Sự việc gây xôn xao công luận Hung kể trên được ông Kormos Endre, người phụ trách báo chí của Sở Cảnh sát Budapest (BRFK), thông báo. Thoạt tiên, việc này được đội bảo vệ của nghĩa trang phát hiện và họ đã báo ngay cho cảnh sát vào trưa thứ Tư 2-5. Đáng chú ý là đến đêm ngày thứ Ba, tại khu mộ của Kádár János, nến do những người tưởng nhớ vị lãnh tụ cộng sản này mang đến trong ngày Quốc tế Lao động 1-5 vẫn còn cháy.
Ít nhất, có hàng chục xe con và một xe buýt nhỏ chở một nhóm cảnh sát đã được cử đên nghĩa trang tại phố Fiume (Quận VIII, Budapest). Các nhân viên khám nghiệm hiện trường đã dùng hàng rào ngăn một khoảng đất chừng 40x50 mét xung quanh mộ phần của gia đình Kádár János.
Được biết, chiếc quan tài kim loại của Kádár János được chôn sâu 2 mét dưới lòng đất, và chiếc tiểu của vợ ông được đặt trên mộ ông. Cho dù quan tài của Kádár chưa được mở (vì cần phải chờ một chuyên gia nhân chủng học), nhưng cảnh sát cho biết hài cốt của Kádár đã bị đánh cắp. Cảnh sát Quận VIII mở cuộc điều tra để truy lùng những kẻ phá hoại (tội danh này có thể bị đến 3 năm tù giam). Tuy nhiên, chỉ khi thân nhân của gia đình Kádár đệ đơn tố giác thì cảnh sát mới truy cứu tội xúc phạm hương hồn người đã khuất.
Cũng trong nghĩa trang này, tại khu mộ những nhân vật tên tuổi của phong trào công nhân Hung, kẻ nào đó đã dùng sơn đen viết dòng chữ "Kẻ sát nhân và bội phản không thể yên nghỉ trên đất thánh". Đây là trích đoạn lời ca khúc "Tôi muốn biết những cái tên" của ban nhạc Rock "Kárpátia" (chuyên chơi những bài mang tinh thần quốc gia). BRFK hiện đang điều tra xem có sự liên quan với vụ đánh cắp xương cốt của Kádár hay không.
Ngoại trừ các tổ chức cánh hữu cực đoan, hầu như tất cả các chính đảng Hung đều lên án hành vi này. Chủ tịch Ủy ban Tưởng niệm Quốc gia Hungary (cơ quan được chính phủ Hung lập ra từ năm 1999 để chuyên trách những vấn đề liên quan đến các tên tuổi lớn đã qua đời), ông Boross Péter, tuyên bố: nơi yên nghỉ của mọi công dân Hung đều phải được tôn trọng, kể cả mộ của lãnh tụ độc tài.
Như đã biết, Kádár János là người đứng đầu Đảng Công nhân Xã hội (Đảng Cộng sản) Hungary kể từ tháng 11-1956, khi cách mạng 1956 bị đàn áp. Vị tổng bí thư qua đời ngày 6-7-1989, đúng vào lúc Tòa án Tối cao Hungary bãi bỏ những phán quyết trong phiên tòa ngụy tạo xét xử Nagy Imre và các đồng sự. Cho đến nay, sự đánh giá về nhà lãnh đạo có tầm vóc này vẫn là đề tài (thường gây nhiều tranh luận) của nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu xuất bản hàng năm; chẳng hạn, cuốn "Kádár János" của nhà văn Moldova György, mà NCTG đang đăng dài kỳ bản lược dịch Việt ngữ của Giáp Văn Chung.
Trần Lê, tổng hợp theo [index] - Ảnh: Mihádák Zoltán
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn