KÁDÁR JÁNOS (20)

Thứ sáu - 09/11/2007 22:28

(NCTG) Những nước cờ như vậy chỉ có thể được tính đến như những sự hăm doạ mang tính chiến thuật, không một chính khách nào thực sự tin tưởng chúng có thể được thực hiện. Đã từng lưu vong nhiều năm ở Liên Xô, sau khi quay về Hungary, Nagy Imre cũng thừa hiểu khuynh hướng chính trị và cách suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Moscow.

Quan tài tại Nghĩa trang Új köztemető (1-11-1956) - Ảnh tư liệu của Nagy József

Ông phải biết rõ rằng ở Yalta và sau này ở Potsdam những người đứng đầu các cường quốc: Churchill, Stalin, Roosevelt (sau đó là Truman) đã chia Âu Châu thành các khu vực theo lợi ích của họ. Phần phía Đông - trừ Hy Lạp - thuộc về quyền định đoạt của Liên Xô, trong thực tế không có thời hạn, Hungary nằm trong số này. Phương Tây không quan tâm đặc biệt tới số phận các quốc gia Đông Âu, người ta nói sự phân chia chúng được ghi chép trên một tờ giấy ăn trong bữa trưa.

Tình trạng đó đã tồn tại hơn một thập kỷ và không một dấu hiệu nào cho thấy nước Anh và Hoa Kỳ, vào cái năm 1956 đang khốn khó vì cuộc khủng khoảng kênh đào Suyez, muốn giải phóng một nước chư hầu (Xô-viết). Bất quá họ chỉ thông qua những buổi phát thanh của đài „Châu Âu Tự Do”, hoặc qua các phương tiện tuyên truyền khác tạo cho những thính giả „sau tấm màn sắt” ảo tưởng như vậy. Chưa bao giờ họ có ý muốn điều phái tới - dù chỉ một người lính - để giúp cuộc khởi nghĩa Hungary, cũng như sau này, vào năm 1968, họ không hề có ý định can thiệp vào phong trào đấu tranh đòi tự do ở Tiệp Khắc.

Theo những nghiên cứu mới nhất thì sau những lời hứa hẹn „giải phóng Đông Âu” không hề có một hành động thực tiễn nào. Những người vẫn còn tin vào „công việc hậu trường” của tình báo Mỹ chắc hẳn không thể ngờ „trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng năm 1956, CIA có duy nhất một điệp viên đang ở trên đất Hungary, đó là một nhân viên sứ quán biết tiếng Hung, mà vì một chức vụ khác không thể rời khỏi ngôi nhà sứ quán” (Charles Gati).

Giáo sư Kopátsy Sándor viết trong cuốn sách của ông:

„... Ngay cả sau những vụ phản bội trầm trọng nhất, Phương Tây cũng không thú nhận sự vô vọng của cuộc đấu tranh tự do của các dân tộc Phương Đông. Tốt hơn cả họ chỉ đóng vai trò kẻ gia ơn ... Đài phát thanh của họ kêu gọi (những người khởi nghĩa) tiếp tục chiến đấu, trong khi qua đường ngoại giao họ lại thông báo với các nhà lãnh đạo Liên Xô rằng họ coi phương thức giải quyết vấn đề là chuyện nội bộ (của khối Đông Âu)”.

Kopátsy coi quan hệ Liên Xô - Phần Lan làm một ví dụ thực tế đáng suy ngẫm:

„... Ngay từ đầu người Phần Lan biết số phận của họ đã được định đoạt ở Yalta. Chính vì vậy Đảng Bảo thủ Phần Lan và vị chủ tịch đại tư sản của đảng đã gặp Stalin trước nhất, đề nghị Stalin cho biết ông chờ đợ gì ở họ. Stalin thích cách sử sự của họ, và ông đã ra các điều kiện. Hãy tự coi họ (Phần Lan) trực thuộc khu vực lợi ích Xô-viết, và hãy tiến hành chính sách đối nội, đối ngoại, thương mại phù hợp với điều đó. Ngoài ra, Liên Xô sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Lời hứa này không chỉ Stalin, mà cả những người kế nhiệm ông cũng đã giữ trong những giới hạn nhất định. Ngay từ đầu sự chấp nhận các sự kiện đã đảm bảo cho Phần Lan những khả năng to lớn về mặt chất lượng so với những nước chư hầu khác [của Liên Xô - ND].

... Các lực lượng dân sự và chính trị của các quốc gia chư hầu sau này đều coi Phương Tây là đồng minh, hoặc họ không biết tới những nội dung liên quan đến họ trong Hiệp ước Jalta, hoặc họ không muốn chấp nhận chúng và thử chống lại những ảnh hưởng Xô-viết”.

Vào những ngày cuối tháng Mười - đầu tháng Mười Một năm 1956, không thể thuyết phục Nagy Imre chấp nhận ý tưởng thỏa hiệp với Liên Xô. Ông đã cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố hay chưa? - Câu trả lời còn dành cho các sử gia. Nếu một quá trình đã bắt đầu, tất yếu nó sẽ vận động đến tận cùng. Nagy Imre đã tự khép mình không chấp nhận những khả năng thực tế, ông và những quân sư của ông đã lúng túng trong một không gian tự tạo trống rỗng, ông nhất thiết phải đi tới một quyết định ít nhất là mạo hiểm như thế. Nhìn nhận một cách khách quan, nếu muốn giữ được vị trí, ông không thể làm khác, nếu ông thử đi đến thỏa hiệp, thì phong trào khởi nghĩa đang ngày một quá khích sẽ lật đổ ông chỉ trong vài ngày. Theo Kádár János thì không thể trụ nổi trong vòng một tuần. Tiến sỹ thần học Szántó Konrád viết:

„Vì nhiều lý do, vị trí của Nagy Imre sau khi đoạn tuyệt với Moscow rất bấp bênh. Ông chỉ đứng đầu một chính phù lâm thời không có bộ máy nhà nước hữu hiệu, không có quân đội mạnh và không dựa vào một chính đảng công nhân có quần chúng đông đảo hậu thuẫn...”

Với tư cách Bộ trưởng Nhà nước và lãnh đạo đảng MSZMP mới thành lập, tất nhiên Kádár János theo dõi sát diễn biến tình hình, nhưng ông không có cách nào tác động đến những diễn biến đó. Về mặt uy tín, ông không thể so với Nagy Imre, trừ một vài người thân tín, đứng sau ông không có lực lượng xã hôi hoặc quân sự nào. Cánh hữu thì thù ghét, coi ông là một người cộng sản kiên định, đa số những người cộng sản nhìn ông như một kẻ phản bội. Ông không hề nghĩ tới việc mình sẽ thế chân Nagy Imre - không chỉ tương quan lực lượng không cho phép ông làm điều đó, mà bản thân ông cũng không mơ ước tới đỉnh cao quyền lực.

Kádár lo ngại một cuộc tiếm quyền từ cánh hữu hơn, ngày 31 tháng Mười những người khởi nghĩa đã đòi đưa Hồng y Giáo chủ Mindszenty lên đứng đầu chính phủ. Cũng từ cuốn sách của Dr. Szántó Konrád mà chúng ta biết Phương Tây ủng hộ cố gắng này: „Họ đã chỉ đạo đài Châu Âu Tự Do đưa ra khẩu lệnh ”build up Mindszenty”, đề cao Mindszenty, đưa ông lên đỉnh cao quyền lực”.

Kádár thường chia sẻ những lo ngại của mình với Münnich Ferenc, người rất từng trải và hơn ông 25 tuổi. Münnich tỏ ra là người đủ bản lĩnh để đánh giá tình hình, trước đây ông đã từng tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha trên cương vị một sĩ quan cao cấp, rồi lưu vong sang Moscow. Sau giải phóng về nước, Münnich từng là cảnh sát trưởng, rồi giữ nhiều chức vụ ngoại giao, có thời kỳ làm Đại sứ ở Moscow. Từ ngày 26 tháng Mười năm 1956, ông giữ chức bộ trưởng Nội vụ, và cũng tham gia vào công việc của Ủy ban Điều hành Lâm thời. Ông liên tục giữ liên lạc với đại sứ Liên Xô tại Budapest là Andropov.

Họ có nhiều cuộc đàm đạo kéo dài, không rõ ai là người nêu ý tưởng phải đoạn tuyệt với Nagy Imre, sau này Kádár cũng không kể lại chi tiết chuyện này:

„... Tôi và đồng chí Münnich quyết định ra khỏi chính phủ và tìm một giải pháp có thể ngăn chặn quá trình bi thảm đang diễn ra và thảm họa đang tới gần...”

Ngày 1 tháng Mười Một, Kádár quyết định ra đi, khi đó có lẽ ông còn chưa biết chắc những mục tiêu thực tế của mình, ông chỉ muốn trao đổi với Münnich Ferenc một lần nữa. Những việc xảy ra sau đó được các nguồn tài liệu ghi nhận rất khác nhau, tôi dựa trên lời kể cua Ribánszki Robert, thư ký riêng cua Kádár sau này.

Theo đó Kádár János cho gọi xe riêng từ bãi đỗ xe Nhà Quốc hội, do người tài xế riêng mà ông rất quí mến là Mocsár „Csibu” lái, không đem theo vệ sĩ riêng. Để tránh bị nghi ngờ ông không mang theo áo khoác ngoài, chỉ mặc veston. Ông cho dừng xe ở góc đường Andrássy (khi đó là đường „Thanh niên Hungary”) và lệnh cho tài xế tắt đèn. Kádár ra khỏi xe và sang bên kia đường, một chiếc xe khác không bật đèn đã chờ sẵn. Ông ngồi vào xe và chiếc xe nhanh chóng xuất phát.

Moczár chờ trong mấy phút, hy vọng Kádár sẽ quay lại, nhưng không thấy gì, anh ta liền đánh xe quay về bãi đỗ. Lát sau Nagy Imre cho gọi người tài xế: „János đâu?” Người tài xế thuật lại tình đầu, nhưng Nagy Imre nghe với vẻ thờ ơ, rồi ông bảo nhân viên báo cho ông biết khi Kádár quay về. Từ đó trở đi ông hầu như không hề quan tâm tới việc ông bộ trưởng Chính phủ đang ở đâu.

Không ai biết điều gì đã xảy ra với Kádár, có nhiều giả thuyết được đưa ra: ông đã bị lừa và bị bắt, hay ông đã trốn khỏi Nhà Quốc hội để đến với quân đội Xô-viết. Những người quanh Nagy Imre cho rằng giả thuyết thứ hai có thể hiện thực hơn. Bà vợ Kádár cũng không biết chồng biến đi đâu, bà tới Nhà Quốc hội tìm rồi nghỉ lại đó qua đêm để chờ tin tức ông.

- Chồng tôi thì mất dạng, mà tôi thì họ không cho ra khỏi đây, - bà nói. – Nếu János về, ông ấy sẽ từ bỏ chính trường, tôi chỉ cho ông ấy làm vườn thôi.

Bà có đủ lý do để lo ngại, vì Mező Imre - người bạn gần gũi của họ - vừa chết cách đó vài giờ, biết đâu chồng bà chẳng chịu chung số phận. Bà không tin vào Nagy Imre, vì vậy bà đã bỏ trốn khỏi Nhà Quốc hội và ẩn tránh ở nhà một số người quen, trong đó có người chồng trước là Róma Ottó.

Trong khi đó Kádár tới gặp Münnich, ông này thông báo: Andropov yêu cầu họ tới Đại sứ quán Liên Xô. Sau này Andropov kể lại với Aczél György:

„... Thế là chúng tôi ôm chầm lấy đồng chí János của chúng ta, đồng chí Kádár của các đồng chí. Tôi bảo: bây giờ đồng chí phải quyết định, ai sẽ là người tới đây, ai sẽ thâu tóm mọi việc...”

Sau cuộc nói chuyện, cho tới nay cũng chưa rõ do bị ép buộc hay tự nguyện, Kádár János đã ngồi vào một chiếc xe quân sự Xô-viết. Andropov không cho ông gửi lời nhắn cho vợ. Kádár rất bực mình vì chuyện đó.

Xe đưa ông tới sân bay quân sự Xô-viết ở Tököl [ngoại vi phía Nam thủ đô Budapest-ND]. Có lẽ Đại sứ quán đã không thông báo đầy đủ cho căn cứ không quân này, vì đón Kádár và các đồng chí của ông tại sân bay chỉ có vài viên sĩ quan cấp thấp, không hiểu những người mới tới muốn gì và thậm chí chẳng buồn tiếp chuyện với họ.

Họ được đưa lên một chiếc máy bay loại nhỏ, không có cả thiết bị sưởi ấm, họ lạnh cóng trong những bộ quần áo mỏng. Họ hạ cánh xuống Munkács và từ đó được đưa tới Ungvár (đều thuộc đất Ukraina), thủ phủ của khu vực, tại đây họ được người giao phụ trách đặc vụ này là Brezhnev đón tiếp. Khi đó Brezhnev chưa thuộc hàng những yếu nhân trong lãnh đạo Liên Xô, và ông cũng không được phép thông báo những thông tin cụ thể cho họ.

 „Ở đây có lẽ chúng tôi chỉ có đủ thời gian để ăn một lát bánh mỳ quệt mỡ”- Kádár kể lại. Sau đó ông và Münnich được đưa lên hai máy bay riêng, bay đi Moscow.

Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn