020


 
 Từ khóa: Đồng Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn