KÁDÁR JÁNOS (19)

Thứ năm - 01/11/2007 17:45

(NCTG) 11. Không ai có thể đọc được ý nghĩ lúc đó của Kádár János, qua những phát biểu của ông, hình như vào ngày cuối cùng của tháng Mười, ông chưa quyết định phản đối những lực lượng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Một người khởi nghĩa vũ trang đứng trên chiếc xe tăng, trước số nhà 10 phố Déri Miksa (Quận VIII, Budapest) - Ảnh tư liệu (chụp ngày 27-10-1956)

Tạp chí „Rubicon” trích dẫn hồi ký của Heltai György, quốc vụ khanh của chính phủ Nagy Imre. Heltai kể về một buổi họp nội các, Andropov – đại sứ Liên Xô tại Budapest – bước vào và tuyên bố: „ ... họ (Liên Xô) chỉ muốn điều tốt lành, quân đội của họ có mặt để chặn đứng phản cách mạng”. Nghe nói thế Kádár bực mình đứng dậy: „Ở đây không có phản cách mạng, nếu có thì cuộc phản cách mạng này là do chính quân đội của các đồng chí gây nên. Và trong hoàn cảnh như vậy tôi chỉ có một nghĩa vụ. Đồng chí biết tôi là người cộng sản từ khi nào, đồng chí biết đối với tôi Hồng quân có ý nghĩa như thế nào, nhưng tôi vẫn cầm súng xuống đường và xả đạn vào họ.”

„Tôi chứng kiến việc này – Heltai viết thêm -, tuy không nhớ rõ ngày tháng, nhưng không thể quên hình ảnh đó, nom Kádár rất khí phách”.

Vì không có mặt trong buổi họp, cũng không thấy ai trực tiếp phản đối những điều ghi chép của Heltai, nên tôi không có quyền nghi ngờ những điều ông đã viết, tuy nhiên tôi vẫn vương chút hoài nghi. Cả nội dung, cả cách phát ngôn không hợp với tính cách thận trọng và tránh đi quá mức cần thiết của Kádár. Có vẻ như Heltai khen Kádár, nhưng có thể ông chỉ làm vậy để hành động trong ngày đầu tiên của tháng Mười một của Kádár càng đáng lên án hơn.

Bằng việc cho phép hệ thống đa đảng và sự ra đời của chính phủ liên minh, quyền lực thực tế đã tuột khỏi tầm tay những người cộng sản. Trong một bài phát biểu trên đài phát thanh, Kádár đã nói:

„... Do hậu quả sự lãnh đạo tồi tệ trong những năm qua, những hậu quả trầm trọng đang đè nặng lên đảng ta. Cần phải dứt khoát đoạn tuyệt những điều đó với lương tâm trong sáng, với quyết tâm dũng cảm, thẳng thắn. Đội ngũ của đảng có thể bị xáo động, nhưng tôi không sợ những người cộng sản có lương tâm trong sáng và tử tế sẽ không trung thành. Những kẻ mưu cầu lợi ích cá nhân, ham quyền lực hoặc có những động cơ khác sẽ rời bỏ chúng ta, nhưng thoát khỏi gánh nặng đó và những gánh nặng tội lỗi trong quá khứ của một vài nhà lãnh đạo đảng, có thể phải làm lại từ đầu một số mặt, nhưng chúng ta sẽ đấu tranh cho những lý tưởng của chúng ta, cho nhân dân ta, tổ quốc ta trong những điều kiện thuận lợi và trong sáng hơn... Chúng ta sẽ trở thành một đảng nhỏ, nhưng trong sạch...”.

Kádár bắt đầu thực hiện chương trình của mình, bằng mọi cách ông muốn làm trong sạch MDP khỏi những di sản của chế độ Rákosi, nhưng Lịch Sử, theo đúng nghĩa của ngôn từ này chỉ dành cho ông vài giờ để thực thi việc đó.

Sau trụ sở Đảng bộ Budapest, hàng loạt cơ sở ở các tỉnh lẻ cũng thất thủ. Không chỉ quyền lực vũ trang rơi vào tay quân khởi nghĩa, mà cả các vị trí chính trị và hành chính cũng lọt vào tay một số nhân vật của các đảng mới thành lập. Khuynh hướng chống cộng bộc lộ công khai, không chỉ tượng đài Stalin bị lật đổ và những ngôi sao đỏ trên các tường nhà bị dỡ bỏ, mà cả các tượng đài kỷ niệm Xô-viết cũng bị huỷ hoại. Các cuộc bắt bớ bắt đầu diễn ra từ ngày 30 tháng Mười, nhóm Corvin-köz đã lập ra một đội đặc nhiệm gọi là „đội mũ nồi xanh” để thực thi việc này. Solymár József viết trong cuốn „Những chiếc sơ-mi nhơ bẩn của Kádár”:
„... buổi tối họ mang vũ khí bấm chuông vào từng nhà và thông báo: „Chúng tôi tìm bọn ávós*, Do Thái và cộng sản! Trong nhà này có bọn chúng không?”.

Phải đương đầu với làn sóng khủng bố đang hình thành, Kádár hiểu rõ không thể cải tổ MDP thành một tổ chức có sức chiến đấu, phải lập ra một đảng mới. Có sự tranh cãi khi chọn tên gọi cho đảng, Kádár cảm thấy không thể đưa vào hai từ „cộng sản” vì nó làm cho những người dân chủ xã hội một thời xa lánh. Cuối cùng, xuất phát từ những truyền thống của phong trào công nhân, thống nhất lấy tên là Đảng Công nhân Xã hội Hungary (MSZMP).

Một bản tuyên bố đánh dấu sự tái sinh của đảng, công bố danh sách Ủy ban Điều hành Lâm thời của đảng, đứng đầu là Kádár János, trong đó có Nagy Imre, Losonczy Géza, Donáth Ferenc, Szántó Zoltán, Lukács György và Kopácsi Sándor (chỉ huy trưởng cảnh sát). Ngay khi đó đã có thể nhận thấy ủy ban này gồm những nhân vật không thống nhất, thậm chí còn hoàn toàn trái ngược nhau về quan điểm.

Sau này lịch sử đã chứng tỏ điều đó, chỉ vài tuần sau phần lớn số uỷ viên đã vào tù, vài người trong số họ đã kết thúc dưới giá treo cổ - tất cả những điều đó đã diễn ra dưới một chính thể mà tên tuổi của chủ tịch ủy ban này là đại diện.

Chiều 31 tháng Mười, cuộc họp đầu tiên được triệu tập. Chưa đầy 24 giờ từ sau bài phát biểu trên Đài Phát thanh, quan điểm của Kádár đã thay đổi cơ bản. Tốc độ diễn biến nhanh của các sự kiện, sự lấn lướt mỗi lúc một gia tăng của cánh hữu thể hiện ở các hoạt động đòi giải thoát cho Hồng y giáo chủ Mindszenty, những đòi hỏi trao trả các nhà máy và các điền trang lớn.

Tin về cái chết của Mező Imre, người bạn thân tín nhất, cũng làm cho Kádár János xúc động mạnh.

Nếu nhìn qua cửa sổ, chắc hẳn Kádár János phải thấy những biểu tượng của chế độ Horthy tưởng đã vĩnh viễn bị chôn vùi: bản đồ nước Hung trước Trianon, những hình chữ thập nhọn (nyilaskereszt), trên các bức tường là những dòng chữ chống cộng và phân biệt chủng tộc. (2)
 
Tuy lãnh đạo đất nước vẫn là chính phủ cộng sản, đứng đầu là thủ tướng cộng sản Nagy Imre, nhưng Kádár cảm thấy sự việc đang tiến triển nhằm phục hồi chế độ Horthy hay ít nhất cũng theo một xu hướng tương tự. Nhận thức này buộc Kádár thay đổi chiến thuật, ông không để lộ những quân bài của mình, tuy không lùi hẳn vào hậu trường nhưng khó có thể nhận biết những phát biểu của ông khi đó có thực sự là ý kiến của ông hay không. Theo Aczél György, Kádár János đã chuẩn bị sẵn sàng rút vào bí mật - không phải lần đầu tiên trong đời ông.

Hội nghị đầu tiên, do không sử dụng được Trụ sở đảng, được tổ chức trong một ngôi nhà trên phố Nádor. Những người lính gác không nhận ra Kádár János định cản không cho ông vào, những người khác trong Ủy ban Điều hành Lâm thời cũng được tiếp đón như vậy. Không thể tính đến số người tham gia sẽ đông đủ, vì số ra nhập đảng do muốn thăng tiến trước đây sợ sự có mặt sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội của họ, những người cộng sản giác ngộ thì sợ rơi vào cạm bẫy của phe khởi nghĩa. Những người khác thì e ngại Kádár János chưa chính thức tuyên bố giải tán MDP, mà bằng việc thành lập Đảng Công nhân Xã hội Hungary về mặt luật pháp và trên thực tiễn điều đó đã xảy ra. Số này coi Kádár là phần tử phản nghịch, và ông còn cảm thấy mối ác cảm của họ mãi về sau này. Có lẽ Kádár János là nhà lãnh đạo cộng sản duy nhất trong lịch sử, chỉ trong vòng một thập niên rưỡi đã hai lần giải tán đảng của mình, lần đầu là đảng KMP vào năm 1943, lần này là đảng MDP. Người ta không hiểu nổi, hoặc không muốn hiểu những lý do bắt buộc ông phải đưa ra những quyết định như vậy.

Cuối cùng có khoảng 100-150 người tới dự. Tất nhiên không thể vắng mặt anh bạn cùng thời ổ trường cao đẳng của tôi là Csongovai Per Olaf, đại diện cho nhóm khởi nghĩa phố Tűzoltó. Sau này anh ta nhớ lại trong tạp chí „Rubicon”:

„... Trong cuộc họp này Kádár không muốn nhường lời cho ai. Ông có một bài tổng kết mở đầu, và sau đó ông không muốn để ai phát biểu. Ông chỉ cho phép một mình tôi... Tôi nói chủ nghĩa cộng sản không phải là một lý tưởng, không phải là một tư tưởng cần phải thực hiện, mà là sự vận động của thực tiễn. Và phải chấp nhận điều đó để chúng ta có thể hiểu tình hình hiện tại. Giai cấp công nhân Hungary phải thành lập các ủy ban công nhân, những ủy ban đó phải giành quyền lực kinh tế và chính trị... Tôi nhớ sau cuộc họp, Kádár János đứng cùng một nhóm trong đó có Hollós Ervin và vài người nữa. Ông đưa tay vẫy tôi lại gần. Khi đó người ta đang kể cho ông nghe những gì xảy ra trên Quảng trường Cộng hòa. Ông hỏi tôi: „Anh thấy thế nào?” Tôi đáp: „Thì người ta đã đối xử với đồng chí khi đó như thế nào? Đồng chí biết đấy, người ta đã tra tấn, hành hạ hàng chục ngàn người, và bao nhiêu sự bất công đê tiện đã diễn ra trên đất này. Đây chỉ là sự ăn miếng trả miếng của những việc đó. Không thể đòi hỏi cả nước phải tha thứ cho họ như đồng chí đã làm...”.

Sau cuộc họp Kádár trở về Nhà Quốc hội, tại đây ông nhận được báo cáo của ngành đường sắt về việc các đội quân Xô-viết trên đường rút ra khỏi lãnh thổ Hung đã quay ngược lại, đang tiến về phía Budapest. Chính phủ đã phản đối việc này, và để gia tăng sức ép cho cuộc đàm phán, đã đề nghị Hungary xin rút ra khỏi khối Hiệp ước Quân sự Warszawa và tuyên bố trung lập. Kádár không phản đối những cố gắng như vậy, nhưng ông cũng không giữ kín những lo ngại của mình:

„... Chúng tôi chân thành nói với các bạn, cuộc khởi nghĩa nhân dân đã tới bước phải lựa chọn. Hoặc các đảng phái dân chủ Hungary có đủ sức mạnh để củng cố những thành quả của họ, hoặc chúng ta phải đối mặt với một cuộc phản cách mạng công khai. Máu của tuổi trẻ, của binh lính, của công nông dân không chảy để chúng ta thay thế chính quyền độc tài Rákosi bằng một cuộc phản cách mạng. Chúng ta không chiến đấu để hầm mỏ, nhà máy bị cướp đoạt khỏi tay giai cấp công nhân, đất đai bị tước đoạt khỏi tay nông dân. Hoặc phải đảm bảo những thành quả cơ bản của nền dân chủ như quyền hội họp và lập hội, quyền tự do và anh toàn cá nhân, quyền con người, hoặc chúng ta quay trở lại kiếp nô lệ cho bọn chủ cũ và cùng với nó là kiếp nô dịch cho ngoại bang”.

Quyền lực của chính phủ suy giảm đi từng giờ, tổng giám mục Mindszenty József gọi chính quyền hiện tại là chính quyền thừa kế của chế độ đã bại vong, điều này đã tiếp tục khích lệ những người khởi nghĩa. Kádár János vẫn tin rằng những cuộc tọa đàm với Liên Xô có thể giúp tránh đổ máu, nhưng những hy vọng cuối cùng đã tắt hẳn vào hồi 19 giờ 50 phút ngày 1-11, khi Nagy Imre chính thức tuyên bố trên Đài Phát thanh việc Hungary trở thành nước trung lập và ly khai khối Hiệp uớc Quân sự Warszawa.

Ghi chú (của NCTG):

(1) Tên gọi các nhân viên của AVH (cơ quan mật vụ chính trị thời cộng sản ở Hung, cuối thập niên 40, nửa đầu thập niên 50 thế kỷ trước).

(2) Quan điểm này của tác giả Moldova György trùng với quan điểm „chính thống” và được lan truyền trong khối các nước XHCN trước kia về sự biến 1956: sở dĩ Liên Xô cần can thiệp quân sự vào Hungary, một phần vì „nguy cơ phát-xít Horthy” đe dọa ở nước này. Xin tham khảo bài ký „Một chiều Chủ nhật” của Nguyễn Huy Tưởng.

Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn