KÁDÁR JÁNOS (22)

Thứ hai - 26/11/2007 22:05

(NCTG) „Ngày 4-11-1956, 6 giờ Moscow, tức 4 giờ sáng giờ Hungary, khẩu lệnh „Sấm rền” vang lên, mở đầu chiến dịch quân sự mang mật danh „Gió xoáy”. - Sử gia Horváth Miklós viết như thế về cuộc tấn công của Liên Xô vào thủ đô Hungary. - Các phân đội và những lực lượng chính của các sư đoàn trực thuộc Quân đoàn Đặc nhiệm được chỉ thị tiến chiếm các mục tiêu nhất định, đã đè bẹp sức kháng cự của các bộ phận quân khởi nghĩa đóng ở vùng ven đô, tràn vào Budapest từ nhiều hướng khác nhau lúc 5 giờ sáng. Ở ngoại tỉnh cuộc tấn công cũng bắt đầu với sự tham chiến của các bộ phận của 17 sư đoàn - 8 chiến xa, 2 pháo binh, 2 phòng không, 2 không quân, 2 dù - tổng cộng 60 ngàn quân...”

Budapest hoang tàn trong sự biến 1956 - Ảnh tư liệu

Cũng Horváth Miklós đã trích dẫn báo cáo của nguyên soái Zsukov về chiến dịch này:

„... Rạng sáng ngày 4-11, các đại đội chiến xa của chúng ta đã được điều điều động tới các sân bay, chiếm lĩnh các đường băng lên xuống, tháp pháo đưa các máy bay vào tầm ngắm và sẵn sàng nã đạn vào bất cứ chiếc máy bay nào định cất cánh.

Chúng ta đã chiếm hết các đài phát thanh và trung tâm thông tin, tất cả các phương tiện (thông tin) trong nước và quốc tế. Chúng ta đã bao vây dinh thự của các tướng lĩnh, các doanh trại quân sự (bộ trưởng Quốc phòng Maléter Pál và bộ sậu của ông đã bị lừa vào bẫy và bị bắt - M.Gy.), Những nhân vật chủ chốt của Bộ Quốc phòng đã bị bắt từ nửa đêm để vô hiệu hóa khả năng tổ chức phòng ngự.

Các đơn vị quân đội Hungary, pháo phòng không, chiến xa đã bị quân ta bao vây từ mọi phía và Chính phủ cùng các cơ quan khác đã bị phong tỏa.

Quân đội Hungary là một đội quân mạnh, có 120 ngàn người, khoảng 700 chiến xa, 5 ngàn đại bác, vài sư đoàn không quân và trung đoàn. Lính Hungary không tồi, điều này thì chúng ta đã biết qua kinh nghiệm Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến. Quân đội ấy đã đã chấm dứt tồn tại trong vòng 5 phút.”

Với sự vô hiệu hóa các đội quân chính quy, lực lượng phản kháng chỉ còn lại số vệ binh dân tộc (nemzetőrök) và những nhóm khởi nghĩa, số lượng trên cả nước chưa tới ba ngàn người. Họ không có vũ khí hạng nặng, thiết xa, chỉ cò vài toán hoặc đội quân cơ động lập ra vội vàng, có thể cầm cự trong chốc lát. Cơ hội chiến thuật duy nhất của họ ở chỗ một thành phố hay một khu vực nào đó chỉ có thể chiếm đóng bằng các đơn vị bộ binh, nhưng quân Liên Xô trước mắt chỉ tấn công bằng thiết xa.

Lúc 5 giờ 20 phút ngày 4-11, Đài phát thanh Kossuth phát đi lời tuyên bố của Nagy Imre, ngày nay đã được đưa vào tất cả những cuốn sách lịch sử viết về sự kiện này:

„Đây là tiếng nói của Nagy Imre, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Hungary. Sáng sớm ngày hôm nay các đội quân Xô-viết đã tấn công vào thủ đô của chúng ta, với ý đồ rõ ràng là muốn đánh đổ chính phủ hợp pháp Hungary. Các đội quân của chúng ta đang chiến đấu. Chính phủ vẫn đứng vững. Tôi xin thông báo điều này với quốc dân và dư luận quốc tế”.

Thông báo này không phản ảnh đúng tình hình thực tế, không hề có những đơn vị đang chiến đấu và chính phủ cũng chỉ còn tại vị một thành viên: đó là Bibó István, bộ trưởng Nhà nước, đang ngồi đánh máy một bản qui hoạch dài hạn, những người lính Xô-viết ập vào kinh ngạc nhìn ông như một kẻ tâm thần. Những người khác chỉ trong vòng nửa tiếng đã chạy vào ĐSQ Nam Tư xin tị nạn. Vào buổi trưa, nguyên soái Zsukov đã báo cáo: „Tất cả các thành viên của Chính phủ phản cách mạng Nagy Imre đã bỏ trốn. Cuộc truy tìm số này đang được tiến hành”.

Người có ít nhiều hiểu biết về lịch sử Hungary thế kỷ XX có thể nhớ lại nhiều bản tuyên bố tương tự, từ Ferenc József qua Horthy Miklós tới Antall József và những „chính khách cứu nước - cứu dân” hiện thời. Phía sau sự hùng hồn giả tạo thiếu sự đánh giá đúng thực chất tình hình, hoặc ẩn chứa ý đồ lừa mị của người tuyên bố. Từ bài nói của Nagy Imre, nhiều người cho rằng cuộc chiến đấu vũ trang vẫn còn ý nghĩa. Những người đó đã ngã xuống hàng loạt, tôi đã tận thấy những xác chết trên đường phố, cổng ra vào các tòa nhà, các công viên... Phần lớn trong tổng số hơn hai ngàn người hy sinh trong cuộc khởi nghĩa, đã ngã xuống trong giai đoạn này.

Đã nhiều lần người ta nhấn mạnh rằng máu của các anh hùng đổ xuống cho tương lai, tôi không thích cách nói như vậy. „Về mặt con người tôi hết sức kính trọng những người anh hùng, những người không từ bỏ lý tưởng ngay cả trong hoàn cảnh vô vọng, - Kopátsy Sándor viết - nhưng nếu tránh được cho dân tộc những nhà lãnh đạo như thế vẫn tốt hơn. Nagy Imre đã làm dài thêm danh sách những người anh hùng mà đường dẫn đến giá treo cổ được lát bằng chính sự ấu trĩ của họ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Münnich Ferenc đã tham gia cuộc phong tỏa Budapest cùng các đơn vị quân đội Liên Xô. Trước mắt Kádár János còn ở lại Szolnok, ông có nhiệm vụ tổ chức hoạt động của chính phủ mới.

„... Chỉ có thể lập lại trật tự từng bước một, - ông nhớ lại - trong những ngày hỗn độn đó, có khi một lúc hai tờ báo của Trung ương đảng ra đời, một ở Budapest –sau trở thành tờ „Tự do Nhân dân” (Népszabadság) do Fehér Lajos làm TBT - một tờ nữa ở Szolnok - lấy tên là „Nhân dân Tự do”(Szabad Nép) do Berei Andor và Andics Erzsébet biên tập”.

Đêm 6-11, Kádár János cùng vài bộ trưởng lên đường về Budapest, có các chiến xa Liên Xô hộ tống. Tới đâu họ cũng thấy ngổn ngang cảnh chiến trận, vì lý do an ninh, những hoa tiêu Xô-viết dẫn đoàn xe đi qua những phố nhỏ, mãi sáng sớm ngày 7-11 bầu đoàn mới về tới Nhà Quốc hội.

Quyền lực của Kádár khi đó không vượt quá tầm bắn của các xe tăng Xô-viết, tuy ngoại trừ các cuộc đụng độ nhỏ, cuộc chiến đã kết thúc, nhưng vẫn còn những nhóm khởi nghĩa lẻ tẻ có sức chiến đấu, bất cứ lúc nào cũng có thể manh động. Nếu trở vế ngôi nhà cũ trên phố Cserje, không ai có thể bảo đảm an toàn cho Kádár. Chỉ có Nhà Quốc hội là nơi an toàn nhất, vì trên quảng trường Kossuth phía trước tòa nhà dày đặc các thiết xa Xô-viết.

Kádár làm việc trong một căn phòng trong Nhà Quốc hội, thậm chí người ta bố trí chỗ ở tại chỗ cho ông. Bà vợ Kádár không rời ông trong suốt thời gian này, bà chọn một căn phòng có các cửa sổ trông hết vào sân trong, như vậy không ai có thể nhìn thẳng vào phòng. Thậm chí bà còn cho lắp khoá riêng và cắt cử các vệ sĩ người Hung canh gác.

Theo Huszár Tibor, quyền lực thực tế nằm trong tay lực lượng chiếm đóng Liên Xô. Họ chia đất nước thành các khu quân sự, người của họ nắm giữ việc điều hành ít nhất là các nhiệm vụ về mặt hành chính và an ninh.

„Đầu tháng Mười Một, một loạt quan chức cao cấp Liên Xô tới Budapest và lưu lại hơn một tháng: Malenkov - ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, hai bí thư Trung ương đảng là Shuslov và Aristov... Không có gì quá đáng khi khẳng định rằng trong giai đoạn rối ren này của lịch sử, Malenkov và những đồng sự của ông đã điều hành đất nước Hungary”.

Xung quanh Kádár János, ngoài vài nhân viên quyét dọn và mấy vệ sĩ, gần như không có người Hung, ông thiếu hẳn bộ máy thích hợp, và không thể trông đợi nhiều vào sự giúp đỡ của dân chúng. Những người có đầu óc dân tộc, đặc biệt số theo cánh hữu thù ghét ông tận xương tủy, họ coi ông là kẻ đã dìm cuộc khởi nghĩa trong máu, ngay cả cánh tả cũng nhìn ông hoài nghi, như một người đã hai lần giải tán Đảng Cộng sản.

Kádár cũng không mấy tin tưởng vào những nhân viên AVH cũ đã cùng tham chiến với quân đội Liên Xô, nay đang đòi được quyền lợi. Ông chưa thể quên những cuộc tranh luận với họ, những năm tháng ngồi tù trên phố Conti. Ông đã có bài học phải kiểm soát chặt chẽ và kìm cương các lực lượng bảo vệ nội bộ, ngược lại họ có thể lộng quyền và bất chấp luật pháp. Ông cũng ít cảm thấy sự hậu thuẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ - mà trong đó đặc biệt là khối công an.

Moldova György- Giáp Văn Chung lược dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn