Henderson kêu lên và bẻ quặt tay tôi ra đằng sau. Tôi dẫm gót lên ngón chân Henderson khiến ông ta phải để lỏng tay tôi, tôi đấm vào hạ bộ, rồi dùng cùi chỏ thượng vào đầu ông ta. Henderson lảo đảo. Lập tức tôi sấn đến chỗ ông ta, định cướp súng để tự sát tại trận ngay lúc đó. Nhưng đám lính gác đã rượt theo tôi. Đúng lúc tôi giằng khẩu súng lục của Henderson, họ giật tôi ra khỏi ông và khiến tôi không cựa quậy được.
- Đừng bắn! – Henderson thở phì phò. Tôi liếc thấy ông ôm hạ bộ, đứng dựa vào tường. – Cô ta muốn điều đó! Phải bắt sống cô ta!
Tôi biết cách làm sao thoát khỏi đám lính canh. Lại thụi vào hạ bộ người lính đang giữ tôi và ngay sau khi anh ta thả tôi ra, tôi dùng tay kia nắm lấy tóc anh ta, giật như điên về phía sau để chuẩn bị cho một đòn chí mạng. Nhưng khi vừa giơ tay lên, tôi có cảm giác như bị điện giật. Tôi ngã quỵ lập tức, cả cơ thể tê liệt. Tôi xoay người và liếc thấy một người lính canh khác, tay lăm lăm khẩu súng điện. Chưa kịp cử động, người lính thứ ba còng tay tôi ra sau lưng. Tôi bất lực!
Henderson bám tường đứng dậy. Khuôn mặt ông đỏ bừng, thở khó nhọc. Ông nhìn tôi với vẻ kinh tởm và đờ đẫn.
- Vậy là kết thúc, Mayumi ạ - ông nghiến răng. – Cô tự bỏ lỡ cơ hội cho mình rồi. - Rồi ông quay về phía một ai đó mà tôi không thấy rõ. – Hãy đưa cô ta đi. Bây giờ cô ta thuộc về người Nam Hàn rồi!
CHƯƠNG MƯỜI HAI
Chiếc xe chở tù lao vùn vụt trên đường phố Manama ra phi trường. Trời chập choạng tối. Chiếc TV trong xe đang có chương trình thời sự tối. Mặc dù nói tiếng Ả Rập, tôi vẫn hiểu rằng câu chuyện chính là về Nam Hàn.
Tôi thấy những sinh viên bịt mặt bằng mùi xoa ném bom xăng vào cảnh sát cơ động. Có vẻ những trận chiến ác liệt đang diễn ra tại phố phường Hán Thành. Cảnh tượng này càng khiến tôi tin rằng xã hội Nam Hàn là thứ xã hội phát-xít vô phương cứu chữa, và “hạ đẳng“ vô cùng so với Bắc Triều Tiên.
“Khởi đầu của kết cục là đây!” – tôi nghĩ. Vài giờ nữa, tôi sẽ bị đưa tới Hán Thành và không gì cứu nổi tôi khỏi sự dã man của chính quyền Nam Hàn.
Henderson ngồi cạnh tôi, im lặng. Tôi biết chương trình thời sự là mưu mẹo cuối cùng để tôi phải khai trước khi tôi bị đưa đi. Nghĩ lại, hóa ra tất cả những gì diễn ra trong nhà tù đều có một mục tiêu duy nhất. Khi Camilla động viên tôi chớ để bị đưa đi Hán Thành, bà đã thử những nỗi sợ hãi của tôi. Vì tôi tin rằng tôi sẽ bị tra khảo không thương tiếc ở Hán Thành, Henderson đã có khả năng sử dụng điều đó trước tôi. Tôi nhớ lại những món quà của Maria: bánh nướng, quần áo, nữ trang. Tôi ngây ngất vì cử chỉ thân thiện của Maria, nhưng đó chính là mục đích của cô ta. Ngoài ra, Maria còn mang đến cho tôi bộ quần áo thể thao: quần, áo “ba lỗ” và áo khoác, rất hợp với nhau. Ở Bắc Triều Tiên, đó là thứ ai cũng mơ ước! Trong các cửa hiệu không làm sao mua được, họa ra thì ở chợ đen. Đặc biệt là đồ quần áo ni-lông là đồ quý hiếm, và Maria đã cho tôi đúng những thứ đó. Người phương Tây hẳn sẽ thấy lạ là tại Bắc Triều Tiên, những đồ này lại mang tính biểu tượng. Năm 1987, Kim Nhật Thành tặng cho toàn dân một món quà là mọi học sinh trung học và cao đẳng đều được mua một bộ quần áo pha ni-lông. Mẹ tôi cũng tất bật để mua cho Bamso, nhưng ít lâu sau em đã qua đời. Mẹ biết con bà không sống được bao nhiêu nữa nên muốn để cậu được hạnh phúc. Bamso bị quyến rũ bởi món quà, em để bộ quần áo ở đầu giường để có thể chạm vào nó bất cứ lúc nào. Em mỉm cười với mẹ, vẻ hàm ơn, mỗi khi tỉnh lại giữa hai lần bất tỉnh nhân sự. Bamso đã ra đi trong khi vẫn ôm bộ quần áo! Không bao giờ em được mặc nó…
Tóm lại, khi Maria mang cho tôi đúng loại quần áo ấy, cố nhiên tôi đã biết ơn cô. Đồng thời, tôi đã tính đến chuyện chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ bị tử hình và tôi cho rằng bộ quần áo là cử chỉ cao thượng cuối cùng trước khi tôi lên đoạn đầu đài. Ở vào một hoàn cảnh như thế, tôi luôn phải phân tích những “ý đồ’ của những kẻ giam giữ tôi, nhưng mỗi khi tôi muốn suy nghĩ một cách tỉnh táo và khách quan, nhiều khi tôi bị cuốn vào sự bối rối của tình cảm.
Trong xe tù, tôi ăn vận bộ quần áo đó và như thế, tôi sẽ xuống xe tại Hán Thành khi vẫn mặc nó, tôi nghĩ vậy. Lúc ấy, tất cả có vẻ như đều rất mang tính biểu tượng.
Trên xe, ngoài 4 người lính, còn có Maria. Cô hay nhìn tôi vẻ thương cảm, nhưng lặng thinh. Chúng tôi đã không còn gì để nói với nhau, mặc dù tôi muốn cám ơn cô đã thân thiện với tôi. Khi tôi được các y tá mặc quần áo – tôi thấy họ như sắp khóc -, Maria đứng gần đó, gương mặt vô cảm. Hẳn là cô thất vọng vô cùng về tôi, nhưng theo tôi cô hiểu được tôi phần nào…
Sau “sự cố” tại nhà tù, đám lính gác đã không còn tử tế với tôi nữa. Khi xe đến, họ lôi tôi ra ngoài và tống tôi lên xe một cách thô bạo. Tôi thấy còn có hai xe cảnh sát chạy sau, như thế, tôi rời Bahrein với cả một “đoàn” hộ tống!
Khi chúng tôi ra tới phi trường thì trời đã tối. Chúng tôi ra thẳng cửa ra để lên máy bay, giữa những hàng thiết bị bảo dưỡng vì đèn chỉ đường. Khi nghe thấy tiếng động cơ máy bay, tim tôi bắt đầu loạn nhịp, tôi toát mồ hôi lạnh. Thế là hết!
Trần Lê chuyển ngữ - Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn