Ghi chép: 16/6 VÀ NHỮNG CON NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC YÊN NGHỈ SAU CÁI CHẾT
Chủ nhật - 17/06/2018 03:24
(NCTG) “Sau nhiều sai lầm và dao động, lưỡng lự và hạn chế thời gian đầu, Nagy Imre đã vượt khỏi rào cản của một cán bộ đảng, một viên chức tận tụy - một con ốc trong cỗ máy lớn -, để trở thành một nhà ái quốc, một trí thức lớn...”.
Nagy Imre, người không thể nhắm mắt trong hơn 3 thập niên, cho tới khi ông được tái mai táng vào hè năm 1989 - Ảnh tư liệu
1. “Tôi đặt số phận tôi trong tay dân tộc. Tôi không muốn bào chữa cho mình, và không xin ân xá” - đó là những lời cuối cùng của Nagy Imre, vị thủ tướng của cuộc cách mạng dân chủ 1956, vào ngày 15/6/1958, khi bản án tử hình được thẩm phán Vida Ferenc đưa ra đối với ông và hai đồng sự.
Trong phiên tòa ngụy tạo và dàn dựng ấy - được chính quyền cộng sản Hungary do Moscow dựng lên sau biến cố 1956 và chuẩn bị ròng rã trong vòng hơn một năm - trái với tất cả các bị cáo (đều là những người cộng sản cựu trào và uy tín), chỉ riêng Nagy Imre không “thú tội” và không xin ân xá.
Sau nhiều sai lầm và dao động, lưỡng lự và hạn chế thời gian đầu, Nagy Imre đã vượt khỏi rào cản của một cán bộ đảng, một viên chức tận tụy - một con ốc trong cỗ máy lớn -, để trở thành một nhà ái quốc, một trí thức lớn, xứng đáng với học vị giáo sư, viện sĩ về Nông học mà ông có được trong đời.
Không phải ngẫu nhiên mà “Mùa xuân Praha” sau đó hơn một thập niên của lãnh tụ Alexander Dubček đã muốn tái thực hiện những mộng tưởng của Nagy Imre về một thứ chủ nghĩa xã hội mang gương mặt nhân tính. Rất tiếc, thử nghiệm ấy, một lần nữa đã đại bại dưới xích chiến xa của Hồng quân!
2. Bản án tử hình với Nagy Imre và các đồng sự được đưa ra với sự phê chuẩn sơ bộ của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Hungary và trái với điều mà nhiều người thường nghĩ, Moscow không đòi hỏi ban lãnh đạo mới của Hungary nhất thiết phải tuyên án tử đối với các bị cáo chính của phiên tòa.
Gánh nặng của tội lỗi, như thế, đặt lên Kádár János, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungary thời kỳ 1956-1988, người được coi là kẻ phản bội cuộc cách mạng 1956, và phản bội chính người đồng chí và thượng cấp của ông, Nagy Imre, trên cương vị một bộ trưởng của nội các cách mạng.
Là một nhân vật lớn, đầy mâu thuẫn và bi thảm của lịch sử Hungary thế kỷ 20, những gì mà Kádár nỗ lực thực hiện dưới kỷ nguyên mang tên ông tại Hungary (mà thế giới gọi là thời của “nền độc tài mềm”, “chủ nghĩa cộng sản xúp thịt bò”...) không đủ để hậu thế có thể hoàn toàn tha thứ cho ông...
Qua đời chỉ vài giờ sau khi Nagy Imre và các đồng sự được Tòa án Tối cao Hungary minh oan năm 1989, gần 20 năm sau di cốt còn bị vứt bỏ và hạ nhục với lời kết tội “Kẻ sát nhân và bội phản không thể yên nghỉ trên mảnh đất thiêng liêng”, đó là tấn thảm kịch lớn cuối đời của nhà lãnh đạo này...
3. Chết vẫn không được yên thân cũng là câu chuyện của Nagy Imre và các đồng sự, mà vào năm 2004, đã được đạo diễn nổi tiếng Mészáros Márta khắc họa trong bộ phim lịch sử dài 124 phút do Hung - Slovakia - Ba Lan hợp tác sản xuất, với nhan đề “A temetetlen halott” (The Unburied Man).
Bị treo cổ vào hồi 5h 9 phút ngày 16/6/1958 sau khi hô vang ca ngợi nước Hung độc lập, Nagy Imre cùng hai đồng sự của ông bị chôn ngay tại sân nhà tù ở phố Kozma (Kőbánya, Budapest). Tập thư ông viết trong những giờ phút cuối của cuộc đời không bao giờ được chuyển tới tay người thân...
Hai năm rưỡi sau, đầu 1961, trong đêm, thi thể ba người bị khai quật lén lút, bọc vào giấy dầu và chuyển sang nghĩa trang Rákoskeresztúr, tại khu vực xa cổng chính nhất, “Khu 301”. Nagy Imre bị đặt nằm sấp, úp mặt xuống đất, trong hồ sơ của nghĩa trang ông bị đặt một tên giả là Borbíró Piroska.
Chôn cất vụng trộm những tù chính trị bị tử hình là điều thông dụng tại Hungary thuở trước, và việc này được “bảo mật” tới mức vài chục năm sau, ngay Ban lãnh đạo Bộ Nội vụ Hung cũng không còn biết, Nagy Imre yên nghỉ ở đâu. Từ năm 1981, nhiều cuộc kiếm tìm đã được mở cho mục đích đó.
4. Năm 1988, Nagy Imre cùng các đồng sự - và tất cả những ai bị tử hình trong cách mạng 1956 - đã có được một ngôi mộ gió mang tính biểu tượng tại nghĩa trang Père-Lachaise (Paris), theo đề xướng của giới nhân sĩ Hungary hải ngoại, và được sự ủng hộ của Thị trưởng Paris Jacques Chirac.
Ngôi mộ được khai trương trọng thể đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông, 16/6/1988. Cùng lúc đó, tại Budapest, chính quyền cộng sản xua cảnh sát cơ động dùng vũ lực đàn áp cuộc biểu tình của đoàn người tưởng nhớ Nagy Imre và các liệt sĩ của cuộc nổi dậy 1956 ngay tại trung tâm thủ đô.
Mấy ai ngờ được rằng, chỉ một năm sau đó, đúng 16/6/1989, theo đòi hỏi của phe đối lập và các tổ chức dân sự, một lễ tái mai táng hết sức long trọng đã được tiến hành tại thủ đô Budapest. Nửa triệu người đã có mặt tại Quảng trường Anh hùng để tưởng nhớ Nagy Imre và các đồng sự của ông.
Chỉ tới lúc ấy, công lý lịch sử mới được tái lập, Đảng Cộng sản Hungary hoàn toàn đánh mất tính chính danh, và dân tộc Hung trải qua thử nghiệm chính yếu cho quá trình hóa giải từng bước những oan khiên của quá khứ. Con đường dân chủ của nước Hung từ thời điểm đó là không thể đảo ngược!
5. Göncz Árpád, nhà văn, dịch giả, tổng thống 2 nhiệm kỳ đầu (1990-2000) của nước Hung dân chủ, từng bị án tù chung thân vì tham gia 1956 và là một yếu nhân của biến chuyển 1989, được coi là gạch nối giữa hai cuộc cách mạng, đã có những dòng hết sức động lòng về lễ tái mai táng Nagy Imre:
“Không chỉ gánh nặng của những buổi đàm phán và công việc tổ chức, mà cả gắng nặng của tinh thần trách nhiệm cũng đè nặng lên vai chúng tôi, tất cả những người tham gia biến cố này (...). Nếu muốn hồi tưởng lại giai đoạn ấy, tôi luôn nhớ lại một chi tiết duy nhất, tưởng chừng nhỏ nhặt...
... Trước buổi họp báo, chúng tôi ngồi tại một tiệm bánh ngọt vì ai nấy đều đói meo, mà các tiệm ăn thì không mở cửa. Khi ấy, một phụ nữ đứng tuổi tiến đến bàn chúng tôi. Tôi còn nhớ như in gương mặt nóng bỏng và ánh nhìn rực lửa của bà. Không rõ tại sao bà lại biết chúng tôi. Bà nói:
“Cha mẹ tôi đã bị giết. Nếu ngày kia, các anh lại để đầu rơi máu chảy thì trời tru đất diệt các anh, trời tru đất diệt các anh, trời tru đất diệt các anh!!!”. Nỗi sợ hãi ẩn hiện trong lòng mỗi chúng tôi. Nhưng không còn đường rút. Và bản năng của tôi khiến tôi cảm thấy không thể có chuyện gì xảy ra!”.
6. 16/6/1989 là ngày hội hòa hợp, hòa giải dân tộc của Hungary. Vẫn theo hồi tưởng của cố Tổng thống Göncz Árpád: “Tôi chỉ nói vài câu, nhưng với tôi đó là những lời lẽ vô cùng cảm động theo đúng nghĩa đen của từ này. Người tới dự chật cứng quảng trường. Dường khi bầu không khí cũng run rẩy.
Run rẩy theo nghĩa tâm lý của từ này, và tôi thì chưa bao giờ nói trước đám đông vào micrô thế này. Khi vừa cất lời, tôi sững sờ khi nghe thấy tiếng vọng như sấm của những lời tôi nói, qua hệ thống loa, từ phía bên kia; tôi cứ nghĩ rằng mình nói sẽ chẳng mấy ai nghe thấy vì tôi cũng rất xúc động.
Nói xong, tôi đã òa lên khóc. (...) Nếu không có vợ tôi bên cạnh, nắm tay tôi, tôi khó lòng làm hết được những gì cần làm. (...) Tất cả chúng tôi rơi nước mắt! Sự căng thẳng nội tâm kinh khủng, bị dồn tụ qua bao thập niên và gia tăng đến mức “tới hạn” trong chúng tôi, lúc ấy được dịp tỏa ra ngoài...”.
Tuy nhiên, bài phát biểu gây nhiều sóng gió nhất trong buổi lễ đó, lại là của một chàng thanh niên mới ở tuổi 26, được cho là gương mặt của thế hệ mới, với câu nói chấn động về tương lai bị tước đoạt, bị đánh cắp của giới trẻ bởi Đảng Cộng sản Hungary trong biến cố năm 1956: Orbán Viktor!
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...